Bài thơ hay: Đà Nẵng gọi ta - Lưu Phương Định
Đà Nẵng gọi ta như mẹ gọi con
như người yêu gọi người yêu xa cách
ta muốn nói với từng viên gạch
nếp rêu xưa còn in bóng cờ sao
ta muốn hỏi Ngũ Hành Sơn mấy đỉnh non cao
mà da diết trông chờ ai đó vậy?
đêm nay vượt Hà Thân anh có thấy
những đôi mắt nhìn như những vì sao
những con thuyền rẽ nước nôn nao
hãy đi nhanh lên người con Đà Nẵng
những đứa con của thù sâu oán nặng
đã dương lê chĩa thẳng hướng quân thù
dù đêm nay thành phố ngập sương mù
ta vẫn thấy những ngọn đèn như những đôi mắt đỏ
MiềnNamtrong từng cơn sóng gió
tiếng Đà Thành thao thức gọi ta đi
hỡi người em gan góc lầm lì
trên đầu em vành khăn tang còn trắng
đây người cha hai lần cay đắng
lưng còng vì sưu thuế chất lên vai
Hàng liễu cong như nét mi dài
của Đà Nẵng hằn vết bom tàn phá
những trái bom ném vào phố xá
những trái bom văn hóa Mỹ cao bồi
nỗi đau lâu - dao cắt lòng tôi
con ta đó khóc cười dang dở
người mẹ khổ đêm nằm trăn trở
hàng cây xưa chim về đậu lặng câm
đường phố rung xe xích cuốn ầm ầm
quê hương ta tột cùng bao tủi nhục
Đà Nẵng ơi! Đêm nay ta phá ngục
vươn cánh tay sông Hàn ôm chặt Ngũ Hành Sơn
từng làn môi nghe tiếng rít căm hờn
hỡi những đứa con hãy trả thù cho mẹ
đêm nay vượt thép gai bàn chân dù nứt nẻ
dù máu ta đỏ thắm cả chiến hào
xác quân thù sẽ chất tựa non cao
Đà Nẵng gọi con trở về chiến thắng!
Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 6 năm 2003, được tặng: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973), Giải thưởng báo Hà Nội Mới (1969), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã đem lại cho Đà Nẵng hàng loạt tác phẩm âm nhạc: Người Đà Nẵng (Phan Ngọc), Đà Nẵng rực lửa chiến công (Thái Cơ)... Riêng thơ có Sông Hàn vang tiếng hát, (Bùi Minh Quốc viết từ Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Huy Du phổ nhạc), Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp (Lưu Trùng Dương, Cầm Phong chuyển sang ca khúc) và Đà Nẵng gọi ta của Thu Bồn.
Không có tiếng gọi nào thiêng liêng bằng tiếng mẹ gọi con và cũng không có tiếng gọi nào thôi thúc, hối hả, cồn cào như tiếng người yêu gọi người yêu. Mở đầu bài thơ, Thu Bồn đã nhân hóa Đà Nẵng bằng một tình yêu cao cả và thủy chung với tiếng gọi của Mẹ và người yêu:
“Đà Nẵng gọi ta như mẹ gọi con
như người yêu gọi người yêu
xa cách”
Từ “Đà Nẵng gọi”, tác giả hâm nóng lịch sử mà lắm khi ta đã từng quên. Đó là lịch sử của Mùa thu cách mạng 26/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường Đà Nẵng và trên Tòa Đốc Lý:
“ta muốn nói với từng viên gạch
nếp rêu xưa còn in bóng cờ sao”
Cũng từ cái bề dày lịch sử trên hai mươi năm đó (1945 - 1968), làm sao mà Ngũ Hành Sơn không “da diết trông chờ”, làm sao những “đôi mắt nhìn” không “như những vì sao”, những “ngọn đèn” chờ mong mỏi mòn không như “những đôi mắt đỏ”. Tất cả phải chăng là vòng tay mở của Đà Nẵng đã sẵn sàng để đón nhận những đứa con thân yêu trở về trong ngày hội quân giải phóng:
“ta muốn hỏi Ngũ Hành Sơn
mấy đỉnh non cao
mà da diết trông chờ ai đó vậy?
