Đọc truyện "Muối của rừng" từ góc nhìn phê bình sinh thái
Đọc truyện "Muối của rừng" dưới góc độ phê bình sinh thái lại cần được quan tâm hơn nữa bởi được gợi cảm hứng từ câu chuyện về một người đi săn để rồi nhận ra mỗi sinh vật trên đời đều mang trên vai mình một số phận, một trách nhiệm nào đó. Thế kỷ XXI con người đối diện với nhiều nguy cơ như sự biến đổi của khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên khoáng sản, dịch bệnh và đói nghèo… Trong điều kiện đó, phê bình sinh thái ra đời nhằm khắc phục những lý thuyết đã xơ cứng và không còn phù hợp. Phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên với phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm.
2. Nhân vật trung tâm của truyện là ông Diểu, một người đàn ông 60 tuổi với hành trình đi săn vào tiết trời mùa xuân ấm áp, trong lành. Cách giới thiệu nhân vật và bối cảnh khá ngắn gọn nhưng người đọc đã hình dung được sự háo hức của ông Diểu với khẩu súng mà con ông mới mua được gửi từ nước ngoài về.
Mặc dù khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp nhưng hầu như không làm ông xúc động nhiều bởi tâm trí ông để cả vào việc đi săn, tâm lý chinh phục tự nhiên, khai thác tự nhiên. Điều đó cũng khiến ông toan tính rất nhiều trong việc có bắn những con chim xanh, gà rừng hay sơn dương và ông tự trả lời cho những câu hỏi đang đặt ra trong đầu. Cứ như vậy ông theo mó nước đến khu vực núi đá vôi, nơi đây chính là vương quốc của loài khỉ.
3. Mục tiêu của ông là con khỉ đầu đàn, con át chủ bài, thế nhưng điều đó nhanh chóng không còn bởi con khỉ đầu đàn chỉ xuất hiện thoáng chốc với nghi lễ vương chủ, tự tin đến thô bạo và rồi nhanh chóng biến mất ngay trước mặt ông khiến ông không khỏi tiếc nuối: “Thoắt một cái, nó biến mất. Một nỗi xót xa khiến ông nhói lòng: số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông. Niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa”. Có thể nói tâm lý chinh phục đã nảy sinh từ khi ở nhà và theo ông suốt hành trình, khi mục tiêu đó không đạt được thì ông Diểu không thể vui.
Nhưng ngay sau đó lại là sự xuất hiện của đàn khỉ đến hai chục con, sự thay đổi mục tiêu của ông Diểu cũng thật nhanh khi ông phát hiện được một gia đình khỉ gồm khỉ đực, khỉ cái và khỉ con. Sự thay đổi mục tiêu khiến con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông Diểu tức thì: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! Ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông bỏ mũ và áo bông ra đặt dưới lùm cây. Ông để cả nắm cơm xuống đất. Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn”. Ông lấy cái nhìn về con người trong xã hội để nhìn vào thiên nhiên nên không tránh khỏi lầm lạc, phiến diện. Cách nhìn ấy càng thôi thúc ông nhanh chóng hạ gục con mồi cũng như biện minh cho cái ác của mình.
Với chiến thuật của người đi săn, ông Diểu nhanh chóng tiếp cận được con mồi là khỉ đực. Nhưng ngay sau khi tiếng súng vang lên, đàn khỉ lặng đi và hỗn loạn một nỗi sợ hãi lại xâm chiếm ông Diểu: Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút. Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề. Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng.
Đàn khỉ thoắt biến vào rừng. Con khỉ mẹ và con khỉ con cũng chạy theo đàn. Được một đoạn, con khỉ mẹ bỗng quay trở lại. Con khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống. Sau khi tiếng súng vang lên, khỉ đực vật xuống đó cũng là khởi đầu cho một quá trình nhận thức mới của ông Diểu, ông nhận ra mình vừa làm điều ác. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong diễn biến tâm lý của ông Diểu ở chặng sau.
