Ngọt đắng tình người - Truyện ngắn Thanh Nguyên
Chị nằm đấy, da xanh tái, gầy guộc, thở pheo pheo… Đôi mắt lờ đờ mệt mỏi. Người chồng bồn chồn bên ngoài cửa sổ phòng hồi sức nhìn vào. Thỉnh thoảng đôi mắt họ giao nhau, ánh lên chút ân hận. Có lẽ chị ân hận vì đã nỡ bệnh tật, gieo sự khốn cùng cho gia đình. Có lẽ anh ân hận vì không đủ khả năng tiền bạc chữa bệnh cho vợ, để giờ đây chị đang nằm trong ranh giới giữa cái sống và cái chết, mong cầu vào một phép huyền nhiệm nào đấy…
Người bác sĩ lặng lẽ khám bệnh, đăm chiêu. Chị bị hở van tim nặng, suy tim đã vào kỳ thứ ba, và đang sốc do sốt xuất huyết. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt người bác sĩ, đây quả thực là một ca bệnh vượt quá khả năng tuyến điều trị của anh. Điều trị sốt xuất huyết ở người lớn khác hẳn điều trị cho trẻ em. Bộ Y tế cũng chưa có phác đồ chuẩn. Vả lại, truyền dịch để điều trị sốc trong cơ địa suy tim nặng như thế này thì…
-Truyền Lactate Ringer. Năm trăm mililít trong 1 giờ. Đặt monitoring. Hộ lý cấp 1. Chuẩn bị cho tôi bộ đo CVP. Mời hội chẩn lãnh đạo.
Ghi y lệnh và giao cho điều dưỡng thực hiện, anh vẫy tay mời người chồng, phờ phạc và lởm chởm râu ria vì lo lắng vào phòng.
-Tình hình bệnh của chị rất nặng. Thật tình mà nói chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết ở người lớn, mà chị nhà lại bị suy tim nặng, truyền dịch trong điều kiện như thế này rất nguy hiểm. Có thể chúng tôi sẽ hội chẩn và chuyển chị về tuyến trên.
Gương mặt người chồng thoáng tái đi, đôi môi run run mấp máy định nói điều gì, nhưng tất cả những cố gắng của anh rốt cục chỉ bật ra tiếng dạ khe khẽ.
Người bác sĩ đứng dậy đi ra ngoài. Anh muốn hít chút không khí trong lành để xua đi cái cảm giác nặng nề bức bối trong phòng trực.
- Trường hợp này nên chuyển viện – Bác sĩ giám đốc nói – Ở đây mình không đủ điều kiện để chữa trị.
Giám đốc nói đúng, luôn luôn là thế.
-Tại sao anh không đồng ý ký tên cam kết chuyển viện? Tình hình bệnh của chị rất nặng, chẳng lẽ chúng tôi chưa nói rõ mọi chuyện cho anh hay sao? Giọng người bác sĩ có chút bực bội pha lẫn mệt mỏi.
-Dạ…
-Anh cần hỏi gì thì cứ trình bày nhanh lên, thứ nhất là tình hình bệnh của chị không thể trì hoãn, thứ hai là tôi còn nhiều bệnh nhân đang đợi khám…
-Thưa bác sĩ, em biết là vợ em được chuyển về tuyến trên thì có hy vọng hơn, nhưng… nhà hoàn cảnh neo quá bác sĩ. Em chỉ còn hơn 100 ngàn dằn túi, còn hai đứa nhỏ ở nhà…Chuyển về tuyến trên em chẳng biết bấu víu đâu, mà cũng không biết gửi con ở đâu…
Người bác sĩ đăm chiêu. Hơn chục năm bám trụ ở khoa Hồi sức cấp cứu này, anh đâu còn lạ lẫm với những cảnh ngộ như thế. Có những người kiên quyết xin về nhà để chết, không chịu lên tuyến trên lọc thận, vì nếu lọc thận thì cũng kéo dài được vài năm, rồi đất đai cũng bán hết, con cái phải nghỉ học.
-Vậy sao anh không mua bảo hiểm?
- Dưới đó người ta biết mình bệnh thận, nên lèng èng không chịu bán, bác sĩ ơi…
Anh nhớ lời ba anh dặn khi hai cha con ngồi bên vệ đường đón xe cho anh vàoNamlập nghiệp: “ Con phải luôn luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, và nhất là phải coi bệnh nhân như người thân của mình, có vậy con mới toàn tâm chữa bệnh cho họ. Bao giờ cũng đặt quyền lợi bệnh nhân lên trên hết, rồi mới tới bệnh viện, sau cùng mới tới bản thân”. Ba ơi, con chỉ có thể chữa bệnh cho người, còn bệnh xã hội, bệnh vô cảm, bệnh tỉa tót bộ lông của mình trước nỗi đau của người khác thì con bất lực, con không phải là bác sĩ thú y.
