Làng bên kia sông – Trần Đức Tiến

21.10.2014

Nhớ sông quê.

           

Nguyễn Minh Châu có một cái truyện ngắn mà mình rất thích là truyện Bến quê. Truyện này không gây ồn ào như một số truyện khác của ông lúc đương thời, nhưng mình nghĩ nó thuộc loại hay nhất trong số những gì ông để lại.

Mình nhớ đại khái nhân vật chính trong Bến quê tên Nhĩ. Lúc khỏe mạnh Nhĩ đã từng đi khắp nơi, bay đến mọi phương trời. Lúc ốm liệt giường, lại chợt phát hiện ra chưa một lần đặt chân lên cái bến đò bên kia sông - nơi mà bây giờ phải nhúc nhắc gượng dậy nửa người, lết đến bên khung cửa sổ để nhìn cho rõ.

Làng bên kia sông – Trần Đức Tiến

Nhĩ đã nghĩ ra một mẹo… tội nghiệp và thê thảm: giả vờ sai thằng con sang bên ấy làm giúp một việc gì đó! Bây giờ chỉ còn cách ấy, nhờ con thay mình - nhìn thay, nghe thay, cảm thay. Chứ còn biết làm thế nào? Nhưng cái thằng giời đánh ấy đâu có hiểu ý bố? Nó còn trẻ. Nó đi ra phố, ghé chỗ này một tí, tạt chỗ kia một tí. Mà con đò thì đang đợi khách ở bờ bên này. Mỗi ngày chỉ có một chuyến sang sông. Nhĩ dướn người, hồi hộp toát mồ hôi nhìn theo cái bóng thằng bé. Sao mà nó giống Nhĩ ngày xưa thế, vô tư, vô tâm, vô tình! Nhanh lên, nhanh lên, nhanh nhanh lên con ơi, đò chuẩn bị rời bến rồi…

*

Làng mình cũng có một con sông chảy qua. Chính xác là con sông chảy giữa hai làng - làng mình một bên và bên kia là làng An Ninh.

Chẳng hiểu vì sao mà hồi còn nhỏ, mình lại thấy cái làng bên kia có vẻ… đẹp hơn làng mình.

Bờ sông bên làng mình cao hơn, dốc hơn, và đất hay bị lở xuống sông. Trâu bò tan buổi cày theo mấy lối dốc xuống sông tắm phải gò cả người lại, và theo bước chân chúng, đất lở càng thêm lở. Bên kia lại là cánh bãi đất bồi bằng phẳng, màu mỡ. Buổi chiều chơi ở bờ sông bên này, nhìn con bò đang gặm cỏ bờ bên kia, chốc chốc nó ngẩng đầu kêu lên một tiếng, phải mấy giây sau, khi nó đã cúi xuống gặm tiếp, thì tiếng “ọ… ò…” mới vọng đến tai mình.

An Ninh cũng nhà tre mái rạ, nhưng nhà nào cũng có một hàng giậu trúc bao quanh. Trúc An Ninh toàn thứ trúc cành câu, lá xanh mướt, thân dài, thon thả, làm cần câu tuyệt đẹp. Trúc làng mình cong queo, muốn làm cần câu phải hơ lửa từng đốt cho mềm ra rồi uốn thẳng. Suốt cả tuổi thơ mình mơ một cần câu bằng trúc làng An Ninh…

Bãi An Ninh trồng nhiều ngô, mía. Mía bên mình thường là mía xanh, còn bên ấy trồng mía tím. Mía xanh đốt dài, nhiều nước, cây cao hơn mía tím nhưng hình như cũng cứng hơn và không ngọt bằng. Mía bên mình đến vụ thu hoạch chuyển hết về nhà máy đường ở đầu huyện, cách làng hơn chục cây số. Còn ở bên An Ninh, người ta đưa mía vào những lò kéo mật dựng ngay ngoài bãi. Mùa kéo mật, suốt đêm mùi mật mía thơm lừng bay qua sông sang bên này.

Năm nào mẹ mình cũng mua một ít mật mía để dành. Mật đựng mật trong âu sành, mùa hè thì mềm, mùa đông đặc quánh lại. Mật mía thường để nấu chè, nhưng mình khoái phết lên bánh đa vừng rồi cắn ăn từng miếng.

