Xứ Quảng hơn 470 năm trước
Ảnh: TUẤN LÊ |
Trong bạt ngàn cuốn sách đã lọt vào tầm mắt, thật lạ, khi đọc Ô châu cận lục của tiến sĩ Dương Văn An, tôi lại nhớ lan man đến đôi điều.
Rằng, đọc sử của một đất nước, nếu chỉ đọc phần chính sử thì ta sẽ không rõ sinh hoạt, đời sống bình thường của người dân thuở ấy. Điều này chỉ có thể khắc phục được khi ta được đọc những trang gia phả của từng dòng họ, mà qua đó, những con người cụ thể gắn với những số phận thăng trầm sẽ góp phần không nhỏ để bổ sung cho chính sử. Với suy nghĩ này, thiết nghĩ, để hiểu lịch sử của một đất nước không thể không đề cập đến lịch sử của từng địa phương. Chính những trang sử của từng địa phương sẽ khắc họa, bổ sung cho diện mạo của lịch sử một đất nước.
Suy nghĩ này thật ra từ hàng ngàn năm trước người xưa đã nói đến, chẳng hạn ông Lục Du bên nước Tàu bảo: “Những tài liệu mà Sử quan cần tới: Trên thì có viện trung thư, dưới thì các phủ của các ty, xa thì các quận của khắp bốn phương, thu thập tất cả tài liệu của các nơi ấy, rồi thêm vào điều chính tai mắt nghe thấy và trông thấy, lại xét những trong các bài bia ký, bài hành trạng, căn cứ vào công luận; xén bỏ những điều ngoa lầm của dã sử và tiểu thuyết. Cần lấy thiên hạ làm công, mà dẹp bỏ ý riêng của một nhà. Thế là việc chép sử thành vậy”.
Hàng trăm năm trước, ở nước ta, tiến sĩ Dương Văn An đã nói đến: “Một câu ca, một lời đồng dao của con trẻ, một ý khen chê trong ngõ xóm mà thánh nhân còn ghi lại, huống chi đây là công ghi chép sông núi quanh co và hình thể hiểm hóc. Dẫu là một chút sản vật cũng là tiền của quốc gia. Dẫu một cây cầu, một trạm dịch cũng là ý của vương chính. Tòa thành này có thể ngăn ngoài và giữ trong, ngôi đền kia có thể trừ tai và chống nạn… tất cả đều biên chép kỹ lưỡng”.
Ôi, công việc viết sách, nhìn chung là nhọc nhằn đến thế sao?
Vậy, những ai đã ý thức được điều này và dám dành trọn một đời để viết, cụ thể là khám phá lịch sử của vùng đất mà mình đang sống?
Một trong nhiều, rất nhiều nhân vật lỗi lạc mà tôi chọn, xin kể đến Dương Văn An, người đã để lại cho đời sau công trình biên khảo giá trị Ô châu cận lục. Tôi đọc từ bản dịch của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần. Nếu tính từ năm 1547, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đời nhà Mạc, là lúc ông bắt tay viết Ô châu cận lục, tính dến nay đã hơn 470 năm. Về châu Ô, ta có thể hiểu nôm na, đại để ngày nay tương xứng với vùng đất phía nam huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho đến thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
2. Nhân đầu xuân mới, tôi thành tâm đọc lại nhẩn nha từng dòng, và chú tâm đến những gì tiến sĩ Dương Văn An đã ghi nhận về xứ Quảng như thế nào?
Xem xét một vùng đất cách đây vài trăm năm, há chẳng phải “ôn cố tri tân” đó sao? Thật ra, một khi chúng ta khảo sát về vùng đất cụ thể cũng chính là lúc tìm về tính cách con người nơi ấy. Xưa nay, ta từng nghe đến câu “địa linh nhân kiệt”. Hiểu thế nào cho đúng? Dương Văn An viết trong lời tựa: “Có trời đất này là có ngay núi sông này. Có núi sông này là có ngay nhân vật này. Bởi vì trời đất có mở mang thì núi sông mới xuất hiện. Sông núi đã có thì nhân vật mới sản sinh. Không có núi sông thì không thấy rõ công kiến tạo của trời đất. Không có nhân vật thì không thấy rõ khí hun đúc của núi sông. Nhưng vì tiết nóng lạnh của trời khác nhau nên núi sông của đất cũng có hạn. Thủy thổ của đất khác chất nên thói tục của người cũng khó mà biến đổi”.
