Nguyễn Tuân - Sự kết tinh văn hóa Đông Tây, kim cổ

11.06.2019

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, có một nhà văn tài hoa, độc đáo vô song. Ông đến với cuộc đời, đến với làng văn để đóng một dấu son rực rỡ rồi biến mất.
Không tiền nhân, chẳng hậu duệ, ông là người cực đoan, hết mình, đã đẩy sự độc đáo lên thành chủ nghĩa độc đáo. Ông ao ước không ai giống được mình, khi chết là đem theo nguyên cảo, không để lại một bản sao nào ở đời. Ở một mức độ nào đó, ước vọng của nhà văn ấy đã thành sự thực. Nhà văn ấy là Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân - Sự kết tinh văn hóa Đông Tây, kim cổ

Sự tài hoa, độc đáo vô song của Nguyễn Tuân không ai có thể bắt chước được bởi ông là một trường hợp hiếm hoi trong nền văn học hiện đại Việt Nam có sự kết tinh văn hóa đông tây, kim cổ. Đây là một nhận định không hoàn toàn mới, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã có lần đề cập (1). Tuy nhiên, đó chỉ mới là một nhận định riêng khi nghiên cứu về tư duy nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Ở đây, chúng tôi muốn tập trung tìm hiểu vấn đề này.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận Nguyễn Tuân là “một cái tôi dám sống và viết thật là mình, với bản lĩnh văn hóa của một sĩ phu hiện đại”(2). Nguyễn Tuân có lối sống đẹp, biết cách sống đẹp, sống như là thưởng thức cuộc sống, để tìm tòi vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và nhân loại. Không chỉ thế, ông còn sống chân thành, thẳng thắn, kỹ lưỡng với cá tính tự do, phóng túng mà có người gọi là ngông. Trong cuộc sống, Nguyễn không lẫn với ai, trong văn chương cũng thế. Ông không chỉ sống hết lòng với cuộc đời mà còn nặng nợ nghiệp văn. Nguyễn Tuân lấy văn chương làm lẽ sống, làm mục đích, nên đã miệt mài lao động nghệ thuật, rèn nghề một cách khổ hạnh. Những người có dịp đến thăm nhà riêng đều biết buồng văn của Nguyễn Tuân là cả một kho sách vở cổ - kim, đông - tây, từ sử ký, địa dư, sách du ký, sách dạy nghề, báo, bản tin và tài liệu in rônêô... chất ngổn ngang.

Nguyễn Tuân luôn đau đáu tìm đến cái đẹp trong nền văn hóa để đưa cái đẹp đó vào văn chương. Trong tác phẩm Tờ hoa, nhà văn đã khẳng định: muốn viết được những trang văn như hoa thì phải lao động miệt mài như ong làm mật, phải xót lòng, đèo bòng như trai làm ngọc. Điều đó đã được minh chứng, Nguyễn Tuân suốt cuộc đời lao tâm, khổ tứ tích lũy tri thức mới có được tầm văn hóa sâu rộng, mới có những tác phẩm độc đáo đến vậy. Cảm hứng văn hóa có ở mọi lĩnh vực trong sáng tác của ông: văn hóa truyền thống, văn hóa nhân cách, văn hóa sinh hoạt đời thường, văn hóa thưởng thức, biểu diễn và sáng tác nghệ thuật…

