Người Đà Nẵng với Chế Lan Viên
1. Người Đà Nẵng biết Phan Ngọc Hoan - nhà giáo dạy Việt văn hào hoa trên bục giảng sớm hơn biết Chế Lan Viên - nhà thơ thành danh với tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, mặc dù Chế Lan Viên sáng tác Điêu tàn từ năm 17 tuổi, khi đang theo học với thầy Lê Ấm - con rể cụ Phan Châu Trinh, thân phụ nhà văn Phan Tứ. Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, thầy Phan Ngọc Hoan từng dạy học cùng với thầy Lưu Trọng Lư và thầy Phan Khoang ở Trường Trung học Chấn Thanh - một trường tư thục trên đường Thái Phiên ngày nay, do nhà giáo Phan Bá Lân - con trai cụ Phan Thành Tài sáng lập. Người vợ đầu của Chế Lan Viên - cô gái Đà Nẵng Nguyễn Thị Giáo - là học trò ông ở trường này, cũng là 1 trong 4 nữ sinh xinh đẹp từng được mệnh danh là Chấn Thanh tứ đại mỹ nhân.
Trường Trung học Chấn Thanh để lại ấn tượng rất sâu sắc trong Chế Lan Viên, đến mức con gái của ông với bà Nguyễn Thị Giáo được hai người đặt tên là Phan Thị Chấn Thanh. Và nói chung trong thế giới nghệ thuật của Chế Lan Viên, Đà Nẵng có một vị trí đáng kể. Bài thơ Những mảnh trời xưa Chế Lan Viên viết ở ngoài Bắc khoảng năm 1959 và được công bố sau khi Chế Lan Viên về với cõi vô cùng, có nhắc đến sông Hàn của Đà Nẵng: Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa/ Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ/ Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ/ Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa… Trong bài thơ Thành phố tuổi thơ viết năm 1966 - một năm sau ngày Mỹ đổ quân vào Vịnh Đà Nẵng, Chế Lan Viên khẳng định: Những thành phố tuổi thơ giặc giờ tạm chiếm/ Nha Trang ta và Đà Nẵng của ta… (Chế Lan Viên toàn tập, Vũ Thị Thường sưu tầm và biên soạn, NXB Văn học, 2002).
Sau khi thành hôn với bà Nguyễn Thị Giáo, Chế Lan Viên rời Trường Trung học Chấn Thanh Đà Nẵng để ra Huế tiếp tục dạy học. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Vũ Thị Thường - vợ ông kể rằng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có lần Chế Lan Viên trở về Đà Nẵng: “Việt Minh Trung Bộ tổ chức chuyến đi thực tế cho các văn nghệ sĩ, anh cùng hai anh Nguyễn Đức Nùng, Trần Thanh Địch được cử vào mặt trận Tây Nguyên, đó cũng là chuyến đi đầu tiên của các văn nghệ sĩ trong cả nước. Đoàn lên Tây Nguyên (…) qua Đà Nẵng, Hội An, đến đâu đoàn cũng được đón tiếp nồng hậu” (Vũ Thị Thường, Từ việc tìm chọn di cảo thơ, tôi hiểu thêm về Chế Lan Viên như thế nào? Báo Quảng Trị điện tử ngày 28-11-2020). Thế nhưng, sau đó hơn 30 năm, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông không có cơ hội về thăm Đà Nẵng nữa, cho mãi đến khi tiếp tục tham gia Quốc hội khóa VI nhiệm kỳ 1976-1981, Chế Lan Viên mới có dịp ngắm lại “trời xanh của sông Hàn”.
2. Nhà thơ Thanh Quế kể rằng, cuối năm 1979, khi Chế Lan Viên đi họp Quốc hội về - thời điểm này ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngang qua Đà Nẵng thì ghé thăm Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm (phường Thanh Bình). “Giữa lúc chúng tôi đang họp, ông xin phép nói mấy lời: Tôi qua Đà Nẵng có việc, ghé thăm các anh chị em. Thôi anh em bận họp cứ họp, cho tôi thăm sức khỏe và mong anh chị em sáng tác tốt. Ông dừng lại hỏi: Có cậu Quế, cậu Oanh (tức Thanh Quế và Ngô Thế Oanh - B.V.T) ở đây không? Dạ, em đây - tôi đứng dậy. Bây giờ mình qua bên Mặt trận đây. Tối cậu ghé lại khách sạn Non Nước chơi với mình nhé. Tối hôm ấy, tôi đến thăm ông (…) Sau lần ấy, tôi không có dịp nào gặp lại Chế Lan Viên nữa”, nhà thơ Thanh Quế kể trong bài viết Những kỷ niệm về nhà thơ Chế Lan Viên đăng trên Tạp chí Hồn Việt điện tử ngày 10-3-2014.
Như vậy, năm 1979, Đại biểu Quốc hội Chế Lan Viên vào Đà Nẵng và đã nghỉ lại tại Khách sạn Non Nước bên Ngũ Hành Sơn - địa danh nhà thơ từng nhắc đến khi viết trường ca Năm 1975: Năm vĩ đại và Ngày vĩ đại dài tới 190 câu: Ngày 29 tháng 3 thiết giáp tiến hai hàng vào sân bay Nước Mặn.../ Tổ quốc thu về bán đảo Sơn Trà và những Ngũ Hành Sơn. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà năm 2000, người Đà Nẵng đặt tên Chế Lan Viên cho một con đường trên địa bàn phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). 5 năm sau, Đại biểu Quốc hội Chế Lan Viên còn đến Đà Nẵng công tác thêm một lần nữa.
3. Theo hồi ức của nhà thơ Đông Trình về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mẹ và lửa, vào tháng 3-1984, một đoàn Đại biểu Quốc hội khóa VII nhiệm kỳ 1981-1986, trong đó có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nghiêm Chưởng Châu, nhà thơ Vũ Đình Liên và Chế Lan Viên… đã về thăm Quảng Nam - Đà Nẵng và tác giả tập thơ Rừng dậy men mùa được HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cử dẫn đường cho Đoàn đi thăm một số nơi. “Chúng tôi về Điện Thọ, Điện Bàn để tham quan một mô hình về xây dựng Nhà tình nghĩa (…) Nhà thơ Chế Lan Viên bảo: Anh Đông Trình viết một bài đi, có tứ rồi đấy. Tôi nói: Anh viết chuyên nghiệp hơn tôi. Chế Lan Viên lại bảo: Trong trường hợp này thì bất cứ người làm thơ nào đó cũng có thể viết được. Anh viết có khi còn hay hơn tôi. Thế là trở về nhà, tôi đã viết một mạch bài Mẹ và lửa”, nhà thơ Đông Trình từng kể.
Cùng với học sinh cả nước, học sinh lớp cuối bậc THPT ở Đà Nẵng giai đoạn 1990-2006 từng được học bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên. Từ năm 2007 đến nay, bài thơ này được chuyển thành bài đọc thêm trong sách giáo khoa Ngữ văn 12. Bài thơ Tiếng hát con tàu có những câu chạm đến trái tim như: Khi ta ở đất chỉ là đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn/ Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Những câu thơ này Chế Lan Viên viết về Tây Bắc nhưng xem chừng cũng rất phù hợp để cực tả sự gắn bó của nhà thơ với thành phố bên sông Hàn, nhất là các câu: Khi ta ở đất chỉ là đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn và Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…
B.V.T