Nghệ sĩ Trí Nguyễn và giấc mơ đưa đàn tranh ra thế giới
Sinh ra tại TPHCM, nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn học piano và đàn tranh từ năm lên 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TPHCM), anh tiếp tục theo học tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris (Pháp) với giáo sư nổi tiếng Jacques Lagarde.
Dù có thể chơi được 2 nhạc cụ nhưng trong tâm tưởng của Trí Nguyễn luôn có giấc mộng về một ngày đàn tranh Việt Nam sẽ trở nên quen thuộc trên thế giới, đứng ngang hàng với các nền âm nhạc khác.
1. Lần nào nói chuyện với nghệ sĩ Trí Nguyễn cũng mang lại cho người đối diện thật nhiều cảm xúc. Ở Trí, thấp thoáng hiện lên bóng hình của Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Antoine De Saint-Exupéry.
Cái sự hồn nhiên, thơ dại của Trí với cuộc đời, với con người, với nghệ thuật so với cái hồn nhiên, thơ dại của Hoàng tử bé trước đóa hồng dường như không có nhiều cách biệt. Và nữa là tâm trạng cô đơn trong thế giới của mình.
Có lẽ vì thế mà tiếng đàn của Trí len lỏi vào tâm can người nghe, dẫn dắt họ nhẹ bước vào một thế giới thơ mộng, không có chỗ cho bon chen, đua tranh, phản trắc, chỉ có sự lung linh được soi rọi từ tình yêu, từ nghệ thuật.
Với khán giả trong nước, tên tuổi của nghệ sĩ Trí Nguyễn đôi lần còn khiến không ít người nhầm tưởng đến diễn viên Việt kiều nổi danh trong các bộ phim võ thuật. Có lẽ bởi anh hoạt động âm nhạc phần lớn ở nước ngoài.
Năm 2015 là năm đầu tiên Trí Nguyễn về biểu diễn tại quê nhà trong một chương trình được tổ chức tại Nhạc viện TPHCM cùng với nghệ sĩ violin Buynta Goryaeva (người Pháp gốc Nga) nổi tiếng.
Đầu năm 2017, Trí Nguyễn tiếp tục trở về Việt Nam (trong tour diễn vòng quanh thế giới giới thiệu album “Beyond Borders”), biểu diễn tại sân khấu IDECAF. Tháng 10-2017, anh tổ chức đêm hòa nhạc “Chuyện lãng du” tại Nhà hát VOH (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM). Dù đã hơn một năm trôi qua, nhưng ấn tượng về đêm hòa nhạc vẫn còn dư âm trong lòng khán giả có mặt đêm đó.
Chương trình được cấu trúc làm 3 phần: phần 1 “Khúc dạ vũ” với những nhạc phẩm kinh điển được Trí Nguyễn thể hiện bằng piano cùng nhóm Stay The Time với guitar, violon; phần 2 “Bốn mùa” với những nhạc phẩm trong album Consonnances; và phần 3 “Ba miền” với 3 nhạc phẩm đặc trưng 3 miền Bắc - Trung - Nam: Lý mười thương, Trống cơm, Lý ngựa ô.
Được pha trộn tài tình giữa nhạc cụ Tây phương và truyền thống, “Chuyện lãng du” mang đến cho người thưởng ngoạn một đêm nhạc đầy cảm xúc về một tâm hồn, dấu ấn Việt Nam. Chương trình hòa nhạc đêm ấy gần như nói con người của Trí Nguyễn: Sau tất cả, dù đi đó đi đây thì cuối cùng vẫn là cuộc trở về, trở về với quê nhà, với gia đình và bạn bè, bởi đó là nguồn cội của mình.
2. Nhìn vào gia tài âm nhạc của nghệ sĩ Trí Nguyễn, thoạt trông có phần khiêm tốn nhưng kỳ thực không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Từng đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới nhưng đến nay Trí Nguyễn mới chỉ phát hành 3 album hòa tấu đàn tranh, gồm: Consonnances (Hòa điệu, năm 2014); A journey between worlds (Du ngoạn nhân gian, 2016) và Beyond borders (Vượt qua mọi biên giới, 2017).
