Khoảnh khắc và quá trình trong nghệ thuật – Bùi Văn Tiếng
Nếu trước đây diễn biến trong các thể loại truyện truyền thống, đặc biệt trong trường thiên tiểu thuyết thường là cả qúa trình có khi dài tới mấy đời người thì hiện nay Internet đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thể loại truyện chớp (flash) đang rất thịnh hành trên mạng - một thể loại văn chương từng được định nghĩa diễn biến trong một khoảnh khắc thậm chí trong một sát na, từng được hiểu là cảm xúc của một chớp mi và từng được gọi bằng cái tên hết-sức-khoảnh-khắc là truyện khói bay (1). Như vậy trong tương quan giữa khoảnh khắc với quá trình, văn chương ngày càng có xu hướng tiệm cận-với khả-năng ngưng đọng về thời gian và đóng khung về không gian của nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc hay điêu khắc...
Nhưng khó có chuyện ngược lại, bởi điêu khắc, kiến trúc, hội họa hay nhiếp ảnh...luôn là nghệ thuật của khoảnh khắc. Trong chuyên luận Lao động nhà văn, A.Xâytlin nhấn mạnh: “Khác với các nghệ thuật tạo hình - điêu khắc, kiến trúc, hội họa, văn học có khả năng trình bày bất kỳ một hiện tượng nào không chỉ trong một giai đoạn nhất định mà còn trong cả quá trình liên tục của nó. Trong một bài bình luận, Gôntsarôp đã nhận xét rất đúng rằng hội hoạ bị giới hạn trong thời gian: nó chỉ có thể thể hiện được một khoảnh khắc…trong một bức tranh không có quá khứ lẫn tương lai (2).
Nhận xét của Gôntsarôp về đặc trưng chỉ có thể thể hiện được một khoảnh khắc và không có quá khứ lẫn tương lai không chỉ đúng trong trường hợp hội hoạ mà còn đúng với cả điêu khắc, kiến trúc và nhiếp ảnh. Đó chính là chỗ hấp dẫn nhất đồng thời cũng là chỗ khó nhất của nghệ thuật tạo hình nói riêng và nghệ thuật của khoảnh khắc nói chung. Chộp được toàn bộ cuộc sống sinh động vào đúng một khoảnh khắc nhất định/cố định, tác phẩm tạo hình thường có sức hấp dẫn công chúng nghệ thuật, thường mang lại cho họ những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc. Nhưng cái khó của người nghệ sĩ tạo hình là phải chộp được khoảnh khắc ấy - chứ không phải những khoảnh khắc trước và sau đó. Đây là một lựa chọn cực kỳ tinh tế và hết sức nhạy cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi khoảnh khắc được tái tạo trong tác phẩm tạo hình phải thực sự là ngô đồng nhất diệp lạc – một lá ngô đồng rụng để thiên hạ cộng tri thu- người người biết thu sang(3). Bức chân dung La Joconde của Leonardo Da Vinci sở dĩ trở thành một bức nổi tiếng nhất và được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật chính là vì Leonardo Da Vinci đã biết chộp đúng khoảnh khắc nàng thiếu phụ Mona lisa Gerardini nở nụ cười mỉm chi đầy bí ẩn kia - và tất nhiên đã biết dùng cây cọ tài hoa để bất tử hoá cái khoảnh khắc xuất thần ấy của nhân vật làm mẫu cho kiệt tác hội hoạ của mình.
Trở lên là mối quan hệ giữa khoảnh khắc với qúa trình trong thế giới nghệ thuật, hẹp hơn là mối quan hệ giữa khoảnh khắc với qúa trình của hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật, qua đó cái khoảnh khắc được xem là lợi thế/ưu thế của thể loại truyện chớp, đặc biệt của nghệ thuật tạo nên. Bên cạnh đó còn một mối quan hệ khác giữa khoảnh khắc với quá trình trong bản thân sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Điêu khắc, kiến trúc, hội họa hay nhiếp ảnh và cả truyện chớp/truyện khói bay… được mệnh danh là nghệ thuật của khoảnh khắc không chỉ vì đã sáng tạo nên những tác phẩm có khả năng dồn tụ sức mạnh thẩm mỹ vào một khoảnh khắc hiện thực đầy ấn tượng nào đó, mà còn bởi có khi những tác phẩm ấy là sáng tạo trong một khoảnh khắc lao động nghệ thuật kiểu ứng khẩu/vung bút thành thơ. Có điều để có những khoảnh khắc thăng hoa như vậy nqười nghệ sĩ cần phải có một quá trình lao động nghệ thuật khổ luyện công phu. Một giai thoại về người họa sĩ giỏi nhất nước Anh trong sách học làm người kể rằng có vị khách hàng đặt vẽ chiếc logo hình con gà, hoa sĩ hẹn sau một tuần sẽ vẽ xong. Đúng hẹn vị khách quay lại xưởng vẽ thì mới thấy họa sĩ bắt đầu lấy giá vẽ ra và vẽ ngay một chiếc logo trao cho ông ta. Vị khách chép miệng tiếc rẻ bởi tiền công vẽ vài phút được tính bằng tiền lương làm việc cả mấy tuần. Họa sĩ biết ý bèn dẫn vị khách vào gian nhà kho và ông ta chợt hiểu ra mối quan hệ giữa khoảnh khắc với quá trình sáng tạo nghệ thuật: trong gian nhà kho ấy chứa toàn những phác thảo logo con gà mà người họa sĩ đã kỳ công tập vẽ suốt tuần qua. Giai thoại bên trời Tây vừa nêu gợi nhớ đến câu chuyện Tề Bạch Thạch cũng có lần được thuê vẽ một bức tranh tôm với giá rất cao, qua đó chuyên gia vẽ tranh tôm của hội họa Trung Hoa từng sống trên chín mươi tuổi khẳng định bức tranh tôm sống động kia được ông vẽ trong sáu phút cộng với sáu mươi năm. Sáu phút để thao tác nghề nghiệp và sáu mươi năm để quan sát chiêm nghiệm cuộc sống như cách Tề Bạch Thạch hình dung chính là mối quan hệ giữa khoảnh khắc với quá trình trong bản thân sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
B.V.T
(1) Xem Tạp chí văn chương mạng Da màu - bài trả lời phỏng vấn Tổng biên tập Đặng Thơ Thơ do Minh Thùy - đặc phái viên Đài RFA thực hiện ngày 22/4/2007.
(2) A.Xâytlin: Lao động nhà văn - tập I (Hoài Lam và Hoài Ly dịch), Nxb. Văn Học 1967, trang 12.
(3)Thơ cổ Trung Quốc: Ngô Đồng Nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng tri thu.