Đất nước Hồi giáo và đảo quốc sư tử - Trương Văn Khoa
Indonesia
Chuyến bay quá cảnh từ Malaysia đáp xuống thủ đô Jakarta (Indonesia) lúc 6 giờ chiều. Hoàng hôn nơi đây tuyệt đẹp, thành phố nổi lên, lung linh giữa những rặng núi, bờ biển và đảo xanh. Chuyến đi khảo sát dài ngày về hoạt động của các ngân hàng trong khu vực Asian bắt đầu từ đây.
Sự hấp dẫn tuyệt vời của Jakarta là những kiến trúc cổ của vương quốc Java xưa xen lẫn những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Jakarta có tới 32 bảo tàng, nổi tiếng nhất là bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ mọi dấu tích của vùng đất từ khảo cổ cho đến di sản văn hóa tộc người Indonesia. Tháp Monas cao 137m được coi là biểu tượng của Jakarta. Nhà thờ Hồi giáo ở quảng trường Merdeka, bảo tàng dệt, phủ tổng thống, lăng tẩm Taman Mini rộng 300ha là nơi lưu giữ của 250 di sản văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và ẩm thực của người lndonesia.
Là thủ đô của quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới (hiện có 90% trong tổng số 235 triệu người theo đạo Hồi), Jakarta mang trong mình niềm kiêu hãnh khi chứa đựng biết bao điều thú vị, hấp dẫn đậm nét sôi nổi, hoang sơ và thân thiện. Dấu ấn lịch sử đậm nét của Jakarta chính là nét hội tụ của nền văn hóa Batawie-Indonesia, Hồi giáo và phương Tây. Jakarta bắt đầu hiện đại hóa từ thế kỷ 16 khi người châu Âu đến đây và xây cất hàng loạt các công trình.
Tôi đến Indonesia vào mùa ăn chay, người dân thực hiện tháng ăn chay (bulan puasa) Ramadhan vào tháng thứ 9 của lịch Hồi giáo. Trong suốt tháng, các tín đồ phải nhịn ăn, nhịn uống và không hút thuốc từ khi mặt trời mọc đến mặt trời lặn, tập trung vào cầu nguyện. Người dân cố gắng dậy sớm để ăn cái gì đó trước khi mặt trời mọc, đi làm trễ và trở về nhà sớm để ăn trước khi mặt trời lặn. Người Hồi giáo tin rằng Ramadan là tháng mà cách đây 14 thế kỷ, Thánh Allah bắt đầu truyền kinh Koran cho Đấng tiên tri Mohammed.
Những điều cấm kỵ tại đất nước này là không được ăn mặc “thiếu thốn”, không dép, quần short, áo dây... Mặc dầu những nơi thờ phụng được mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng khi muốn vào cũng phải được phép, đặc biệt là khi nghi lễ đang được tiến hành. Mọi người phải luôn luôn cởi giày trước khi vào nhà thờ Hồi giáo. Không nên có các cuộc hẹn vào lúc 11h sáng đến 1h chiều vào các ngày thứ 6 vì thời gian này hầu hết người Hồi giáo đều đến nhà thờ.
Các tín đồ Hồi giáo rất nghiêm túc trong việc thực thi phòng chống các tệ nạn xã hội. Một bộ luật mới tại Aceh (một tỉnh nằm ở mũi Bắc của đảo Sumatra của Indonesia) đã được chuẩn y về việc hình sự hóa những tội như hiếp dâm, uống bia, rượu và đánh bạc. Luật trên quy định phạt tới 100 roi đối với những người chưa kết hôn nhưng phạm tội thông dâm và ném đá cho tới chết những người đã có gia đình nhưng ngoại tình. Đây là một biện pháp ngăn ngừa giúp người Aceh tránh đánh mất phẩm giá đạo đức.
Phụ nữ Hồi giáo với chiếc khăn choàng bí ẩn?
