Hoa bâng khuâng - Truyện ngắn Phạm Thị Hải Dương

01.03.2018

Nhẫn dừng lại trước cổng nhà rất lâu, trước khi mùi hăng hắc của hoa lan tỏi giật ngược cổ áo chị về sau, làm Nhẫn trôi tuột khỏi giấc mơ màng ban nãy. Lần nào về nhà, Nhẫn cũng váng vất vì cái cổng nhà bằng dây lan tỏi. Những nhành lá vừa đủ dẻo dai để má Nhẫn uống thành hình mái vòm, vừa vặn phủ mát thời hoa niên của chị. Có vài nhánh lạc khỏi nửa vòng tròn, thả mình rơi tự do trong không gian của mùa hạ. Dăm hoa đỏ tím thỏa ý buông tuồng mà không phải chen mình trên vòm lá. Những bông hoa như được thêu nổi vừa phải trên nền không gian, làm người nhìn có cảm giác thanh lạc. Để nghe chừng ấy, Nhẫn phải nín thở để không bị mùi hoa xồng xộc lao vào lỗ mũi mà không thèm lịch sự gõ cửa. 

Hoa bâng khuâng - Truyện ngắn Phạm Thị Hải Dương

-  Lúc này bên kia còn tránh má không?

-  Má thường qua đấy rồi con. Dạo này cũng yếu nhiều rồi, bắt đầu lẫn cẫn nhiều chuyện. Bữa đầu má qua, bên đấy né không nhìn, má cũng lần khần không biết đi hay ở. Lát lâu không biết làm sao má mới dợm bước khỏi cửa thì bị gọi giật lại. Bên đấy với má nửa đời không nói chuyện với nhau. Giờ cũng không nói được lời lẽ có tình nữa. Nhìn được mặt nhau là may lắm.

Nhẫn về chiều hôm trước thì chiều hôm sau, lúc nấu cơm xong, má cắp cà mèn cháo mem theo đường bê tông sang nhà bên đấy. Má dặn Nhẫn chờ, đừng ăn cơm trước. Nhẫn ngồi trước mái hiên nhìn má quày quả băng qua ngõ mà thấy lòng mình ngỡ ngàng. Má chưa bao giờ kể với Nhẫn chuyện giữa bên đấy và má, về những vết thương lòng người ta gây cho má trong suốt nhiều năm từ ngày má mang thai Nhẫn.

Mười ba, mười bốn tuổi, Nhẫn loáng thoáng đi ngang câu chuyện của các bà ven chợ chiều sắp vãng, vài khóm tụm ba tụm bảy lác đác trên con đường Nhẫn đi học, những khi Nhẫn lấm lét dò xét đám nhỏ đang chơi nhảy dây, đồ hàng rồi bị chúng đáp trả bằng cách bấm chí nhau, nhìn Nhẫn nhiều kinh miệt. Nhẫn vá víu từng mảnh hội thoại nhỏ, từng tiếng nguýt dài chua loét, từng cái bĩu môi khinh khỉnh… hợp thành hỗn độn xì xầm lộn vào nhau của người lớn, để rồi ghép chúng thành một câu chuyện hoàn chỉnh mà chính Nhẫn, người lắp nên chuyện cũng không khỏi sững sờ.

Năm ấy, cô con gái lớn của gia đình giàu nhất nhì làng lỡ mang giọt máu của một người đàn ông đã vướng bận. Cha cô vì quá nhục nhã đã không còn để tâm đến số phận của con mình. Ông gạt cô ra khỏi đầu và sống lạnh tanh như chưa từng có đứa con gái nào mang họ ông đang vất vưởng trên mặt đất. Mấy đời bánh đúc có xương, mẹ ghẻ cô gái thừa cơ đánh đập, bức ép đứa con chồng trót lỡ làng.

Ngày dì ghẻ điều tra được nguyên nhân mạch xương quai xanh của má giật hồi liên tục trong một lần vô tình liếc qua khi má đang xách nước ngoài giếng, má bị nhiếc móc, lăng mạ thậm tệ. Cái sảy nảy cái ung, mẹ ruột của má, tức bà ngoại của Nhẫn bị bêu ra, tên bà dội qua tận mấy nhà lân cận, văng ra khắp xóm, tới tận nghĩa trang. Thiếu điều bà phải đội mồ sống dậy vì nhức buốt. Tối tối, sáng sáng, cha ruột của má bị xắc xéo đến mức ông từ phẫn nộ trở nên câm lặng như phỗng, mặc kệ cảnh éo le của con gái mình. Buổi trưa, má ngã xuống sau cái bạt tai trời giáng của mẹ ghẻ nhưng vẫn ôm bụng để giọt máu lỡ làng không phải chịu thương tổn. Buổi chiều, má lặng lẽ gói mấy bộ đồ rồi lẻn vào hoàng hôn, trốn mất. Buổi chiều cô gái đi, bào thai đã bắt đầu rục rịch.

