“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy Thảo
Tôi và nhà văn Nguyễn Đức Linh, mỗi người có một kỷ niệm riêng liên quan đến cái ngầm Xò Lò ấy trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhưng “ngầm” là gì? Xin nói ngay: Đó là con đường chạy chìm dưới nước dành cho xe tải qua sông khi mưa lũ, tạm hình dung nó giống cái đập tràn trong giao thông bây giờ. Chỉ khác, đập tràn phẳng phiu, còn cái ngầm hồi chiến tranh chỉ toàn đá núi lô nhô xếp lớp dưới đáy sông. Ngầm Xò Lò vừa nói nằm trên sông Re thuộc địa bàn xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), thời bấy giờ khu vực này được gọi là vùng “giáp ranh”, luôn có sự tranh chấp giữa ta và địch.
Đầu năm 1970, từ Trà My (QuảngNam) tôi cùng với mấy anh em trong cơ quan Tiểu ban Văn nghệ (Ban Tuyên huấn Khu 5) được phân công đi nhận gạo tại một kho gần ngầm Xò Lò. Ra đi từ sáng sớm cho tới xế chiều mới ra khỏi rừng già. Khi chúng tôi đặt chân đến vùng đất canh tác của đồng bào Hrê phía tây huyện Sơn Hà, chỉ còn cách bờ sông Re chừng vài chục phút đi bộ, thì bất ngờ lọt vào ổ phục kích của bọn Mỹ “lết”. Có lẽ do nhìn ngược sáng hay sao đó mà bọn “khỉ đột” phản ứng chậm, để chúng tôi thừa cơ tạt vào rừng... Chuyến đi nhận gạo lần ấy coi như thất bại. Kỷ niệm này về sau được tôi ghi lại trong một bài bút ký của mình.
Nhưng với trường hợp của Nguyễn Đức Linh có phần khác: Anh gặp tai nạn ngay trên ngầm Xò Lò! Chuyện xảy ra vào đầu năm 1975 - khi chiến dịch Hồ Chí Minh vừa bước vào giai đoạn đầu. Lần đó, đơn vị của Đức Linh đang làm nhiệm vụ khảo sát đoạn đường từ Giá Vực (Quảng Ngãi) qua đèo Vi Ô Lắc đến Xà Nghé (Kon Tum) thì nghe tin quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột (10-3-1975). Ngày hôm sau đơn vị nhận được lệnh xuống đèo về lại điểm tập kết ở Sông Tranh (QuảngNam) chờ lệnh mới. Nhưng ác thay, khi chiếc Zin “ba cầu” lên đón anh em quay ra thì đột ngột chết máy ngay giữa ngầm Xò Lò. Miền tây Quảng Ngãi đang mùa mưa. Lúc này mây đang tụ về đen đặc phía đầu nguồn sông Re. Kinh nghiệm cho biết nếu không qua được ngầm, thì chỉ vài giờ tới lũ ống tràn xuống, nước sẽ cuốn phăng chiếc xe trong nháy mắt. Và sẽ ra sao, với hơn mười lăm con người, kể cả lái chính lái phụ, cùng toàn bộ một trăm hai mươi cây số đường đã khảo sát lên tài liệu xong? Công sức hơn tám tháng trời cả đơn vị dầm mưa dãi nắng tới đây đành đổ sông đổ biển? Nhưng xe đã bị nước tràn vô ổ máy, không có dấu hiệu hồi phục. Hai lái xe hì hục sửa chữa, khởi động máy, nhưng không được, cuối cùng đành tuyên bố: Đã hết phương cứu chữa!
Mưa nặng hạt, rồi ào ào xối xả. Nước từ thượng nguồn hối hả đổ về mang theo bao nhiêu là rác rến và cành cây. Thỉnh thoảng có cả những cây gỗ to lao phăm phăm qua ngầm, rồi băng xuống hạ lưu như thể con cá vược bị dính câu muốn bứt cước tuôn chạy. Bỗng một cây gỗ dài bảy tám mét bất ngờ xuất hiện, vẻ như sắp lao thẳng vào xe. Tốp anh em đứng trong thùng xe rút vội gia-lông, chăm chăm nhìn vào cây gỗ chờ đối phó. Nhưng cái gốc cây đột nhiên đụng phải đá ngầm, khiến thân cây quay ngang, phần ngọn cây quét vào thùng xe rào rào. Gần chục anh em ráng sức như chơi trò đẩy gậy, hò hét lựa chiều nước chảy xô cây gỗ ra xa. Đột nhiên chiếc xe rung mạnh, dưới đáy nước vọng lên những tiếng kêu kình kịch. Chiếc xe nghiêng hẳn và bị rê đi một đoạn ngắn... Tình hình đã tới hồi nguy cấp, Đức Linh với tư cách bí thư chi bộ hội ý nhanh các đảng viên rồi ra lệnh: Toàn bộ anh em trong đội có nhiệm vụ mang tài liệu cùng hai cái máy chuyên dụng lên bờ cho an toàn. Chỉ ba người được ở lại: Linh - đội trưởng, Lộc - đảng viên và Hồng - lái xe... Thế nhưng cả ba người cũng không trụ lại được lâu. Nửa giờ sau xe lật. Linh sức yếu bị nước lũ cuốn phăng về phía vực sâu bên dưới, may nhờ Lộc có sức khỏe đuổi theo kịp kéo anh vào bờ...
