Betta tìm chủ - Lê Ngô Tường Vy

02.08.2017

Betta tìm chủ - Lê Ngô Tường Vy

Trời đã sập tối. Tôi nằm nghỉ dưới gốc cây bên đường. Tôi có thể nghe thấy những tiếng kêu trong đêm; tiếng người bán ốc, tiếng kẻng kêu leng keng của người đổ rác, tiếng chó sủa vang khắp các con phố,... Và tôi - Betta - một chú chó nhỏ, không ai bên cạnh đang nằm lắng nghe. Chắc ai cũng nghĩ tôi là chó hoang, nhưng tôi là chó đã có chủ. Chủ nhân tôi là một chàng thanh niên ưu tú, là một sinh viên học ngành kinh tế. Tôi và cậu là một đôi bạn từ nhỏ, đi đâu cũng có nhau. Đến bây giờ, dù đã lớn khôn nhưng chúng tôi vẫn không lìa nhau nửa bước. Nhưng... chỉ vì cái tật ham ăn không bỏ, mải mê đuổi theo chiếc xe chở thịt gà quay “thơm nức mũi” ấy mà tôi đã lạc khỏi tầm tay cậu chủ, để rồi khi quay lại thì đã ở nơi “đất khách quê người”.

Đã là ngày thứ ba kể từ khi tôi rời cậu chủ. Mặt trời mọc rồi lại lặn, ngày rồi lại đêm, tôi lang thang trên khắp các ngả phố, đầu không lúc nào nguôi nhớ đến cậu chủ Khoa. Ngày ngày tôi vẫn cố gắng dùng chiếc mũi “thiên tài” của mình để đánh hơi nhưng... thật vô vọng! Đêm nay cũng như bao đêm khác, tôi vẫn ngủ trên đường phố, nhìn hết xe này đến xe khác chạy qua. Cứ thấy chiếc xe Dream chạy qua là tôi lại vui mừng, đứng lên, sủa gâu gâu, thè lưỡi ra và... thở dài trong nỗi tuyệt vọng. “Mình thật sự đã trở thành một con chó hoang đầu đường xó chợ thật sao?”, đó là điều mà tôi luôn băn khoăn. Thế là tôi lại chìm vào giấc ngủ.

Trời đã sáng. Ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu rọi vào trong mắt, tiếng còi xe ầm ĩ khiến tôi bừng tỉnh. Tôi rướn cổ, ngáp một hơi dài, bỗng bụng tôi rú lên những tiếng “ọt... ọt”, chắc tại ngày hôm qua tôi không ăn nên bây giờ đâm ra đói. Tôi bắt đầu lên đường. Cảnh chợ buổi sáng thật tấp nập, ồn ào cùng mùi tanh của tôm cá xông lên nồng nặc. Tôi đi khắp các xó xỉnh cuối chợ, sục sạo các thùng rác trước các quán ăn, nhà lầu với hy vọng nhét được thứ gì đó vào “cái túi rỗng” này. Đi cả buổi sáng tôi vét được vài miếng thịt cùng vài cục xương thừa. Bụng đỡ đói, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tìm cậu chủ.

 Tôi ra khỏi chợ, đi dọc trên vỉa hè, bóng cây bàng mát rượi khiến tôi có cảm giác buồn ngủ. Tôi nằm ễnh dưới tán cây xanh mát, đánh một giấc say sưa. Chiều nay phải đi kiếm nước sạch để tắm. Trông mình thật hôi hám, dơ dúa chẳng khác nào một con chó hoang mà mình thì chẳng thích thế chút nào! Ôi, mình nhớ cậu Khoa vô cùng! Betta mình đây chưa lần nào xa cậu chủ lâu đến vậy. Thật nhớ những cái gãi ngứa mỗi tối của cậu khi cùng ngồi xem ti vi, nhớ lắm những lần tôi cùng cậu tắm chung, cùng nhau tạo nhiều kiểu tóc ngộ nghĩnh... Bài học này khiến tôi tởn tới già, tôi sẽ bỏ ngay tật háo ăn ấy. Bây giờ tôi chỉ mong nhanh chóng tìm thấy cậu chủ. Những cơn gió lùa dưới tán lá vỗ về giấc ngủ êm ái. Tôi thiu thiu ngủ...

Tôi thức dậy, màn đêm đã buông xuống, quây kín tất cả bằng tấm lưới màu đen mun. Tôi bắt đầu đi. Trong ký ức, tôi chỉ nhớ hình ảnh ngôi trường Đại học mà cậu tôi học tập và cũng là nơi có ký túc xá mà chúng tôi ở. Tôi đi tìm manh mối. Tôi đi được nửa đường thì thấy một chú chó lông xù đang đi dạo. Mình có thể nhờ cậu ta giúp đỡ, tôi thoạt nghĩ trong đầu. Tôi tiến đến, mở lời:

- Này, anh bạn. Tôi có thể hỏi cậu câu này không?

