Những ngón đàn không tuổi

20.11.2017

Trong các khán phòng lớn ngập tràn ánh sáng, hay những đêm chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, với tác phẩm của Chopin hay hòa tấu Trio Weber… Cuộc đời nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên là tháng ngày hoạt động âm nhạc không ngừng nghỉ. Bước sang tuổi 100, bà vẫn gắn bó với cây đàn, kể chuyện đời, chuyện người bằng âm nhạc.
Trăm mùa thu vàng
Ngày 23.11, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ diễn ra đêm nhạc Trăm mùa thu vàng tri ân NSND, NGND Thái Thị Liên.

Những ngón đàn không tuổi

Trên sân khấu, bà sẽ lại biểu diễn cùng các thế hệ học trò, sẽ lại chơi nhạc Chopin như sự trở về với tuổi hoa niên ở Sài Gòn, nơi bà đã gặp nhà soạn nhạc vĩ đại qua những bài học đầu tiên…

Bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi, 11 tuổi bước vào con đường chuyên nghiệp, cuộc đời của nghệ sĩ Thái Thị Liên gắn liền với những thăng trầm của ngành đào tạo, biểu diễn piano Việt Nam. Những năm tháng sơ tán ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang mới thật gian khổ. Trong các khoa của Trường Âm nhạc Việt Nam bấy giờ, khoa piano do cô giáo Thái Thị Liên làm Chủ nhiệm là vất vả nhất. Riêng việc di chuyển từ điểm nọ sang điểm kia đã là “cực hình”. Cây piano cồng kềnh, thầy trò phải làm “đề án” chuyên chở bằng xe ba gác đến để nhờ nhà dân. Bà con với tấm lòng rộng mở đã trân trọng, nâng niu những con người của nghệ thuật. Các buổi biểu diễn vì vậy mà thêm ý nghĩa. Những nốt nhạc được nắn nót ghi chép dưới ánh sáng đèn dầu. Tiếng đàn át tiếng máy bay. Trong chiến tranh, giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, những bản nhạc của Chopin, Beethoven… đã dẫn dắt bao thế hệ học trò.

                                               
                               Nghệ sĩ Thái Thị Liên và con trai - Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.


NSND, NGND Trần Thu Hà - con gái cũng là học trò của nghệ sĩ Thái Thị Liên nhớ lại, hoàn cảnh khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng duy trì chủ đề biểu diễn từng tác giả. Có đêm chuyên đề với tác phẩm của Beethoven, đang diễn thì máy bay tới, đèn tắt toàn bộ nhưng bà vẫn động viên học trò: Chương trình cứ tiếp tục! Tình cờ hôm đó sáng trăng, những phím đàn lung linh trong âm điệu của bản Sonate Ánh trăng tạo khung cảnh nên thơ dưới bầu trời khói lửa. Ấn tượng ấy in sâu vào mỗi học trò. “Một giờ lên lớp thường bị gián đoạn bởi tiếng máy bay, nếu thầy chỉ thoáng chút mệt mỏi, lo sợ thôi thì khó mà tiếp tục. Nhưng lớp học của bà vẫn cứ tiếp tục. Cô vẫn bình thản đánh mẫu, đầy hào hứng thì không lý gì trò lo sợ. Cứ vậy, niềm say mê đã theo bà suốt cả cuộc đời”, NSND Trần Thu Hà kể.
 

Năm 1973 từ nơi sơ tán lần thứ hai trở về, ở tuổi 55, trong chương trình độc tấu tại Hà Nội, bà lại đàn bản Sonate Ánh trăng để “từ giã sân khấu”. Nhưng trái tim bà vẫn thổn thức với âm nhạc, đôi tai vẫn nhạy bén và đôi tay không biết mỏi theo các phím đàn. Căn phòng nhỏ mỗi ngày đều vang tiếng piano, ai đến thăm, bao giờ bà cũng đánh đàn đãi khách. Nghệ sĩ Trần Thu Hà chia sẻ: “Bà luôn dặn đã học tập để đạt tới chất lượng cao thì phải hết sức quy củ và khổ luyện. Luyện tập nhưng tối kỵ chỉ rèn kỹ thuật suông, trọng hào nhoáng mà không thể hiện tâm hồn, không biết đàn nội dung gì, cho ai nghe…”.

Tri ân, tiếp bước


Những khó khăn, gian khổ một thời không phải ai cũng hình dung hết, nhưng công lao của những người thầy đầu tiên luôn là di sản cho các thế hệ học trò sau này, là bước đệm vững chắc cho sự phát triển của ngành âm nhạc. Năm 2016, trong chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tiếng đàn của nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên ngân lên mở màn, như khích lệ, nhắc nhở về sự kế thừa truyền thống.Nghệ sĩ Thái Thị Liên nổi tiếng là người thẳng thắn, yêu cầu khắt khe và không khoan nhượng đối với những yếu tố phi nghệ thuật, học thuật, đồng thời cũng là người thiết tha với vốn văn hóa dân tộc. Khi trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, giáo trình không có, nghệ sĩ Thái Thị Liên đã tự tay biên soạn giáo trình phương pháp học đàn piano. Điểm đặc biệt trong cuốn giáo trình đầu tiên này, bà chuyển thể rất nhiều làn điệu dân gian vào giảng dạy piano chuyên nghiệp. Đây cũng là nền tảng cho các giáo trình âm nhạc sau này. Trong chương trình hòa nhạcTrăm mùa thu vàng, cuốn sách sẽ được tái bản lần thứ 3 và chính thức phổ biến tới đông đảo độc giả.

Với các nghệ sĩ piano, Thái Thị Liên như “đại thụ” âm nhạc. Trong nhiều buổi hòa nhạc, người ta vẫn thấy bà ngồi ở hàng ghế khán giả, chăm chú lắng nghe, sát sao theo từng động tác của học trò, ngay cả khi họ đã trở thành nhà giáo, nghệ sĩ nổi tiếng. Như nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, bà là “người phụ nữ nhỏ bé, bất chấp tuổi tác, đứng bên cây đàn, bằng tất cả tấm lòng, vẫn lắng nghe và dõi theo tài năng chớm nở”.

Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TS. Lê Anh Tuấn cho biết, đào tạo âm nhạc là lĩnh vực đặc thù, một học trò từ khi bước vào nghề đến khi ra nghề có thể mất hàng chục năm. Vì vậy, thời gian gắn bó với người thầy không chỉ mang tình thầy trò mà còn như tình cảm cha mẹ với con cái. “Ở những con người ấy, nghệ sĩ Thái Thị Liên chính là tấm gương sáng để thế hệ trẻ trân trọng tiếp bước. Ngành âm nhạc, những người sống với nghề phải có tâm hồn, nhân cách tốt. Các thầy chúng tôi là những người như thế và chúng tôi lại hướng học trò đi trên con đường ấy”.

Đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng” gồm 2 phần: Nghệ sĩ Thái Thị Liên và các thế hệ học trò; Quà tặng mẹ, tặng thầy. Điểm nhấn trong chương trình là phần biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn. Anh sẽ kể những câu chuyện bằng âm nhạc, về những kỷ niệm đầy ý nghĩa của anh và mẹ - NSND Thái Thị Liên.

 

Thái Minh
(daibieunhandan.vn)