Lần đi này, tôi đến rất nhiều nơi của Indonesia để tìm hiểu đất nước có 90% dân số là tín đồ Hồi giáo. Hình ảnh người phụ nữ trong bộ trang phục rộng với chiếc khăn trùm kín đầu, cổ và cả chiếc mạng che kín khuôn mặt đã trở thành đặc trưng của xứ sở này. Trong suốt chuyến đi, những người bạn nữ Hồi giáo (đang làm việc tại một ngân hàng của Indonesia) đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện liên quan đến chiếc khăn choàng bí ẩn này.
Tục lệ này bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều giả thiết về sự ra đời của trang phục che kín mặt của phụ nữ Hồi giáo. Trước hết, đó là do niềm tin tôn giáo. Thông thường, theo truyền thống đạo Hồi, với quan niệm sự tôn trọng gia đình nằm ở hành động của người phụ nữ, việc đeo mạng che mặt là bắt buộc. Danh dự của người phụ nữ phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của gia đình, dòng họ. Nếu người phụ nữ vi phạm những điều cấm, người đàn ông trong gia đình có thể bị coi là hèn nhát, xã hội tẩy chay. Do đó, để được đàn ông coi trọng, bảo vệ, người phụ nữ không được để mọi người thấy mặt nơi công cộng. Đồng thời việc đeo mạng của người phụ nữ sẽ giúp cho người đàn ông khỏi bị nhục dục cám dỗ. Một yêu cầu quan trọng được kinh Koran nhắc đến, người phụ nữ phải ăn mặc hết sức giản dị, kín đáo nơi công cộng. Ngoài ra, việc đeo mạng là hình thức mang lại tự do cho phái yếu, họ sẽ yên tâm hòa mình vào đời sống cộng đồng.
Ngoài những nguyên tắc tôn giáo nêu trên, sự xuất hiện mạng che mặt cũng liên quan đến nhiều truyền thuyết trong dân gian.
Chuyện kể rằng, vua Ba Tư tài giỏi Tamerlane (1336 - 1405) có rất nhiều cung tần mỹ nữ xung quanh, người phụ nữ được nhà vua sủng ái và yêu quý nhất là mỹ nhân Bibi Khanym. Tuy nhiên, nàng vẫn cảm thấy vô cùng cô đơn khi Tamerlane quá tham vọng, thường xuyên đi chinh phục những vùng đất mới. Một lần, khi Tamerlane đi xa, nàng muốn mang lại điều bất ngờ cho nhà vua nên đã cho quân lính xây dựng một thánh đường. Trong số những thợ tài hoa bậc nhất lúc đó, có một kẻ say mê sắc đẹp của nàng. Người thợ yêu cầu, nếu không cho gã hôn, thánh đường sẽ không hoàn thành đúng thời hạn khi nhà vua trở về. Vì quá sốt ruột nên nàng đành chấp nhận. Thế nhưng sau đó, nụ hôn của người thợ kia trên má nàng không thể nào tẩy xóa được. Tamerlane biết chuyện, vô cùng tức giận. Nhà vua đã ra lệnh giam gã thợ vào ngục, đồng thời buộc tất cả phụ nữ trong nước phải che mặt mỗi khi ra đường hay gặp người lạ. Chỉ có người chồng mới có đặc quyền ngắm vợ mình. Tamerlane cho rằng sắc đẹp của người phụ nữ là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Tập quán đeo mạng che mặt của người phụ nữ Hồi giáo ra đời từ đấy.
Một truyền thuyết khác nữa, tại vùng Cận Đông, các đời vua Assyrian đã buộc phụ nữ phải đeo mạng che mặt vì nó liên quan chặt chẽ đến những riêng tư của người phụ nữ trong hậu cung. Tuy nhiên, gái điếm và nô lệ lại không được yêu cầu đeo mạng và sẽ bị đánh nếu vi phạm luật này. Do đó, mạng che mặt trở thành biểu tượng cho phẩm giá của người phụ nữ. Vào thế kỷ thứ 2 (lịch Hồi giáo) tại Thổ Nhĩ Kỳ, mạng che mặt tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực của người phụ nữ quý tộc.