Từ ngày câu chuyện ấy tồn tại trong lòng cho đến tận lúc trưởng thành, Nhẫn vẫn thường nằm mơ thấy cảnh má sinh chị trong một căn chòi tiêu điều tận chân núi. Nhẫn đứng đằng xa mà vẫn có thể rõ mồn một thời điểm sắp chào đời của chính mình. Má chị đang bấu chặt hai thành giường, mồ hôi và nước mắt vỡ ra thành dòng, thấm vào từng thanh tre của chiếc giường ọp ẹp, rơi xuống rồi bốc hơi ngay khi gặp nền đất nóng rang. Nắng hầm hập bóp cứng căn chòi hẩm thấp. Chỗ má vượt cạn bỗng chốc như cái hộp sữa hóp bụng mà người ta sắp quăng vào thùng rác khi hút sạch giọt cuối cùng. Lưng của má đang nằm trên lằn ranh sinh tử như nhân vật Tiểu Long Nữ ngủ trên dây trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Song khác nữ chính có năng lực phi phàm của Thần điêu hiệp lữ, hôm Nhẫn sắp chào đời, chỉ cần má buông tay, trong tích tắc không giữ được thăng bằng, má sẽ mang theo chị vĩnh viễn chìm vào ba tấc đất.

Má ghi danh đứa con gái lạc loài bằng cái tên Nhẫn trong giấy khai sinh cũng vào mùa hạ này gần ba mươi năm trước. Nhẫn sinh đúng Ngọ. Khi đấy, lòng của má phải rộng gấp ba những bà đẻ khác khi cắn môi rặng ra Nhẫn trong cái chòi thấp bức bối, đúng hệt giấc mơ của chị sau này. Má vin chữ nhẫn để đứng vững, đồng thời vì Nhẫn, đứa con gái lạc loài má lỡ mang, mà mạnh mẽ chống chọi. Má nhẫn nhịn lẫn nhẫn nhục để Nhẫn an toàn lớn dần lên dưới bảy lớp da bụng trong gần mười tháng.

***

Nhẫn lọt thỏm giữa buồng trong, chỗ má căng tấm rèm chia đôi khoảng bình lặng và sân nắng lóng lánh. Hoàng hôn mùa hạ thẫn thờ như đôi mắt kẻ chồng xa. Chị khẽ mở mắt nhìn nắng tan dần bên ngoài khung cửa sổ. Thinh không dễ chịu đến bình thản nếu không có mùi hoa lan tỏi dậy lên và bung tỏa theo cấp số nhân trong không gian vắng lặng của cuối ngày. Nhẫn hít một hơi dài, rất sâu. Hơi thở đầy mùi hoa làm chị lấn cấn. Phải chi Nhẫn ra đời vào một buổi chiều bình lặng thế này, khi nắng hạ thôi không còn gay gắt, có phải cuộc đời cũng sẽ bớt cay nghiệt với má chị hay không.

Nhẫn nghe tiếng chân cũ mốc khẽ lẫn tiếng nước sôi đang chảy lóc xóc vào bình thủy. Má thường nấu nước sôi sau cùng, khi bữa cơm chiều đã đâu vào đấy. Má nói, than củi còn dư có thể sôi được nửa ấm nước. Nhớ thói quen của má nên khi nghe tiếng nước chảy vào bình thủy, Nhẫn biết má đã nấu ăn xong và chuẩn bị đem cháo ra khỏi nhà.

Trước lúc Nhẫn về mấy ngày, má đã đi chợ mua đồ nấu cháo mang sang bên kia. Khi thì đậu ngự, khi khác đậu xanh, có hôm nấu hành tăm và tiêu chín. Nhẫn nằm buồng trong nghe mùi cháo mà đoán nguyên liệu, nghe cả xót xa, đắng đót lẫn trong làn khói mỏng vướng víu khắp nhà. Lần đầu má chìa muỗng cháo, bên kia nhìn trân trân một lúc lâu rồi mới há miệng, ngậm cháo rồi vẫn trân tráo nhìn má không thôi. Còn má, đút cháo cho bên đấy tới ngày thứ năm mà vẫn lạnh căm như trách nhiệm con cái phải hiếu đạo với cha mẹ. Má không thể ân cần, dù lòng má đã dợm muốn.

