Đọc lại “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư - Mai Văn Hoan
Tôi đến với thơ Phạm Thiên Thư hơi muộn. Phạm Thiên Thư nổi tiếng ở miềnNamtừ những năm 1971, 1972, 1973. Lúc đó, tôi đang ở miền Bắc nên chỉ có biết thơ GiangNam, Thanh Hải. Gần 10 năm sau khi nước nhà thống nhất, tôi vẫn chưa biết tên ông. Mãi đến khi có chủ trương đổi mới, được nghe hai bài hát rất hay của nhạc sĩ Phạm Duy: Ngày xưa Hoàng Thị và Đưa em tìm động hoa vàng tôi mới biết đến thơ Phạm Thiên Thư. Một người bạn văn ở Huế rất ngưỡng mộ Phạm Thiên Thư nói cho tôi hay: Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940, quê cha Thái Bình, quê mẹ Bắc Ninh nhưng ông sinh ở Hải Phòng. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vàoNam. Bố ông làm nghề bốc thuốc và có làm thơ. Phạm Thiên Thư yêu thơ khi ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1960, ông gia nhập nhóm thơ Hồ Quý Ly ở Sài Gòn. Đây là nhóm thơ có xu hướng “nổi loạn” nên bị cảnh sát theo dõi. Phạm Thiên Thư phải trốn vào chùa tu đúng 10 năm (từ 1963 đến 1973). Đó là 10 năm quan trọng nhất của đời ông. Các tác phẩm nổi tiếng như: Ngày xưa Hoàng Thị, Động hoa vàng, Đoạn trường vô thanh... đều được ông sáng tác vào giai đoạn này.
Tập thơ Động hoa vàng xuất bản lần đầu tiên vào năm 1971 (được Nxb Đồng Nai in lại năm 2001 trong Thơ Phạm Thiên Thư), gồm 400 câu lục bát, được chia thành 100 khổ, mỗi khổ 4 câu, có kết cấu vừa chặt vừa lỏng. Mỗi khổ thơ có thể đứng độc lập nhưng lại gắn kết với nhau trong một tổng thể liên quan hết sức mật thiết với nhau. Thiên nhiên và tình yêu như hình với bóng xuyên suốt toàn bộ tập thơ. Vốn am tường và thấm nhuần triết lý đạo Phật nên trong Động hoa vàng cũng như một số tác phẩm khác của ông đậm đặc ngôn ngữ Phật giáo như: Niết bàn, thiền sư, cõi Di đà, tịnh độ, tiền kiếp, vô minh, Như Lai... Đi vào Động hoa vàng ta như đang lạc vào cõi tiên, cõi Phật. Nơi đây có sông, có núi, có mây, có khe, có suối, có hang, có động... Nhưng sông ở đây không giống với những dòng sông ta thường thấy: Sông này chảy một dòng thôi/ Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông. Núi non, khe suối, hang động cũng khác: Núi nghiêng, suối vắt tơ đàn/ Nhìn ra thạch động mưa vàng lưa thưa. Mưa ở đây có màu rất lạ: màu vàng! Có thể xem màu vàng là màu đặc trưng của thơ Phạm Thiên Thư. Ngay trong bài Ngày xưa Hoàng Thị ta đã bắt gặp cái màu vàng đặc trưng này:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng...
Ở đây, ta không chỉ thấy mưa vàng mà là cả một động hoa vàng: Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say... Ngay cả bướm dường như cũng chỉ có mỗi loại bướm màu vàng: Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư. Mặc mà mặc “chú bướm vàng” thì quả là tôi chưa từng thấy bao giờ. Không gian ở đây thật yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức: Con chim chết dưới cội hoa/ Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao. Một tiếng chim kêu trước khi tắt thở mà vang động giữa bao la sông nước. Ta không chỉ nghe mà còn cảm nhận được tiếng chim đang khắc khoải. Không gian ở đây yên tĩnh đến mức: Đêm về thắp nến làm thơ/ Tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi... Dưới con mắt của Phạm Thiên Thư, mọi đồ vật bình thường đều được thiên nhiên hóa: Quả chuông biến thành chuông trăng (Sông thu ngân thoảng chuông trăng), cảnh cửa chùa biến thành cửa sương (Cửa sương nhẹ mở âm vào), chiếc vò đựng rượu cũng biến thành vò nguyệt (Tayôm vò nguyệt một bình mây bay)... Các nhà thơ có tài đồng thời cũng là những “nhà ảo thuật ngôn từ”. Từ một con người có thật, một dòng sông có thật dưới ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử cả hai đều hóa thành trăng: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay... (Đây thôn Vỹ Dạ). Phạm Thiên Thư cũng biến hóa khôn lường: Lên non kiếm hạt tơ hồng/ Đập ra chợt thấy hai dòng hạc bay. Người ta thường nói dây tơ hồng, còn nhà thơ thì lại đi kiếm cái “hạt tơ hồng”. Tưởng thế đã lạ lắm rồi, không ngờ khi “đập ra” thì “chợt thấy hai dòng hạc bay”. Thật kỳ diệu, còn hơn cả trò ảo thuật! “Hai dòng hạc bay” đẹp ngoài sức tưởng tượng. Tất cả đó làm nên cõi riêng của Phạm Thiên Thư. Sống trong cái thế giới thiên nhiên đẹp như thế, thanh tịnh như thế ai mà chẳng thích. Nhưng chỉ sống với thiên nhiên thôi chưa đủ, phải có lòng yêu thương con người, gắn bó đời sống của nhân gian. Thi sĩ xưa nay vốn là “nòi tình”. Phạm Thiên Thư không ngoại lệ. Thời đang đi học, nhà thơ của chúng ta bị cô nữ sinh xinh đẹp Hoàng Thị Ngọ hớp hồn:
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh đi theo Ngọ
Dáng lau lách buồn...