Việc đeo mạng che mặt còn do các quy định trong xã hội Hồi giáo. Đến thế kỷ thứ 10, hàng loạt các luật mới được ban hành khiến người phụ nữ gặp nhiều bất lợi hơn trong xã hội so với trước đó. Trong một giai đoạn, vương triều Mamluks ở Ai Cập đã liên tiếp ban hành các điều luật hết sức hà khắc buộc phụ nữ phải đeo mạng che mặt khi ra khỏi nhà và không cho họ tham gia các hoạt động xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của Hijab cùng với cuộc cách mạng Iran, người phụ nữ được xem là nhân tố chính của những thay đổi về đạo đức và các hành vi cá nhân. Lúc bấy giờ, người phụ nữ không đeo mạng che mặt thường bị chế nhạo, gọi là “búp bê vẽ” và sẽ bị trừng phạt nếu họ không che mặt khi xuất hiện nơi công cộng. Ở các nước Hồi giáo khác, vào thập niên 70, các cuộc tuần hành đã diễn ra liên tục nhằm chống lại việc yêu cầu các nữ sinh đại học, công chức ăn mặc theo phong cách phương Tây.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc về truyền thống từ các thế hệ trước, phụ nữ Hồi giáo cho rằng, đeo mạng che mặt là hiển nhiên, không thể thay đổi. Điều này giải thích nguyên nhân tại sao khi Chính phủ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran,... xóa bỏ tục đeo mạng che mặt, phụ nữ Hồi giáo không sung sướng mà sợ hãi. Có người còn không dám ra khỏi nhà vì sợ tấm mạng che mặt của mình sẽ bị cảnh sát xé bỏ. Khi nhiều nhà lãnh đạo ở các nước Hồi giáo bắt đầu khuyến khích phụ nữ tham gia công tác xã hội, xuất hiện tự do nơi công cộng, nhiều phụ nữ Hồi giáo trí thức cũng bắt đầu ra khỏi nhà, không đeo mạng nhưng vẫn mặc Hijab. Năm 1910, lần đầu tiên một phụ nữ trẻ người Thổ Nhĩ Kỳ đã dám chụp ảnh khuôn mặt mình.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo có 7 loại với nhiều cách choàng khăn khác nhau. Hijab tiếng Ảrập (hay Jilbab tiếng Indonesia) có nghĩa là khăn che mặt, để chỉ các loại khăn choàng của phụ nữ Hồi giáo. Những khăn choàng này có nhiều kiểu và màu sắc khác nhau. Kiểu được sử dụng thông thường nhất tại phương Tây là khăn hình vuông, che đầu và cổ nhưng để hở mặt. Niqab là mạng che mặt chỉ để hở mắt, có thể được dùng với một mạng che mắt riêng. Khăn này cũng có thể được dùng cùng với một khăn trùm đầu. Burka là loại khăn trùm kín nhất trong các loại khăn choàng Hồi giáo. Khăn này trùm kín cả mặt và người và có một tấm lưới dày che vùng mắt để người sử dụng có thể nhìn ra qua tấm lưới này. Thời Taliban ở Afghanistan, hầu hết các phụ nữ đều sử dụng trang phục này. Al-amira là khăn phủ gồm 2 mảnh, một khăn choàng quấn vừa vặn trên đầu, thường làm bằng vải cotton hay vải pha nylon, kèm theo là một khăn choàng hình ống. Shayila là khăn dài rất phổ biến ở vùng vịnh. Khăn này được quấn qua đầu và được gài hay ghim để giữ qua vai. Khimar là loại khăn trùm dài kiểu áo choàng xuống ngang hông. Khăn này che hoàn toàn tóc, cổ và vai phụ nữ. Chador (hay Chadar theo tiếng Indonesia) được nhiều phụ nữ Iran sử dụng khi ra đường. Đây là một áo choàng kín. Nó thường được dùng cùng với một khăn quàng đầu nhỏ hơn, bên dưới.