- Được chứ, tôi sẵn sàng giúp đỡ - Cậu ta trả lời.

- Chắc ngày nào cậu cũng đi dạo, vậy có thấy một chàng thanh niên cao, có làn da trắng với mái tóc màu vàng đi qua đây không?

Tôi nói những điều mình nhớ về cậu Khoa. Tôi háo hức chờ đợi câu trả lời của cậu ta.

- Không, tôi chẳng thấy ai như thế cả. Bộ cậu đang đi tìm chủ à?

- Đúng vậy. Thế cậu có cách gì giúp tôi được không?

- Thế thì cậu hãy đi thẳng lên rồi rẽ phải, sẽ thấy một ngôi miếu trong đó có một con chó đốm, gầy nhom. Cậu ta biết rất nhiều người vì suốt ngày cậu ta chỉ đứng một chỗ và nhìn tất cả những người đi đường với đôi mắt ngờ vực.

- Ôi, cảm ơn, cảm ơn cậu nhiều lắm anh bạn! - Tôi cảm ơn rối rít.

Theo lời chỉ dẫn của chó xù, tôi tìm đến cái miếu hoang. Quả nhiên như lời miêu tả, trong đó là một con chó đốm gầy nhom, ốm yếu (tạm gọi nó là Đốm vậy) nhưng hai con mắt xanh lè thật đáng sợ. Thấy tôi bước vào, cậu ta ngồi dậy, hỏi:

- Đi đâu thế hả? Đến đây có chuyện gì?

- Tôi muốn tìm người quen ấy mà!

- Tìm người à? Được thôi, nhưng... có gì làm quà không?

Tôi lục lọi trong người thì tìm thấy một miếng thịt heo còn sót lại lúc sục sạo ở chợ, liền đưa cho Đốm.

- Được rồi, muốn tìm ai hả nhóc?

- Cậu có thấy một anh thanh niên cao, làn da trắng với mái tóc vàng, trông rất thư sinh ấy?

- Ừm... ờ... đúng rồi, ngày hôm qua, anh ta đã ngồi dưới chiếc ghế đá đằng kia với vẻ mặt rất buồn như mất thứ gì đó. Sau đó đã phóng xe đi về phía có nhà văn hóa đằng kia.

- Ồ, thế à... Cảm ơn cậu nhiều!

Sau đó, tôi tạm biệt Đốm và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Nhưng để đến nhà văn hóa, tôi phải băng qua con phố bẩn thỉu kia. Tôi bất chấp tiến về phía trước. Đến con phố, tôi ngửi thấy một mùi hôi nồng nặc như mùi rác bao trùm xung quanh. Những ngôi nhà cũ kỹ, lụp xụp, meo mốc bám xung quanh nhà. “Chắc đây là phố Ngõ Rác mà cô nàng chó cạnh nhà tôi thường nhắc”, tôi thầm nghĩ. Bỗng ở đâu một đám con nít quần áo rách rưới, đi chân trần vây quanh tôi. Cả bọn reo hò, rồi một thằng to con nhất đám bước lên, nói:

- Có một con chó hoang ở đây nè tụi bây ơi!

Chó hoang ư? Tôi không phải chó hoang đâu nhá, tôi có chủ cơ đấy. Tôi tức giận nhưng chỉ biết sủa thật to. Thằng to con lại nói với giọng phách lối:

- Chúng ta hãy tổ chức một cuộc thi đấu chó đi nào! - Cả bọn lại nhao nhao reo hò.

- Thằng Mít đâu, mau đem con chó Bun nhà mày ra thi đấu xem nào!

Thế là thằng nhỏ con nhất đám chạy ù một hơi về nhà. Trong khi đó tôi cố gắng thoát ra nhưng bọn chúng vây kín quá khiến tôi ngộp thở. Tôi sắp chịu hết nổi thì bọn chúng tản ra. Lúc đấy tôi đánh hơi được một mùi rất lạ. Quả nhiên tôi đánh hơi trúng phóc. Đứng trước mặt tôi lúc đấy là một gã chó mặt bự như tấm thớt, các nếp da chồng lên nhau khiến cho đôi má xệ xuống, quai hàm trễ nải để lộ vẻ dữ dằn. Khi gã đến gần, mùi khó chịu bốc ra từ bộ lông đen bụi bặm xông thẳng vào chiếc mũi “thiên tài” khiến tôi muốn ọe. Nhìn bộ mặt cau có, lạnh lùng của nó, tôi thấy ớn ớn. Gã chào hỏi tôi với ánh mắt chế giễu:

- Này, tên gì thế?