Mình bơi giỏi ngay từ hồi còn nhỏ. Bình thường hay tắm ao, nhưng cũng có những chiều ra tắm sông. Mấy thằng trẻ con trong xóm thi bơi, cứ bơi qua bơi lại bên này bên kia sông, xem đứa nào bơi được nhiều lần. Rồi rủ nhau chui vào ruộng mía bên ấy ăn trộm mía! Có lần vừa bẻ được mấy khúc mía ngon chưa kịp mang ra khỏi ruộng thì bị phát hiện. Vội bỏ của chạy lấy người. Cứ tồng ngồng không mảnh vải trên người, mỗi thằng túa ra theo một hướng. Dân làng bên ấy chẳng biết đuổi đứa nào bỏ đứa nào. Thế là cả lũ cùng thoát. Sau lần ăn trộm hụt này, mình không tắm truồng, không bơi sang An Ninh lần nào nữa.

*

Dân làng An Ninh hồi ấy, mình chỉ biết có hai người. Một là ông Nhạc thổi kèn đám ma, hai là anh thuyền chài chưa bao giờ nhìn rõ mặt.   

Làng mình có ai chết là người nhà phải bơi thuyền sang An Ninh mời ông Nhạc sang thổi kèn. Ông Nhạc mù dở, hai mắt toàn lòng trắng. Tiếng kèn đám ma của ông bây giờ nhớ lại mình vẫn còn thấy ai oán. í ò e, í ò e. E e e ò e í. í e í e e ò. E ò ò ò e… Xen vào tiếng kèn là tiếng trống bung bung bung bung của một thằng bé cỡ 11, 12 tuổi. Thằng này hình như chẳng phải con mà cũng chẳng phải cháu ông, chỉ là đứa trẻ cùng làng ông cho đi theo kiếm cơm. Tiếng kèn như tiếng người khóc. Còn tiếng trống như tiếng mưa giọt gianh rơi lơ đãng trước hiên nhà. Không khí vừa buồn vừa lạnh. Sau này đi nhiều nơi, sống ở nhiều vùng, chẳng thấy có cái đám ma nào buồn như đám ma ở làng mình.

Thỉnh thoảng lúc đêm khuya, mình thức giấc vì những tiếng gõ lạch cạch vào mạn thuyền. Tiếng gõ đều đều loang xa trên mặt sông. Nghe người lớn nói anh thuyền chài đang đuổi cá cho chúng mắc vào lưới. Năm ấy mình 17 tuổi, yêu một cô gái cùng làng. Mối tình đầu. Một lần đưa nhau ra bờ sông ngồi chơi. Khuya. Làng xóm ngủ yên. Trăng vằng vặc trên đầu. Hai đứa mải mê ôm ấp nhau. Hồi lâu ngẩng lên, giật mình thấy một con thuyền đậu sát mép nước, cách vài mét ngay dưới chân. Chưa kịp định thần, người ngồi trên thuyền đã quay mũi thuyền trườn ra xa, để lại sau mái chèo một dải trăng lấp lánh như bạc vụn.

Hơn mười năm sau mình viết một cái truyện ngắn về những đêm trăng và người thuyền chài mờ ảo của làng An Ninh.

*

Bố mình mất được vài năm thì anh mình bán nhà. Mấy sào đất, cả nhà, cả vườn, cả ao thả cá… chưa được hai cây vàng. Mẹ mình theo vợ chồng anh xuống Nam Định ở.

Giờ mình nghĩ lại mà chịu chết không nhớ lần cuối cùng mình rời khỏi ngôi nhà ấy ra đi là lần nào. Ngôi nhà gắn bó với cả tuổi thơ của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc biết yêu. Một cuộc ra đi dằng dặc ngót ba mươi năm. Cách đây dăm bảy năm, có một lần ra Bắc, vợ và con gái mình tìm về ngôi nhà ấy, nhưng cũng chỉ đứng ở đầu ngõ nhìn vào. Chủ nhà rào kín nên không muốn gọi. Còn mình, những lần về quê thăm mộ bố mẹ, chỉ chạy xe qua làng đã muốn khóc rồi. Mình không dám rẽ vào cái ngõ cũ, càng không dám nhìn lại ngôi nhà quá thân thuộc của mình đã thuộc về người khác.