Núi lửa Tangkuban Perahu
Chia tay với các cô gái Hồi giáo ở Jakarta, tôi bắt đầu rong ruổi lên miền cao nguyên Bandung. Tuyến đường cao tốc thật đẹp, dài khoảng 170 km. Cái se lạnh của miền Tây Giava khiến tôi chạnh nhớ về Đà Lạt buổi hoang sơ.
Phố núi Bandung được nhà cầm quyền Abraham van Riebeek khai phá vào đầu thế kỷ XVIII (khi Indonesia còn là thuộc địa của Hà Lan). Đến thế kỷ XIX, vùng đất này mới trở thành đô thị sầm uất. Bandung là nơi tổ chức thành công Hội nghị các nước Á - Phi với sự tham dự của 29 quốc gia vào năm 1957.
Ở độ cao hơn 2.000 mét, miệng núi lửa Tangkuban Perahu đem lại cho lữ khách cảm giác hoang vắng. Tuy nhiên, khách ngoại quốc rất thích điểm du lịch này. Nó cách Bắc Bandung chừng 25 km (khoảng 45 phút đi xe). Từ trên nhìn xuống, mọi người sẽ thấy miệng núi lửa rộng hoác cùng những dòng nham thạch đặc quánh khiến cho nhiều người yếu bóng vía phải sợ hãi trước sự hùng vĩ của Tangkuban Perahu. Đó là kỳ quan lâu đời của cao nguyên Bandung.
Lần hoạt động cuối cùng của núi lửa là vào năm 1969. Tuy nhiên, khi đứng ngay trên miệng núi, tôi vẫn thấy nó còn hoạt động âm ỉ. Mùi lưu huỳnh khá nồng cùng với dòng nước nóng bốc khói quanh năm. Sương mù dày đặc nên những bức hình chụp tại đây bị mờ nhạt.
Một người bản địa kể với tôi rằng, núi lửa đã 3 lần hoạt động trở lại, gần đây nhất là vào năm 1969. Người dân vùng này rất sợ nó sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Và điều lo lắng của họ đã xảy ra!
Ngày 6/3/2013, Tangkuban Perahu bị đánh thức sau giấc ngủ dài trên 40 năm. Sự cố ngoài ý muốn này khiến khoảng 1.500 người dân sống ven các sườn núi phải sơ tán khẩn cấp. Ông Surono (người đứng đầu Viện nghiên cứu núi lửa quốc gia) cho biết, núi lửa Tangkuban Perahu phun trào nhiều đợt, tạo ra các cột khói bụi, tàn tro cao tới 200 mét bao phủ quanh khu vực này. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia tại Tây Giava ngay lập tức đã cảnh báo tình trạng báo động 2 đối với núi lửa Tangkuban Perahu. Kể từ thời điểm này, chính quyền địa phương đã ban bố lệnh cấm khách du lịch và người dân đi vào khu vực bán kính 1,5 km so với miệng núi lửa.
Rời Bandung trong hoàng hôn tĩnh lặng. Phố núi lên đèn trong se sắt lạnh lẽo của núi rừng. Đêm cao nguyên Bandung thanh bình, đầy gió nhẹ.
Xe chạy quanh co qua các thung lũng để trở về Jakarta. Nhìn những cô gái Hồi giáo lặng lẽ đến thánh đường, lòng bỗng dưng buồn, trống vắng. Ngày mai, tôi phải rời đất nước này để đến Singapore, gửi lại nơi đây những kỷ niệm vui buồn của một xứ sở đầy lòng hiếu khách.
Singapore
Chia tay các cô gái Hồi giáo, tôi đến đảo quốc sư tử.