Tấm lòng thiết tha với giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc của Nguyễn Tuân được thể hiện đậm nét trong Vang bóng một thời. Tác phẩm phục dựng lại những vẻ đẹp truyền thống đã qua và đang mất dần nhằm bảo tồn những tinh hoa của dân tộc. Tác phẩm như là viên ngọc quý, như một thứ đồ cổ càng nhìn càng thấy đẹp, càng để lâu càng quý. Và càng quý giá hơn khi Nguyễn Tuân khẳng định sức sống của vẻ đẹp hoài cựu trong giai đoạn lịch sử đầy áp bức, bất công lúc bấy giờ bằng một nghệ thuật tuyệt bích. Tác phẩm nói về các nhà nho cuối mùa, tài hoa, bất đắc chí, họ là những người sinh bất phùng thời nhưng không đủ sức thay đổi thời cuộc, đành theo đạo sống của riêng mình. Nguyễn Tuân mô tả một cách tinh tế và tài hoa những phong tục đẹp, những thú chơi nhàn tản và thanh tao, như thú uống trà, thưởng hoa, chơi cờ, chơi đèn kéo quân, thả thơ, thư pháp… Những trang viết của Nguyễn Tuân có vẻ thâm trầm cổ kính không chỉ ở nội dung, cách phục dựng không gian và thời gian và cả sự trau chuốt từng câu chữ. Như Vũ Ngọc Phan thừa nhận,Vang bóng một thời đạt “gần tới sự toàn thiện toàn mỹ”, hay như Nguyễn Hoành Khung cũng khẳng định “đạt tới bút pháp già dặn bậc thày, nhiều truyện có thể coi như toàn bích”(3). Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn có rất nhiều tác phẩm viết về cảnh sắc Việt Nam, hương vị đất nước, linh hồn dân tộc như Phở, Cây Hà Nội, Cốm, Giò lụa, Tờ hoa, Tình rừng… Những áng văn đẹp đẽ, độc đáo và tài hoa mà ngoài cụ Nguyễn, sẽ khó có ngòi bút thứ hai nào viết được.

Ngôn ngữ cũng là một đặc điểm nổi bật để khẳng định sự am tường và nặng lòng với văn hóa dân tộc của cụ Nguyễn. Nguyễn Tuân có vốn từ giàu có, phong phú, đặc biệt là vốn từ Hán - Việt. So với các nhà văn cùng thời thì Nguyễn Tuân rất chú ý dùng từ Hán - Việt nhằm đạt hiệu quả cao, tạo ấn tượng mạnh, trở thành một dấu hiệu nổi bật của phong cách. Hà Văn Đức cho rằng, Nguyễn Tuân kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cổ xưa với ngôn ngữ hiện đại, sử dụng mặt mạnh của ngôn ngữ nhiều ngành nghệ thuật “để làm giàu có thêm cho ngôn ngữ văn học”(4). Phan Ngọc khẳng định câu văn Nguyễn Tuân vừa rất quy tắc, vừa phá quy tắc… “từng chữ một thì rạch ròi, sắc sảo như khắc vào đá, nhưng lại quần tụ trong một kiến trúc bập bềnh, chơi vơi”(5). Văn Nguyễn Tuân thuộc loại kỳ tài, khi nói đến văn xuôi, hẳn phải nói đến câu văn Nguyễn Tuân (cũng như khi nói đến thơ thì nói đến câu thơ Nguyễn Du, nói đến câu đối phải nói đến câu đối Nguyễn Khuyến).

Để khẳng định sự kết tinh văn hóa trong văn chương cụ Nguyễn, chúng ta dùng phương pháp so sánh để tìm nguồn ảnh hưởng sẽ thấy rõ điều này. Trước hết, sự ảnh hưởng của các nhà nho tài tử và văn chương tài tử trong sáng tác Nguyễn Tuân rất đậm nét. Là một tài tử nhà nòi, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng sâu sắc lối sống tài tử của cha và Tản Đà. Nguyễn Tuân cũng cảm nhận rõ nỗi đau đớn của kiếp người do sự ghét nhau giữa tài và mệnh ở Nguyễn Du. Nên trong các sáng tác trước Cách mạng của Nguyễn Tuân, người tài tử thường có kết cục buồn, dẫn đến cái chết. Lý giải điều này, Thụy Khuê cho rằng Nguyễn Tuân “đưa ra quan niệm tài, tử tương đố như là một đối xứng với thuyết tài, mệnh tương đố của Nguyễn Du”(6). Theo chúng tôi, đây là sự tiếp nối và phát triển. Nguyễn Tuân vốn luôn cực đoan, đã đẩy thuyết tài - mệnh tương đố của Nguyễn Du đến tột đỉnh ắt trở thành tài - tử tương đố. Hẳn còn do bối cảnh xã hội chi phối, Nguyễn Du thấy người tài chịu khổ là bất công, nên tìm cách hóa giải mệnh khổ cho người tài; còn Nguyễn Tuân xung khắc với cả xã hội thuộc địa nửa phong kiến, bi quan cho rằng người tài phải chết, không có đất dung thân. Và một lý do quan trọng khác, xuất phát từ quan niệm coi đạo sống là nghệ thuật, Nguyễn Tuân cho rằng người tài tử, nghệ sĩ nên chết lúc tài hoa đạt đến đỉnh điểm mới để lại ấn tượng đậm nét nhất, người đời sẽ đúc tượng tôn thờ. Trong Một đêm họp đưa ma Phụng, Nguyễn Tuân đã trực tiếp nói lên điều đó: “Tôi cho rằng, nghệ sĩ nên chết trẻ… Tài sắc con người ta ở đời, ai cũng có một thời thôi. Con tằm nhả được tơ óng mãi hay sao?”.

