Hoa niên trên trời - Phạm Thị Hải Dương

24.06.2019

Bé em ủ rũ trong điện thoại, cả làng nhốn nháo vì vụ con Điểm đi hái tiêu, bị té thang đang nằm bất động trong bệnh viện Chợ Rẫy cả tháng nay. Mẹ xanh tái ra lệnh cấm em hái tiêu thuê hè này. Thế là mất thu nhập chính trong hè. Vào năm học mới không có tiền đóng học phí, lại phải xin mẹ tiền, đâm ra con nhỏ không vui. Tôi xuề xòa an ủi, để hai gửi tiền cho em đóng học phí, không được nằn nì khiến mẹ giận.

Hoa niên trên trời - Phạm Thị Hải Dương


Cuộc gọi bất chợt của đứa em khiến tôi nhớ sực mình từng làm nghề đụng. Mót sắn, hái tiêu, cuốc cỏ mía, bán đu đủ, bán rau răm, ngò gai… Vào Đại học, không phát tờ rơi, dạy kèm hay phục phụ tiệc cưới cà phê thì ôm máy ảnh đi viết. Băng hết các huyện miền núi, lẫn đi đảo xa đảo gần, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống, việc học nơi thành phố. Làm bất kể sống chết nắng mưa quên ngủ quên ăn. Làm việc là nguồn vui và nguồn sống, là hơi thở và minh chứng mình đang hiện diện và làm lợi cho đời. Có lẽ cùng một chỗ chui ra nên bé em giống tôi, rất ham chuyện làm.

Năm tôi học lớp mười, bé em đã lon ton xin theo tôi đi hái tiêu. Mùa tiêu lạ lắm, nhằm mùa hè mà chín nên đám học trò có việc làm, chủ tiêu có nguồn nhân công giá rẻ và dễ tính. Xã Tây, nơi định cư của dân phía Bắc chạy vào đất này khai khẩn lập làng, sau bao năm trở nên trù phú nhờ hồ tiêu và cà phê. Nhà nào bèo bọt mỗi năm cũng thu vài trăm triệu. Chúng tôi - nhân công hái tiêu được trả công gần một trăm nghìn một ngày. Tiêu chín bói từng buồng lúc lỉu được hái trước. Hạt nào hạt nấy căng mọng, thơm lừng. Sờ vào buồng tiêu có khi tiêng tiếc, tay không nỡ hái. Lứa tiêu đấy được bán với giá cao ngất ngưỡng, chúng nằm trong hầm xe khách vào tận Sài Gòn, trở thành tiêu muối chua, rồi đi vào nhà hàng sang, đại sứ quán và các bữa tiệc quốc gia sang trọng.

Sớm, mẹ đùm cho chúng tôi một cà mèn nào cơm, nào cá. Tôi chở em trên chiếc xe đạp hiệu martin màu bạc, hè qua mấy con dốc lớn. Mùa tiêu trùng mùa gió Nam, tôi cắm đầu đạp tới đâu thì gió xô tới đó. Lên tới lô tiêu thì tôi đã mệt phờ, chỉ muốn nằm vật ra mà ngủ. Nhiều đứa khác tới sớm, ném xe đạp bên ngoài lô và đã leo lên tận ngọn. Khác với tiêu Tây Nguyên, người trồng tiêu chỗ tôi thường để tiêu leo cao tới mười mấy mét. Họ ươm cây chủ và nuôi chúng lớn trước, dây tiêu bò theo sau. Bốn, năm năm sau thu lứa đầu tiên lưa thưa vài ba buồng tiêu. Bảy đến mười năm nữa, cây tiêu đã to cao lực lưỡng, nhánh sà xuống quặn thân cây chủ, người trồng phải cột dây tiêu lên thân cây chúng mới đứng được. Nhà chủ bắt đầu đóng thang đôi bằng tre (sau này đổi thành thang sắt) và thuê người hái tiêu. Đất này một dải với Tây Nguyên nên lây bazan đỏ lựng, thớ đất săn thít nâng niu đủ loại hoa màu. Tiêu được chăm kỹ nên hố nào cũng đặc trái, lẫn trong lá thơm thơm tươi nồng.

Nghề hái tiêu nhiều cái thú nhưng cũng đầy nguy hiểm. Thang đứng hái tiêu đóng bằng tre, gió lùa qua nghe kẽo kẹt, có khi thang đã lâu năm, bắt đầu mục rỗng, nhẹ huề, chân không còn vững chắc. Gió Nam theo mùa tiêu về, rất tợn. Phải đòng đưa theo ngọn tiêu mới mong đứng được trên chót vót như thế. Khi ấy, chúng tôi như mấy con khỉ, đu mình trên thân tiêu bất chấp hiểm nguy. Một tay ôm chặt thân tiêu, tay kia ngắt buồng tiêu bỏ vào chiếc giỏ đang mang trên cổ. Nắng quyện với gió, cộng với mùi cay khiến người hái tiêu đôi khi như bị nhấn chìm trong hơi men, đầu óc không giữ được tỉnh táo.