Chiếc Airbus lượn một vòng trên không trước khi đáp êm ái xuống thành phố Singapore. Đồng hồ đúng 11 giờ trưa. Từ trên nhìn xuống, đất nước này điệp một màu xanh và đẹp như tranh vẽ. Nếu Indonesia đem đến sự huyền bí, hoang dã thì Singapore là một cô gái thị thành lộng lẫy và kiêu sa.
Vào trước thế kỷ 14, Singapore là một bộ phận của đế quốc hùng mạnh Sri Vijayan, được biết đến dưới tên gọi là Temasek (thành phố biển). Theo truyền thuyết, khi đặt chân lên hòn đảo, vị hoàng tử của đế quốc này đã trông thấy một con thú mà Ngài nhầm tưởng là con sư tử nên đất nước Singapore có tên gọi là Thành phố Sư tử (Singa Pura).
Hàng ngàn người từ châu Á (phần đông là người Hoa) và nơi khác trên thế giới đã đến đây để làm giàu và trở thành thuộc địa của Anh. Đến Singapore, chúng ta gặp phần đông là người Hoa (76% là người Hoa, 15% là người Mã Lai, 8% người Ấn Độ và khoảng 2% là người của các nước khác). Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức để giao dịch trong thương mại, tài chính và ngân hàng.
Năm 1942, người Nhật xâm lược và cai trị vùng đất này trong suốt cuộc chiến thế giới lần thứ 2. Kết thúc chiến tranh, Singapore lại tiếp tục nằm dưới sự cai trị của người Anh.
Đến năm 1959, sau khi giành được độc lập một phần, ông Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) được bầu làm thủ tướng đầu tiên. Ông đã giữ cương vị này trong suốt 31 năm. Ngày 9/8/1965, Singapore tách khỏi Liên Bang Malaysia để trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập và ngày này đã trở thành ngày Quốc Khánh của Singapore.
Miền đất này được thế giới biết đến như một “huyền thoại” về sự phát triển kinh tế. Với diện tích chỉ 660 km2 (nhỏ hơn Đà Nẵng 876 km2) và dân số 4,8 triệu người, Singapore đã vượt lên ngoạn mục.
Năm 1960, GDP của Singapore chỉ là 0,7 tỷ đô-la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người chỉ là 427 đô-la Mỹ/năm. Năm 2005, GDP của Singapore hơn 116 tỷ đô-la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 26,892 đô-la Mỹ/năm. Cũng vào thời điểm này, với diện tích gấp hơn 50 lần, dân số gấp gần 20 lần, “rừng vàng biển bạc” nhưng GDP của Việt Nam chỉ xấp xỉ 60 tỷ đô-la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người khoảng 500 đô-la Mỹ/năm. Hiện nay, Singapore là nước có thu nhập bình quân đầu người lớn thứ 2 tại châu Á, sau Nhật Bản, nằm trong các nước văn minh, giàu có nhất trên thế giới. Với sự so sánh này, chúng ta đã thấy Singapore kỳ diệu như thế nào?
Một trong những nguyên nhân để Singapore trở thành “sư tử” là chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài (kể cả từ nước khác đến). Chính sách này đã được Đảng PAP (Đảng Nhân dân hành động) thực thi triệt để và hiệu quả. Một lần, Tổng bí thư Đảng kiêm Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phát biểu “Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ được giữ những chức vụ quan trọng”.
Để xây dựng một Nhà nước dân chủ, tôn trọng dân ông Lý Quang Diệu đã nói “Nếu chúng ta không ra sức làm việc, thì khi nhân dân mất lòng tin, tội lỗi sẽ thuộc về chúng ta. Khi nhân dân đã mất hết lòng tin, thì họ sẽ đòi hỏi một Chính phủ kiểu khác”. Ông cho rằng người dân không quan tâm lắm đến thể chế, hình thức của Chính phủ, mà họ quan tâm đến “họ có được một Chính phủ được thành lập qua bầu cử, họ có khả năng bầu ra Chính phủ của họ và Chính phủ sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và cho con cháu mai sau...”.