Trong đó album đầu tay Hòa điệu nhận được giải vàng tại Global Music Awards (GMA) 2015. Đây là lần đầu tiên, một nghệ sĩ Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng danh giá như vậy. Sau này, vào năm 2017 album Vượt qua mọi biên giới cũng đọat giải vàng của GMA.
Đầu tháng 4-2018, Vượt qua mọi biên giới góp mặt trong đề cử hạng mục World Beat giải Independent Music Award lần thứ 16, nơi tôn vinh những những sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ độc lập trên thế giới. Tiếc rằng, may mắn chưa mỉm cười với anh.
Trước đó, album này cũng dừng chân ở vòng bầu chọn đầu tiên của giải Grammy 2018. Đây đều là những giải thưởng danh giá trên thế giới, Trí Nguyễn nói nếu được giải, anh sẽ vui vì nỗ lực của mình được công nhận nhưng đó không phải là mục đích của anh.
Trí vẫn đau đáu ước nguyện làm sao đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, làm sao để các nghệ sĩ quốc tế có thể lấy cây đàn tranh ra chơi và mang theo bên mình như cách người ta mang guitar đi khắp nơi. Nếu so với một số quốc gia trong khu vực, đàn tranh của
Việt Nam không thua kém về sự độc đáo lẫn sức hấp dẫn từ thanh âm. Vậy nhưng, trong khi đàn cổ tranh Trung Quốc, đàn Koto Nhật Bản hay Geomungo của Hàn Quốc ít nhiều đã được biết đến trên thế giới thì đàn tranh của Việt Nam vẫn còn là một ẩn số.
Nghệ sĩ Trí Nguyễn bày tỏ: “Bạn thấy không, nói đến đàn Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đều có tên riêng theo những từ bản xứ của các nước này. Còn nói đến đàn tranh
Việt Nam, họ gọi là “Vietnamese zither”, không ai gọi là “đàn tranh”. Đó là thiếu sót lớn cho âm nhạc Việt Nam. Tôi đang phấn đấu để hai chữ “đàn tranh” trở nên quen thuộc với các bạn nước ngoài nhiều hơn”.
3. Nghệ sĩ Trí Nguyễn tâm sự, anh cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại: Ăn uống điều độ, tập gym, đi dạo, vẽ tranh, tìm cảm hứng. “Tôi còn nuôi 3 con mèo rất dễ thương. Những điều đó giúp tôi cảm thấy thoải mái, yêu thương người khác cũng như bản thân, không còn xem cái tôi của mình là trên hết, có gia đình và bạn bè tốt bên cạnh, có những đồng nghiệp hợp gu. Tất cả những điều đó giúp tôi tìm thăng bằng trong cuộc sống và cho phép mình đi tiếp trên con đường nghệ thuật”, Trí Nguyễn chia sẻ.
Những chương trình biểu diễn ở Việt Nam chưa nhiều nhưng hàng năm nghệ sĩ Trí Nguyễn vẫn đi về giữa Paris và TPHCM; bởi dù đã sống ở Paris hàng chục năm nhưng anh vẫn giữ lại Quốc tịch Việt Nam, như một căn cước cội nguồn không được phép chối từ. Và quan trọng hơn, nơi đây anh còn những người thân, còn mẹ vẫn mong ngóng con về, nhất là mỗi dịp tết.
Nghệ sĩ Trí Nguyễn nói, ba mất sớm nên với anh mẹ là tất cả. Mẹ cũng chính là nguồn động lực mạnh mẽ để anh vững tin trên hành trình của mình. Tết năm nào anh cũng phải trở về để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá bên mẹ. Sau chuyến trở về lại có thêm một chuyến ra đi bịn rịn và quyến luyến...
Hồ Sơn
(sggp.org.vn)