Giáo sư Hà Minh Đức và tập du ký “Dặm ngàn xa xứ người”

01.10.2015

Giáo sư Hà Minh Đức và tập du ký “Dặm ngàn xa xứ người”

Giáo sư Hà Minh Đức đã bay dặm ngàn xa trên xứ người trên đôi cánh của một người Việt Nam. Nhờ vậy, đôi cánh ấy cho đến hôm nay vẫn chưa dừng lại.

Nhà xuất bản Giáo Dục – Hà Nội, vừa xuất bản cuốn sách”Dặm ngàn xa xứ người” của Giáo sư Hà Minh Đức. Cuốn sách dày khoảng 430 trang, khổ 16x24, trình bày trang nhã. Thường thì người đọc (kẻ viết bài này) không để ý tới logo của Nhà xuất bản, nhưng lần này chợt nhìn vào hai trang sách mở, đỡ lấy hai chữ GD (viết tắt của hai chữ “Giáo Dục”) ,thầm nghĩ Giáo sư Hà Minh Đức có lý khi chọn Nhà xuất bản Giáo Dục để in tập Du ký của ông.

Tập sách ngoài lời nói đầu, nội dung chia làm hai phần. Phần “Các tác phẩm” và phần “Các bài báo”. Trong phần”Các tác phẩm”, ông cho in lại “Ba lần đến nước Mỹ”; “Nước Nga vàng thu, miên man tuyết trắng”; “Paris hai mùa thu gặp lại”. Phần các bài báo là các bài báo ông viết về những chuyến đi sang một số nước thuộc Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu. 

Cũng là điều ngẫu nhiên khi ông chọn tập “Ba lần đến nước Mỹ” để mở đầu tập sách của mình. Lần đầu, tháng 6/1982 ông cùng Giáo sư Phan Cự Đệ đến Mỹ dự hội thảo “Văn học Việt Nam giữa hai thế chiến 1914-1945” theo lời mời của Đại học Harvard. Lần thứ hai, từ 30/4 đến 2/5/1995, dự hội thảo”Di sản Việt Nam, hai mươi năm sau” do Đại học California Davis tổ chức. Lần thứ ba,từ 17/3 đến 1/4/1999, theo lời mời của Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam của Hoa Kỳ. Tập sách này đã được Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 2000 và tái bản vào các năm 2002-2007.

Bay trên đôi cánh của mình.

Ba lần đi trong những điều kiện khác nhau, nhưng phản ánh những tiến triển trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam, bắt đầu từ những chuyến bay. Trong bộ ba du ký “Ba lần đến nước Mỹ”, có lẽ đáng nói hơn cả là chuyến đi đầu tiên năm 1982, khi giữa hai nước còn đang  đi những bước đi đầu tiên bình thường hoá quan hệ. Đây là phái đoàn các học giả khoa học xã hội đầu tiên của Việt Nam tham gia hội thảo khoa học của Mỹ. Không có những lời lẽ  “căng thẳng” từ phía chủ, cũng như không có những lời lẽ “lên gân” từ phía khách… Tất cả như thuận theo một dòng chảy.

Chính ở cuộc hội thảo này, toát lên bản lĩnh của hai Giáo sư Văn khoa Việt Nam nói chung, của Giáo sư Hà Minh Đức nói riêng. Hai ông đã đứng trên lập trường của những nhà khoa học Mác-xít, trình bày và bảo vệ những luận điểm khoa học của mình về những vấn đề của văn học hiện đại Việt Nam trước năm 1945. Tự hào vì sự vươn lên của dân tộc mình, đất nước mình, vững tin vào phương pháp luận khoa học của mình, các ông đã  thảo luận thẳng thắn, trao đổi cởi mở về những vấn đề của văn học Việt Nam đương đại. Theo Giáo sư Hà Minh Đức “Cuộc hội thảo về văn chương Việt Nam giữa hai thế chiến cũng tạo được cho tôi hiểu thêm về vị trí của nền văn học Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Và các nhà nghiên cứu Mỹ là một lực lượng quan trọng”.

Và điều quan trọng hơn cả là việc thiết lập sự hiểu biết lẫn nhau, sự tin cậy và mối quan hệ trên cơ sở tình bạn giữa nhà khoa học Việt Nam với những người bạn Mỹ, và những nhà Việt Nam học  Mỹ và những học giả người Việt đang sống ở khu vực Bắc Mỹ và một số nước khác. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hai chuyến đi đến nước Mỹ sau này của Giáo sư Hà Minh Đức.