Nhá nhem, Nhẫn tha thẩn trong chính căn nhà thân thuộc của mình khi tiếng chân của má đã khuất. Cùng một ngóc ngách nhưng mỗi lần nhìn là một lần mới mẻ với chị, không có lần nào có cảm giác như lần trước đó đã từng. Má đã được ở trong căn nhà mát mẻ về mùa hạ, ấm hơn trong mùa lạnh. Khuôn viên vườn tược cũng được nới rộng ra hơn, cây cối xanh quây quần và hàng xóm mới không mấy để tâm đến một thời lỡ lầm của má.

Chỉ có khuôn đất này là không đổi. Nó từng gánh trên lưng một căn chòi mệt nhoài trong mưa nắng, từng chứng kiến những lật, bò, đứng chựng, những bước lẫm chẫm, té sấp té ngửa của Nhẫn. Nó chứng kiến và xoa dịu tột cùng đau khổ của má trong những ngày bần bách nhất. Nó reo ca cùng má những phút giây mừng tủi khi Nhẫn bước qua mỗi chặng tuổi. Dù mái nhà hiện tại có đổi khác thì khuôn đất vẫn mang một nỗi niềm cố hữu. Nhẫn từng nghĩ lòng má mãi là đất dưới chân chị đang đứng. Lặng lẽ ôm chứa nỗi phẫn hận trong lòng dù cho bên ngoài, tưởng chừng thoát thai khỏi đau đớn. Thế nên Nhẫn ngỡ ngàng làm sao trước sự thay đổi tưởng chừng sẽ mãi cố hữu trong lòng má. Chị thật không tin má đang chăm bẵm cho con người từng ép má phải trốn khỏi nhà mình, xô mình vào hoàn cảnh phải tự vật lộn để nuôi con mà không có chút tài sản nào ngoài cái chòi hoang tận chân núi.

***

Gần ba mươi năm đi qua, căn chòi heo hút ngày nào giờ đã được nối với làng ngoài bằng con đường bê tông rắn rỏi bò giữa ngạn xanh xanh lúa. Dân nêm cứng đất làng ngoài, người ta đưa nhau về cạnh núi tìm chốn bềnh bồng, mẹ con Nhẫn không còn cảnh đơn chiếc, cô quạnh như trước. Con đường mới nối hai làng, có phải là con đường để má và bên kia nhìn mặt nhau trước khi trở lại là đất. Má không thể gột sạch kí ức đầy ám ảnh, bên ấy cũng không thể không ân hận về tội lỗi mình trót gây ra. Nhưng cái sót lại và quan trọng hơn cả là những ngày kề cận nhau khi còn sống. Có gì quý giá hơn tình thương giữa người với người khi được kề bên nhau. Má đã kịp đứng hẳn người dậy, thoát khỏi ém nhẹm đau khổ của đất. Giờ lòng má khang trang lẫn tươi mới như chính căn nhà Nhẫn xây cho má. Má nói vậy với Nhẫn khi chạng vạng chỉ còn một nửa trước mặt hai má con, mùi hoa lan tỏi bắt đầu bị đêm đen cô đặc lại.

Chiều Nhẫn mới về, má liêu xiêu trong hoàng hôn nguội. Nhẫn bần thần, chị đã đứng đấy, phía ngoài vòm hoa lan tỏi, đã gánh nửa buổi chiều cho má mà vẫn thấy ngày tàn trĩu mình xuống đè trên vai má, làm má suýt khụy gối xuống. Nhẫn nghĩ đến gánh hàng trăm, hàng trăm buổi chiều má phải gồng gánh một thân, khi chị còn là một đứa bé con con, mà không khỏi chua xót trong lòng. Nhưng giờ này, hoàng hôn như thấm lẫn vào hai má con, trở thành đương nhiên để thân tâm an lạc. Má đã thôi không còn là đất, Nhẫn không ôm chứa sầu hận cho riêng mình như ngày cũ. Chiều nay Nhẫn thấy căn nhà của mình trở nên thân thuộc.

Những mùa xâm xấp ba mươi như thế này, Nhẫn mới chịu hiểu vì sao má có thể bước ung dung qua mười mấy mùa hạ với cái mùi cay nồng khó chịu của hoa lan tỏi trước cổng nhà. Cách đây không lâu, chị mới biết hoa lan tỏi, hay hoa bâng khuâng có tác dụng đuổi rắn rít. Chính mùi nồng như tỏi của nó đã bảo vệ bé Nhẫn ba tuổi, bảy tuổi mỗi khi má có việc vắng nhà chốc lát. Má đã chọn dây lan tỏi, chứ không phải  sử quân tử, dâm bụt hay hoa giấy cho cuộc đời mình. Như dây bâng khuâng chọn mùi nồng như tỏi, má tự nguyện bôi đen cả cuộc đời mình bảo vệ, để Nhẫn có hôm nay.

 

 P.T.H.D