Một dấu ấn khác đó là sự ảnh hưởng chất Liêu Trai đến văn chương cụ Nguyễn. Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh vốn là sách gối đầu giường của Nguyễn Tuân, vì vậy, chất Liêu Trai đậm đặc trong sáng tác trước Cách mạng (đặc biệt tập Yêu ngôn), và còn phảng phất trong một số sáng tác sau Cách mạng khiến văn chương của ông vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tập truyện Yêu ngôn, được Nguyễn Đăng Mạnh sưu tập và giới thiệu, đã cho ta thấy những vẻ đẹp huyền bí, ma quái và thấy vẫn thuộc thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó là truyện ma của thuở vang bóng một thời, ma tài tử, tài hoa, kết hợp những vẻ đẹp riêng của truyền thống văn hóa dân tộc với trí tưởng tượng mạnh mẽ, những cảm giác mới lạ.

Một số sáng tác trước Cách mạng như Một chuyến đi, Nhà bác Nguyễn, Tùy bút I, II, Thiếu quê hươngChiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc, Võng ngô đồng... đã cho ta thấy sự ảnh hưởng nhất định của một số triết gia, nhà văn hiện đại phương Tây như A. Gide, Paul Morand, Bergson, Dostoievsky, Marcel Proust... đến văn chương Nguyễn Tuân.

Chủ nghĩa xê dịch có sự ảnh hưởng đến Nguyễn Tuân từ hai nguồn: một là, của người tài tử phương Đông, gần gũi nhất là Tản Đà với thú giang hồ, xê dịch trong mộng tưởng và trong văn chương; hai là, từ triết lý của những con người tìm kiếm tự do, nổi loạn, của chủnghĩa cá nhân cực đoan A. Gide và thấp thoáng hình bóng trên đường xê dịch của Paul Morand… Nguyễn Tuân chủ trương đi không mục đích, đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ, để thoát ly mọi ràng buộc với gia đình, xã hội. Ông cố tìm đến và tô vẽ cho triết lý thoát ly xã hội, cái xã hội mà ông chán chường và bất mãn cực độ. Nhưng Nguyễn Tuân không toàn tâm, toàn ý với chủ nghĩa xê dịch, ông luôn băn khoăn, day dứt với trách nhiệm của người con, người chồng và người cha trong gia đình truyền thống phương Đông.

Nguyễn Tuân cũng chịu ảnh hưởng của mỹ học duy tâm chủ quan Bergson, khai thác tâm tư như Dostoievsky, phong phú và tế nhị như Marcel Proust... Từ những chuyện rất đời thường, Nguyễn Tuân viết nên những trải nghiệm sâu sắc, suy nghĩ chân thật và rất độc đáo, qua đó khẳng định được khát vọng và in dấu ấn của cái tôi cá nhân vào cuộc sống. Lấy đối tượng là bản thân, ông đã khai thác được chiều sâu nội tâm, sự phong phú, phức tạp, cô đơn, độc đáo của cái tôi, có những suy nghĩ sâu sắc, tinh tế về con người, cuộc đời. Nguyễn Tuân còn nói lên tâm trạng day dứt, giằng co khi ăn chơi buông thả. Các nhân vật tôi, Nguyễn, Bạch, Hoàng… luôn ca ngợi chủ nghĩa xê dịch, thú ăn chơi hành lạc, song lại rất chán nản, hoang mang, luôn khao khát sống đẹp, làm lại cuộc đời, hướng đến một thế giới tinh khiết, thanh cao. Say sưa và quên lãng chỉ là tạm thời, Nguyễn vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra những thói xấu xa, nhỏ nhen, ti tiện của đám người nhem nhuốc, phàm tục trong hành lạc. Nhưng trước thực tế đen tối, những người tài tử lại bị nhấn chìm sâu hơn nữa, đó cũng là bi kịch chung của thời đại.