-Trăm sự nhờ bác sĩ,… em nghĩ bác sĩ cố gắng thêm một chút,… em nghĩ là bác sĩ sẽ cứu được vợ em…
“Cuộc đời hành nghề có thể có đôi lần ân hận, nhưng không bao giờ để phải hối hận…” Câu nói của Người Thầy luôn văng vẳng bên tai anh, trong những ca thập tử nhất sinh, chòm sao Thập Tự Phương Nam định hướng giúp anh vượt qua những thời khắc ngã lòng trong những giờ phút chống chọi với tử thần để kéo lại những sinh mạng…
-Thôi được, tôi sẽ cố gắng, nếu qua được, đây là phước phận của anh chị…
Anh biết anh sẽ đối phó với luồng bão dư luận khi đi ngược lại quyết định hội chẩn, ngược lại quyết định của giám đốc. Nếu trường hợp này qua khỏi thì không sao, nhưng nếu thất bại, bệnh nhân tử vong, anh sẽ trả lời như thế nào khi kiểm thảo tử vong, thậm chí trả lời như thế nào trước Hội đồng kỷ luật…
-Báo cáo giám đốc, gia đình bệnh nhân không đồng ý chuyển viện…
-Sao vậy, cậu có giải thích kỹ lưỡng cho họ chưa…
-Đã đầy đủ…
Giải thích, một từ khá chung chung, có thể là cái bung xung cho bất cứ rắn rít chui vào. Không muốn phẫu thuật khi đang dở ván bài sát phạt, giải thích cho bệnh nhân rằng tình trạng nặng lắm, phải chuyển tuyến trên. Không muốn để bệnh nhân chết tại viện sẽ bị kiểm thảo tử vong phiền phức, giải thích cho về. Nhiều khi bệnh nhân chết ngay khi xe chuyển viện vừa ra khỏi cổng. Đẩy trách nhiệm là cách hay nhất khi người ta không có can đảm đối diện với trách nhiệm. Ôi ngôn từ…
Anh quyết định đặt catheter để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm trong sự phản đối của bác sĩ giám đốc và vài đồng nghiệp. Cậu cũng biết rằng đặt catheter trong trường hợp này khá nguy hiểm chớ, nếu xuất huyết không cầm được…Ôi, người sáng suốt luôn có nhiều lý do để từ chối, chỉ có người ngu tối mới có nhiều công việc để làm…
Trong đêm đó, anh đã thức cùng những vì sao khuya trên thảo nguyên vùng núi Alpes của Daudet không phải để canh cho giấc ngủ của nàng Stéphanette mà là giành giật lại sự sống của người đàn bà kiệt sức. Có những lúc dường như tuyệt vọng, bọt hồng đã trào lên mũi miệng bệnh nhân trong khi huyết áp vẫn kẹt, nhưng rồi “ người thầy thuốc không chữa bệnh, chỉ chữa người bệnh ”, anh đã chiến thắng.
Mệt và đói, người bác sĩ ăn cơm điểm tâm với đĩa rau đắng, thứ rau anh vẫn thích. Ánh mắt sáng rỡ của người chồng trên gương mặt khắc khổ sạm nắng lấp ló ngoài cửa căng-tin bệnh viện.
-Vào đây anh, ăn sáng đi.
-Dạ, em ăn rồi. Bác sĩ…thích ăn rau đắng à?
-Vâng, món ăn tôi thích từ những ngày học ở trường Y, nó cũng cứu đói cho tôi mấy lần đó…
-Dạ…
-Chị đã qua cơn nguy kịch, nhưng diễn biến vẫn còn khó lường, cần phải chăm sóc đặc biệt, ít nhất 24 giờ nữa.
-Bao giờ bác sĩ thay ca trực ạ…
-Đúng ra là sáng nay sau khi giao ban, nhưng bệnh nhân cần theo dõi nên trưa tôi mới về…
-Dạ…Em đã gửi tiền ăn sáng cho bác sĩ rồi, cảm ơn bác sĩ em đi…
-Kìa anh, giữ tiền mà…
Người đàn ông đã biến mất sau cánh cửa.
Trưa hôm ấy, trên xe của người bác sĩ cột sẵn một bao rau đắng. Người đàn ông xoa tay ấp úng… Dạ nhà nghèo không có gì, bác sĩ đừng chê, em mới chạy về hối hai đứa nhỏ cùng với em hái được chừng này, bác sĩ nhận giùm em…
Đám điều dưỡng cười vang khi thấy người mang món quà hối lộ cho bác sĩ, gương mặt bừng sáng, thong dong đi qua mặt các chú công an gác cổng bệnh viện rồi hòa vào dòng người đang tất bật ngược xuôi dưới nắng gắt trưa hè...
T.N