“Mang chuông đi đánh nước người”. Các ông đã hoàn thành vai trò là sứ giả của Việt Nam, một nước có nền văn hiến lâu đời, gióng lên tiếng nói hoà bình của một Việt Nam “muốn làm bạn với các nước”.

Nếu “Ba lần  đến nước Mỹ” với những bước đi còn dò dẫm, chọn đường thì “Nước Nga vàng thu, miên man tuyết trắng” được viết với những trang đằm thắm, trữ tình, trước hết nói về một đất nước còn vang bóng: Liên Xô và nước Nga ngày nay, với những người bạn Nga, những nhà Việt Nam học ở Nga thuỷ chung, son sắt với Việt Nam, với nền văn hoá Việt Nam. 

Trong bài đầu tiên về nước Nga (trang văn đưa duyên là đầu mối cho nhiều quan hệ), tác giả viết: Tôi là người đọc trân trọng, yêu mến một nền văn học lớn (văn học Nga và Xô viết) có nhiều duyên nợ với văn chương Việt Nam. Với ông, nước Nga, “cảnh tượng nào lần đầu trông cũng hấp dẫn, từ cánh rừng phong xanh tươi đến mờ ảo những ngôi nhà gần xa”.  Những cuộc hội thảo, gặp gỡ và nổi bật trên trang viết là những người bạn Nga: “Giáo sư Niculin, người bạn thân thiết của giới nghiên cứu văn học Việt Nam”; “Inna Dimônina và tình yêu văn học Việt Nam”; “Tình yêu khoa học và tổ ấm gia đình của Giáo sư Nonna Vla đimir ôvích Xtank ê vích và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn”; “Daria Mishukova - nhà Đông phương học, nhà Việt Nam học…”. Trong khi nói về quá khứ, tác giả cũng tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về “Nước Nga, truyền thống và hiện đại” qua cuộc trò chuyện với Phó giáo sư- Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh và cùng tỏ ý lạc quan về một nước Nga đang “tự hoàn thiện”, một nước Nga mới, phục  hưng, có đầy đủ sức mạnh trở lại vị thế một cường quốc… 

Trong lời nói đầu, Giáo sư Hà Minh Đức bộc bạch: “Tôi có thói quen ghi chép và tâm lý rất tiếc những chuyện được nghe, được thấy và dễ trôi qua, nên muốn ghi lại trang viết cho mình như một chứng tích, một kỷ niệm viết theo phương châm viết chân thực, xá thực những điều tai nghe mắt thấy với mong muốn giữ lại đôi chút hình bóng của không gian, thời gian, cảnh vật, con người”.
“Du ký” là như thế đấy

“Paris hai mùa thu gặp lại” cũng là theo nguyên tắc ấy nhưng tôi thích bài “Viên Chăn thanh bình” trong phần hai của tập sách hơn vì nó thuật lại một chuyến đi không định trước. Đầu tiên chỉ là một chuyến tiện đường “vượt biên” sang đất Lào từ cửa khẩu Cầu Treo, với yêu cầu tối thiểu là “được thăm một thị trấn có chợ búa, có sinh hoạt thị thành” rồi trở về. Vậy mà trót sa đà, đoàn thấy quay về Việt Nam còn lâu hơn đi Viên Chăn. Thế là đi… Tôi thích là thích sự “xê dịch” ở ông. Một người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn ham đi, để hiểu biết, để ghi nhận… Đến Viên Chăn cưỡi ngựa xem hoa nhưng cũng kịp để ông nhớ lại những người bạn Lào, những sinh viên người Lào tưng theo học ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Là người đã từng nghiên cứu và giảng dạy về “Thể loại văn học”, trong đó có “Ký”, đặc biệt là giai đoạn “Ký chống Mỹ cứu nước”, nhưng Giáo sư Hà Minh Đức không quá câu nệ về hình thức các bài du ký của mình. Giọng văn ông cứ đều đều, nhẩn nha, điềm tĩnh như phong cách giảng văn và trò chuyện vốn có của mình.  Đầu tiên là ông tả cảnh, sau đến tả người. Chỉ một vài nét chấm phá thôi, nhưng có duyên.

