Tính hiện đại của một tập sách

14.12.2015

Tính hiện đại của một tập sách

Đó là công trình in riêng thứ 6 của cùng một người viết. Tập sách được tinh tuyển từ hàng trăm bài báo, tiểu luận nghiên cứu trong mấy năm gần đây của nhà nghiên cứu, nhà báo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Một cuốn sách có những bài viết đảm bảo độ sâu đằm của học thuật, tính thời sự cập nhật của báo chí, tính chuẩn mực của văn phong hàn lâm, tính mềm mại, uyển chuyển và bay bổng của chất văn nghệ sĩ. Và “tính hiện đại” của tập sách, tôi gọi như vậy, thể hiện rõ trong ba phần: Tiểu luận, phê bình văn chương nghệ thuật Việt Nam hiện đại; Ma Văn Kháng - đời văn và tác phẩm; Về báo chí văn nghệ, với 423 trang dày dặn, trên cơ sở ba phẩm chất: tinh thần đối thoại, phản biện; tiếp nhận thẩm mĩ; khám phá, phát hiện, khẳng định cái mới.

1. Ở ngày hôm nay, hòa vào tinh thần chung của hội nhập văn hóa toàn cầu, lí luận và phê bình văn học không thể không vận động theo xu hướng đối thoại, vì đó là bản chất của giao tiếp và cũng là bản chất của sáng tạo. Là một nhà lí luận phê bình chắc tay nghề, được đào tạo từ một trong những cái nôi của triết học hiện đại trên thế giới (nước Đức), lại cập nhật thường xuyên các lí thuyết mới nên trong các tiểu luận tác giả thể hiện khá sâu sắc những mặt mạnh của xu hướng marxist và sự bất cập của các trường phái phi marxist. Cái đáng quý của ông là rất vững trên lập trường văn hóa của Đảng (như thể hiện trong việc phân tích và khẳng định tầm văn hóa lớn lao của Đề cương văn hóa 1943), đồng thời nắm rất cụ thể các nguyên lí mĩ học hiện đại, nhờ đó mà có các ý kiến thuyết phục về thực trạng phê bình văn học hôm nay, về chiến lược phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật… Đối với các trường hợp cụ thể thì cũng nhờ đặt trong không khí đối thoại của nhiều ý kiến khác nhau mà ông dựng lại chân dung học thuật của nhà marxist Hải Triều rất sống động, tìm ra giá trị đích thực của tác phẩm nổi tiếng Văn chương và hành động (Hoài Thanh - Lê Tràng Kiều - Lưu Trọng Lư)…

Ngày nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có năng lực phát hiện vấn đề… mới có thể phản biện được. Phản biện là một hoạt động nhận thức của con người nhằm đưa vấn đề tiến gần hơn tới chân lí. Phản biện gắn liền với tri thức, không có tri thức không thể phản biện. Nhưng thúc đẩy phản biện, điều chỉnh phản biện lại là vấn đề ý thức trách nhiệm. Những điều này sẽ được chứng minh thỏa đáng qua các bài viết về một luận văn thạc sĩ, “một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật” và các đề nghị mang tính khoa học về việc chọn đề tài nghiên cứu của ngành văn học... Phản biện của Nguyễn Ngọc Thiện có lí có tình bởi được dựa chắc chắn vào tư duy thực chứng, “nói có sách mách có chứng” cụ thể, rõ ràng rồi đối chiếu với thực tế đời sống xã hội. Cách làm này sẽ tốn công sức, tốn thời gian nhưng đổi lại, các ý kiến đưa ra hầu như không thể bác bỏ.
2. Phê bình văn học là câu chuyện của tiếp nhận thẩm mĩ. Nói thì đơn giản thế nhưng phải qua một quá trình lâu dài, mãi đến những năm gần đây qua sự soi sáng của triết học văn hóa mà phê bình văn học mới được nhìn nhận công tâm, thỏa đáng, đúng với đặc trưng. Từ góc nhìn này chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ của xã hội học dung tục hay sự đối chiếu giản đơn. Phê bình tiếp nhận ở Việt Nam, nhất là phê bình tiểu thuyết hình thành ra sao được tập sách trình bày một “lịch sử vấn đề” khá thú vị, tổng quan mà sâu sắc. Những vấn đề được đặt ra sẽ góp phần điều chỉnh hướng đi đúng của phê bình là hướng về người đọc, tôn trọng những ý kiến đa dạng, có khi trái chiều nhưng làm đa dạng hóa những giá trị thẩm mĩ, đánh thức tác phẩm với những cách hiểu thú vị khác nhau.

