Chuyến đi vẽ ở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh - Mùa hè đỏ lửa 1972 - Giang Nguyên Thái
Năm 1969, tôi vào công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Trung Trung bộ. Sau Tết Nhâm Tý 1972 ở vùng căn cứ Nước Ngheo (nay là xã Trà Ka, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), tôi và nhà văn Nay Nô khoác ba-lô, cặp vẽ đi chiến trường Đắc Tô, Tân Cảnh tỉnh Kon Tum.
Giao liên đưa chúng tôi qua trạm ông Rộng (các binh trạm ngày ấy đều lấy tên ông trạm trưởng đặt tên cho trạm) rồi vượt qua dãy Ngọc Linh để vào tỉnh Kon Tum. Núi Ngọc Linh cao vời vợi, gần hết mùa xuân mà trời vẫn còn rất rét, nước suối lạnh cóng, mưa tầm tã suốt ngày.
Chúng tôi vào thẳng Ban Tuyên huấn Kon Tum, các anh chị trong cơ quan đều ra mặt trận phía trước, cơ quan vắng ngắt. Chị Quế là Chánh Văn phòng Ban được phân công ở lại để đón tiếp chúng tôi. Chờ đợi ở đây phải đến hàng chục ngày, tôi tranh thủ tìm thăm họa sĩ Xu Man. Lúc ấy anh Xu Man đang ở chỗ sản xuất. Gặp nhau, anh em mừng lắm. Chiều hôm ấy, anh đãi tôi bữa thịt chuột núi nhắm với củ mì còn ủ trong ché đang trong giai đoạn chín để thành rượu cần. Củ mì trong như hổ phách, ăn vào cũng say như uống rượu. Anh Xu Man tên thật là Siu Dơn, người dân tộc Bana, anh học trước tôi mấy khóa ở Trường Mỹ Thuật. Xu Man cho tôi xem những bức tranh anh vẽ. Ở chiến trường, thiếu thốn mọi bề nên ký họa của anh chỉ có 3 màu: đỏ, đen và trắng. Anh cười, hàm răng trên trống mấy chiếc và bảo: Đây chính là màu sắc chủ đạo trên váy áo của đồng bào Tây Nguyên.
Chờ đợi mãi rồi giờ G cũng đến. Đêm ấy, chúng tôi theo đoàn công tác Huyện đội 14 vào nằm sát ngay thị trấn Đắc Tô. Tới khuya, súng bắt đầu nổ. Tiếng súng cối 81, đạn B40, B41, P72 nổ rầm trời. Xe tăng ta và xe tăng địch đuổi bắn nhau ầm ầm trên Quốc lộ 14... Khoảng hơn 3 giờ sáng thì tiếng súng im bặt. Mọi người cùng reo to: Giải phóng rồi! Chiến thắng rồi! Chúng tôi được lệnh ra khỏi hầm tránh pháo, lên đường vào thị trấn Đắc Tô.
Chị nuôi đã chuẩn bị cho mỗi người một vắt cơm to, Nay Nô đeo cơm nắm vào thắt lưng nên lúc đi nhanh, nắm cơm cứ đập vào mông, vào bi đông nước... kêu lịch bịch đến tức cười! Qua một con suối, mọi người lội xuống vốc nước uống, tôi phải nhổ ra ngay vì nước có mùi tanh rất khác lạ? Đi thêm một đoạn dọc theo bờ, chỉ cách chừng vài trăm mét, có hai xác lính ngụy chết trương phềnh giữa suối, cả hơn chục anh chị em móc họng nôn ra bằng hết.
Khi chúng tôi vào đến thị trấn Đắc Tô thì trời cũng vừa rạng sáng. Đắc Tô đã giải phóng! Cờ mặt trận phấp phới bay trên nóc Dinh quận trưởng Vi Văn Bảo. Bộ đội nói, tên quận trưởng này đã lên máy bay trực thăng chạy trốn trước lúc quân Giải phóng tấn công vào Thị trấn. Dọc đường, quân trang, súng đạn của lính ngụy vứt bừa bãi. Tôi gặp ba nữ chiến sĩ biệt động, súng ống đầy mình, mặt còn xạm đen khói súng. Tôi lấy giấy bút ra ghi vội. Các chị đúng là những nữ Anh hùng.