Thế nhưng tâm lý chinh phục vẫn còn lấn át, ý nghĩ “phải tóm được chú mày” liên tục trong đầu ông, mặc dù quá trình vật lộn theo đuổi khỉ đực bị thương không hề dễ dàng bởi khỉ cái, khỉ con luôn bám sát, khỉ con còn kéo được súng khi ông ném. Chỉ khi khỉ đực một mình trên mỏm đá ông mới tin tưởng tóm được con mồi, dù để leo lên đó không hề dễ dàng, ông đã phải cởi bỏ hết quần áo ngoài cho thuận tiện. Tận mắt chứng kiến thành quả của mình cùng sự đau đớn tuyệt vọng của khỉ đực làm cho ông Diểu thay đổi thái độ. Ông nhận ra để thế không ổn rồi vội vơ nắm cỏ Lào nhai đắp vào vết thương và dùng chính cái quần lót còn lại trên người ông để băng bó cho khỉ đực. Khỉ cái vẫn lẽo đẽo theo đã khiến ông phải nhận thức lại về loài vật, ông không thể lấy cái nhìn áp đặt về con người để quy chụp cho loài khỉ như trước đây, ông nhận ra khỉ cái có tình thương, có lòng chung thủy: “Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề”.
Có thể nói cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cao cả và thấp hèn, giữa bản năng và nhân cách, giữa tăm tối mông muội với ánh sáng lương tri đã diễn ra gay gắt trong con người ông Diểu, cũng như nhiều nhà văn lớn, Nguyễn Huy Thiệp luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh của con người trong con người như đã đặt ra trong nhiều tác phẩm của ông ("Không có vua", "Tướng về hưu"…). Khi cái thiện nhân lên át đi cái ác, phần người át đi phần con, ông Diểu đã đi đến một quyết định quan trọng: phóng sinh cho khỉ đực, trả khỉ đực trở về với rừng, với tự nhiên, với muôn loài và hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.
Ông Diểu từng nhìn khỉ cái đầy ác cảm nhưng chính khỉ cái lại đem lại cho ông những nhận thức mới, trước đây ông vốn nhìn con người với đầy những thủ đoạn xấu xa, đê tiện, tham lam, ích kỉ và ông đem áp cái nhìn đó vào tự nhiên mới thấy độ vênh. Thế giới tự nhiên cũng có tình cảm, trách nhiệm, tính cách, tâm hồn và nhất là bản tính thiện của muôn loài. Đối sánh thế giới tự nhiên với thế giới con người để nhận ra sự xấu xa, độc ác trong bản thân mỗi người đó cũng chính cái đẹp cứu rỗi con người. Con người cần tôn trọng tự nhiên, cần chung sống hài hòa với tự nhiên, nếu con người tác động tiêu cực vào tự nhiên ắt tự nhiên sẽ đáp trả. Đó cũng chính là những thông điệp có ý nghĩa mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm đến người đọc. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang hết sức cấp bách, chúng ta mới thấy được những giá trị mà truyện ngắn "Muối của rừng" đặt ra cũng như tầm tư tưởng của nhà văn lớn.
4. Kết thúc truyện, Nguyễn Huy Thiệp đã đem lại cho người đọc cách lí giải về nhan đề truyện cũng như gợi mở cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng phong phú mà sâu xa. Đó phải chăng là sự phục thiện, sự trở về với tự nhiên, là niềm tin vào bản chất tốt lành của con người như triết lý Nho giáo: nhân chi sơ, tính bản thiện. Cuộc đi săn đầy hào hứng của ông Diểu trở về khi trên người không còn một thứ gì nhưng lại đem cho ông rất nhiều thứ ý nghĩa: Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là "Muối của rừng". Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”.
5. Về thành công nghệ thuật trong truyện ngắn "Muối của rừng" có thể kể đến: truyện được kể ở ngôi thứ ba nhưng điểm nhìn trần thuật cơ bản theo điểm nhìn của nhân vật ông Diểu nên có điều kiện bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm. Nhân vật ông Diểu được đặt trong hành trình đi săn với những quan sát, suy nghĩ tự nhiên, chân thực. Cốt truyện chặt chẽ, logic và được kết cấu theo thời gian tuyến tính nên dễ nắm bắt, nhiều chi tiết tiêu biểu và mang ý nghĩa biểu tượng (hoa tử huyền). Cùng với đó là lối viết có đan xen màu sắc huyền thoại, giọng văn lạnh lùng nhưng đầy suy tư, triết lý.
(VNCA)