Lễ mừng lúa mới của người Katu - Đỗ Thanh Tân

24.07.2019
Mừng lúa mới cũng là lễ hội truyền thống từ ngàn đời nay của người Katu. Đây là nghi thức người Katu báo cáo với Giàng và ông bà tổ tiên sau một năm bà con dân làng làm ăn vất vả, được Giàng và ông bà phù hộ, kết quả là hôm nay bà con có được mùa lúa, cây sai quả, có sắn khoai và cả vật nuôi. Nghi thức cúng lúa mới hướng tới việc mời Giàng và tổ tiên về dự, hưởng lễ vật do dân làng dâng cúng, đồng thời xin Giàng và tổ tiên tiếp tục phù hộ để năm sau dân làng lại được những vụ mùa tốt tươi. Cây nêu và cột lễ (snur) là trọng tâm của lễ hội.

Lễ mừng lúa mới của người Katu - Đỗ Thanh Tân

Cây nêu là hai cây tre được trồng đối xứng hai bên cột lễ  được uốn cong vòng cung và nối nhau trên đỉnh cột lễ. Cột lễ là trụ gỗ lớn được trang trí hoa văn cầu kì giữa sân nhà Gươl. Trên ngọn cây nêu thường được trang trí hình chim chèo bẽo – biểu thị của tinh thần tự do. Cột lễ, theo quan niệm là cột thông thiên – tức là cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh trên trời. Vì vậy, cột lễ là nơi dâng cúng lễ vật cho thần linh, là cầu nối liên thông giữa thế giới thần linh với dân làng, nơi để gửi và nhận lễ vật hiến tế, và cũng là nơi cử hành và trình diễn các nghi thức thờ cúng đầy tính huyền bí.

Lễ mừng lúa mới khá phức tạp về mặt nghi thức và hội tụ nhiều nét văn hoá dân gian đặc sắc của người Katu. Để tổ chức mừng lúa mới, già làng phải chuẩn bị mâm lễ với cau trầu, rượu, gà, xôi nếp… để xin Giàng. Theo tục lệ, sau khi cử hành nghi thức khấn vái, già làng gieo hai miếng cau trong ba lần. Giàng chấp thuận là khi một miếng ngửa và một miếng úp. Bằng không thì phải gác lại năm sau. Không một ai dám làm trái ý Giàng. Khi được Giàng chấp thuận rồi mới phân công dân làng chuẩn bị cho lễ chính như heo, gà, quan trọng là trâu và dựng cây nêu…. Từng phần của lễ hội đều rất cầu kỳ, chẳng hạn để cột trâu vào nêu thì trước hết làng phải dùng một con heo sống để cúng con trâu, sau mới dùng trâu để cúng Giàng. Trước khi đâm trâu, làng phải cử người khóc trâu – nghi thức thể hiện sự thương xót của dân làng đối với con trâu vì phải hy sinh thân mình cho cuộc sống bình yên của dân làng… Việc sử dụng cồng chiêng cũng tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Muốn sử dụng trước hết phải bày mâm lễ với rượu, gà, xôi nếp cúng xin Giàng rồi mới được đem ra đánh. Tiếng trống, tiếng chiêng được đánh khác nhau trong diễn trình. Trước lễ hai ngày là đánh trống báo tin làng sắp có hội. Trong ngày hội, khi trâu sống thì đánh khác, khi trâu ngã đánh khác, tiết nhịp và điệu múa cũng mỗi lúc mỗi khác nhau… Các nghi thức thể hiện cao độ văn hóa dân gian trong tín ngưỡng thờ thần của người Katu, biểu thị tinh thần biết ơn đối với thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa bội thu và cuộc sống bình yên.

Tiệc chiêu đãi là thịt trâu hiến tế và lợn, gà, lễ vật. Thức uống không thể thiếu trong lễ mừng lúa mới là rượu cần. Rượu cần là thức uống ưa thích nhất của người Katu. Rượu này được ủ bằng cơm gạo nếp hay gạo tẻ. Khi không có gạo có thể ủ bằng ngô, sắn, khoai lang. Men rượu làm từ vài thứ lá rừng, theo bí quyết của người Katu. Rượu ủ trong những vò cao màu cánh gián hay màu nâu. Các vò cũng là tài sản quý giá của người Katu. Khi uống rượu, họ chỉ việc múc nước suối đổ vào đầy vò, cắm vào những chiếc cần bằng trúc đã thông mắc rồi hút. Rượu cần có vị chua chua ngọt ngọt nhưng uống nhiều sẽ say.

Lễ hội mừng lúa mới được người Katu tổ chức sau vụ mùa, vào khoảng tháng 10 âm lịch. Cấu trúc đầy đủ theo truyền thống gồm có đâm trâu, múa hát, dùng cơm chung, thi tài văn nghệ... Đây là một sinh hoạt văn hoá độc đáo, vừa là sinh hoạt tín ngưỡng, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội tụ nhiều đặc sắc văn hóa của người Katu, cần được giữ gìn và phát huy trong cuộc sống mới hôm nay.

 Đ.T.T