NSND Quý Dương và chuyện làm giám khảo
NSND Quý Dương là một giọng ca lừng danh, là thầy của nhiều thế hệ học trò (trong đó có nhiều người thành danh), là người đầu tiên đóng các vai chính của nền nhạc kịch (opéra) non trẻ của Việt Nam thì nhiều người đã biết rõ. Nhưng còn nhiều chuyện liên quan đến nghề nghiệp của ông thì không phải ai cũng tường tận. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói đến chuyện làm giám khảo của ông.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đứng đầu một cơ quan văn hóa ở Hà Nội chuyên chăm lo đời sống tinh thần của quần chúng Thủ đô, trong đó có việc thường xuyên tổ chức các hội diễn văn nghệ dành cho lực lượng không chuyên.
Về lĩnh vực ca, múa, nhạc, bao giờ tôi cũng mời NSND Quý Dương tham gia Ban Giám khảo bởi trước hết ông là ca sỹ thượng thặng, có bề dày ca hát và hiệu quả biểu diễn đầy sức thuyết phục. Điều quan trọng nữa là ông có nhân cách đáng trân trọng, làm việc luôn nghiêm túc và rất công tâm, khách quan trong thẩm định các tiết mục - điều cực kỳ cần khi “cầm cân nảy mực” các thí sinh.
Đời thường, Quý Dương là người rất giản dị, thậm chí xuề xòa, đại khái. Ông dễ dãi trong mọi sinh hoạt, vui vẻ, chan hòa với tất cả mọi người nên rất dễ gần, khiến ai tiếp xúc cũng quý mến. Sớm nổi tiếng từ lúc còn rất trẻ bởi hàng loạt ca khúc của các nhạc sỹ lớn như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Huy Du… được ông hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng Quý Dương không bao giờ có biểu hiện gọi là bệnh “sao” như một số ca sỹ trẻ thời nay dẫu không có thực tài, chưa là gì đã sớm “chảnh”.
Tôi nói với người cán bộ này là Quý Dương rất dễ gần. Anh ấy tài năng lừng lẫy nhưng bình dị, ai tiếp xúc cũng được nên chắc chắn sẽ nhận lời, chỉ cần không vướng công việc vì thời gian đó, ông đang là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Nhưng nói thế nào ngưởi cán bộ này cũng vẫn ngại nên tôi đành đến gặp Quý Dương.Lần đầu tiên, khi tôi nói cán bộ chuyên môn đến tìm ông để mời làm giám khảo thì họ ngại, cho rằng ông quá nổi tiếng, có tầm cỡ lớn, phải đích thân thủ trưởng đến mời mới được. Thêm nữa, mình lại làm hội diễn không chuyên chứ không phải là chuyên nghiệp. Một điều tế nhị là cơ quan tôi không thể có điều kiện trả thù lao cao, xứng với tầm cỡ của các thành viên giám khảo - toàn các nhạc sỹ và ca sỹ tên tuổi.
Sau khi tôi ngỏ lời mời, Quý Dương nói luôn: “Tưởng San đến chơi với mình chứ nếu chỉ đến để mời làm giám khảo thì sao không cử cán bộ đến, để “sếp” phải đến cho mất thì giờ?”. Tôi nói rõ nguyên nhân như đã nói trên, ông nói luôn: “Nhiều khi người ta cứ đề cao mình quá hóa thiệt. Nhiều quận, thậm chí là phường như nơi mình cư trú đây biết rõ có mình mà khi hội diễn, họ cứ mời giám khảo ở nơi khác, chứ không “ới” mình trong khi mình rất muốn tham gia. Không phải cần tiền bồi dưỡng mà mình cần đắm mình vào phong trào quần chúng, cần biết rõ sự phát triển của phong trào ra sao”.