Thị trấn Đắc Tô im lìm. Người dân còn đóng hết cửa, chưa dám ra ngoài. Chỉ có bộ đội và cán bộ làm công tác đi lại hối hả trên đường. Tôi ngồi vẽ thị trấn Đắc Tô dưới những cây phượng già, gốc xù xì, hoa đỏ thắm. Hoa phượng Tây Nguyên dường như rực rỡ hơn hoa phượng ở Hồ Thuyền Quang, Hà Nội? Nhà văn Nay Nô theo các cán bộ dân vận đi vào các ấp chiến lược, vào nhà dân để vận động và giải thích các chính sách của Mặt trận Giải phóng. Tôi đang say sưa vẽ thì Hoàng Chung, phóng viên Thông tấn xã Khu 5 cưỡi chiếc xe đạp không lốp lọc cọc, gọi toáng lên: Thái ơi, mày vào lúc nào? Hoàng Chung theo một mũi quân Giải phóng đánh vào thị trấn Đắc Tô. Anh chụp ảnh giữa hai làn đạn. Phóng viên Hoàng Chung người xứ Nghệ, anh vào sau tôi một năm. Hoàng Chung cũng là một phóng viên chiến trường xông xáo lắm. Vào Đắc Tô tôi còn gặp anh Ngọc Châu, phóng viên quay phim ở chiến trường. Anh công tác ở Điện ảnh Khu 5. Một chiến sĩ trẻ người dân tộc đeo súng AK, được tỉnh bố trí đi theo tôi, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa là người dẫn đường. Hai anh em nhặt được chiếc Honđa nữ 50 của người dân chạy đạn bỏ lại ven đường. Xe nữ côn tự động nên rất dễ dùng. Chúng tôi đèo nhau chạy thẳng về hướng Tân Cảnh. Dọc đường, còn biết bao xác lính ngụy nằm ngổn ngang. Có người chết vẫn còn ngồi chân quỳ, chân chống trong hào dã chiến, trên thái dương còn vết đạn thủng bằng miệng chén. Mùa hè nên xác chết bốc mùi rất nhanh.
Chúng tôi về ấp KônH'ring trong một buổi chiều. Bà con dân ấp cũng đã quen với các chiến sĩ Giải phóng, họ nói chuyện ân cần, vui vẻ và cởi mở. Đa phần là dân Bắc di cư vào năm 1954, có nhiều thanh niên, học sinh trốn bắt lính cũng dạt về đây nên họ rất dễ thân thiện với chúng tôi.
Ở ấp KônH'ring vài ngày, một chiều gần tối, chúng tôi có lệnh phải lập tức dời ngay vì có tin địch sẽ hủy diệt ấp. Dân chúng bồng bế nhau chạy túa vào rừng. Chúng tôi cũng chạy nhanh vào núi. Đêm ấy chúng tôi bị đói meo, may còn vài thanh lương khô nhá nhẩm. Khoảng 9 giờ tối thì máy bay đến, chúng dội không biết bao nhiêu lượt bom xuống ấp KônH'ring.
Sáng hôm sau chúng tôi trở lại, ấp KônH'ring đẹp đẽ, trù phú như thế mà giờ bị san phẳng hoàn toàn, đường làng chi chít hố bom, nhà đổ, cây đổ, trâu bò, gà lợn chết nằm la liệt khắp nơi. May mà không có thiệt hại về người.
Sau đó, chúng tôi còn đi về Trí Đạo gần thị trấn Kon Tum, về sân bay Phượng Hoàng, vào ấp KônH'nừng. Đâu đâu cũng thấy đổ nát kinh hoàng.
Chuyến đi này tôi vẽ được khá nhiều ký họa, những bức vẽ nhanh ở Đắc Tô, Tân Cảnh, những bức vẽ chân dung đồng bào... Và còn nhớ mãi món thịt chuột khô nấu với nõn chuối rừng cùng bí đỏ ở Đại hội Mặt trận Giải phóng tỉnh Kon Tum, trong một khu rừng già thuộc Huyện 14, ở sát thị trấn Đắc Tô.
Kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh
1972 -2017
Hà Nội, tháng 3 năm 2017
G.N.T