Trong”Gặp gỡ ở California” ông tả cảnh công viên lớn của thành phố Sacramento trong lúc chiều xuống: “Trời dịu nắng, không khí mát mẻ. Công viên lớn của thành phố nằm trước  toà thị chính. Nhiều loại cây đẹp, những cây to toả bong mát, nhiều cây được uốn với các kiểu dáng đẹp. Sóc con từ các bụi cây chạy tung tăng trên các bãi cỏ”. Những ai đã từng đi Mỹ hẳn sẽ nhận ra  ngay chi tiết “sóc con chạy tung tăng trên các bãi cỏ” là đúng chất Mỹ rồi. Còn trong”Một thoáng mùa thu Paris” ông có những nhận xét rất tinh tế: “Paris là thành phố mà quá khứ và hiện tại, thiên nhiên và con người, cuộc đời và nghệ thuật như hoà quyện trên từng bước đi qua một đường phố, một toà nhà , một khu vườn đẹp”. Và hãy nghe ông trò chuyện với một cô bán sách khi mua cuốn sách nói về vụ scandale tình ái của Tổng thống Mỹ Clinton với cô thực tập sinh Mô-ni-ca: “Cầm cuốn sách trên tay tôi mạnh dạn nhẩm mấy câu tiếng Anh nói: “Tôi thấy người con gái trong sách này không đẹp bằng cô. Cô gái bất ngờ,nét mặt rạng lên sung sướng và tự chỉ vào mình và hỏi:- Ông nói tôi?- Đúng thế. Cô cười vui và nhiều lần nói:-Tôi cảm ông. Chưa ai nói với tôi một câu hấp dẫn như thế”.

Vâng. Nhưng đã có một người nói, theo đúng phong cách hóm hỉnh của một người sống lâu năm ở đất Thăng Long: Giáo sư Hà Minh Đức. Ông vẫn là ông, dù phải trải “dặm ngàn xa trên xứ người”.

Gọi là một tập Du ký, nhưng “Dặm ngàn xa trên xứ người” còn có cả thơ... Những gì văn xuôi chưa nói được thì ông vận đếnNàng Thơ. Thăm Xanh Petecbua (tên cũ là Lê-nin-grat) trong một đêm trắng thơ mộng thoảng tiếng quạ kêu chơi vơi trong sương, ông làm thơ: “Không còn ranh giới giữa ngày và đêm/Mờ ảo anh bên em/Khao khát vầng trăng,khao khát mặt trời/ Đêm trắng…/Đêm về khuya mà rạng ánh ban mai/ Đêm trắng, tôi dắt em vào xứ mộng…/ Nơi tâm hồn chơi vơi/Nghe tình em ca hát”. Ai bảo đây là thơ của một ông già? Nhưng điều đáng nói chính là chỗ tác giả không nệ thể loại, hình thức..miễn sao đạt được điều mình muốn nói.

“Du ký” là như vậy đấy. Đã có dịp đến trụ sở Liên hiệp quốc ở Niu Yooc(Mỹ) tôi  rất tâm đắc những câu thơ về thành phố này của Giáo sư Hà Minh Đức, khi ông ví những chiếc trực thăng bay dọc sông Đông “như những con chuồn chuồn đỏ chao liệng trên mặt sông” dường như ông đã mang cả sông Hồng, sông Mã, sông Chu sang xứ người. Mà đúng vậy. Cũng trong lời nói đầu, ông viết: “Đến những miền đất lạ sẽ thấy nhớ quê nhà, mong sớm trở về gặp gia đình, và chia chút quà nhỏ cho người thân, kể câu chuyện nơi xa xứ với bè bạn”.

Bây giờ dường như ông đã kể xong câu chuyện “dặm ngàn xa trên xứ người”? Hiểu biết xứ sở người để mở rộng tầm nhìn và càng thêm yêu quý non nước Việt ngàn xưa của cha ông  và rạng rỡ ngày nay. Giáo sư Hà Minh Đức tâm sự như vậy.  Và sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tập du ký của Hà Minh Đức phải chăng chính là ở điểm này. Ông đã bay dặm ngàn xa trên xứ người trên đôi cánh của một người Việt Nam. Nhờ vậy, đôi cánh ấy cho đến hôm nay vẫn chưa dừng lại./.

Trương Cộng Hòa
(vov.vn)