Với tầm văn hóa sâu rộng, với việc coi đạo sống là nghệ thuật, với sự tài hoa, độc đáo vô song, Nguyễn Tuân không chỉ học tập, chịu sự ảnh hưởng mà đã có nhiều sáng tạo vượt các thày của mình. Điều này đã được không ít nhà phê bình khẳng định: Nguyễn Tuân đọc nhiều nhưng chẳng ảnh hưởng đậm của riêng ai, và còn vượt thày, đi trước thời đại.

Chẳng hạn, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là trường phái văn học hình thành và phát triển trong khoảng những năm 40 đến những năm 60 TK XX. Phải đến cuốn Trăm năm cô đơn của G.Marquez xuất bản năm 1967 mới được coi là tác phẩm kinh điển. Nhưng trước Cách mạng, Nguyễn Tuân tình cờ có sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật đan xen thần thoại và hiện thực, người và ma, tượng trưng, ám thị trong sắc thái huyền ảo, thần bí bao hàm nội dung phong phú, đa dạng... của dòng tiểu thuyết huyền ảo châu Mỹ La tinh Điều đó được thể hiện rõ nhất trong tập Yêu ngônVề điều này, Thụy Khuê đã khẳng định: Yêu ngôn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Tuân, có một thi pháp đặc biệt, một mình một cõi. Nguyễn Tuân tìm cách ghép những chữ khác nhau nhằm tạo những hình ảnh lạ, độc đáo, như: làng men, mồ hoa, chém treo ngành, chùa đàn, mê thảo, đới roi, thả thơ, đánh thơ, phố Phái… Đó là lối tạo hình của biện pháp siêu thực mà Nguyễn Tuân chưa hề tiếp xúc. Không chỉ tạo hình bằng chơi chữ, Nguyễn Tuân còn chơi cảnh, đưa ra những cảnh bất bình thường, độc đáo, ngược đời ở “những chỗ đắc địa, làm cho cảnh thường cũng toát ra không khí dị thường, đôi khi lạnh gáy”. Nguyễn Tuân dựng lên nhiều cảnh siêu linh và siêu thực của nghệ thuật hiện thực huyền ảo châu Mỹ La tinh ngay khi G.Marquez mới chỉ là cậu bé lên mười.

Bên cạnh đó, Nguyễn Tuân còn có nhiều thể nghiệm mới khác, đó là những cách viết mới theo ý thức nghệ thuật của riêng mình, không bằng lòng với các thể loại truyền thống. Điều đó gần với các thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại như sử dụng độc thoại nội tâm, liên tưởng tự do, đảo lộn không gian, thời gian, kết cấu đa tầng, trần thuật từ nhiều góc độ, phân tích tâm lý và dòng ý thức con người... Chính những thể nghiệm mới như vậy mà một số tác phẩm của Nguyễn Tuân được coi là phức tạp, nhiều khi các nhà nghiên cứu không biết nên xếp vào dòng văn học, thể loại văn học nào.

Chẳng hạn, Huy Cận cho rằng: “Nguyễn Tuân đã phục hiện một cách hiện thực chủ nghĩa những vang bóng một thời với một văn phong rất tài tử của một tâm hồn phong nhã, hào hoa. Văn phong ấy với lối cảm xúc ấy, ngòi bút nghệ sĩ ấy làm giàu cho chủ nghĩa hiện thực nếu ta muốn cho tác phẩm này vào dòng văn học hiện thực, và cũng làm giàu cho chủ nghĩa lãng mạn, nếu ta xếp vào dòng lãng mạn”(7). Chúng ta quen gọi Nguyễn Tuân là nhà tùy bút số một ở Việt Nam, điều ấy đương nhiên đúng, tuy nhiên, Nguyễn Tuân còn có nhiều sự phá cách của thể loại, tạo nên sự giao thoa giữa các thể loại. Chẳng hạn với Sông Đà, Nguyên Ngọc cho rằng Nguyễn Tuân “đã nâng thể tùy bút… lên một bước mới tạo thành như là một thứ tùy bút tiểu thuyết”(8). Hay như tác phẩm Chiếc lư đồng mắt cua, Văn Tâm đã băn khoăn gọi là tác phẩm “phóng sự - nhật ký - tùy bút”(9)... Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định: sự phá cách, tính bất định là một trong những giá trị hàng đầu của văn học TK XX. Như vậy, Nguyễn Tuân không chỉ vượt khung của một phương pháp sáng tác nhất định, mà còn có sự phá cách về thể loại, điều đó càng nâng cao giá trị tác phẩm của ông.