Phải là những đứa to gan mới dám lên tới ngọn. Thang hái tiêu có thể ngã đổ bất kì lúc nào. Tôi nhớ năm đầu đi hái tiêu, tôi được phân cùng thang với một cô đã ngoài bốn mươi. Lên tới ngọn tiêu, thay vì bám chắc cây tiêu để đôi thang đứng vững, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, cô lại đẩy ngọn tiêu ra xa khiến cái thang bật ngửa đổ về phía còn lại. Tôi nhanh tay ôm hố tiêu bên cạnh, đến khi định thần nhìn xuống thì thấy cô nằm im dưới đất!? Vụ đó, tôi không dám kể với mẹ, sợ mẹ cấm không cho đi hái tiêu, tôi sẽ buồn chân buồn tay đến chết. Chuyện sẩy chân té ngã khi hái tiêu xảy ra rất thường. Mùa nào cũng có một hai người, thường là trẻ con hoặc người đã muồi tuổi bị té thang. Nhiều người nằm liệt hoặc tật nguyền mãi mãi. Mẹ, sau này hay quay quắt ân hận, nhà mình khổ mẹ mới để hai đứa tôi bươn bả nhiều như thế. Trúng năm nhà tôi cất nhà, ba tôi xây, mẹ phụ hồ, ban ngày tôi đi hái tiêu, chiều về lại sà vào đống mì nào đó, có khi tới một giờ sáng mới theo trăng tìm đường về nhà. Tiền đó, tôi để mẹ đi chợ, trang trải bữa ăn lúc ba mẹ đều không làm ra tiền…

Mùa tiêu trong tôi có quá nhiều kỉ niệm. Những buổi trưa lười về nhà chủ ăn cơm, tôi hái lá trải dưới hố tiêu đánh một giấc, sau khi đã no nê. Có hôm kiến bò quanh khó ngủ, tôi ngước mắt nhìn ngọn tiêu cao vun vút đang lay nhẹ nhàng trong gió trưa. Tôi bật dậy đi quanh những hố tiêu chưa hái, nhìn buồng tiêu dài với hạt xanh nhưng nhức, lòng dậy lên cảm giác muốn làm giàu. Có hôm cả đám loi nhoi ở lại lô tiêu, trưa quần thảo mấy lô bên cạnh tìm mít chín rồi tranh nhau ăn đến căng bụng. Cứ thế, sau ba ngày bàn chân ê ẩm vi đứng trên thang, chừng nửa tháng sau, chúng tôi quen dần việc leo thang cho đến cuối vụ. Không còn những đêm trở giấc vì nhức bàn chân, phải dậy giữa đêm để xoa dầu và rên ư ử, giấc ngủ đến tròn trịa như không hề có một ngày hơn tám tiếng đứng trên thang.

Xong vụ tiêu, gặp nhà chủ rộng rãi, ngoài tiền công chúng tôi sẽ được thưởng thêm tiền và nửa lon, thậm chí nửa kí tiêu. Đó là món quà đầy tình nghĩa và thật…đậm đà. Nhưng đậm đà hơn, chúng tôi được chủ cho mót tiêu. Món này mới thật thú vị. Tôi vạch trong lớp lá um tùm và phấn khích khi nhìn thấy một buồng tiêu nhỏ. Người khác dùng cái móc để khuề những buồng tiêu ở trên cao. Trong khi đó, mẹ không cho tôi làm điều ấy. Mẹ dạy chúng tôi, một buồng tiêu không đáng là bao nhưng khuề đứt dây, cây tiêu sẽ chết ngay. Giống này vốn tiểu thư nên dễ chết đứng. Người ta gần mười năm mới chăm bẵm để thu được một hố tiêu, nên con đừng phá hoại. Mẹ tôi dặn đi dặn lại như vậy khi thấy tôi mò ra khỏi nhà từ sáng sớm, sau khi đã kết vụ hái tiêu.

Tôi nhớ một lần, mẹ giở cà mèn đùm cơm cho em tôi khi sáng và phát hiện trong đó đầy tiêu. Mẹ đã đánh em tôi một trận đến mềm xương, tôi chỉ đứng đó mà không dám can thiệp. Có nhiều người làm công hái tiêu đến cuối vụ, tiền bán tiêu gấp mấy lần tiền làm công, mẹ nghe vậy rất giận. Qua lần bé em bị đòn, tôi biết mẹ chỉ cần chúng tôi sống thanh thản và lương thiện.

Mùa tiêu, như bao kí ức tuổi thơ, cũng đã chìm sâu bên dưới cuộc sống quá đỗi chộn rộn của tôi và bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng kí ức ấy cũng như lớp báu vật quý nằm sâu dưới lòng đất. Niên đại càng lâu năm thì kí ức ấy càng quý giá.

P.T.H.D