- A, tôi tên Betta.

Vừa mới nghe đến tên tôi, nó đã bật ngửa ra cười to:

- Ha... ha... Tên gì mà ỏng ẻo giống con gái vậy, ha... ha...

Vẫn cái cười đáng ghét ấy, nó dí sát mặt vào tôi, thì thào:

 - Chào mừng nhóc đến với “buổi tiệc” nhỏ này nhá!

Tôi thì chẳng muốn gây sự với gã đó chút nào nhưng đành chấp nhận. Khi tiếng kẻng gõ, gã xông thẳng vào tôi quật túi bụi, gã dùng lớp mỡ chảy xệ để ép tôi nhưng may thay tôi thoát được. Tôi cũng chẳng phải dạng vừa, đứng lên xông thẳng vào gã, dùng móng vuốt sắc nhọn tấn công khiến gã bị thương ở ngực, máu rỉ ra. Thấy thế nó tức giận, lù lù bước tới:

 - Sao mày dám!

Nó gầm gừ nghiến răng rồi nhanh chóng xông tới dùng hết vuốt này đến vuốt khác cấu vào da thịt tôi. Đòn tấn công của nó đau thấu da thấu thịt, còn bọn con nít bên ngoài thì hò hét cổ vũ cho gã mặt bự. Tôi như vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cuối cùng cuộc chiến cũng kết thúc, gã mặt bự bỏ đi không chút nuối tiếc do dự rồi đám nhỏ thấy thế cũng tản đi, mỗi đứa một nơi. Thân hình tôi ê ẩm, tôi cố gắng ngồi dậy nhưng... Tôi nhắm tịt mắt lại, muốn khóc quá! Nhưng không được khóc, mình là một thằng con trai, không phải con gái mít ướt. Tôi sợ sẽ không gặp lại được cậu chủ nữa. Bây giờ tôi chỉ có thể nằm yên chờ đến sáng. Rồi tôi nghe thấy thân hình mình bị kéo lê. Thôi rồi! Mình sắp chết đến nơi rồi! Toàn thân tôi run cầm cập, tôi từ từ hé mắt. Ồ, ngạc nhiên chưa! Trước mắt tôi không phải là bọn con nít lúc nãy.

Đó là một cô bé với ánh mắt dịu dàng, khuôn mặt lem luốc, mái tóc đen mượt được buộc gọn sau gáy. Có vẻ cô bé rất khổ sở, không được ai chăm sóc, ngó ngàng. Cô bé nói với giọng nhỏ nhẹ:

  - Ai lại vứt chú chó nhỏ dễ thương này ra đường thế nhỉ?

Cô bé dễ thương này chắc hẳn là một người tốt. Tôi cố gắng phát ra những tiếng kêu yếu ớt “oẳng... oẳng...”. Rồi cô bé nhìn quanh người tôi một lượt, cất giọng:

 - Ôi, hình như mày bị thương ở chân rồi này. Về nhà để tao băng bó cho nhé!

Cô bé bế tôi trên tay, tay cô thật ấm áp như bàn tay mẹ. Tôi ngoan ngoãn nằm yên để cô bế đi nhưng mắt vẫn mở thao láo quan sát. Cô bước vào một căn nhà nhỏ tối thui, chỉ có ánh đèn dầu lập lờ. Cô nhẹ nhàng đặt tôi xuống đất, rồi cẩn thận băng bó một bên chân bị thương cho tôi. Tôi cảm thấy tức lắm chuyện hồi chiều, tự nhiên lại bị lôi vào một cuộc chiến nhưng rồi tôi cũng sẽ nhanh chóng quên nó và tiếp tục đi tìm cậu Khoa. Sau khi băng bó cô bé lại ngồi thì thầm với tôi:

- Chị là Mai, thật ra muốn nuôi em lắm nhưng bố chị rất ghét động vật. Ông ấy có thể sẽ đánh đập em nên bây giờ em cứ ngủ lại đây, sáng dậy chị sẽ thả em đi.

Buổi tối hôm đó trôi qua thật yên tĩnh trong căn phòng nhỏ tối om. Tôi vẫn nằm lắng nghe những tiếng kêu trong đêm. Tôi ngủ thiếp đi.

