Giai thoại hò khoan - Đinh Thị Hựu
I. VẤN ĐỀ GIAI THOẠI HÁT HÒ KHOAN
Giai thoại là một thuật ngữ gốc Hán. Theo nghĩa từ nguyên, giai: đẹp, thoại: câu chuyện. Hiểu một cách đơn giản giai thoại là câu chuyện hay, lý thú. Đây là thuật ngữ dùng cho cả hai phạm trù văn học dân gian và văn học viết. Giai thoại hò khoan là những câu chuyện kể hay, lý thú về các nghệ nhân dân gian hát hò khoan. Nội dung giai thoại thường kể về những cuộc hát hò khoan kèm theo sự ra đời của những câu hát hay, lý thú, độc đáo.
Trong sinh hoạt hát hò khoan xứ Quảng, lực lượng nghệ nhân chủ yếu là những người chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Tuy nhiên, khi hò khoan phát triển cao với sinh hoạt hát đối đáp (hát đố, hát đối, hát nhân ngãi...) thì đã bắt đầu hình thành một lực lượng nghệ nhân bán chuyên nghiệp. Vì thế có thể chia lực lượng nghệ nhân trong hát hò khoan ra làm hai loại:
1. Nghệ nhân dân gian "thuần túy"
2. Nghệ nhân bán chuyên nghiệp có ít nhiều bước qua cửa Khổng sân Trình hoặc học "tại gia".
1) Nghệ nhân "thuần túy":
Là những người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Trong những buổi lao động trên đồng hoặc chèo đò trên sông nước, họ cùng nhau hát hò cho không khí lao động thêm vui tươi, phấn chấn; văn nghệ là để hỗ trợ lao động. Nhưng càng phát triển hò khoan bắt đầu hình thành loại nghệ nhân bán chuyên nghiệp.
2) Nghệ nhân bán chuyên nghiệp:
Đây thường là những người có tài ca hát, có tài ứng đối, ứng tác. Họ thường là những người có học, học ở trường học hoặc học "tại gia". Họ ít nhiều am hiểu chữ nghĩa thánh hiền. Do đó, họ thường sáng tác những câu hát nặng màu chữ nghĩa:
Bà già lể ốc trong nhà
Con quốc kêu khát nước, con gà mổ kê.
Lực lượng này thường làm "thầy gà", "gà" cho cả bên nam lẫn bên nữ:
- Con gà trống tía nó rỉa bông kê
Con ngựa ăn gò mả con rồng về hóa long
Đông xà con rắn chạy giáp vòng
Ngó ra ngoài biển con cá nằm ngất ngư
Trai như anh đối đặng chừ chừ
Trầu têm cánh phượng bỏ khay xa cừ em dâng lên
- Con diều đậu nhánh bông trang
Con voi ăn núi tượng, con rùa bò đá quy
Ngó lên cây lồ ô, con quạ đậu li bì
Ngó về dưới biển, con tôm đi bạc hà
Em về thưa mẹ cùng cha
Qua đà đối đặng, em theo qua cho rồi.
Thật ra, nghệ nhân này trong hát hò khoan ở xứ Quảng không nhiều lắm, một số nghệ nhân nổi tiếng như Trần Hàn, Giáo Lươn, ông Bẩy Dậu, ông Bảy Tỏi, Bảy Nài, bà Bảy Út, cô Hai Nêm, bà Ba Đĩ....
II. NGHỆ NHÂN VÀ GIAI THOẠI
Sau đây là một số nghệ nhân với những nghệ nhân cũng đã tạo nên nhiều giai thoại kỳ thú trong sinh hoạt hát hò khoan xứ Quảng trước đây:
1. Giai thoại về Trần Hàn:
(Sinh khoảng 1877 chết năm 1928)
Người làng Quế Phong, huyện Quế Sơn còn có tên là Trần Luyện, tên chữ là Tinh Kim, ông là con thứ chín của ông Trần Chánh Nghị (tục gọi là ông Quyền Liệu)
Ông Trần Hàn là người có học đã nhiều lần thi hương, nhưng đến tam trường thì rớt. Ông bỏ con đường công danh thi cử về quê làm ruộng, có lúc dạy học, làm thơ đặc biệt là say mê hát hò khoan nên có câu hát :
Tiếng ai như tiếng Trần Hàn
Con ông Trần Liệu ở làng Xuân Quê
Nhà thì ruộng đất bề bề
Vợ năm bảy mụ sao lại theo nghề hò khoan?
