Một Hà Nội hỗn tạp trong tiểu thuyết Đỗ Phấn
Rụng xuống ngày hư ảo là câu chuyện về Hà Nội trong những năm tháng chuyển mình dữ dội. Cảnh vật, con người và nhất là quá trình tha hóa của những thị dân cả mới và cũ làm nên một bức tranh châm biếm về hiện thực của thủ đô nghìn năm tuổi.
Tiền bạc, địa vị hay dục vọng đã khiến cho các nhân vật trong tiểu thuyết dần đánh mất đi lý trí và lương tâm. Đó là câu chuyện của hai phóng viên tên Đức và Khánh. Lợi dụng tâm lý của đám đông, họ sử dụng những mánh khóe nghề nghiệp để biến một cô ca sĩ phòng trà vô danh thành một nghệ sĩ "đắt show" từ Nam chí Bắc. Đối với những nhà báo có thừa thủ đoạn mà không quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp như họ, chỉ cần có tiền mọi việc sẽ được giải quyết êm xuôi.
Cũng chính vì tiền mà một "gái gọi cao cấp" như Thủy sẵn sàng đóng vai cô gái nhà lành để lừa một đại gia háo sắc như Khiêm sập bẫy. Từ một sinh viên cao đẳng nghệ thuật không có thực tài, nhờ có sự nâng đỡ về tài chính của đại gia và công nghệ lăng xê của vài tờ báo lá cải, Thủy bỗng chốc thành một ngôi sao ca nhạc đầy tiềm năng.
Còn Ngân - cô nhân viên ở một tiệm gội đầu lại có một mục đích khác. Vì muốn kiếm cho mình một danh phận trước khi nhan sắc tàn phai, Ngân đã dùng thể xác và sự khéo léo của một người đàn bà từng trải để tiếp cận Hoàn - một người đàn ông giàu sang, đã có gia đình với ước mong đổi đời.
Người vì tiền, kẻ vì danh vọng, trong đầu họ luôn đầy ắp mưu toan và mánh khóe. Nhưng nếm trái ngọt chưa được bao lâu, những con người ấy phải nhận lấy kết cục bi thảm. Vì hám lợi, Khánh đã bị kẻ thù gài bẫy và phải vào tù vì tội nhận hối lộ. Vừa vào trại giam được mấy ngày, hắn bị hai bạn tù đánh chết. Còn Thủy sau khi đại gia Khiêm bị bắt vì tội buôn bán ma túy, cô quay trở lại làm gái gọi cao cấp. Trong một lần đi tiếp khách cô đã bị chính vị khách của mình giết hại dã man. Ngân cũng nhận trái đắng do chính cô gieo nên. Cô phải vào tù vì tội giết người. Oan trái hơn người đó là cha của đứa bé cô mang trong bụng. Sau loạt biến cố xảy ra với những người xung quanh, Đức hóa điên và phải sống nốt phần đời còn lại trong trại tâm thần.
Tác giả Đỗ Phấn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và có mười năm giảng dạy tại Đại học Kiến trúc. Người ta biết đến ông với tư cách một họa sĩ nhiều hơn là một nhà văn. Chính Đỗ Phấn cũng tự nhận với ông, vẽ vẫn là nghề chính, viết văn là "tay ngang". Nhưng sự quan sát tinh tường của một họa sĩ tạo nền móng để những trang viết của ông hiện lên chân thực và sinh động.
Suốt một thập kỷ cầm bút, Hà Nội trở thành đề tài xuyên suốt các tác phẩm của Đỗ Phấn. Nhà văn từng tâm sự: "Dù tôi có xuất bản bao nhiêu đầu sách đi nữa thì người đọc vẫn có thể hình dung rằng cả đời Đỗ Phấn chỉ viết một cuốn sách duy nhất - cuốn sách về Hà Nội". Hà Nội trong văn của Đỗ Phấn là bản hòa tấu giữa quá khứ và hiện tại.
Tác giả dùng văn chương làm sống dậy những giá trị tốt đẹp mà Hà Nội từng có xưa kia. Đồng thời vẽ nên một bức tranh đa sắc về Hà Nội hiện đại bằng sự châm biếm tinh tế. Cuốn sách này có những trang viết đẹp về thiên nhiên, cây cỏ, con người. Điều đó giống như những phút giây thư giãn hiếm hoi của cuộc sống ồn ã, sôi động nơi phố phường. Nó giúp mỗi người chúng ta bình thản hơn khi đón nhận những biến cố của một đời sống đô thị phức tạp nhưng cũng đầy quyến rũ.
Quỳnh Anh
(http://giaitri.vnexpress.net/)