Đường xa cũng mỏi

08.07.2015

Đường xa cũng mỏi

 

Với gần 35 năm làm thơ, Dặm xa tìm về (*) là tập thơ thứ 13 của Nguyễn Thanh Kim. Tuy không phải là tất cả, nhưng tôi đã đọc nhiều tập thơ của ông, kể từ ngày hai chúng tôi có thời gian hàng chục năm làm việc cùng một cơ quan. Không biết một ai đó đã nói rằng: Văn tức là người. Điều này có lẽ đúng với nhiều người, trong đó có nhà thơ Nguyễn Thanh Kim. Dù vậy, tôi vẫn muốn tìm một điều gì đấy khác lạ trong tập thơ này của ông.

56 bài thơ gói gọn trong gần 100 trang của Dặm xa tìm về, phần lớn là những bài thơ ngắn, nhưng dường như Nguyễn Thanh Kim muốn gửi đến người đọc một thông điệp về sức vóc và trường độ của chúng dài hơn, xa hơn khi ông đã dũng cảm khai triển những vùng đất mới cho thi tứ và cố gắng thay đổi thi pháp quen thuộc từ 12 tập thơ trước đây. Vẫn biết rằng người muốn không bằng trời muốn, chân lý ấy đúng muôn thuở, nhưng tôi vẫn thấy mừng cho ông vì đã làm được một điều gì đấy theo ước nguyện cá nhân. 

 

Nếu chỉ đọc qua, người ta có thể dễ dàng nhận ra cái tạng thơ rất hợp với con người của Nguyễn Thanh Kim, vì trong Dặm xa tìm về vẫn còn có không ít bài biểu hiện rất rõ chất thơ giản dị, đôn hậu qua những câu chữ được chắt lọc kỹ lưỡng theo cách riêng của người thơ. Chúm môi, chớp chớp hàng mi/ cháu tôi thỏ thẻ: - Trăng đi ngủ rồi/.../ Đầu tường bóng khế nghiêng soi/ trái vàng lấp ló, ông ơi: - Ngọt này... (Lẫm chẫm cháu tôi).

Tuy nhiên nếu đọc kỹ, cũng không quá khó để nhận ra những trăn trở, suy tư về phận người, lẽ đời ở vào thời điểm mà dù có muốn cũng không dễ gì làm được của người ngấp nghé tuổi xưa nay hiếm như Nguyễn Thanh Kim: Tượng trâu xếp dọc tường/ bản thảo chất ngổn ngang/ lánh bon chen phố thị/ rượu vui ta uống tràn/.../ khi hứng đăm đăm viết/ lúc buồn tựa gối câu/ chuyện đời như cổ tích/ tóc bạc nhớ lâu lâu... (Mưa lành đất quê).

Ông vốn là người không ưa và không quen với sự xô bồ, huyên náo nơi phố thị, thích sống với những hoài niệm, thì quê hương sẽ là mảnh đất cư ngụ cuối cùng, khi lòng ta muốn thảnh thơi, nhẹ nhõm. Bởi đấy là nơi gắn bó với tuổi thơ ta, chứa bao điều đơn sơ một đi không trở lại khi ta đã lớn và ta đã già. Chỗ cần đi ta đã đi. Nơi nên đến ta đã đến. Còn lại quê hương, không thể nói là chốn ta cần, nơi ta muốn, mà đấy là nguồn cội. Quê hương có sức mạnh ghê gớm. Nó có thể níu kéo ta chẳng thể nào dứt ra được dù có đi đâu, về đâu, thì những năm tháng cuối đời ta vẫn hằng mong trở lại chốn quê thanh bình và tình nghĩa. Phải chăng đấy là quy luật muôn đời: lá rụng về cội mà chính Nguyễn Thanh Kim đã tự ý thức được: Ngóng lâu biệt mùa không lạc lối/ trái tim mách bảo tự xa về/ cớ chi trách cứ đường muôn dặm/ vẫn nhủ tôi thầm một nẻo quê (Thầm nhủ).

Trở về quê hương với cảnh cũ, người xưa vào độ tuổi xế chiều còn gì thú bằng. Biết được người bạn cũ, có lẽ là thân thiết nhất, nhà thơ, nhà điêu khắc Anh Vũ ra đi về cõi vĩnh hằng, khiến Nguyễn Thanh Kim lòng thắt, dạ sầu và ông đã mượn lại những câu thơ khá hay, chất chứa ân tình của nhà thơ Anh Vũ để nói hộ nỗi lòng của mình, khi phải chia xa người bạn cố tri:đá còn chảy, trời còn trôi/ tình ta mua vé khứ hồi được không/.../ cỏ dày giây phút thì lâu/ trăm năm ngắn quá mấy câu thơ buồn (Niệm khúc tiễn anh).

Thế nhưng, điều làm tôi thật sự ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy Nguyễn Thanh Kim bày tỏ nỗi niềm về nghiệp thơ của mình. Có người còn nói đùa rằng nhà thơ là người có số trời đày, nên suốt cuộc đời không thể nào buông tha thơ được. Bài Nỗi niềm ai tỏ, theo tôi là một trong số những bài thơ hay nhất của ông trong tập này nói về điều ấy, mặc dù nó được viết theo thể thơ khá cổ điển là ngũ ngôn. Nhưng điều quan trọng là nó lại cho ta một góc nhìn khác về quan niệm thơ ca cũng như khát vọng cá nhân của Nguyễn Thanh Kim. Những tưởng, không ít người thơ ở vào tuổi ông đã buông xuôi, mặc cho con tạo xoay vần đến đâu. Vậy mà Nguyễn Thanh Kim vẫn còn có khát vọng đổi mới thơ, vẫn còn những phút giây run rẩy, ngập ngừng. Quả là quí biết nhường nào: Thơ ở đâu? Ta thả giữa dòng/ nửa chừng xuôi biển, nửa chừng sông/ ta khát đua trào cùng biển lớn/ xếnh xáng phù sa, xếnh xáng đồng/.../ Thơ ở đâu? Ta thả giữa dòng/ giữa nguồn vô định, bến vô cùng/ lòng ngỡ ta nhòa muôn ghềnh thác/ sao còn run rẩy một dây cung?

Hy vọng rằng những phát giây dùng dằng, ngập ngừng và run rẩy ấy của Nguyễn Thanh Kim lại mở ra cho ông một cơ hội mới để bước dài hơn, tiến xa hơn trong nỗ lực đổi mới thi ca. Mà ai dám quả quyết rằng các nhà thơ thất thập cổ lai hykhông có quyền khát vọng đổi mới thi ca và trong một ý nghĩa nào đấy, đó chính là khát vọng sống của con người và của nhà thơ./.

Đỗ Ngọc Yên
(vanhocquenha.vn)