Giới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích

05.04.2017

Giới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích

Tuyển tập ca khúc thiếu nhi “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng”

Tuyển tập 50 ca khúc Em lớn lên cùng thành phố anh hùng do Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng thực hiện được phát hành nhân chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Tuyển tập gồm 50 ca khúc tuyển chọn từ 24 ca khúc của các tác giả tham gia Trại sáng tác ca khúc thiếu nhi 2016 và 26 ca khúc của các nhạc sĩ trong và ngoài thành phố được Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng thu thập, chắt chiu trong thời gian qua. Góp mặt trong tuyển tập ngoài các nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi như: Thái Nghĩa, Trương Duy Huyến, Trịnh Tuấn Khanh, Phạm Hoàng Huy, Trúc Lam... đặc biệt có các nhạc sĩ kỳ cựu thâm niên của Đà Nẵng như: Trần Ái Nghĩa, Thanh Anh, Minh Đức, Nguyễn Duy Khoái, Xuân Minh, Đình Thậm, Lưu Văn Bình, Nguyễn Hoàng; Các nhạc sĩ không thuộc giới sáng tác cho thiếu nhi như: Trần Ngọc Sanh, Đinh Gia Hòa, Nguyễn Đức, Trịnh Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Hiếu, Phan Thanh Trường, Trương Quang Thành, Trương Công Ảnh... lần này cũng góp mặt với nhiều ca khúc đa dạng, phong phú dành cho lứa tuổi trẻ thơ... Bên cạnh đó có những tên tuổi khá mới mẻ trong giới sáng tác như: Hoàng Lương, Nguyễn Ngọc Huy, An Phương, Đoàn Trung Hải.

Phần lớn là tác phẩm mới, mỗi ca khúc thể hiện một phong cách khác nhau song vẫn cùng chung chủ đề ca ngợi mảnh đất, con người Đà Nẵng kiên cường trong đấu tranh, vươn lên đầy ấn tượng theo nhịp thời gian 20 năm. Bài hát Em yêu thành phố biển quê em và Thành phố xanh của Trương Duy Huyến, Lung linh sông Hàn của Phạm Quang Trung, Đà Nẵng hôm nay của Trần Thanh Tùng, Đà Nẵng thành phố mùa xuân của An Phương, Đà Nẵng khúc nhạc vui (nhạc: Lưu Văn Bình, lời: Nguyễn Chính)... là những nốt nhạc tươi vui, trữ tình của thành phố sông Hàn. Đáng chú ý có hai ca khúc ca ngợi hình ảnh kiên cường của chú bộ đội Trường Sa của Hoàng Lương và tình cảm sâu sắc của thiếu nhi trước biển trời quê hương trong Hẹn với Hoàng Sa của Trương Duy Huyến. Nổi bật là các bài hát về tình mẹ, tình cha đầy da diết như: Ba má cùng chúng em của Nguyễn Duy Khoái, Có một mẹ thôi (nhạc: Trần Ngọc Sanh, thơ: Nguyễn Lãm Thắng), Yêu lắm mẹ ơi của Đình Thậm, Giúp mẹ (nhạc: Trịnh Tuấn Khanh, thơ: Nguyễn Ngọc Hưng). Tình cảm tha thiết của ông bà nội ngoại cũng được khắc họa chân thành trong các khúc hát: Con thương ông bà nhất nhà của Trần Ái Nghĩa, Em yêu cả nhà của Đinh Gia Hòa, Ông ơi của Trương Công Ảnh... Sắc màu rực rỡ, diệu kỳ của mùa xuân cũng đi vào một số ca khúc như: Bức tranh xuân của Xuân Minh, Bướm Xuân (nhạc: Đoàn Trung Hải, lời: Nguyễn Lãm Thắng), Mùa Xuân (nhạc: Thanh Anh, thơ: Ngô Liên Hương); mùa hè vui chơi, rảnh rang của tuổi thơ cũng đi vào các ca khúc vui tươi, rạo rực của các nhạc sĩ trẻ như: Hát cùng mùa hè của Nguyễn Ngọc Huy, Mùa hè ơi của Hoàng Lương, Mùa hè vui của Nguyễn Đức...

Đáng lưu tâm còn có vài ca khúc phát triển chất liệu âm nhạc dân gian hiếm hoi như: Rồng rắn lên mây và Sơn ca ngày mới của Thái Nghĩa, Giúp mẹ (nhạc: Trịnh Tuấn Khanh, thơ: Nguyễn Ngọc Hưng).

Tuyển tập được các nhạc sĩ biên tập chu đáo với các nhịp điệu 2/4, 4/4 mạnh mẽ, tươi vui đến các nhịp điệu 3/4, 3/8, 6/8 mênh mang, dàn trải tạo tính chất tương phản đầy cuốn hút. Phần lớn là tác phẩm thuộc thể loại đơn ca, trong đó có tác phẩm thể loại tốp ca vui tươi, sôi nổi.