Theo nghề Hò khoan Trần Hàn hát hò khoan chuyên nghiệp và nổi danh nhất xứ Quảng.
Xuất thân nho học lại sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân gian, ông thường ứng khẩu rất nhanh, thường thắng lớn trong những cuộc hát đối đáp. Giai thoại kể rằng ở một đám hò khoan nọ mấy ông đồ định dồn ông vào thế bí, ông gà cho một cô gái hát:
Lộ đồ quan ải, quá ải quan
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Thứ ba Sơn Hậu lão Phàn con ai?
Câu hò vừa Nôm vừa Hán rút từ sự tích vở tuồng Sơn Hậu. Xưa nay từ kịch bản đến diễn xuất không có nơi nào ghi rõ lai lịch nhân vật Phàn Đình Công chỉ biết nhân vật này là một trung thần nhà Hán. Thế mà Trần Hàn tự tin hát đáp rất nhanh:
Nan thế nan lưu, nan thế sự
Bần cư gia thất hữu thất gia
Thiếp hỏi chàng: Chàng phải nói ra
Phàn Đình Công thuở trước con bà già ông sinh…
Tất nhiên, đó là một câu trả lời có tính đối phó, nhưng ở đây từ thế bí ông chuyển thành thế chủ động. Do đó ông được thể phản công luôn:
Thế gian ai chẳng có thân huynh
Chớ chàng hỏi thiếp đôi đứa mình ai sinh?
Trần Hàn không chỉ dành thế chủ động tấn công mà còn chuyển từ chỗ tình cảm sơ giao thành tình cảm thân mật các từ đôi đứa mình sao thật gần gũi, thật gắn bó vì từ này chỉ dành cho những người đang yêu nhau.
Tuy nhiên trong cuộc đời hát hò khoan của ông, ông đã gặp rất nhiều đối thủ cao tay, thường là những cô gái. Họ ra những câu hát châm chọc, khiêu khích nhiều lần Trần Hàn không thể đáp lại được. Giai thoại kể rằng:
Ông Trần Hàn có bốn bà vợ tên: Nồi, Tích, Hửng, Xáng. Vì thế có một cô gái đã ra câu hát hò khoan châm chọc:
Nồi, niêu, tích để hững hờ
Sụp giàn xáng bể, đợi chờ hàn the.
Lời câu hát cố vận dụng tên gọi bốn cô vợ và tên Trần Hàn ra khiêu khích nhưng Trần Hàn chịu thua không thể đáp lại được.
Giai thoại dân gian xứ Quảng cũng kể rằng trong một lần đi qua nương dâu, (một lần qua nương dâu ) gặp mấy cô hái dâu đang cười nói xôn xao, Trần Hàn chủ động cầm chiếc rổ giơ lên và nói:
- Các cô ơi! Cho tôi xin một lá dâu
* Có cô ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao lại xin một lá dâu? Thầy chảy máu cam à? (Kinh nghiệm dân gian ở Quảng Nam, khi bị chảy máu cam người ta thường lấy lá dâu nhét lỗ máu lại).
- Trần Hàn bèn trả lời tinh nghịch:
- Tui chỉ có một con tằm nên chỉ xin một lá dâu. Cả bọn nhà nho đi theo Trần Hàn cũng cười ồ, "xỏ xiên" đồng thanh hô lên.
- Tôi nữa tôi cũng chỉ có một con tằm, Trần Hàn được đà tán thêm:
- Các cô vui lòng cho mỗi anh một lá!
Cả đám con gái thẹn chín cả người, nhưng bất ngờ có một cô cất giọng hát:
Trần đi gặp lúc cơ hàn
Rổ đan mặt cuối về làng mót khoai
Câu hát cùng một lúc nêu lên những điểm yếu trong nhân dạng của Trần Hàn (chột mắt) mặt mót - một mắt, lúc nhỏ Trần hàn bị bệnh đậu mùa nên mặt bị rỗ.
