Hồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung Sáng

30.10.2014
Vào năm 1992, trong một chuyến công tác thăm chiến trường xưa tại Quảng Nam - Đà Nẵng của đoàn cán bộ gồm các vị chỉ huy quân sự thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi đã may mắn có dịp tháp tùng cùng các vị tướng như: Thượng tướng Đàm Quang Trung, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Trung tướng Nguyễn Huy Chương... Qua đỉnh đèo Hải Vân, cầu Thủy Tú, nghĩa trang Hòa Vang, các thôn xã Bắc Hòa Vang... cùng nhiều làng quê đất Quảng, tất cả những hình ảnh và những hồi ức của  các vị tướng với tôi, đến nay vẫn còn như  nguyên vẹn, dù giờ đây họ đã đi xa...

Hồi ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - Trần Trung Sáng

Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921-1995): Miền Trung mảnh đất thân yêu

     

           Trong con mắt tôi bấy giờ, Thượng tướng Đàm Quang Trung vẫn là một con người đầy nhiệt tình, sôi nổi. Ông nói chuyện không ngừng nghỉ, và đặc biệt trên tay dường như không lúc nào rời điếu thuốc. Một lần, dừng chân ở trạm nghỉ tại chân đèo Hải Vân, khi đoàn cán bộ địa phương ngỏ ý mời ông thưởng thức một vài món đặc sản địa phương, ông trả lời: “ Cứ để mặc tôi, nếu cần thì cứ chuẩn bị thuốc lá. Tôi chỉ uống bia và hút thuốc. Bởi vì, tôi là con người của khói lửa mà!...”.

     Thượng tướng Đàm Quang Trung tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng năm 1937, đến năm 1940, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam rồi quản thúc tại địa phương. Từ tháng 9 năm 1944, ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện du kích ở vùng biên giới phía Bắc. Trong thời kỳ  chiến tranh Đông Dương cho đến sau ngày hòa bình, ông luôn giữ các vai trò trọng trách trong quân đội, và được đánh giá là vị tướng chiến thuật bậc thầy của Việt Nam trong các chiến dịch có sự phối hợp hiệp đồng giữa pháo binh và xe tăng. Nhắc lại những kỷ niệm vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng, Thượng tướng Đàm Quang Trung cho biết:

     Từ ngày 22/9/1946, khi quân Pháp trở lại nổ súng xâm lược Nam Bộ, ông nhận lệnh lên đường Nam tiến chi viện cho chiến trường miền Nam và Chi đội 4 hay còn gọi là Chi đội Đàm Quang Trung. Thời điểm này, Quảng Nam và Đà Nẵng ở vào vị trí đầu cầu của khu V, Trị Thiên và Hạ Lào, có hải cảng, sân bay, nơi quân Pháp đang đồn trú và chuẩn bị mở cuộc xâm lược mới. Để thống nhất chỉ đạo ở mặt trận này, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng vừa được thành lập. Bên cạnh ông, còn có Nguyễn Bá Phát là Chỉ huy phó và  Huỳnh Ngọc Huệ là chính trị viên.

     Ngày 5/12/1946 quân Pháp bắt đầu đưa thêm các đơn vị bộ binh lê dương cùng nhiều vũ khí, xe tăng đổ bộ lên cảng Đà Nẵng, do tên đại tá Larèque lập bộ chỉ huy mặt trận. Ngày 16/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các tỉnh miền Nam chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày 19/12/1946, Ban chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được điện của Trung ương: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư, đòi tước khí giới quân đội, tự vệ công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng”. Trung ương Đảng chỉ thị: “Tất cả hãy sẵn sàng”. Chiều ngày 19/12/1946, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu, mở đầu bằng lời cấp báo: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!”. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban chỉ huy mặt trận nhận được điện này, đã ra lệnh vào đúng 2 giờ sáng 20/12/1946, tiểu đoàn 19 nổ súng đánh địch tại sân bay, các đơn vị khác đồng loạt nổ súng tấn công địch. Các cầu Thủy Tú, Cẩm Lệ, Phong Lệ, nhà máy điện… bị phá sập. Như vậy, cùng với cả nước, đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp lần thứ hai ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng thực sự bắt đầu... Và cũng từ những trận đánh đầu tiên, quân dân xứ Quảng đã thực hiện được nhiệm vụ của cấp trên đề ra, góp phần làm thất bại kế hoạch tốc chiến, tốc thắng của giặc Pháp, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian để chuyển vào chiến tranh, tiếp tục kháng chiến lâu dài. Lúc này, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, đã biểu dương: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất…” và trao tặng quân dân mặt trận Đà Nẵng lá cờ thêu hai chữ “Giữ  vững”.