Đây thật sự là thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo của đội ngũ nhạc sĩ Đà Nẵng và của cả nước qua những chuyến đi thực tế, các cuộc thi, các trại sáng tác được tổ chức chu đáo. Bên cạnh đó có những nhạc sĩ lặng lẽ viết tặng tuổi thơ Đà Nẵng với bao tình cảm sâu nặng, trải qua bao đêm trắng suy tư, thao thức cùng bao tứ thơ, giai điệu. Đây cũng là tâm huyết, là trách nhiệm của các nhạc sĩ đối với trẻ thơ.

Với 50 ca khúc được tuyển chọn từ hàng trăm tác phẩm về thiếu nhi Đà Nẵng là thành quả đáng trân trọng, hứa hẹn cho những sáng tác mới còn tiếp tục ra đời dành cho lứa tuổi hồn nhiên, tươi đẹp trên vùng đất thấm đẫm tình người của miền Trung.

Tuyển tập do nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn - Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng chịu trách nhiệm nội dung. Tuyển chọn, biên tập gồm các nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Quang Trung và Nguyễn Cáp, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đầu mùa xuân 2017.

Hy vọng Tuyển tập Em lớn lên cùng thành phố anh hùng sẽ được phổ biến rộng rãi đến các trường học, các liên hoan - hội diễn, được các đài phát thanh, truyền hình, các nhà sản xuất băng đĩa và đông đảo công chúng đón nhận, góp phần làm phong phú và khởi sắc hơn đời sống tinh thần của thiếu nhi thành phố Đà Nẵng thân thương, động viên các nhạc sĩ lao động sáng tạo không ngừng để có nhiều ca khúc cho tuổi thơ hay hơn.

 

Album “Mùa thu Huế” của Vạn Lộc

 

Trong 20 năm qua, nhà thơ nữ Vạn Lộc đã xuất bản và tái bản nhiều tập thơ như: Chút riêng tư (1997) và tái bản năm 2001, Vòng tay mẹ (2000), Nắng chiều (2002), Hạt bụi (2004), Gió thổi từ Đông Yên (xuất bản và tái bản trong năm 2011). Thơ của chị thường theo thể thơ lục bát hoặc thơ mới. Trong thập kỷ gần đây chị lại sáng tác theo thể thơ Đường luật. Lời thơ trong sáng, giản dị, hồn hậu, ẩn chứa những suy tư thầm kín, những cảm xúc sâu lắng. Với các tác phẩm này chị đã nhận được nhiều giải thưởng từ các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật địa phương và Trung ương.

Nhà thơ Vạn Lộc sinh ra ở làng Đông Yên, Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sinh sống tại Đà Nẵng và làm dâu xứ Huế nên trong thơ của chị phảng phất hương vị quê nhà Quảng Nam, nét đẹp tươi tắn của Đà Nẵng, ẩn hiện nét duyên thầm xứ Huế.

Đồng hành cùng các tập thơ Vạn Lộc là các CD, VCD lần lượt ra đời và các chương trình thơ của chị được phát sóng trên các Đài Phát thanh và Truyền hình như: Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng (DRT), Trung tâm Truyền hình VN tại Đà Nẵng (DVTV), Đài Phát thanh và Truyền hình Huế (HTV), Đài Truyền hình TP. HCM (HTV), Đài Truyền hình VN (VTV).

Và mới đây, dịp đầu xuân 2017, Bến Thành Audio - Video lại phát hành Album thơ nhạc Mùa thu Huế của nhà thơ Vạn Lộc. Đây là album được chị ấp ủ từ lâu, quy tụ 10 bài thơ tâm đắc của chị, trong đó có bốn bài được các nhạc sĩ đồng cảm phổ nhạc, phối âm phối khí chu đáo. Thơ của chị được thể hiện bởi những giọng ngân, giọng ca ngọt ngào của các nghệ sĩ diễn ngâm và các ca sĩ tài danh trong cả nước như: nghệ sĩ Hương Nhu, nghệ sĩ Thùy Trang, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Mai Lê, NSƯT Thu Hiền, giọng ca Đông Quân, NSƯT Vân Khánh, ca sĩ Bích Lan, NSND Kiều Oanh, ca sĩ Thu Trang.

Lắng nghe những thanh âm ngân vang từ album, đâu đó tiếng lòng thảng thốt khi tuổi xuân lặng thầm trôi qua trong bài thơ Nắng chiều qua giọng ngâm của nghệ sĩ Hương Nhu:

“Nắng ơi ta vẫn sợ, Đời ta sẽ hoàng hôn, Ngày mai nắng vẫn đẹp, tuổi xuân ta đâu còn...”

Rồi thả hồn mê đắm giữa ngút ngàn trùng khơi, mây nước Tiên Sa, Đà Nẵng theo giọng ngâm của nghệ sĩ Thùy Trang từ bài thơ Bừng tỉnh giấc: “Trăng ôm núi ngủ trăng nghiêng ngả, Sóng nước bờ mê sóng bập bềnh” .

Sông Hương, núi Ngự xứ Huế ngập tràn lãng mạn cũng đi vào thơ Vạn Lộc qua thể hiện của NSƯT Thu Hằng như càng làm bài thơ Huế - Nón bài thơ thêm da diết hơn: “Núi Ngự trăng buồn soi lặng lẽ, Sông Hương sóng nhớ gợn long lanh”.