Lí luận văn học hiện đại nhấn mạnh vào tính sáng tạo của cả chủ thể và khách thể. Nhìn từ góc độ văn bản thì sáng tạo ra tác phẩm là sáng tạo ra một sinh mệnh nghệ thuật mới. Nó là một “cuộc sống thứ hai”, không phải là bản thân đời sống mà chỉ là mô hình về đời sống. Mà đã gọi là mô hình thì việc xây dựng nó là do độc quyền của nhà văn, phụ thuộc vào tài năng, vốn sống, sự trải nghiệm… của anh ta. Nhưng để hiểu nó thì mỗi bạn đọc lại tái hiện mô hình này theo cách riêng, phụ thuộc vào trình độ, năng lực tiếp nhận của họ. Có bao nhiêu bạn đọc là có bấy nhiêu cách tiếp nhận, cũng như có bấy nhiêu mô hình tác phẩm. Thành ra trước tác phẩm mỗi bạn đọc là một nghệ sĩ. Tôi muốn nói thêm như vậy để khẳng định một hướng đi đáng trân trọng của Nguyễn Ngọc Thiện là đẩy vấn đề nghiên cứu về phía bạn đọc. Ở phương diện này tập sách có những bài viết thành công, như Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lí luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho đến nay; Phê bình văn học - bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn; Xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng báo chí văn học nghệ thuật trong thời kì mới; Để báo chí văn nghệ đảm bảo tính chuyên nghiệp luôn hay và đẹp…

Tập sách cho chúng ta thấy câu chuyện phê bình rất không đơn giản; nó không chỉ đòi hỏi sự công tâm, thẳng thắn, vững vàng về quan điểm mà còn đòi hỏi rất cao vốn hiểu biết. Đó là sự hiểu biết thấu đáo lí thuyết mới, hiểu sâu các hướng đi cổ điển, hiểu kĩ hệ thống chi tiết, hình tượng trong văn bản… Một đóng góp rất đáng chú ý của tập sách là trên cơ sở hiểu biết về phê bình truyền thống, nắm bắt các xu hướng, các kiểu phê bình hôm nay mà tác giả đã khái quát chỉ ra các căn bệnh của nó, như chủ quan, võ đoán; tầm phào, kể lể; cơ hội, tùy thời; vị kỉ, cánh hẩu… và đưa ra những đề xuất mang tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của phê bình.

3. Phê bình là câu chuyện của sự khám phá, phát hiện và khẳng định những giá trị mới. Không ngẫu nhiên mà tác giả dành hẳn một phần với chùm 12 bài viết công phu về Ma Văn Kháng, một “tác gia văn học lực lưỡng”, “một đời văn sáng tạo”. Và tất cả sự say mê tìm tòi, sự bung phá trong cảm hứng cũng như sự đúng mực, nghiêm ngắn của ngòi bút phê bình Nguyễn Ngọc Thiện cũng thể hiện rõ ở đây. Nhờ sự am tường con đường thi pháp tác giả, năng lực phân tích tác phẩm sâu sắc mà điềm đạm của nhà nghiên cứu cùng chất men say giàu cảm hứng của nhà nghệ sĩ, ông đã có những trang viết giàu hàm lượng học thuật mà không kém phần tài hoa. Ông đã vẽ ra được bức tranh xã hội trong thế giới tác phẩm, lảy ra những nét thần thái cơ bản nhất của phong cách, chỉ ra những đặc trưng của văn xuôi Ma Văn Kháng. Làm được như thế là phải rất công phu và có năng lực khái quát cao.

Không chỉ viết về Ma Văn Kháng, tác giả còn có những trang viết đầy chiêm bái, ngưỡng vọng về các bậc trưởng lão khả kính trong nghiên cứu phê bình văn học như Hoàng Trinh, Đinh Gia Khánh, những trang viết tinh tế về nhà thơ Mai Văn Phấn, những trang đầy trân trọng về thành quả đầu tay của các nhà nghiên cứu trẻ… Những bài viết này cho ta thấy người phê bình không chỉ cần cái tâm nhiệt tình, vô tư, thẳng thắn mà cần thêm một tấm lòng khiêm tốn học hỏi lớp tiền bối và ưu ái khuyến khích, trân trọng lớp hậu sinh.

Cuốn sách thể hiện một tâm huyết đáng được ghi nhận.
      
 N.T
(VNQĐ)