Các sáng tác giai đoạn sau Cách mạng, Nguyễn Tuân chú ý nhiều đến khách quan, cái tôi đã hòa nhập với cái ta, với nhân dân và chiến sĩ. Tác phẩm của ông đã phục vụ kịp thời công cuộc chiến đấu và xây dựng tổ quốc. Điều đó được thể hiện trong nhiều tác phẩm như Đường vui, Tình chiến dịch, Tùy bút kháng chiến và hòa bình I, II, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi... Nguyễn Tuân tiếp tục chú ý và có những phát hiện tinh tế, độc đáo, sâu sắc về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, của văn hóa dân tộc, của con người Việt Nam. Nhân vật của ông vẫn có phong thái của những người tài hoa, tài tử, đó là hình ảnh anh bộ đội chống Pháp dùng hoa đào ngụy trang và đuổi giặc giữa rừng đào Tây Bắc, là tay lái ra hoa của ông lái đò vượt thác sông Đà, là những tù nhân chính trị đấu tranh đòi ngắm trăng đêm trung thu, là người tù Tô Hiệu trước khi khuất đi còn lẩy cái câu Kiều đào đông cười gió, là những pháo thủ thủ đô hào hoa và thanh lịch,... Khi viết về kẻ thù, ông cũng chú ý đến khía cạnh văn hóa để mà châm biếm và phê phán. Với lượng kiến thức uyên bác, Nguyễn Tuân vẫn chuyển tải vào văn chương một cách tài hoa bằng những câu văn giàu sức sống và có dấu ấn riêng. Phong cách tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục được khẳng định.

Với tầm văn hóa sâu rộng có sự kết tinh văn hóa đông tây, kim cổ, với tâm niệm lấy văn chương làm lẽ sống, Nguyễn Tuân chơi một lối độc tấu trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông được tôn vinh là ông vua tùy bút, là nhà nghệ sĩ ngôn từ đã đưa cái đẹp thăng hoa, là cây bút tài hoa, độc đáo... Sự ra đi của Nguyễn Tuân đã để lại một khoảng trống lớn khó mà bù đắp nổi trên văn đàn về cá tính, nhân cách, bút pháp và phong cách. Cuộc đời Nguyễn Tuân là một minh chứng, một định nghĩa sống về ý thức và tài năng của nghề văn. “Sự tồn tại và sức sống của các tác phẩm của Nguyễn Tuân chứng tỏ nó không chỉ vang bóng một thời mà có thể nói là vang bóng mãi mãi”(10).

_______________

1. Nguyễn Tuân và một tư duy nghệ thuật kiểu Liêu Trai, www.vuongtrinhan.free.fr

2. Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, Luận án tiến sĩ Ngữ văn của Nguyễn Thị Hồng Hà, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, 2004, tr.196.

3. Từ điển văn học, Nxb Thế giới, 2004, tr.1934.

4. Hà Văn Đức, Lý luận, phê bình văn học miền Trung thế kỷ XXNxb Đà Nẵng, 2001, tr.879.

5. Phan Ngọc, Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ họcNxb Thanh niên, Hà Nội, 1987, tr.217.

6. Thụy Khuê, Thi pháp Nguyễn Tuân, www.hopluu.org

7. Lời bạt, trong sách Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930 - 1945), tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.1367.

8. Nhiều tác giả, Nguyễn Tuân - cây bút tài hoa và độc đáo, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.279.

9. Nhiều tác giả, Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.423.

10. Nhiều tác giả, Nguyễn Tuân - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.14.

 Nguyễn Đình Anh

(Tạp chí VHNT số 332, tháng 2-2012)