CẢM NHẬN VỀ KHÔNG GIAN “VƯỜN MẸ” -  Nhạc sĩ Minh Đức

08.12.2021
 Nhạc sĩ Minh Đức
Tôi biết Phan Đức Nhạn từ lúc anh làm Quyền Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Mở Chu Lai, sau đó làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam. Song chưa kịp gặp mặt, anh lại chuyển công tác làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, khoảng cách còn xa hơn. Đến khi nghỉ hưu, anh về sống với gia đình tại Đà Nẵng, khoảng cách ấy mới thu hẹp lại. 

CẢM NHẬN VỀ KHÔNG GIAN “VƯỜN MẸ” -  Nhạc sĩ Minh Đức

Ký ức làng quê, tranh Lê Thanh Anh

        Hàng năm, vào mùa Xuân, hội đồng hương Thăng Bình tại thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt. Anh em nắm tay nhau kéo vào ngồi chung bàn, kề cận tôi, Phan Đức Nhạn, một con người vui vẻ dễ gần. Từ đó, anh em hiểu nhau hơn và thi thoảng cafe trò chuyện. Mỗi lần gặp, Nhạn thường nhắc lại thời chiến tranh ở quê hương Bình Dương, nơi chôn nhau cắt rốn của Nhạn và kể chuyện gia đình. Nhạn là con liệt sỹ cùng hoàn cảnh như tôi, vì lẽ đó mà tôi và Nhạn gần gũi hơn nhiều. Một hôm, tôi đến quán 46 Pasteur tham gia hội cafe sáng, Nhạn cho tôi biết, các anh đang làm một quyển sách về Căn cứ lõm Bình Dương, tôi rất vui, nói với Nhạn, làm được như vậy thì tốt quá, để lại một trang sách cho đời cũng là sự đền đáp công ơn của những người đã ngã xuống vì Độc lập - Tự do của dân tộc. Tôi hỏi: Có đầy đủ tư liệu chưa? Nhạn cười và nói: Có rồi, nhưng biết khi nào mới đủ, cần tiếp tục lắng nghe, cập nhật để bổ sung! Anh biết đấy, từ những năm chiến tranh 1964 - 1975 rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ... đã lăn lộn, gắn bó, sống chết tại mảnh đất Bình Dương, nhờ vậy mà Chu Cẩm Phong viết Mặt biển mặt trận, Nhật ký chiến tranh, Dương Thị Xuân Quý viết Nhật ký chiến trường... Sau ngày hoà bình, rất nhiều văn nghệ sĩ trở lại Bình Dương: các nhà văn Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Hồ Sĩ Bình, Xuân Diệu, Võ Quảng, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Ý Nhi, Anh Thơ, Từ Sơn, Nguyễn Bảo... Gần đây, có các nhạc sỹ Nguyễn Minh Đức, Hoàng Bích, Phan Văn Minh, Trần Quế Sơn...

 Tôi đang háo hức chờ đợi quyển sách Căn cứ lõm Bình Dương sớm được ra mắt bạn đọc, và mỗi lần gặp Nhạn, lại nghe anh rò rỉ thêm thông tin mới: ý tưởng xây dựng không gian văn hoá “Vườn Mẹ”. Câu chuyện bắt đầu từ giấc mơ vườn mẹ, một ý tưởng Nhạn nung nấu từ lâu mang đậm nét văn hoá người Việt, tái hiện lịch sử đã qua để cháu con mai sau mãi tự hào về truyền thống chống giặc, giữ nước và xây dựng quê hương của ông cha. Mới đây, được đọc bài “Vườn Mẹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 27 tháng 7 nhân kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sỹ - tôi thật xúc động và vui mừng! Như vậy là ý tưởng lớn về “Vườn Mẹ” đã được khởi động. Anh em động viên và khuyến khích Nhạn cố gắng, nếu cần gì trong tầm tay thì mình xin đóng góp với anh em. Nhạn vui vẻ cảm ơn và nói với tôi: Anh mới viết bài hát Ngày tôi về rất hay, như vậy là sự đóng góp rồi, mong anh em bà con quê hương cùng đồng hành để sớm trình ý tưởng với huyện, với tỉnh ...

Ý tưởng về “Vườn Mẹ” đậm tính nhân văn và cũng là trách nhiệm của người còn sống đối với những người ngã xuống. Bài viết của Phan Đức Nhạn khá chi tiết, có những cụm công trình nằm trong không gian “Vườn Mẹ” như khuôn viên làm đài tưởng niệm, khuôn viên để an vị mồ mả của 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, khuôn viên đẻ vinh danh 1.347 liệt sỹ, khuôn viên tái tạo hầm công sự, hầm ngầm, trạm phẩu, giao thông hào, khuôn viên nhà bảo tàng, làng nghề truyền thống...

       “Vườn Mẹ” là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Bình Dương, một xã đã phải chịu nhiều đau thương, tang tóc để góp phần đem lại chúng ta cuộc sống hôm nay. Thử hỏi, trên đất nước này có bao nhiêu làng, xã…mà sự hy sinh tổn thất nhiều đến vậy 4.700.7.800 người đã ngã xuống, 1.347 liệt sỹ, 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm thương binh, 5 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Một xã có chiều rộng chừng 2.000 ha đã gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn. Dù bom đạn cày xới cả ngày lẫn đêm, nhân dân xã Bình Dương vẫn kiên cường trụ bám đến cùng một tấc không đi, một ly không rời, chăm sóc thương binh, đưa đón bộ đội…

Em đưa anh về Bình Dương

Đường cát bỏng như ngày xưa cát cháy

Mẹ cõng con qua những đạn bom

Khói lửa mịt mù tứ phía ẩn chân mây

Nơi em lớn giữa miền quê lửa đạn

Trong đau thương mà chẳng đổi thay lòng…

       Trong cuộc chiến tranh 10 năm (1964-1975), quân và dân xã Bình Dương chiến đấu với quân thù cực kỳ anh dũng. Khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, trong lao động người dân Bình Dương cũng rất đỗi anh hùng. Chỉ trong vòng một vài năm, toàn xã đã lợp lại một màu xanh ngút ngàn từ cây dương liễu (cây thông). Nếu ai đã một lần qua đây đều phải khâm phục và mỗi khi chiều về, những làn gió thổi vào những hàng dương liễu lại rì rào hoà cùng sóng biển như lời ru của mẹ ngày nào, nhắc nhở chúng ta đừng lãng quên từ chiếc áo tao đời mẹ ru.

       Vì thế, dự án về “Vườn Mẹ” là việc nên làm, cần phải làm… để đền ơn, đáp nghĩa với những người mẹ, người đồng chí, đồng bào… đã sẵn sàng hy sinh xương máu của mình trên mảnh đất quê hương. Ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn đầy tâm huyết và trách nhiệm không chỉ đối với quê hương Bình Dương. Tôi nghĩ các cấp lãnh đạo sẽ vui, sẽ động viên, khuyến khích… và sẽ có sự đồng thuận thống nhất cao. “Vườn Mẹ” là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu mai sau. Tôi tin tưởng “Vườn Mẹ” sẽ sớm được triển khai trên mảnh đất Bình Dương anh hùng...                                                                                                                          

Đà Nẵng, 10.08.2021

M.Đ