Ông nói rất thật lòng. Minh chứng là sau một lần làm giám khảo tại một hội diễn xong, ông nói với tôi: “Rất nhiều giọng hát hay, quý nhưng các em nó hát còn bản năng. San tổ chức họ đến, mình tập huấn cho vài buổi, giúp họ khắc phục nhược điểm này. Mình sẽ giúp vô tư, miễn thù lao”. Ngay sau đó, nghe lời ông, tôi cho triển khai việc này. Tất cả là 10 buổi. Và ông đã giữ đúng lời, kiên quyết không nhận một đồng thù lao mặc dù tôi ra sức thuyết phục ông hãy nhận vì còn nhờ đến ông nhiều. Ông nói: “Chỉ cần mình sắp xếp được thời gian, còn thì bất cứ lúc nào các bạn nhờ, mình sẽ đáp ứng”.
Như trên đã nói, Quý Dương cực kỳ bình dị ở cuộc sống đời thường. Nhưng trong công việc, đặc biệt là làm giám khảo, ông lại rất nghiêm túc. Những lần Hội diễn toàn thành phố phải diễn ra trong suốt 2 - 3 ngày liền, vị chi là gần chục buổi (cả tối), dĩ nhiên là giám khảo làm việc căng thẳng. Nhưng riêng Quý Dương bao giờ cũng theo dõi các diễn viên hát rất chăm chú. Trong suốt thời gian họ hát, hầu như ông không cựa quậy, trao đổi với ai điều gì vì phải tập trung cao độ để nghe.
Có lần tôi ngồi bên cạnh nói gì đó với ông, ông không đáp lại, như là không biết tôi nói. Chỉ đến khi họ hát hết, cho điểm xong, có một hai phút chuyển tiếp sang tiết mục khác, ông mới tranh thủ giao lưu. Một vài thành viên giám khảo khác có thói quen chỉ tập trung nghe diễn viên hát vài câu, một lần là cùng rồi cho điểm vì nghĩ chỉ cần như vậy là đủ biết, không cần phải nghe hết bài.
Quý Dương không bao giờ như vậy, dù nghe nhiều, có “căng” đến đâu ông cũng rất nghiêm túc nghe hết bài, bởi ông cho rằng: “Nhiều khi, lúc đầu diễn viên có thể hát hay nhưng đến phần sau mới để lộ nhược điểm, hoặc khi kết bài, nếu hát lên cao có thể sẽ lạc giọng, chênh, “phô” thì cho điểm từ đầu rõ là không thể chính xác”.
Về sự nghiêm túc, trách nhiệm ở tư cách giám khảo, có một chuyện thật vui khiến tôi nhớ mãi. Có một tốp ca nữ hát bài “Mùa xuân từ những giếng dầu” của Phạm Minh Tuấn. Các bạn nữ hơi vô ý khi vận quần Jean màu trắng nhưng hơi mỏng và chật, áo màu đỏ khoét rộng cổ bó sát vào người. Bạn nào cũng trẻ trung, nõn nà, mượt mà khá bắt mắt. Bài này được tác giả sáng tác theo phong cách nhạc nhẹ (extrade) đòi hỏi sự trình diễn bốc lửa.
Vào câu đầu của bài, yêu cầu hát vocaliser - tức là chỉ xướng nhạc không có lời: “hú há hà hà ha há ha…”. Các bạn vừa hát vừa nhảy, quay, lắc mông khá điệu nghệ (có biên đạo múa dàn dựng). Cả hội trường sôi động, có vẻ rất thích thú, tán thưởng tiết mục này. Quý Dương - với tư cách Trưởng Ban Giám khảo - quay sang nhắc tôi và nhạc sỹ Thuận Yến: “Đề nghị hai nhạc sỹ Thuận Yến và Nguyễn Đình San nghe kỹ, chứ đừng thiên về nhìn”.