Sáng sớm hôm sau, Mai dậy từ rất sớm và tôi cũng vậy, không hiểu vì sao. Chắc lòng tôi đã cảm thấy rất gần với cậu chủ nên bồn chồn không yên. Mai cho tôi ăn chút cơm nguội với cá kho, rồi bế tôi ra cuối con phố Ngõ Rác. Chúng tôi chia tay nhau, gương mặt dịu hiền của Mai luôn làm tôi nhớ mãi về một vị ân nhân tốt bụng đã cứu vớt mình. Theo mách nước của Đốm, tôi thẳng tiến về phía nhà văn hóa. Không biết tôi đã đi qua bao nhiêu con phố, bao nhiêu hàng cây mát rượi, bao nhiêu trường học, bệnh viện... Tối tối tôi lại ngủ dưới gốc cây ven đường hay dưới mái che cũ kỹ của các cửa hàng tạp hóa. Tôi lướt qua nhiều sự vật nhưng chẳng có dấu hiệu nào thân quen.

Cho đến một buổi sáng chủ nhật, tôi mừng khôn xiết như bắt được vàng khi chợt nhìn thấy quán cơm mà tôi và cậu Khoa thường ngồi ăn chung. Cái biển hiệu thân quen “QUÁN CƠM HAI MÙA” với cô chủ quán là chị Xuân - người mà anh Khoa thầm thương trộm nhớ. Lúc đấy tôi biết đường về đến nhà không còn bao xa. Tôi cố gắng dùng chút sức lực còn lại chạy thật nhanh,  ngọn lửa hy vọng cháy trong tôi thật mãnh liệt.

Khi đứng trước cổng ngôi trường Đại học Kinh tế, tôi mừng rơi nước mắt, dù đã cố kìm nén nhưng không được. Tôi liền chạy vào ký túc xá, leo lên hàng chục bậc cầu thang, vượt qua hàng chục căn phòng. Cuối cùng tôi đã đến căn phòng của chúng tôi, căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn năm mét vuông. Tôi chậm rãi bước vào, một cái mùi quen thuộc bám lấy chiếc mũi ươn ướt của tôi. Đây là mùi của cậu Khoa, tôi sủa to như điên, nhảy cẫng lên vui mừng. Cậu Khoa nghe thấy, nhận ra đó là giọng của tôi liền quay lại. Cậu vẫn nhận ra tôi trong bộ dạng xấu xí, xơ xác thế này, đúng là tình bạn thật thiêng liêng. Cậu Khoa chạy đến ôm tôi vào lòng, nói ngọt ngào:

 - Mày đi đâu mấy ngày qua khiến tao lo quá trời!

Tôi muốn nói: “Tôi không sao đâu”. Nhưng nói làm sao được khi tôi chỉ là một con chó. Cậu chủ như hiểu được tiếng chó, ngồi nghe tôi kể chuyện cả buổi. Được ở bên cạnh cậu Khoa khiến Betta tôi quên hết những ngày vất vả, nhọc nhằn vừa qua.

L.N.T.V

Bài viết khác cùng số

Vàng ở Tourane - Đào Trọng KhánhChú chim non - Nguyễn Nho Minh UyênBetta tìm chủ - Lê Ngô Tường VyTầng năm - Năm tầng - Trần Thu HàCái giếng - Nguyễn Khánh ĐăngBạn tôi - Thái Nguyễn Khánh UyênĐông - Võ Thanh Nhật AnhTrại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi 2017Hứa hẹn nhiều trang văn mới mẻ - Trần Trung SángTình văn nghệ sĩ khu Năm - Quế HàCòn đó một Đà Nẵng xưa - Trần Trung Sáng“Hội chứng” ngầm Xò Lò - Cao Duy ThảoKhông chỉ mình tôi như thế - Đinh Thị Như ThúyNgọn đèn mẹ - Lê Anh DũngVượt sóng - Lê Thành MinhỪ thì em cứ xa - Ngân VịnhKhế nợ - Trương Đình ĐăngGọi mây về cho mưa - Nguyễn Thị Phương ThúyNgõ vắng - Phạm Thị Mỹ LiênNgày về P’rao - A Lăng Văn GiáoTa về ngày xa - Nguyễn Quỳnh AnhViết cho ngày sinh con - Sông HươngChiếc bóng lưu lạc - Lê Văn HiếuThơ Phan Duy NhânKhông gian văn hóa Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Thanh Tuấn…Đậm đà phong vị văn hóa miền Nam Trung bộ và các dân tộc Tây Nguyên - Đỗ Hồng QuânVài ý kiến về âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangÂm nhạc cho thiếu nhi cần được đầu tư sáng tác và cẩn trọng trong dàn dựng - Văn Thu BíchĐọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn HoanĐọc “Người của một thời”: Nhớ một thời Hoa lửa và Sống đẹp - Trần NgọcBài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định