đêm nay vượt Hà Thân anh có thấy
những đôi mắt nhìn như những
vì sao
những con thuyền rẽ nước nôn nao
hãy đi nhanh lên người con Đà Nẵng
những đứa con của thù sâu
oán nặng
đã dương lê chĩa thẳng hướng
quân thù
dù đêm nay thành phố ngập
sương mù
ta vẫn thấy những ngọn đèn như
những đôi mắt đỏ”
Động cơ của một người dấn thân vào con đường cách mạng là gì, nếu không phải là từ thực tế cuộc sống. Ở đây, với người em: “vành khăn tang còn trắng”, người cha: “hai lần cay đắng”, với con: “khóc cười dang dở”, với mẹ: “đêm nằm trăn trở”, với Đà Nẵng: “hằn vết bom tàn phá”, với quê hương: “tột cùng tủi nhục” và trong những cơn sóng cách mạng trào dâng của miền Nam thành đồng Tổ quốc, trong “tiếng Đà Thành thao thức gọi” đã làm nên lời hiệu triệu để hàng trăm, hàng ngàn trái tim tiến về Đà Thành giải phóng - “ta đi” :
“MiềnNamtrong từng cơn sóng gió
tiếng Đà Thành thao thức gọi ta đi
hỡi người em gan góc lầm lì
trên đầu em vành khăn tang
còn trắng
đây người cha hai lần cay đắng
lưng còng vì sưu thuế chất lên vai
Hàng liễu cong như nét mi dài
của Đà Nẵng hằn vết bom tàn phá
những trái bom ném vào phố xá
những trái bom văn hóa Mỹ cao bồi
nỗi đau lâu - dao cắt lòng tôi
con ta đó khóc cười dang dở
người mẹ khổ đêm nằm trăn trở
hàng cây xưa chim về đậu lặng câm
đường phố rung xe xích cuốn
ầm ầm
quê hương ta tột cùng bao tủi nhục”
Trong bài thơ có hai lần kêu gọi: lần đầu: hãy đi nhanh và lần cuối: hãy trả thù cho mẹ. Như vậy đã kết thúc một hành trình - hành trình của những đứa con thân yêu về giải phóng quê hương:
“Đà Nẵng gọi con trở về
chiến thắng!”
Thu Bồn đã từng trở về, từng trào dâng nước mắt:
“Tôi không khóc nhưng bỗng trào
nước mắt
Con đã về đây với mẹ -
mẹ quê hương” (1962)
Nhưng sao lần này tác giả vẫn nặng lòng với quê hương đến vậy? Phải chăng tình yêu nước, yêu quê hương khi trái tim Thu Bồn còn đập thì vẫn còn cháy mãi không thôi.
Bài thơ là lời tâm tình mang đậm cái tôi trữ tình của tác giả. Ở ngôi thứ nhất tác giả đã nói: “ta muốn nói với từng viên gạch”, hỏi: “ta muốn hỏi Ngũ Hành Sơn mấy đỉnh non cao”, thấy: “ta vẫn thấy những ngọn đèn như những đôi mắt đỏ”, đi: “tiếng Đà Thành thao thức gọi ta đi”, hành động: “Đà Nẵng ơi! Đêm nay ta phá ngục”, rồi cuối cùng là trở về: “Đà Nẵng gọi con trở về chiến thắng!”.
Với việc sử dụng tính từ “da diết”, “thao thức”, “nôn nao” kết hợp với chủ thể đóng vai trò vị ngữ “lòng tôi”, “con ta”, “quê hương ta”, “máu ta” bài thơ như thoát ra từ sự nung nấu, dồn nén để đến khi được trải lòng tạo nên cảm xúc sâu lắng, neo đậu được lâu nơi trái tim của người thưởng thức.
Trong hai câu thơ: “đây người cha hai lần cay đắng”, “con ta đó khóc cười dang dở ” không khỏi làm ta liên tưởng đến hoàn cảnh của tác giả, người trực tiếp gánh chịu nỗi đau chiến tranh: “Khoét hai góc ở đáy ba lô đặt con trai vào đó, Thu Bồn cõng con đi bộ dọc Trường Sơn, mấy tháng trời mới ra được Hà Nội. Đứa trẻ này tên là Hà Thảo Nguyên, bị chất độc da cam nên đã bỏ Thu Bồn mà đi năm 16 tuổi. Con trai thứ hai của ông, Hà Băng Ngàn, cũng là một nạn nhân da cam” (Dương Phương Vinh).
Cùng ra đời vào thời điểm xuân Mậu Thân 1968 nhưng mỗi tác giả có một góc nhìn, một sự thể hiện, biểu lộ cảm xúc khác nhau. Có thể nói Đà Nẵng gọi ta mang nội dung hành động, cảm xúc để hành động. Sự miêu tả trong thơ mang tính hiện thực cao nhưng không vì thế mà khô cứng, trái lại nó mang lại bức tranh toàn cảnh với sự mượt mà của từng câu, chữ tạo rung động, hấp dẫn để lại ấn tượng đẹp, khó phai trong lòng người đọc.
L.P.Đ