Hay một câu hát khác cũng có ý nghĩa châm chọc yếu điểm nhân dạng của Trần Hàn chỉ có một con mắt:
Chim quyên đậu miếu thổ thần
Ở xa thấy một cặp, nhưng lại gần chỉ một con1
Câu đố này Hàn không đối lại được.
Lại một lần khác các cô hỗn láo dám kêu cả cha Trần Hàn cả ông Quyền Liệu ra để châm chọc:
Quần em rách dọc rách ngang
Thầy liệu, Thầy hàn em trả công cho
Câu này quá xách mé, Trần Hàn đau vì các cô đem cả tên cha của ông ra mà châm chọc. Rất tiếc ông cũng không đối lại được. Tương truyền rằng sau câu hát này ông về giải nghệ không đi hát hò khoan nữa.
Trần Hàn là nghệ nhân nổi tiếng nhất trong hát hò khoan xứ Quảng. ông không chỉ là người hát hay mà còn là người sáng tác ra rất nhiều câu hát hay. Chung quanh cuộc đời ông có nhiều giai thoại đặc biệt là những giai thoại để hát hò khoan trong những lần ông đối đầu với những cô gái xứ Quảng. Như thế một lần nữa càng khẳng định tài trí tuyệt vời của các cô gái xứ Quảng trong hát hò khoan.
2. Giai thoại về ông giáo Lươn:
Đến nay các nhà sưu tầm nghiên cứu về hát hò khoan xứ Quảng cũng chưa ai có tài liệu về năm sinh và năm mất của ông. Chúng ta cũng không rõ tên ông là Giáo Lươn hay Giáo Lương. Chỉ biết rằng ông là người có học, sinh thời ông làm nghề dạy học và cũng là người rất mê hát hò khoan.
Ông cũng thường tham gia các cuộc hát và cũng đã sáng tác nhiều câu hát hay.
Một lần đi hát gặp cô gái tên Khai, ông hát khiêu khích:
Con kia mi đừng nói lừng khừng
Xung điên bắt rắn bỏ quần mi phải khai
Cô gái đáp:
Bụng đàn bà, dạ con nít
Thấy rắn phải la làng
Rắn không phải rắn nó vàng vàng như chú lươn
Ông giáo Lươn cũng không vừa hát tiếp:
Giống lươn là giống hay trườn
Lấy rổ phân úp lại bốn cẳng giường tau chần lên.
Tuy nhiên, trong cuộc đời đi hát ông cũng để lại một số giai thoại mà những giai thoại này đều gắn liền với những câu hát mà ông không đối lại được.
Một lần, một cô gái đem tên ông (Lươn) ra để nhạo báng:
Sáng ra đau bụng đi cầu
Thò tay rửa đít, đụng đầu con lươn
Một lần khác có người lại hát:
Nực cười cần ngắn chỉ dài
Lưỡi câu cũng được một vài túm quăn
Móc mồi thả xuống mi ăn
Tau rị, mi rị thẳng căng như dây đờn
Thử tài thử sức ai hơn
Mi thò đầu lên là tau ngoéo, mi trơn trên chừng nào
Đây là những câu hát có vế ra rất hiểm, rất đau. Rất tiếc ông Giáo Lươn không đối lại được.
3. Giai thoại về hai nhà nho và bà Ba Đĩ:
Giai thoại không nói kỹ về lai lịch của hai nhà nho này mà chỉ kể rằng trong hai nhà nho trên có một người quê Điện Nam, Điện Bàn. Chuyện kể rằng ở địa phương Hòa Vang bấy giờ có bà Ba Đĩ là gái lỡ thời, hát hò khoan rất giỏi nên hai ông tìm đến để hát. Bà Ba Đĩ ra câu hát trước mượn danh nho sĩ của hai ông để châm chọc:
Giở háng ra đủ mặt anh hào
Nhìn qua bến "lỗ" trùng trùng danh nho
Ở đây bà chơi chữ, bà mượn cái háng để nói chữ Hán, mượn nước Lỗ (quê hương của tổ sư đạo nho) để chỉ cái lỗ kín của phụ nữ. Thật là một câu hát quá hiểm hóc nên hai ông không thể đáp được. Tương truyền rằng sau lần hát này hai người đành chịu thua về cạo đầu, xuống sông tắm cho sạch, tìm quần áo khác để mặc. Người ta kể rằng hình như trong hai ông đã có một ông bỏ đi tu ở Đà Lạt.