Mối tình dang dở ấy ám ảnh nhà thơ suốt cả cuộc đời:
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ...
(Ngày xưa Hoàng Thị)
Có lẽ vì thế mà mặc dù đã cắt tóc đi tu, “Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sòng” (Truyện Kiều - Nguyễn Du) nhưng nhà thơ vẫn không sao dập tắt được ngọn “lửa lòng”. Phạm Thiên Thư tu theo cách riêng của mình. Tu mà không thoát tục: ĐộngNamhoa có thiền sư/ Lấy kinh đổi rượu tâm hư uống tràn... Tu mà: Đố ai tát cạn mạch sầu/ Thì ta để tóc lên cầu đón ai... Cái “mạch sầu” ấy khiến cho nhà thơ day dứt khôn nguôi:
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng, đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa.
Còn:
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang.
Nên:
Chiều nay giở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh.
Khoảng cách “mười năm” ấy cứ láy đi láy lại trong thơ Phạm Thiên Thư. Nhà thơ Thế Lữ có hai câu thật hay: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”. Vì thế mà trong khoảng mười năm xa nhau, trái tim nhà thơ cứ luôn thổn thức:
Tình cờ như núi gặp mây
Như sương đậu cánh hoa gầy
tiêu dao
Tỉnh ra thì giấc chiêm bao
Chuyện mười năm cũ lại
nao nao lòng.
Chàng trai trong ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay... Còn thiền sư trong Động hoa vàng thì:
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người
rưng rưng
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường
thế thôi...
Nói thôi mà không thể nào thôi được, dẫu thi sĩ biết rằng cuộc đời chỉ là “sắc sắc không không” theo triết lý nhà Phật: Thì thôi chỉ là phù vân/ Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi... Hình ảnh người con gái với cái dáng “lau lách buồn” cứ ẩn hiện trong tâm trí nhà thơ:
Em ơi rủ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Buồn như cánh bướm đồi Tây
hững hờ...
Thi sĩ nhắn gửi với người mình yêu:
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu.
“Xin nhỏ lệ vào thiên thu” - chỉ Phạm Thiên Thư mới có cách nói ấn tượng và độc đáo như thế. Nỗi buồn đau đã được nhà thơ vĩnh cửu hóa cùng vũ trụ.
Nhạc sĩ Phạm Duy chắc chắn phải rất đồng cảm với mối tình dang dở này của Phạm Thiên Thư nên ông đã chọn 30 câu thơ hay nhất trong Động hoa vàng, sắp xếp lại, có sửa đổi đôi chút để làm nên nhạc phẩm Đưa em tìm động hoa vàng được nhiều người yêu thích. Phạm Thiên Thư hết sức cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã chắp cánh cho những vần thơ của mình bay cao, bay xa. Phạm Duy còn phổ Ngày xưa Hoàng Thị và mười bài thơ Đạo của Phạm Thiên Thư thành mười bài Đạo ca nổi tiếng. Đây là mối lương duyên hiếm có giữa nhà thơ và nhạc sĩ.
Được biết: sau khi hoàn tục, nhà thơ Phạm Thiên Thư lập gia đình và có 3 người con trai. Cuộc đời nhà thơ trải qua nhiều thăng trầm. Ông đã từng làm nhiều nghề, ở nhiều nơi. Nghe nói hiện ông đang sống ở cư xá Bắc Hải, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình ông mở quán cà phê mang tên “Hoa vàng”. Đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới văn nghệ sĩ và những người mến mộ “gã từ quan” - Phạm Thiên Thư. Thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ Thiền và nghiên cứu đạo Phật.
M.V.H