Có một miền thơ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Ngô Thế Lâm
Cho đến tận bây giờ, tròn 16 năm khi người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh lìa xa “cõi tạm”, với gia sản để lại cho đời hơn 600 ca khúc, giới mộ điệu dường như vẫn chưa một ngày lãng quên ông; ngược lại, họ vẫn dành cho ông sự ngưỡng mộ và trân quý bởi tiềm năng sáng tạo độc đáo qua những bản tình ca không tuổi, mà thời gian chưa đủ sức bào mòn, đánh cắp.
Để rồi, có một điểm chung, những giai điệu nồng nàn ấy vẫn đều đặn được vang lên mỗi ngày từ góc quán cà phê, phòng trà, các tụ điểm ca nhạc hay vẫn được mọi người, ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp xã hội khác nhau thường nghêu ngao hát trong tất bật vui buồn cuộc sống.
Có thể nói, Trịnh Công Sơn rất đa năng trong nhiều mảng đề tài sáng tác. Và ở mảnh đất nào, ông cũng thành công. Nhiều người nhận xét dí dỏm rằng, Trịnh Công Sơn viết nhạc như nói chuyện, vậy nên rất dễ cảm, dễ gần. Dung dị, giản đơn mà vô cùng ám ảnh. Thông điệp về cuộc đời, thân phận, tình yêu hun đúc từ những triết lý Phật giáo rất đạo, rất đời, bên cạnh thấm nhuần chủ nghĩa hiện sinh đã làm nên một dáng dấp, một diện mạo Trịnh Công Sơn không dễ trộn lẫn với bất cứ một nhạc sĩ nào cùng thời và cả sau này.
Không phải bàn cãi, một trong những phẩm chất độc đáo, thiên bẩm của người nhạc sĩ tài hoa này đó là chất thơ, hồn thơ luôn thấm đẫm một mạch nguồn trong trẻo, nhuần nhị, trau chuốt đến từng chữ, từng câu: “Ta mang cho em một đóa quỳnh/Quỳnh thơm hay môi em thơm/Môi em cho ta một cánh hồng/Lụa là phút ấy chưa quên” (Quỳnh hương). Tại sao không phải là “Quỳnh hoa” hay “Hoa quỳnh”? khi mà rõ ràng nhạc sĩ đang nhắc tới hoa, viết về hoa? Vậy nên mới có một câu chuyện có thật, đầy lãng mạn sau đó khi có một cô gái trẻ tên Quỳnh Hương đã “phải lòng” khi nghe ca khúc này và tìm đến làm quen, bày tỏ sự ngưỡng mộ với tác giả. Lúc ấy, mới thấm thía rằng, nụ hôn đã thành nụ “quỳnh thơm” mà môi hôn là “cánh hồng” với tất cả sự dịu dàng, êm ái.
Có một nhà phê bình đã nhận xét rất cô đọng: “Cái đẹp trong ca từ Trịnh Công Sơn, cả xác chữ lẫn hồn thơ, bảng lảng, lờ mờ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng đẹp làm sao, nhưng vẫn ma quái thế nào”. Thật vậy, và đây là minh chứng: “Từ khi em là nguyệt, trong tôi có những mặt trời... /Từ em thôi là nguyệt, tôi xin đứng đó một mình” (Nguyệt ca). Phép so sánh, ẩn dụ ở đây đã đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế, đến nỗi thật khó để người nghe nhận dạng được “Nguyệt” nào là trăng, “Nguyệt” nào là em hiện thực? Một mà hai, hai mà một. Hơn nữa, nếu để ý, có thể thấy đại từ “Em” được Trịnh Công Sơn sử dụng rất nhiều trong những sáng tác của mình. Vậy mà, dễ gì phân biệt được rạch ròi giữa em - một nàng thơ lý tưởng hay là một Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Hồng Nhung luôn hiển hiện trong cuộc đời ông?
Cuộc hành trình dài hơn 40 năm cầm bút sáng tác, mối giao cảm giữa âm thanh và ngôn ngữ đã đắp lớn hình hài những đứa con tinh thần của ông. Cái chất thơ vừa dung dị, vừa tinh tế pha lẫn tính “quái” khi dụng công xây dựng hình ảnh đa nghĩa là lý do xứng đáng để âm nhạc Trịnh Công Sơn có khả năng chạm đến những ngõ ngách sâu kín nhất của biết bao trái tim đa cảm: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” (Như cánh vạc bay). Trước và ngay cả khi đang rất thành công với âm nhạc, đương thời, người ta còn biết tới Trịnh Công Sơn với tư cách một nhà thơ, với biệt tài làm thơ tự do rất độc đáo. “Như cánh vạc bay” cũng có thể coi là một bài thơ tình có sức ám ảnh lớn với lối ngắt chữ linh hoạt của thể thơ tự do, 7 xen 5 chữ, 5 xen 7 chữ: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/Cho mây hờn ngủ quên trên vai/Vai em gầy guộc nhỏ/Như cánh vạc về chốn xa xôi”.
Để tránh rơi vào trạng thái lặp lại, sáo mòn khi phụ thuộc quá nhiều vào niêm luật thơ, thơ tự do của Trịnh Công Sơn lại khá “thoải mái” trong việc ngắt nhịp, nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển, vẹn nguyên cấu tứ: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ/Lời hẹn thề là những cơn mưa...” (Tình xa) hay “Mặt trời nào soi sáng tim tôi/Để tình yêu xay mòn thành đá cuội/Xin úp mặt bùi ngùi/Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui” (Cát bụi).
Không giới hạn ở đấy, Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra rất chắc tay, nhuần nhị, lại mới mẻ và đầy triết lý nhân sinh với thể lục bát truyền thống: “Con chim ở đậu cành tre/Con cá ở trọ trong khe nước nguồn; “Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xôi cũng gần” (Ở trọ). Bên cạnh đó, thể thơ 4, 5 chữ có mặt khá phổ biến trong những sáng tác của ông đã thể hiện đầy đủ sự chỉn chu cả vần và ý, nếu không là ca khúc, thì sẽ rất hoàn hảo cho một tác phẩm thơ: “Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/Nằm kề bên nhau/Phố xưa nhà cổ/Mái ngói thâm nâu...” (Nhớ mùa thu Hà Nội) hay “Mẹ là nước chứa chan/Trôi dùm con phiền muộn/Cho đời mãi trong lành/Mẹ chìm dưới gian nan” (Huyền thoại mẹ).
Trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, bên cạnh những bóng dáng giai nhân, dù thoáng qua hay tri kỷ, luôn là chất xúc tác cho cảm xúc của ông tìm về, gọi tên, thì thành công của người nhạc sĩ tài hoa này với một gia tài sáng tác đồ sộ, không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của ca từ. Vậy nên, giả sử, những tác phẩm thơ đặc sắc ấy không được chắp cánh bởi những giai điệu âm nhạc để thành ca khúc, hẳn nhiên, ngày hôm nay người đời sẽ gọi ông với một danh xưng khác, cũng đầy trân trọng: nhà thơ Trịnh Công Sơn.
N.T.L