Thiết nghĩ, nhân kiệt là do địa linh hun đúc, nhưng địa linh phát triển lên nữa là do vai trò của nhân kiệt, cần phải nhìn trong mối quan hệ tương tác như thế mới đúng suy nghĩ của người xưa? Nếu đúng, ắt cũng là sự tương tác hai chiều của “vật long” (vật dồi dào) và “nhân tú” (người tuấn tú)? Không dám bàn sâu, tôi chỉ nêu ra như một sự gợi ý cùng suy ngẫm ắt không phải là điều vô bổ.
Xin quay lại vấn đề đang đặt ra: hơn 470 năm trước, tiến sĩ Dương Văn An đã ghi nhận con người Quảng Nam như thế nào?
Đất kề liền xứ nóng
Ở phía ngoài Ô châu
Dân làm giàu bằng thóc
Đạp lúa dùng sức trâu
Đường bộ thì có xe
Đường thủy lại sẵn thuyền
Mạc Châu nhiều vườn hồng
Lang Châu nhiều lụa trắng
Hóa Khuê và Cẩm Lệ
Ngăn cá sấu bằng rào
Lỗi Sơn và Chiếm Sơn
Đóng cửa ngừa mãnh hổ
Đàn bà mặc áo Chiêm
Con trai cầm quạt Tàu
Đồ người sang kẻ hèn
Áo kẻ cao kẻ thấp
Đều màu đỏ màu hồng
Tính cách con người thuở ấy thế nào? Không rõ, nhưng qua cách miêu tả, ta thấy rõ ràng là một vùng đất trù phú. Có lẽ với những ai nghiên cứu chuyên sâu về xứ Quảng sẽ dễ dàng “chú thích” các địa danh đã nêu trong bài thơ trên. Riêng Lang Châu thì Đại Nam nhất thống chí cho biết cách huyện Duy Xuyên chừng một dặm về phía đông bắc, chi lưu của sông Mãi Xuyên, thuận dòng đổ vào sông Bàn Thạch, mùa thu đông có thể lội qua, mùa hạ nước khô. Duy Xuyên nổi tiếng về lụa là nhờ yếu tố địa hình nơi này.
Sông Cẩm Lệ vẫn còn nghe quen lắm, trong trí nhớ của nhiều người ắt còn nhớ đến đặc sản trứ danh là thuốc rê Cẩm Lệ. “Cá sấu”, “mãnh hổ” chỉ là từ rất đỗi bình thường nhưng lại dội về trong trí óc của ta cảnh hùng vĩ của cảnh vật thuở xưa… Thật khó có thể lý giải vì sao thuở ấy: “Áo kẻ cao kẻ thấp/ Đều màu đỏ màu hồng”? Xin nêu ra, biết đâu có bậc thức giả học sâu hiểu rộng vui lòng giải thích giúp chăng?
Từ biên soạn Ô châu cận lục (1547) đến Đại Nam nhất thống chí phải hơn 300 năm, bởi Quốc sử quán triều Nguyễn hoàn thành năm 1882 - theo Từ điển bách khoa Việt Nam. Bấy giờ, sử nhà Nguyễn ghi nhận thế nào về xứ Quảng?