4. Giai thoại về bà Ba Đĩ và anh nho sĩ mù
Chuyện kể rằng một hôm có anh nho sĩ mù hát xạo với cô Kiều:
Dương cung bắn xỉu con cò
Để cho nó lớn nó mò tép tôm
Ở đây anh nho sĩ đã dùng nghệ thuật chơi chữ nói lái "Xỉu con cò" là "xỏ con Kiều".
Cô Kiều lợi dụng ngay nhược điểm khiếm thị của anh để tấn công:
Lưỡng mục vô châu thấy đâu anh bắn
Ra giữa chiến trường anh trợn trắng mắt lên
Dẫu bị đòn đau khi cô Kiều đánh vào sự tật nguyền của anh nhưng anh vẫn không chịu thua, chiến đấu tiếp
- Dẫu có đui anh cũng thấy lờ mờ
Anh bắn không được anh rờ anh đâm
Thật là một cuộc chiến ngang sức ngang tài!
5. Giai thoại về Nam Đông Yên xã và nữ Mã Châu Thành
Một hôm bên nữ Mã Châu Thành hát trước
Tiếng đồn chàng ở Đông Yên xã
Thiếp ở Mã Châu Thành
Hỏi thăm chút: Trường thành của thiếp bao nhiêu?
Anh đáp lại: Cây ngọt sanh ra trái đắng
Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài
Tôi đến đây không ham sắc, cũng chẳng khoe tài
Bề ngang tôi thua chị, chứ bề dài chị thua tui
6. Giai thoại Ông Bảy Tỏi và cô Út:
Ông Bảy Tỏi là người rất giỏi hát hò khoan. Giai thoại kể rằng trong một lần đi hát ông bị bà Út hát trước đánh phủ đầu bằng cách đem tên của ông ra châm chọc:
- Nửa đêm thức giấc hoảng hồn
Con chi nó cựa quậy trong l... của tui
Tưởng là một dậu thì thôi
Hay đâu tới bảy dậu1 trời ơi là trời.
Một lần nọ, Cô Út hát trước:
Lâu ngày mới gặp bạn Ta
Làm ăn có khấm khá hay sát da như mình
Ông Bảy Tỏi còn có tên tục là Ta. Việc gọi xách mé tên tục của đối phương là một cách châm chọc. Chữ "sát da" có hai nghĩa: thứ nhất, Ý nói công việc làm ăn khó khăn nên người gầy ốm sát da, nhưng ý nghĩa thứ hai, quan trọng hơn ấy là muốn châm chọc, chỉ bộ phận kín của người nữ. Ông Bảy Tỏi hiểu ý rất nhanh nên trả lời rất lý thú:
- Làm ăn không khá không không
Đu đưa đủng đởn như ông ở nhà
Ông dùng từ hình tượng "đu đưa đủng đởn" để chỉ bộ phận sinh dục nam, thật là một câu trả lời đắc ý. Chính từ câu hát hò khoan này mà có câu ca dao đối đáp bông đùa ở xứ Quảng.
- Gặp anh Ba đây khiến hỏi anh Ba
Lâu nay làm ăn có khấm khá hay cũng sát da như bọn mình
- Thời buổi bây giờ công việc sớt sưa
Dư không dư, thiếu không thiếu cũng đu đưa như mọi ngày
Một lần khác, cô Út hát trước:
- Hai bên rừng núi rậm rì
Ở giữa có khe nước chảy, anh đi đường nào?
Ông Bảy Tỏi đáp trả:
- Hai tay anh nương hai cái cù lao
Nước chảy mặc nước, anh cứ chống sào anh qua
Một lần khác lại thách thức:
- Em đưa cho anh một nắm bắp khô
Đố anh tỉa cho mọc, em xin vô kết nguyền
Ông Bảy Tỏi trả lời:
- Anh biết em có miếng đất bỏ không
Mưa ba năm không ướt, nắng sáu tháng ròng cũng không khô
Vậy thì có khó chi mô
Em đưa đây cho anh mượn anh tỉa vô mọc liền
Chính câu hát hò khoan này là cơ sở để ra đời câu ca dao bông đùa quen thuộc xứ Quảng.