Năm ngày sau nước cạn. Nguyễn Đức Linh đưa cả đơn vị ra ngầm. Từ bờ bên này nhìn qua, chiếc Zin “ba cầu” nằm chổng kềnh sáu bánh lên trời. Đầu xe xuôi về hạ lưu, cách ngầm có đến 200 mét. Anh chàng Hồng thở dài ngó chiếc xe mà như có ai xát muối vào lòng. Đó là người bạn chiến đấu, đã gắn bó với anh trên suốt bao chặng đường gian khổ trên dải Trường Sơn này!
... Buổi tối ở Ba Tơ thưởng thức rượu sâm Ngọc Linh do Trung tá Nghiêm đãi, khuya về nhà nghỉ ai cũng ngủ thẳng cẳng, chỉ riêng Nguyễn Đức Linh không ngủ được. Nằm cùng phòng với Linh, suốt đêm tôi phải thức giấc vì anh hay trở dậy mở cửa đi ra đi vào và ho khan. Một lần tôi hỏi:
- Không ngủ được hử, ông nội?... Có sao không?
- Không sao hết - Anh nói - Tự nhiên thấy lo quá, không biết mai này tụi mình có đến được cái ngầm Xò Lò ấy không...
Trời đất! Có lẽ chỉ tôi là hiểu được phần nào nỗi lo của Đức Linh. Sau chiến tranh, đã ba lần anh có ý định quay về thăm lại cái ngầm Xò Lò ấy, nhưng cả ba lần đều không thực hiện được. Lần thứ nhất anh rủ tôi đi cùng, đến phút chót chuyến đi phải hoãn lại do tôi vướng việc nhà đột xuất. Chuyến thứ hai một năm sau, lần này chỉ có anh, chị Ái vợ anh và người lái xe. Họ vui vẻ lên tới Ba Tơ. Rồi từ Ba Tơ đi Tà Ma đường xấu nhưng nhìn chung không gặp bất trắc gì. Cho đến khi rẽ sang cung đường 24B ra Sơn Hà thì có chuyện: Đường bị ổ trâu, ổ voi chằng chịt. Xe lúc thì ì ạch trườn qua các hố sâu, lúc khác nhảy chồm chồm như con vật phát rồ. Mới vài cây số, mặt chị Ái đã tái xanh tái xám. Nguyễn Đức Linh hiểu ra nếu để vợ đi tiếp lúc này là sai lầm, bèn quyết định cho xe dừng lại rồi quay đầu trở về... Đến lần thứ ba... anh “quá giang” theo xe của thằng cháu nhân chuyến công tác của nó lên Ba Tơ, dự tính xong việc hai người sẽ cùng đi. Người nhà, xe nhà... Nhưng xe của thằng cháu chạy đường nhựa không sao, tới lúc bắt qua đường đất của huyện Sơn Hà lập tức “trở chứng”: Trời đổ mưa, xe khổ sở vượt qua các rãnh sâu ngập nước do xe tải đi trước để lại, qua được một lần, đến lần thứ hai cố rướn lên thì cả chiếc xe bị treo hỏng bốn bánh trên cái sống đất giữa đường. Thằng cháu lắc đầu. Thế là đành hủy chuyến đi...
Người ta nói làm việc gì “ba lần” mà không thành thì đừng nên hy vọng gì nữa. Nghe vậy, Nguyễn Đức Linh chỉ cười. Anh thuyết phục chúng tôi thực hiện chuyến “về nguồn” lần thứ tư này sau khi có thông tin con đường 24B đã được địa phương Quảng Ngãi cho sửa sang tu bổ lại. Nhưng sự đời... biết đâu... Dường như cái gì người ta mong mỏi quá thì ở đó cũng xuất hiện ít nhiều tâm trạng bất an, đôi lúc còn gây ra chứng mất ngủ như anh bạn tôi ở Ba Tơ đêm nay nữa!