    Trong những câu chuyện hồi ức của Thượng tướng Đàm Quang Trung, mảnh đất phía Bắc Hòa Vang có lẽ là nơi để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, được ông nhắc đến nhiều hơn cả. Ông kể lại rành rọt từng chi tiết những trận đánh ác liệt ở đèo Hải Vân, cầu Thủy Tú..., và từng con người, từng thôn xóm mà ông đã từng gặp gỡ, từng chia sẻ gian khổ, khó khăn. Khi ghé thăm gia đình bà Cai Đạt (tại một thôn hẻo lánh ở Hòa Hiệp) – một người mẹ bao dung, kiên cường đã che chở, giúp đỡ bộ đội kháng chiến, ông nhắc lại từng kỷ niệm nhỏ: “ Tôi nhớ lúc đó mỗi lần bà cụ gởi đến anh Nguyễn Bá Phát một chai nước mắm Nam Ô, bà cũng đều gởi tôi một chai. Bà rất thương anh em bộ đội. Khi bị địch bắt bớ, hạch hỏi, bà thường dõng dạc nhận bộ đội là con em của bà”.

   Điều thú vị trong chuyến tháp tùng cùng Thượng tướng Đàm Quang Trung, ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên, khi tôi xin ông đặt vài câu hỏi cho bài viết thì bị ông hỏi ngược: “Anh muốn viết về tôi, muốn phỏng vấn tôi, thế anh có biết tôi đã làm công việc gì? những chức vụ gì? Tôi có gắn bó với Quảng Nam Đà Nẵng ra sao?”.

       Thực sự lúc này, dù cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua lâu, nhưng cái tên của ông – Đàm Quang Trung vẫn còn hiện diện trong tâm trí nhiều người trên mảnh đất miền Trung. Có lần, tôi đã được nghe Giáo sư Hoàng Châu Ký kể lại: thời kháng chiến chống Pháp, ông Đàm Quang Trung là vị tư lệnh dũng cảm, tài ba đã để lại nhiều giai thoại thú vị nhất tại xứ Quảng. Thời đó, cùng với đồng bào tản cư lên Trung Phước, Phú Gia...có rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã đưa gia đình vào chiếm giữa “cao điểm” đèo Le, dựng nên một quán hàng nước có tên “ Quán đèo Le”. Đây là chặng đường tư lệnh Đàm Quang Trung thường cưỡi ngựa ngang qua để chỉ huy các trận đánh trong vùng tạm chiếm. Một lần dừng chân ở “Quán đèo Le”, khi nghe nhà thơ Khương Hữu Dụng đọc thơ, bình thơ... , nhà quân sự Đàm Quang Trung say sưa suýt bỏ trễ thời điểm tác chiến. Bởi vậy ông bảo rằng, ông không sợ bất kỳ tướng tá tài giỏi nào của địch, mà ông chỉ sợ nhà thơ Khương Hữu Dụng (!).