Đảng PAP kiên quyết chống tham nhũng đến cùng. Do vậy, “độ sạch sẽ” của bộ máy Nhà nước Singapore được xếp thứ 5, thuộc hàng trong sạch nhất thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của “cuộc chiến đấu” một mất, một còn này, ông Lý Quang Diệu nhận định: “Sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết và hiệu suất của các Bộ trưởng và quan chức cao cấp của Chính phủ”. Ông nhiều lần khẳng định “nhân dân quyết không thể dung tha những phần tử đầu cơ và lưu manh”.
Trong quá trình khảo sát, đoàn chúng tôi đi rất nhiều nơi, đoạn cuối của chặng đường, tôi làm việc tại DBS, một tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất của Singapore với khoảng 15.000 nhân viên. Tiếp chúng tôi là một giám đốc kinh doanh ngoại tệ, cô là người Singapore nhưng hàng ngàn nhân viên dưới quyền là những người có quốc tịch khắp nơi trên thế giới. DBS có 200 chi nhánh tại Singapore, China, Hongkong, Đài Loan và Indonesia. Tổng tài sản của DBS lên đến 234 tỉ SGD, lợi nhuận ròng trên 2 tỉ SGD, vốn hóa thị trường trên 31 tỉ SGD. Vì chuyên kinh doanh vốn trên thị trường qua mạng Internet nên họ làm việc rất căng thẳng. Họ làm việc 24/24 (một ca ban ngày, ca kia vào ban đêm) để kinh doanh các loại tiền tệ trên toàn thế giới.
Thập niên 60 của thế kỷ trước, Lý Quang Diệu đã từng than thở: “Hy vọng là một lúc nào đó, Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Câu nói ấy cho thấy, nhà lãnh đạo tài ba của Singapore đã từng bị ám ảnh, mơ tưởng về sự phát triển của Sài Gòn.
Thật sự, vào lúc đó, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, thành phố duy nhất ở khu vực được người Pháp định danh “The Pearl of the Far East”. Theo tiếng Pháp, đó là Paris Phương Đông (Paris in the Orient), ám chỉ là 1 thành phố giàu có bậc nhất ở Đông Nam Á. Từ Sài Gòn nhìn ra, Singapore ngày ấy chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia càng chưa có tên tuổi. Những quốc gia này xem Sài Gòn như "thần tượng", là hình mẫu để phát triển theo. Thế nhưng, sau hơn 50 năm, ngày hôm nay, chúng ta lại thèm thuồng, ước muốn Việt Nam được như Singapore.
Lý Quang Diệu, người đã thay đổi, biến một làng chài nhỏ, dịch bệnh triền miên trở thành đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu của châu Á. Đó là nơi có những kiến trúc hiện đại cùng chung sống chan hòa với thiên nhiên, nơi cả thế giới ngưỡng mộ về chuẩn mực môi trường xanh sạch, nơi có làn sóng di dân ngược từ châu Âu sang châu Á. Điều kỳ diệu này khiến Lý Quang Diệu đã trở thành biểu tượng của sự thay đổi, khiến nhân loại giật mình và ngưỡng mộ.
Năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore. Điều này có nghĩa, một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam. Dân số Singapore là 5 triệu dân, dân số Việt Nam hơn 90 triệu dân, năng suất làm việc của 75 triệu dân Việt Nam bằng năng suất làm việc của 5 triệu dân Singapore. Điều đáng nói hơn, GDP của Singapore gần 300 tỷ USD, trong khi đó, GDP của Việt Nam chỉ có 170 tỷ USD. Bởi thế, dưới góc nhìn của một nhà hoạch định xuất sắc về kinh tế, Lý Quang Diệu nói, Việt Nam phải mất 20 năm nữa mới bằng Malaysia. Vậy 20 năm nữa, Malaysia sẽ phát triển ra sao còn Việt Nam sẽ đứng ở đâu trên thế giới?
T.V.K