Ở đây, tôi chỉ trích dẫn về phần phong tục, có đoạn: “Đến như Tết Nguyên đán, cúng tổ tiên, lạy cha mẹ, ngày hôm sau thì bầu bạn đi lại chúc nhau, gọi là “mừng tuổi”, đầu xuân thì sắm cỗ bàn tế thổ thần; tiết Trung nguyên thì sắm đồ mã để cúng tổ tiên; tiết Đoan dương thì cúng tổ tiên và hái các thứ lá để làm thuốc; ngày 10 tháng 3 thì cúng cơm mới; tháng Chạp thì tảo mộ; lễ dựng nêu và trừ tịch đều có cúng rượu chè hoa quả; tế thần tất bày trò xướng hát; lễ mừng tất đốt pháo.
Ngoài đồng có đền Tư Nông, trong nhà có thờ Quan Thánh. Mỗi làng có kẻ sĩ hành nghi mà việc tế lễ nghiêm trang: mỗi ấp có điếm canh giữ mà việc phòng tuần cẩn mật. Còn như các lễ xuân thu thì tùy theo từng làng giàu hay nghèo, quan hôn tang tế thì trông vào sự giàu có hay túng, việc đi lại thăm mừng, trầu rượu hay tiền cũng đều tùy mức”.
Từ nhận xét này, nhìn ngược về thời tiến sĩ Dương Văn An biên soạn Ô châu cận lục có gì khác? Không thể biết rõ nhưng tôi ngờ rằng nền nếp này cũng không khác, có khác chăng là sự lược bớt mà thôi - bởi lẽ phong tục là thói quen duy trì từ nhiều đời, “xưa sao nay vậy”, chứ ít thay đổi, tất nhiên trong đó cũng có lược bớt, đơn giản vẫn là từ quan niệm “ăn theo thuở, ở theo thời”, chứ không khư khư giữ lấy tất tần tật những gì của người xưa để lại, kể cả bổ sung thêm. Điều này phản ánh rõ nét sự tiến hóa, không dẫm chân tại chỗ của dòng chảy văn hóa Việt nói chung.
3. Ngày Xuân, khi có dịp về quá khứ của vùng đất mình sinh sống cũng một ý thức “uống nước nhớ nguồn”. Đành rằng là vậy nhưng tại sao, tôi lại chọn từ Ô châu cận lục?
“Một khi chúng ta khảo sát về vùng đất cụ thể cũng chính là lúc tìm về tính cách con người nơi ấy” |
Chỉ vì trộm nghĩ, không riêng gì tôi mà những ai có lòng, thiện tâm sống tốt vì mình, vì người cũng đều tán thành suy nghĩ: “Xem xong, nếu suy luận rộng thì sẽ thấy non sông tốt đẹp, biết là “địa linh nhân kiệt”, thấy sản vật dồi dào, biết là “vật long nhân tú”. Nhân tâm có thuần hậu, có bạc bẽo. Bạc bẽo thì phải làm thế nào cho thuần hậu.
Phong tục có đầy đặn và sơ sài. Sơ sài thì phải làm cho đầy đặn. Anh mỗ quả là dòng thế duyệt chăng? Thế thì phải luôn biết tâm niệm về công lao khó nhọc của ông cha mà không nỡ làm hỏng tiên nghiệp. Thế thì tất phải nghĩ rằng, tướng văn tướng võ vốn không phải là do dòng dõi mà thường là do nỗ lực tự cường. Bề tôi phải làm hết chức phận, chớ nên theo vết của bọn thủ ác thời Xuân Thu.
Học trò thì phải biết an phận thủ thường, chớ để tiếng là tội nhân danh giáo (có học mà phạm tội). Xem lời khen một người thiện, thấy vinh hạnh hơn hoa cổn (lễ phục của đấng quân vương) thì hãy hâm mộ đấng trung nghĩa mà làm theo. Xem lời chê một kẻ ác, thấy nặng hơn cả búa rìu thì hãy biết thẹn cho kẻ loạn tặc mà tự răn bảo”.
Lời tiền nhân dặn dò cách đây hơn 470 năm vẫn còn ý nghĩa thời sự, vẫn còn hữu ích, đồng hành cùng thời đại chúng ta đang sống.
(baodanang.vn)