    Tuy nhiên, không đợi tôi lúng túng tìm câu trả lời, vị danh tướng của một thời miền Trung khói lửa, trở nên gần gũi, thân quen, với những câu chuyện đầy xúc cảm. Ông nói:

    - Miền Trung là mảnh đất thân yêu mà tôi có biết bao kỷ niệm với đồng bào, đồng đội...Lần nào về đây tôi cũng vào thăm, thắp hương tại các đài liệt sĩ. Tôi rất buồn khi nhận thấy có quá nhiều liệt sĩ vô danh. Ngay cả người anh ruột tôi, đến nay vẫn chưa tìm ra mộ chí...

   Sau nhiều năm trôi qua, cứ mỗi lần tình cờ lục trong đống tư liệu, khi gặp những hình ảnh và nghe lại cuốn băng cassette trong lần trò chuyện với Thượng tướng Đàm Quang Trung, tôi vẫn luôn nhận ra những cảm xúc bất ngờ thú vị. Giọng nói ông chậm rãi, chắc nịch, cứ làm tôi liên tưởng: ông vẫn đang ngồi đó, điếu thuốc không rời tay. Và khói, và lửa, và một thời ác liệt miền Trung...

 

 

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (1921–1993): Phải giữ gìn lấy biển quê hương

 

     Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát quê ở làng Trung Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) - nguyên Tư  lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Ông thường được biết đến như là một vị tướng có công đầu đối với sự hình thành và phát triển của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng từ ngày đầu thành lập đến khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Ông cũng là người có những cống hiến không nhỏ đối với việc xây dựng đoàn tàu không số, chỉ đạo và phát triển đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, bảo vệ và phòng thủ bờ biển...Đặc biệt, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại Quảng Nam - Đà Nẵng (20/12/1946), cùng với Thượng tướng Đàm Quang Trung, ông là vị chỉ huy can trường trực tiếp tổ chức nhiều trận đánh ác liệt gắn liền với các địa danh như: đèo Hải Vân, Xuân Thiều, Gò Cà, Thanh Quýt, sông Trường Định....

     Gần đây, trong tập sách “Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát vị tướng tài trí” (do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành 2008) bao gồm nhiều bài viết của các tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Đôn, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nhà báo Tạ Xuân Linh... cũng khẳng định những đóng góp to lớn của ông trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là  những công lao của ông trong 9 năm chiến đấu ở Quân khu 5 thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tên ông cũng đã được đặt cho một đường phố chính ở thành phố Đà Nẵng quê hương.

      Từ tháng 7 năm 1945, ông bắt đầu tham gia đội tự vệ bí mật của Việt Minh, chuẩn bị cướp chính quyền ở Đà Nẵng. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tháng 8 năm 1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban nhân dân lâm thời xã Trung Sơn. Sau đó, ông tham gia chỉ huy bộ đội lập nhiều chiến công tại Chiến trường Liên khu 5 và Tây Nguyên. Từ năm 1946 đến năm 1949, ông từng giữ các chức vụ: Chi đội phó Chi đội Phan Đình Phùng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Buôn Ma Thuột và đường số 14, Phó chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 96, 73, 126...

     Đặc biệt, trong 3 ngày đầu tiên khi tiếng súng kháng chiến bùng nổ, ông là một trong những thành viên chỉ huy của Ủy ban Quân sự Quảng Nam – Đà Nẵng góp phần quyết định các phương hướng chiến đấu, tấn công tại Đà Nẵng. Ông đã kể lại các diễn biến trong 3 ngày này như sau:

     “ Trong ngày đầu (20/12/1946), địch đánh ta trên 5 trục lớn, bao gồm các hướng: nhà ga, cầu vồng, đường Con Gà (qua ngã năm), từ nhà máy đèn đánh lên cơ quan Liên kiểm quân sự, từ nhà Mourin-surim đánh  lên Cổ Viện Chàm, sân bay. Tuy nhiên địch đến đâu cũng bị quân ta chắn đánh, gây nhiều thương vong. Đồng bào còn lại trong thành phố đều được đưa đi tản cư đến các khu vực đã chuẩn bị sẵn: Tây Bắc Hòa Vang, Cẩm Lệ, Túy Loan, Điện Ngọc.