- Em liều một nhắm bắp khô
Đố anh tỉa mọc, em vô kết nguyền
- Trời mưa ba năm không ướt
Trời hạn sáu tháng không khô
Em không cho anh tỉa chớ anh tỉa vô mọc liền.
7. Giai thoại về cô hót phân trâu
Ở nông thôn xứ Quảng ngày trước, phân trâu bò rất quý vì dùng để bón lúa. Do đó nhiều cô gái hàng ngày phải đi hốt phân về ủ với lá cây mà bón ruộng. Một hôm gặp một cô đi hốt phân trâu, một anh hát:
Em ơi hốt cứt làm chi
Rửa tay cho sạch mà đi buôn trầu
Cô gái trả lời
Buôn trầu lỗ lắm anh ơi
Để em hốt cứt lần hồi nuôi anh.
8. Giai thoại về các cô gái làm nghề đan đồ tre1 và có hai anh thanh niên một Quảng, một Huế:
Nữ: Liệu bề đác được thì đan
Đừng gầy ra bỏ đó, thế gian họ chê cười
Nam: Anh đây đan cũng giỏi mà đác cũng tài
Lận thì bắt trên anh đè xuống, nứt thì bắt ngoài anh đè vô2
Anh đây nào phải trai hư
Đan cũng được mà đác cũng đặng, anh lận chừ chừ cho em coi
Lận rồi chận lọt hẳn hoi
Bắt trên anh đè xuống, bắt ngoài anh ấn vô
Nói ra sợ mất lòng cô
Nhìn quanh cái thúng chỗ mô tui cũng dùi.
9. Giai thoại về Dùi Chiêng3
Ông Tư ở miền biển rất có năng khiếu hát hò khoan, thường đi buôn miền ngược. Một hôm ông Tư ngủ nhờ nhà anh Bá Giảng, ông Bá Giảng yêu cầu ông Tư hát, ông liền cất tiếng:
Tui đây khách lạ xa đàng
Tới đây ông Bá biểu tui hát với mấy nàng Dùi Chiêng
Rạng ngày mai tui đáo cảnh Bình Yên3
Các cô ở lại có chiêng không dùi
Về nhà lòng lại bùi ngùi
Tui đây thì lại có dùi không chiêng
Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
Có ta, có bạn mới có chiêng, có dùi.
Từ địa danh Dùi Chiêng ông Tư lại chuyển sang ngụ ý chỉ dùi chiêng là hai dụng cụ rất gần trong sự liên tưởng tới bộ phận sinh hoạt nam nữ. Quả là một sự liên tưởng rất tài tình và một sáng tác ứng khẩu rất nhanh, rất hay. (Có tư liệu cho rằng bài hát này là của Trần Hàn)
10. Giai thoại về anh làm ảng1
Một hôm các chị nữ gặp các anh nam thợ làm ảng hát rằng
Gặp trượng phu thiếp xin hỏi trượng phu
Chớ ảng kia hai cặp có mấy cái lù bạn biết không?
Biết rằng nếu các anh nam trả lời "bốn lù" thì sẽ mắc mưu của các cô gái và các anh hiểu vấn đề rất nhanh, đã trả lời rất thông minh:
Bao nhiêu lù là bấy nhiêu cái ảng
Cô kia sang sảng khéo hỏi khù khờ
Đầu óc sao lại lơ mơ
Ảng kia hai cặp, mấy cái lù giờ biết chưa?