Cuối buổi hôm ấy, điểm của tốp nữ này được các thành viên giám khảo cho rất khác nhau. Tôi và Thuận Yến cho 9, trong khi Quý Dương và một hai vị cho 8. Có vị cho 7. Tốp nữ này đạt được hiệu quả sân khấu nhưng riêng phần hát bè bị lạc nên điểm không cao.
Bao giờ Quý Dương cũng đến hội diễn trước các thành viên giám khảo khác. Nhưng riêng lần ấy, không hiểu sao khi người hát đầu tiên đã cất giọng và hát xong một lần, đang dạo nhạc giữa chừng để tiếp lần thứ hai thì ông mới xuất hiện. Khi thư ký giám khảo lên bảng điểm thì không có điểm của Quý Dương.Khi tôi chủ trương mời Quý Dương làm Trưởng Ban Giám khảo, có người nói với tôi rằng ông có rất nhiều học sinh tham gia hội diễn, sẽ không thể khách quan khi chấm. Tôi khẳng định ông không bao giờ như vậy mà ngược lại, luôn vô tư, khách quan, minh bạch. Một lần, một học trò của ông sau khi hát chỉ đạt điểm thấp. Cô ta có vẻ “nhõng nhẽo” với thầy như có ý trách thầy không nâng đỡ. Quý Dương nói với cô ta: “Tôi mà cho em điểm cao thì em sẽ thỏa mãn, sẽ vui nhưng sẽ không bao giờ tiến được. Không lẽ em mong như vậy?”.
Ông nói: “Cô gái này là học trò của tôi nên tôi rất rõ khả năng của cô ấy. Nhưng khi tôi đến, cô đã hát được một nửa. Tôi không biết trước đó thế nào nên không thể cho điểm”. Và kết quả của diễn viên này đã không có điểm của người thầy dạy mình. Sau đó, cô này nói với tôi là rất nể tinh thần làm việc như vậy của thầy Dương. Thầy luôn cẩn trọng và giữ sự công minh, không lẫn lộn tình cảm cá nhân trong việc chấm giải hội diễn.
Thường thì bất cứ một hội diễn văn nghệ nào cũng tập trung vào những chủ điểm nhất định như hát về Tổ quốc, quê hương, đất nước, Đảng, lãnh tụ, tuổi trẻ v.v… tùy theo các dịp kỷ niệm, ngày lễ. Quý Dương đã đưa ra ý kiến: “Cần ưu tiên bằng việc cho thêm ½ điểm đối với các thí sinh hát bài hát ra đời thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ để khuyến khích lớp trẻ hôm nay biết trân trọng những tác phẩm rất có giá trị trong quá khứ mà họ dễ không biết hoặc lãng quên”. Tất cả đồng tình.
Một lần, có một diễn viên còn rất trẻ, chỉ chừng 20 tuổi tham dự với bài “Áo mùa đông” của Đỗ Nhuận (“Gió bấc heo may xào xạc rung cây lá lá cây…”). Cô ta hát sai một hai nốt nhạc so với tác phẩm gốc của tác giả. Vậy nên mọi người cho điểm không cao.
Riêng Quý Dương cho 9 điểm. Mọi người nói vì cô ta hát sai vài chi tiết nên không thể cho 9. Nhưng vẫn được cộng thêm ½ điểm ưu tiên theo quy định. Ông thuyết phục Ban Giám khảo: “Cô bé còn trẻ như vậy mà hát rất đúng với tình cảm tác giả biểu hiện trong bài, mặc dù chẳng biết gì về bối cảnh lúc đó. Vậy ta có thể châm chước một đôi chỗ hát không chuẩn nốt vì có thể cô ta học qua truyền khẩu chứ không từ văn bản gốc của tác giả”.
Chẳng những là một ca sỹ lớn, NSND Quý Dương còn để lại những bài học quý báu đối với phong trào ca hát của quần chúng mà việc làm giám khảo là một trong những minh chứng cho phẩm chất ấy của ông.
Nguyễn Đình San(vnca.cand.com.vn)