Sáng ngày, sau khi nạp năng lượng đầy đủ, chúng tôi lên đường. Đoạn từ Ba Tơ lên Giá Vực phải qua cầu sông Liên, lên tiếp nữa qua cầu Ba Tơ rồi đến Tà Ma. Tạm ổn. Nơi ngã ba dưới chân đèo Vi Ô Lắc có gắn tấm biển vẽ mũi tên chỉ về hai hướng: Kon Tum - Sơn Hà. Xe rẽ phải một đoạn trước khi tẻ nhánh đi vào địa phận huyện Sơn Hà. Đức Linh xác nhận “con đường đau khổ” ngày nào nay đã được san lấp rải cấp phối lại. Trước mắt, bỗng hiện ra một thung lũng xanh tươi với con sông Re hiền hòa và các làng buôn dân Hrê có hàng cau và những ngôi nhà sàn mái ngói bình yên. Hai bên sông không còn nhiều rừng nguyên sinh, thay vào đó là rừng trồng, rừng thứ sinh. Đó đây ruộng bậc thang lúa đang thì con gái uốn lượn mềm mại chạy ra tận mép lộ... Vẻ như quang cảnh ấy không hề có trong ký ức của Đức Linh. Những gì còn lại trong trí nhớ của anh hơn bốn mươi năm trước chỉ là sự đổ vỡ: Con đường bùn lầy sụp lở hố bom và dòng sông gầm réo mở toang hoác những xoáy nước hung dữ... Ban sáng lên xe cứ nghĩ đường đã nắm chắc trong tay mình rồi. Nhưng bây giờ... sao đi mãi mà chưa đến? Lạc rồi chăng?...
Lúc qua một xóm nhỏ, nhìn thấy ba người đàn ông ngồi nói chuyện trước một ngôi nhà, Đức Linh đề nghị xe dừng lại để xuống hỏi đường. Người đầu tiên anh hỏi là người thanh niên chừng 20 tuổi, nhưng anh này lắc đầu bảo chưa hề nghe ai nói có một cái ngầm Xò Lò nào đó trên sông Re. Nhưng ông già tóc bạc ngồi bên xen ngang:
- Có đấy! Bên dưới cầu Mới đấy... Ở huyện Sơn Tây trên kia có sông Xò Lò mà không có ngầm. Còn sông Re đây thì có ngầm mang tên Xò Lò... không rõ tại sao. Bộ đội đặt tên trước rồi bà con cứ vậy gọi theo... Thằng cháu tui đây sinh sau đẻ muộn đâu biết gì!
- Thưa bác! - Đức Linh mừng như bắt được của quý - Bác còn nhớ phía dưới ngầm có một chiếc xe tải bị lật ngửa không? Bây giờ xác xe còn không?
- Đâu mình tui mà anh Năm đây (ông già chỉ người đàn ông thứ ba bên cạnh) lần nào lên đó cũng thấy. Sau giải phóng mươi năm người ta xúm lại gỡ sắt bán phế liệu hết trơn rồi!... Mà mấy chú lên đó khỏi phải đi đường ngầm nữa, đã có cầu Mới cho xe chạy rồi...
Chúng tôi tiếp tục đi dọc sông Re mà trong hình dung chỗ giao nhau của đường và sông chính là cái cầu Mới ông già vừa nói. Phải công nhận sông Re đẹp. Cảnh sắc khiến hai ông sĩ quan biên phòng chốc chốc đòi xuống xe để ghi hình đem về khoe với đám lính ở biển. Cũng phải thôi, những dòng sông ngọn suối nào trên đất Việt mà không làm cho dân Việt mong muốn ngắm nhìn. Tôi đã từng đi qua phía thượng nguồn một vài con sông lớn ở Nam Trung Bộ trong chiến tranh, thấy chi lưu những con sông ấy thật đặc biệt. Chẳng hạn sông Tranh (chi lưu của sông Thu Bồn - QuảngNam) quanh năm sẫm một màu bóng lá của rừng đại ngàn và mùa nào nước cũng đầy. Trong khi sông Kôn (Bình Định) có nhiều ghềnh thác, các chi lưu của nó tỏa ra bám chắc vào vách đá dãy Trường Sơn; một lần từ giáp ranh Gia Lai theo giao liên xuống khu căn cứ tỉnh Bình Định, tôi ngạc nhiên nghe tiếng thác nước sông Kôn tấu lên bản hòa âm a a... u u... trầm bổng theo chân suốt cả ngày trời! Còn sông Re thì sao?... “Sông Re là một trong những chi lưu quan trọng của sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Khu tam giác giữa ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai vốn sở hữu một vùng núi rộng lớn, rừng nguyên sinh đa thực vật với nhiều gỗ và thú quý hiếm.Vùng núi này tạo nguồn nước, một đổ về sông Kôn, một chảy về Ba Tơ tạo nên thác Đăklay đầu nguồn sông Re. Thác ở độ cao khoảng ba trăm mét đổ nước theo vách đứng. Những ngày trời trong từ khá xa người ta vẫn quan sát được dòng thác dài như dải lụa mềm mại trắng xóa. Từ đây sông Re theo hướng nam bắc chảy qua hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà...” (dẫn theo Cồ ViệtMobile).
