Phần đầu tiên, Nói bằng lời của mình là những truyện ngắn mang đậm không khí của tuổi trẻ, cũng được tác giả viết khi còn rất trẻ.
Lúc ấy, anh đã là một tác giả văn chương tạo được dấu ấn với bút pháp mới lạ, độc đáo, vừa hài hước, dí dỏm lại sâu sắc thâm trầm. Truyện ngắn của anh thời kỳ này khiến độc giả thích thú bởi cái cười rất thơ ngây, trẻ trung hào sảng, những lại rất đời. Cái chất đời hiện diện ra từ những điệu cười sảng khoái, thế mới thật ý tứ.
Đó là những câu chuyện mà độc giả có lẽ đã từng đọc rải rác trên báo hoặc trong các tuyển tập truyện ngắn lẻ khác, hầu hết đều là những truyện ngắn khá thân quen, như Nói bằng lời của mình, Cuộc săn đuổi, Gặp nhau có một lần...
Người viết đặc biệt ấn tượng với truyện Cuộc săn đuổi. Bản thân khi đọc lại truyện ngắn trong tập sách này, ban đầu có chút ngờ ngợ, hình như mình đã từng đọc ở đâu đó, rồi khi đọc gần hết câu chuyện, mới nhớ ra mình đã từng đọc cả chục năm trước.
Trong truyện ngắn này có một cuộc săn đuổi theo đúng nghĩa đen, khiến độc giả bật cười với hai cậu nhóc choai choai, thích thể hiện trước mặt gái đẹp. Ấy là môt câu chuyện vui mà có lẽ bất kỳ cô cậu nào ở thế hệ ấy sống với giai đoạn chuyển tiếp của đất nước cũng từng gặp phải.
Nhưng cái sâu cay mà Hồ Anh Thái truyền tới độc giả là một cuộc săn đuổi suốt cả cuộc đời con người, cuộc săn đuổi ấy khiến cho ánh mắt con người trở nên thất thần, khiến cho xúc cảm bị bào mòn, để rồi mất đi tất thảy ước mơ, khao khát. Đó là cảnh huống sâu cay của đời người, được Hồ Anh Thái viết nên bằng cái nét hóm hỉnh vui nhộn lạ lùng. Ngay chỉ trong một truyện ngắn, giọng văn Hồ Anh Thái đã có đầy những biến hóa thú vị, lôi cuốn độc giả vào diễn tiến và tâm tư sâu sắc của câu chuyện.
Năm 1988, Hồ Anh Thái được chuyển sang làm việc và nghiên cứu tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ. Trong sáu năm sống tại đây, anh đã trang bị cho mình những kiến thức sâu sắc về văn hóa cũng như văn chương Ấn Độ, với những tinh hoa tư tưởng của Phật Thích Ca, Mahatma Gandhi, R. Tagore.
Chính thời gian làm việc lâu dài cùng với sự tìm hiểu kiến thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống Ấn Độ không ngừng nghỉ đã giúp Hồ Anh Thái đến gần hơn với tâm hồn Ấn Độ, để anh có thể viết nên những truyện ngắn mang đậm màu sắc văn hóa tinh thần và không khí Ấn Độ.
Tiếng thở dài qua rừng kim tước có lẽ là truyện ngắn cảm động, sắc sảo nhất về Ấn Độ mà Hồ Anh Thái đã viết. Chuyện kể về cô gái Nilam mới 16 tuổi, đang theo học ở thành phố và có một mối tình tuyệt đẹp với một chàng trai nước ngoài, nhưng sau đó Nilam bị cha mẹ ép lấy người đàn ông mà cô không yêu.Trong phần hai của tập sách này, độc giả sẽ được tiếp cận với những truyện ngắn đặc sắc của Hồ Anh Thái viết dành tặng cho đất nước, con người Ấn Độ với vị thế là một nhà văn, mà không phải chỉ là một nhà nghiên cứu Ấn Độ học.
Một đám cưới cay đắng, Nilam sinh con gái và tiếp tục bị ruồng bỏ. Khi tìm cách tự tử không thành công, cùng với cái chết của cô con gái, Nilam tìm đến sống cô độc trong một túp lều ở chân đồi. Và bắt đầu chuỗi ngày buồn thảm tiếp theo,khi cô nhận sự gửi gắm bí ẩn của một người mẹ cũng sinh con gái. Và cứ thế, từng nấm mồ mọc lên lần lượt. Trên mỗi nấm mồ, cô ươm một hạt kim tước.
Sinh con gái là nỗi bất hạnh, bởi khi sinh con gái, gia đình lại phải gồng mình lo khoản hồi môn, nên không gia đình nào muốn sinh bé gái. Và bởi vì vậy, khu rừng dần biến thành cả một khu rừng kim tước, với những nấm mồ bé nhỏ chôn sâu dưới lòng đất. Ở đó là những linh hồn của các bé gái, còn chưa kịp tận hưởng giây phút nào được sống trên đời.
Tâm trạng của Nilam được tác giả khắc họa một cách đầy cảm động qua hình ảnh rừng cây kim tước: “từng cây kim tước cao lớn rũ hết lá xanh chỉ còn giữ lại vòm hoa vàng buông xõa thướt tha như mái tóc vàng của đám con gái tuổi mười bảy”. Giọng văn của Hồ Anh Thái trong truyện ngắn “Tiếng thở dài qua rừng cây kim tước” cũng như phần lớn những truyện ngắn ở phần hai này đều mang đậm chất triết lý sâu sắc, đau đớn, với nhiều những hàm ẩn giấu kín đầy tâm tư.
Hồ Anh Thái đã xuất bản được hơn 30 tác phẩm, phần lớn là tiểu thuyết, trong đó, có cuốn dịch sang hơn 10 thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước. Ông được bầu là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hai nhiệm kỳ (2000-2005 và 2005-2010). Ông còn là một nhà ngoại giao, là Phó Đại sứ Việt Nam tại Iran (2011-2015), và hiện tại là Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.
Thủy Nguyệt
(news.zing.vn)