Ngày thứ hai (21/12/1946), địch cố đánh giải tỏa thành phố, tập trung ở các hướng: phía tây, chúng tiến vào nhà ga, chợ Cồn; phía nam đánh lên chợ Mới Bình Hòa. Cùng lúc pháo địch ở hầm tàu bắn lên uy hiếp tinh thần quân dân ta. Thương vong cả hai bên rất nhiều.

   Ngày thứ ba ( 22/12/1946), địch tập trung lực lượng đánh lên phía sân bay, bị Tiểu đoàn 17 chặn đánh ác liệt. Sau đó, quân ta dạt ra ngoại vi. Như vậy sau 3 ngày kịch chiến, mặc dù địch giải tỏa thành phố và liên lạc được sân bay, nhưng chúng phải tổn thất hết sức nặng nề”.

         Về sau, khi chiếm được các vị trí phía tây và thành phố Đà Nẵng, hoạt động chủ yếu của địch lúc này là dồn lực lượng thông đèo Hải Vân và giải vây Huế. Ngày 17/2/1947, sau khi được tăng quân, địch tiến đánh Thủy Tú, đổ bộ lên Liên Chiểu, Hải Vân. Địch mở thêm một mũi nữa ở phía Lăng Cô đánh trở vào mới giải tỏa được Hải Vân. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của ta, sau khi rút khỏi gọng kìm bao vây của địch, bắt đầu hình thành một thế trận khác, chủ yếu là phục kích đánh giao thông… Trong đó, trận đánh đèo Hải Vân lần thứ hai (23/6/1947) tiêu diệt đoàn xe địch chở đầy lính lê dương (có tên quan năm Roger, chỉ huy miền Trung Đông Dương) vang dội toàn quốc.

    Nhà báo Tạ Xuân Linh (nguyên phóng viên báo Quảng Nam - Đà Nẵng), người có thời gian dài gắn bó cùng Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát đã nhắc lại: “Tôi hỏi anh: Anh nhớ gì nhất trong cuộc đời anh? Trả lời: Tôi nhớ nhất là trong cuộc mitting ở Lâm Viêng, Tây Nam Hòa Vang đêm 4/4/1947, thay mặt cho Trung đoàn 96 hứa với đồng bào: “Mãi mãi sống chết bên đồng bào”, trước đó còn có phiên hiệu là Chi đội 2 độc lập, rồi Trung đoàn 7 tiếp phòng quân đã làm như đã hứa. Tôi cũng nhớ nhất lời khen ngợi của đồng chí Phạm Văn Đồng, Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tặng cờ “Giữ vững” cho Trung đoàn 96 và khen ngợi vào tháng 5 năm 1947: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất”.

   Trong những lần được tiếp cận Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát tại nhà riêng lúc sinh thời, tôi luôn có ấn tượng khó quên, bởi bao giờ ông cũng  thể hiện một phong cách rất riêng. Đó là trước khi mở đầu câu chuyện, ông mời liên tiếp 3 ly rượu trắng rất nặng. Ông nói: “Tôi là dân thủy thủ. Cậu phải uống với tôi mới hiểu được những câu chuyện sóng gió trên biển cả...”. Những câu chuyện kể của ông sau này, tôi thấy phần lớn đều in lại trên nhiều sách báo. Tuy nhiên, những điều ông nói về biển tôi còn lưu giữ lại dưới đây thì hầu như chưa thấy trích dẫn:

    “Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo, cha là một nhà nho có tinh thần yêu nước, dạy chữ Hán có tiếng trong vùng. Năm 10 tuổi, phần vì chỉ học chữ quốc ngữ, phần vì có những chuyện không hay trong tộc họ, tôi bỏ đi đăng vào các tàu Pháp (1939). Sáu năm lênh đênh trên biển cả, tôi đã đi đến nhiều bờ biển châu Á, châu Phi, qua tận đảo Rê-uy-ni-ông hay Ma-đa-gát-ca để tìm thăm ông vua và các chiến sĩ yêu nước bị đày ải ở đó. Trong các câu lạc bộ thủy thủ, tôi được nghe bao điều, từ cộng sản đến xã hội, tự do đến cách mạng và nhiều thông tin ở quê nhà. Năm 1945, sau khi về Sài Gòn, tôi lẩn trốn về quê, rồi tham gia Ủy ban cách mạng của làng Trung Sơn (Hòa Vang). Từ bài học quân sự cách mạng đầu tiên ở làng quê, tôi tiếp nhận mọi nhiệm vụ và có mặt ở mọi chiến trường cho đến khi thành người Tư lệnh Hải quân nhân dân, có lúc kiêm Tư lệnh quân khu Đông Bắc.

     Thời tuổi trẻ, tôi có nhiều kỷ niệm về biển cả, hay đúng hơn, tôi đã được đi trên những con đường diệu kỳ - đường “Hồ Chí Minh trên biển” để cùng anh em bộ đội các quân chủng khác giành lại độc lập cho quê hương. Có lần đón Bác Hồ đến thăm một đơn vị Hải quân, tôi nhớ lời Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Tôi muốn nhắc lại câu nói đó với các bạn trẻ”.

Trung tướng Nguyễn Huy Chương (1926-2004): Hy vọng vào thế hệ trẻ

Trung tướng Nguyễn Huy Chương (bí danh  Kim Anh,) từng giữ các chức vụ: Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Sinh thời, khi đã về hưu, Trung tướng Nguyễn Huy Chương thường có các buổi trò chuyện, sinh hoạt với nhiều tổ chức cơ sở tại địa phương, nhất là với các bạn trẻ tại các trường đại học. Ông cũng để lại tập hồi ký "Chỉ một con đường", tái hiện những ký ức, những kỷ niệm không thể nào quên. Riêng về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông kể:

Khi còn đi học ở làng Hương Quế (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), tôi cứ bị ám ảnh hai câu thơ: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi” (Tố Hữu). Vì vậy từ 15 tuổi ( năm 1941), tôi đã gia nhập Đoàn thanh niên phản đế, đến một năm sau thì bị mật thám bắt vào tù. Ra khỏi tù tôi lại tiếp tục hoạt động đến ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng 8. Suốt từ tuổi thiếu niên cho đến khi thành cấp chỉ huy Sư đoàn Quân khu, tôi có 3 kỷ niệm đáng nhớ mãi, đó là: thời gian đầu tiên vào tù, được các đồng chí dìu dắt, động viên, hun đúc nghị lực, nên lớn lên bao khó khăn gian khổ cũng vượt qua. Năm 1947, trong trận đánh với quân viễn chinh Pháp tại Hương An, bấy giờ bộ đội ta hy sinh rất nhiều, một đồng chí bị thương đã gọi tôi đến dặn dò trách nhiệm của một người Đảng viên với đồng đội. Thời gian ở Tây Nguyên vào sâu trong lòng địch gây cơ sở (năm 1949), tôi đã học tập phong tục, tiếng nói, sống hòa đồng cùng đồng bào thiểu số, được nhiều người già nhận làm con nuôi. Tôi nhớ mãi một cụ già mỗi khi biết địch đánh phá đều tìm mọi cách che chở, bảo vệ anh em bộ đội, từ đó tôi tự xem mình là con em ruột thịt của đồng bào.

    So với thế hệ chúng tôi, tuổi trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi học tập, phát huy tài năng để cống hiến cho đất nước. Tất nhiên, xã hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại, nhưng tôi hy vọng điều đó không làm ảnh hưởng, cản trở tiến độ vươn lên của lớp trẻ./.

                                                                                    T.T.S