11. Giai thoại về cô Hai Nên và anh lính thổi kèn Tây
Một hôm gặp anh lính thổi kẻ tây, cô hai nên hát trước
Tiếng đồn anh học nhạc đã lâu
Ông Tây đòi, ông sứ bắt đứng dưới cái "đồn lầu" thổi chơi
Khen anh giọng tốt dư hơi
Lưỡi lê liếm lỗ ngồi nơi xó hè
Anh lính kèn cũng không phải tay vừa trả lời cũng không kém phần thâm hiểm:
Chắp sứ giã cát tư kỳ sứ dã
Ông thân em già cả nên được đứng dưới đồn lầu
Phần anh đây là lễ nhạc, chỉ được hầu ở ngoài sân
12. Giai thoại ông Nghè Tư và ông giáo Ba
Ông nghè Tư và ông Giáo Ba là người làng Phụng Minh2. Hai ông rất thân với nhau, thường lui tới nhà nhau cuộc cờ, chén rượu. Ông Nghè Tư lấy vợ người ở Phước Chỉ (huyện Duy Xuyên). Ông Giáo Ba lấy vợ người La Qua (huyện Điện Bàn).
Một hôm, khi men rượu đã ngà ngà, ông Nghè Tư nói với ông Giáo Ba:
- Bác Giáo này, tối qua tôi có nghĩ được một vế đối lạ. Xin đọc để bác nghe và nhờ bác chỉ giáo. Nhưng trước khi đọc tôi cũng xin bác miễn thứ cho cái bất nhã của vế đối. Vế đối thế nầy:
"Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc qua ghẹo, qua biểu em rằng đừng có la qua"
Sau hồi suy nghĩ ông giáo Ba nói:
- Tôi cũng xin phép bác được đối lại như thế này:
"Con gái Phước Chỉ, chỉ xâu, chỉ xa, chỉ lười, chị nhác, chỉ bài, chỉ bạc, chỉ có chồng là may phước chỉ"
Cả hai ông vỗ tay cười xòa1
Có thể nói chính đây là cơ sở ban đầu để cho ra đời một bài ca dao rất độc đáo của xứ Quảng:
Con gái La Qua
Qua đẩy qua chọc qua vọc qua ghẹo
Qua biểu em rằng
Đừng có la qua.
13. Giai thoại về Thủ Thiệm hát hò khoan
Trong làng có lão Hương Đại ỷ mình có học, hay khoe chữ. Một hôm đến chơi với Thủ Thiêm mới thách rằng:
- Thủ Thiêm ta biết anh hay chữ lại giỏi, hát hò khoan. Vậy đố anh hò một câu mà ta đo được một thước thì ta phục.
Thủ Thiêm liền cất giọng hò:
- Thương người đến đứng ngõ người
Đất mòn chín tấc, thiên hạ cười mười phân.
Bị thua cuộc ức lắm, nhưng Hương Đại vẫn còn đố kỵ. Tính háu thắng kia hắn không chịu bỏ cuộc nên một hôm khác gặp Thủ Thiêm đang cầm cày hắn lại bảo:
- Này Thủ Thiêm, bữa ni nếu anh chỉ hò một câu mà làm trâu đứng lại thì anh bảo gì ta cũng chịu.
Thủ Thiêm nhận lời với điều kiện nếu thua cuộc Hương Đại phải cày đám ruộng cho mình. Hương Đại đồng ý, Thủ Thiêm bèn cất giọng hò:
Em không trách mẹ hờn cha
Trách cho căn số sinh ra lỗi giờ2
14. Giai thoại về câu hát của Bà chúa Tàm Tang xứ Quảng
Nhân dân địa phương kể rằng vào một đêm trăng đẹp năm 1615, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên trong một chuyến tuần du Quảng Nam dinh đã cùng công tử thứ hai là Nguyễn Phước Lan lúc ấy mới 15 tuổi, dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng, từ dinh chấn Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) đến địa phận làng Chiêm Sơn huyện Diên Phước, nổi tiếng trồng dâu nuôi tằm thì giọng hát trong trẻo của một thiếu nữ nương dâu vọng ra:
Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...
Lát sau, giọng hát đó lại tiếp:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình
Giọng hát của cô thôn nữ trong đêm trăng sáng đã làm rung động trái tim chàng công tử đa tình Nguyễn Phước Lan. Được sự đồng ý của Chúa, công tử cho thuyền ghé men vào triền sông để tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu dưới ánh trăng chàng công tử đã đem lòng say đắm trước vẻ kiều diễm của cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc, ái nữ của hào trưởng Đoàn Công Nhạn. Kết quả cuộc tình là cô thôn nữ có giọng hát hay năm xưa về sau đã trở thành bà chúa Tàm Tang xứ Quảng./.
Đ.T.H