Làng thì vẫn thế, xơ xác, xiêu vẹo. Chỉ con sông khác xưa nhiều. Có lần dừng xe ở bờ sông, mình cứ ngẩn ra nhìn. Không hiểu sao thấy lòng sông hẹp hẳn lại. Bèo Tây đặc kín mặt sông, biến con sông thành cái ao tù. Không thể hình dung ngày trước mình đã từng vẫy vùng thỏa thích trên mặt sông này, và đò ngang đò dọc đã từng qua lại trên sông.

Nhìn sang làng An Ninh thấy rõ từng hòn đất bãi.

Gần nhau quá nên An Ninh bây giờ cũng chẳng khác làng mình bao nhiêu.

*

Mình gặp Quê trong cuộc họp đồng hương.

Mình chưa bao giờ đi họp đồng hương, nhưng lần ấy nể anh V quá nên mình tới. Anh V là bạn vong niên, nhà cùng phố, là chủ tịch hội đồng hương tỉnh H ở chỗ mình.

Quê cũng chọn chỗ ngồi ở hàng ghế sau cùng. Mới đầu mình cứ ngỡ người quen chưa nhận ra, nhưng khi hỏi chuyện, biết Quê người làng An Ninh thì mình vỡ ra ngay: Chẳng quen biết gì hết! Dáng người ấy, nét mặt ấy thì đương nhiên phải là người An Ninh. Mình nhìn thấy cái hồn quê An Ninh - bãi bờ, làng xóm, con sông - ẩn trong con người này, nên cứ tưởng gặp lại người quen cũ.

- Hóa ra bác là tác giả cái truyện ấy - Quê nhắc đến cái truyện ngắn của mình - Buồn cười lúc đọc xong, em với vợ em cứ đoán già đoán non tay thuyền chài trong truyện là tay Khểnh hàng xóm nhà mình. Nhưng tay này cả đời không vợ. Đêm, hắn say rượu rồi ngã xuống sông, chết đuối. Sáng ra thấy thuyền hắn trôi lềnh bềnh trên sông không người, làng xóm mới biết.

Chuyện trò đến hồi thân mật, Quê hỏi:

- Vậy cô Nhuần của bác hồi này ở đâu, làm gì, bác có biết không?

- Biết chứ - Mình cười cười - Mối tình đầu của mình mà.

- Em thì tình nào cũng như tình đầu. Tình nào lúc chia tay cũng đau như cắt.

Không đợi cho mình kịp ngạc nhiên, Quê lại bảo:

- Em cũng bỏ làng đi như bác. Nhưng bác còn có dịp quay lại, chứ em bằn bặt mấy chục năm rồi.

Mình ngậm ngùi:

- Mình quay lại làng mình mà khác gì người lạ.

Tự nhiên Quê hăng lên:

- Hôm nay anh em mình có duyên gặp nhau ở đây, em mong bác cứ coi em như chỗ thân thiết. Khi nào có điều kiện, hai anh em cùng làm một chuyến ra Bắc, về thăm quê cũ. Bác thấy được không?

Mình bảo được. Quê mơ màng:

- Em với bác về làng em trước. Anh em ngủ với nhau một đêm ở An Ninh. Hôm sau, đi đò sang làng bác. Hồi còn nhỏ ở làng, em cũng chưa bao giờ sang Cao Đà.

*

Nhưng mình biết cái “kế hoạch” lãng mạn của Quê rồi sẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Bao nhiêu chuyện khác lại cuốn bọn mình ra xa nhau. Tử vi của mình là tử vi của kẻ tha hương, chỉ kết thân được với người ở những vùng đất khác. Tình đồng hương với mình luôn hờ hững thế nào.

Vả lại, cứ để Quê giữ giấc mơ đẹp ấy thêm ít nữa. Quê đâu biết từ An Ninh sang làng mình bây giờ phải đi vòng cả chục cây số, qua cầu thu vé. Làm gì còn đò mà sang?…

 

T.Đ.T

Nguồn: vanvn.net