“Này trăng với gió bên trời, với lòng chưa tạnh một thời mưa tuôn. Buổi xưa lỡ cưới nỗi buồn, Bây giờ mỗi bước mỗi tròn cơn đau” những câu thơ ấy như chạm vào trái tim người nghe qua giọng ngâm NSƯT Mai Lê từ bài thơ Câu hỏi dưới trăng.

Một chút rung cảm trong lần gặp gỡ tình cờ ngắn ngủi trên vùng cao hoang sơ Đà Lạt, cũng làm con tim thêm se sắt bâng khuâng được gửi gắm trong bài thơ Gặp anh giữa Đà Lạt, nỗi niềm ấy được khắc họa qua giọng ngâm Thu Hiền.

Có một ngày, những vần thơ tình của Vạn Lộc đã lay động trái tim Phan Huỳnh Điểu - người nhạc sĩ tài hoa chuyên phổ thơ tình, ông cảm tác phổ nhạc từ bài thơ Tình yêu gọi em, với phần phối âm của nhạc sĩ Minh Mẫn, càng đem truyền cảm vào giọng ca Đông Quân.

Trong album có bốn bài thơ phổ nhạc thành ca khúc, ngoài ca khúc Tình yêu gọi em được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác, còn lại ba bài thơ: Áo trắng do nhạc sĩ Nhất Huy phổ nhạc, nhạc sĩ Xuân Hồng phối âm, ca sĩ Thu Trang thể hiện; bài thơ Chiếc lá do nhạc sĩ Tô Thanh Tùng phổ nhạc, nhạc sĩ Viết Cương phối âm, ca sĩ Bích Lan trình bày và bài thơ Mùa thu Huế do nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ nhạc, nhạc sĩ Đạt Kim phối âm, NSƯT Vân Khánh biểu diễn, tất cả ngân vang hài hòa, đầy lôi cuốn và tạo sức thu hút cho người nghe.

Album được đạo diễn Quý Tiết thực hiện với phần âm thanh của Văn Khiêm, do Diễm My - Quỳnh Anh thể hiện lời bình, khách mời là hai nhà thơ Võ Quê và Hồ Đắc Thiếu Anh. Phần hình ảnh cảnh trí khá sinh động, tươi đẹp. Tất cả đã góp phần đem lại thành công cho album.

Album thơ nhạc Mùa thu Huế của nhà thơ Vạn Lộc là món quà ý nghĩa gửi đến người yêu thơ nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 năm nay. Mong rằng Album sẽ được đón nhận nhiệt tình từ bè bạn gần xa, từ những người đồng cảm với nhà thơ Vạn Lộc, người đã chắt chiu sáng tác những vần thơ chứa đựng bên trong những khoảng lặng trầm tư, những ẩn khúc đầy nỗi niềm, những câu chuyện đời thường muốn sẻ chia...

V.T.B

Bài viết khác cùng số

Ba ngày cho một trận đánh lịch sử - Trung tướng Lê Văn Tri kể, Trịnh Duy Sơn ghiChuyến đi vẽ ở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Mùa hè đỏ lửa 1972 - Giang Nguyên TháiĐất nước Hồi giáo và đảo quốc sư tử - Trương Văn KhoaAi sống ở hiệu sách Nica? - Phạm Thị Hải DươngHương cau ngọt lành - Nguyễn Thị Anh ĐàoMẹ và con - Đỗ Xuân ĐồngGiấc mơ của một gã say - Vũ Thị Huyền TrangHồn rơm rạ - Nguyễn Ngọc HưngNgõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An... - Nguyễn Kim HuyĐêm hè - Nguyễn Đông NhậtHạnh ngộ biển - Vô BiênNhững mắt thơ thao thức - Trần Vân ThiênDòng sông thao thức - Nguyễn Cát ChuyênSông - Kai HoàngTừ phía ấy ta nghe - Phan DuyGió - Phạm Thị Thúy NgaBản phác thảo đêm trắng - Phan NamCây sung già bên bờ hồ - Huỳnh Minh TâmMẹ biển - Nguyễn Thị Anh ĐàoMột ngày con chợt nhớ - Ngưng ThuLính biên phòng - Phan Thành MinhNam Trân, một khuôn mặt tài hoa của xứ Quảng - Huỳnh Văn HoaTri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng - Đinh TrangGiới thiệu tác phẩm âm nhạc - Văn Thu Bích Bài thơ của một nhà thơ Mỹ viết về nhà thơ Thu Bồn - Nguyễn Quang ThiềuCó một miền thơ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Ngô Thế LâmNgôi đền Ta Nang mới phát hiện ở vùng Đông Bắc Campuchia và những chứng cứ mới về con đường giao thương giữa các tiểu quốc Champa và đế chế Khmer - Trần Kỳ PhươngTinh thần lạc quan của Tiểu La Nguyễn Thành qua mấy vần thơ - Châu Yến LoanNguyễn Đình Thi - "Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác" - Bùi Công Minh