Dường như ở đầu nguồn các con sông ấy, dù trầm lắng hay sôi nổi, đều đem lại cho ta cái cảm giác sung mãn của cả dòng, nó báo hiệu những mùa vàng rạng ngời của đất đai màu mỡ phía hạ lưu!
Chừng nửa giờ sau xe chúng tôi lên tới cầu Mới. Vừa cua qua một xóm nhà nhiều cây xanh, một cây cầu màu trắng bất ngờ hiện ra giữa lòng sông như trong câu chuyện thần tiên. Gọi cầu Mới theo lối dân dã, vì cầu hoàn thành gần đây trong năm 2015. Vậy “cầu cũ” ở đâu? Đó là chiếc cầu đã được gỡ bỏ khi cầu Mới bắt đầu xây dựng - nó vốn tồn tại hàng chục năm trước do người dân ở các thôn Làng Tranh, Làng Già và Mò O làm nên bằng cách chăng dây kéo bè đưa học sinh qua sông. Bây giờ cầu đã có tên chính thức là cầu Mò O, có lẽ do đầu phía nam của nó gối lên cuộc đất thôn Mò O, xã Sơn Ba. Được xây dựng theo tiêu chuẩn bê tông cốt thép dự ứng lực, vĩnh cửu, cầu Mò O có 5 nhịp với tổng chiều dài 165 mét, bề rộng mặt cầu 5,5 mét, tổng vốn đầu tư hơn 23,1 tỷ đồng. Lời ông Nguyễn Phong, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà trong buổi lễ khánh thành cầu: Cầu Mò O bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão cho 630 hộ dân, với 2.500 nhân khẩu ở 7 thôn; cầu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hàng nghìn hộ dân dọc tuyến đường liên huyện bờ nam sông Re.
Chúng tôi qua cầu rồi cho xe rẽ phải dừng lại bên đường. Tất cả xuống xe đi bộ xuôi theo con dốc thoai thoải ra tới mé sông. Ngầm Xò Lò đây chăng? Đang mùa khô, con sông Re hẹp dòng phô lên ở hai đầu một phần cái đập tràn được đúc xi măng khá chắc chắn. Đức Linh đứng lặng hồi lâu trên mặt đập rồi vén quần lội qua dải nước sang phía bờ đối diện tìm lại dấu vết con đường cũ dẫn xuống “ngầm”. Lát sau anh trở lại chỉ cho mọi người thấy vị trí chiếc xe Zin “ba cầu” bị lật ngửa chổng bánh lên trời và nơi bụi tre dưới chân đồi kia là cái xóm nhà sàn (bây giờ đã di dời) đơn vị anh từng vào đó nương náu những ngày gặp nạn.
- Đường cũ phía ấy còn một đoạn chạy luồn dưới mố cầu Mò O, nay người ta dùng cho xe công nông đi lại chở vật liệu xây dựng, nếu không chú ý khó nhận ra - Đức Linh nói - Nhìn chung, mọi thứ đã đổi khác... Thật lòng, mình được an ủi rất nhiều khi nhìn thấy cây cầu Mò O hiện đại kia thay thế cho cái ngầm Xò Lò xưa cũ thời chiến tranh...
Tôi cũng cảm động như Nguyễn Đức Linh khi lần đầu tiên nhìn thấy cây cầu trẻ trung ấy. Từ vị trí ngầm Xò Lò xưa, cách 200 mét về phía thượng nguồn, cây cầu Mò O thanh mảnh vươn cao 5 nhịp giống chiếc lược thần của miền sơn cước chải lên dòng sông Re. Và chúng tôi bảo nhau đứng gần lại để chụp một bức hình...
C.D.T