Bùi Phan Thảo - không chờ những giấc mơ
Qua tập thơ "Không chờ những giấc mơ", Bùi Phan Thảo đã ít nhiều thể hiện tư duy trăn trở của mình. Anh thả niềm bao dung lên thế sự, được bao nhiêu thì phía trước vẫn mênh mông, nhưng có thể đã dấy một tấm lòng.
Ngoài vườn một cành hoa vừa mọc
Ai nhớ đến đàn chim ngậm hạt mang về?
Một bài thơ trong Chùm thơ ngắn không đề của nhà thơ Bùi Phan Thảo, câu thơ nhẹ như làn gió mỏng len khe lá của ban mai đọng sương, rất mềm, nhưng thăm thẳm một tâm tình, tìm, nhớ về cội nguồn của vẻ đẹp. Vẻ đẹp thì vô cùng, có lẽ vì thế thơ của Thảo luôn ăm ắp nỗi niềm, ăm ắp hoài mong, trăn trở... Tôi cảm nhận, Thảo luôn đặt một dấu hỏi nơi chân mình, và anh cứ nợ mãi câu trả lời.
Qua tia nhìn bóc vỏ, mỗi ngày, như một trầm tích, Thảo triển lãm ít nhiều tư duy trăn trở của mình trong tập thơ "Không chờ những giấc mơ" (NXB Hội Nhà văn, 2018). Nỗi âu lo trong đời sống đương đại, anh bất lực khi muốn choàng tay ôm lấy nỗi đau người khác. Thảo đã thẩm thấu những phận đời khốn khổ, và phải chăng sự chất phác thật thà là một cơ hội cho người khác lợi dụng?
Chị nông dân đen điu ngượng ngập…
Hèn chi rau chỉ vài nghìn một bó
(Chùm thơ ngắn không đề)
Anh cũng xót xa với tuổi già trơ trọi:
Bà lão nhặt ve chai…
tóc vương đầy rác
thất thểu ngày đi giữa chợ đời
(Đêm gạt tàn đầy)
Ai cũng có những khung đời lưu lạc, rất riêng, Thảo cũng thế, đã dấn thân với sắc thắm cầu vồng phía trước. Mỗi bước phiêu du là một bài học, là một trải nghiệm. Quảng Trị quê nhà, tha hương dừng chân cao nguyên, cầu vồng chỉ rực rỡ khoảnh khắc sau mưa, rồi tan biến. Tôi được biết tâm tình ấy qua đôi lần san sẻ:
Hình như tôi từng ước mơ về một ngày mai
Nhưng khi những giấc mơ đó cháy lên
không thể nhận ra hình hài một nụ cười của ngày tháng cũ
(Điệu ru buồn của phố)
Về một góc đời nào đó, sự nhạy cảm của nhà thơ luôn như hình xoắn ốc, xoáy đến tận cõi vô cùng. Niềm vui qua nhanh, nỗi buồn lắc rắc. Âm ỉ với giấc mơ gãy khúc, âm ỉ ước vọng những vòng tay thân thiện, Thảo nghĩ về những nét cười hiền hòa để nhẹ như từng cánh mỏng bồ công anh, tung tăng tung lóe bên đời lộng gió mong người vui... Rồi lại phải tự ru mình:
Hát rằng
mình cũng điên điên
chấp gì khôn dại quàng xiên chợ đời
chân nam đẩy giọng lên trời
chân chiêu chùng xuống một lời nỉ non
(Hồn nhiên tôi hát)
Điên điên để hồn nhiên hay hồn nhiên điên để tránh những ám thị buồn tênh. Thấy một thành hai, ôi đời và đạo, những thường nhân như tôi, như Thảo, cuối cùng vẫn hệ lụy gùi lưng, biết vậy nên đành đón nhận:
Thả dây
múc được đôi giày con con
Ngày qua tháng lại chỉ còn chiếc quai
(Hồn nhiên tôi hát)
Đôi giày con con, bàn chân con con trong đời thường cơm áo, sự hy sinh quá lộng lẫy, khi chỉ còn chiếc quai để một vóc dáng thơ bớt nghiêng ngả bên đường. Cuộc đời có hẹn gì đâu, Thảo dư biết điều ấy, anh đã vùi lên chuyến tàu vô định với đầy những âu lo và cả niềm vui, hiến tặng cho đường ray đời, đường ray nghiến nỗi buồn thẫm tím ấy thành thơ, nâng câu thơ Thảo phiêu bay cõi mây sương mù khói.
Trong mịt mờ lạnh lẻ, tù mù ấy, đắng đót ấy, và trong đêm ấy nó đã mọc, đã nhú ra ngoài tâm thức, kế bên thôi, rất xum xuê cành lá, mọng đầy tròn một trái chín hoài nghi:
Bữa nọ
cây hoài nghi kết trái
một trái thôi
chín mọng
sững sờ
(Bên cây hoài nghi)
Hoài nghi như thế, dấu hỏi ám đầy chân trên bối rối cung đường phía trước, nhưng bản chất của nhà thơ là nhìn, biết để bao dung:
Đời mất mát hư hao
đời đẫm lệ
vẫn đáng sống cho nhau khi mặt trời lên
(Bên cây hoài nghi)
Những điều ai cũng biết, có thể ai cũng thấy bóng mình trong đa số câu thơ của Thảo. Đó là sự hòa âm, hòa điệu của những cuộc thăng trầm trôi nổi, của bông tím lục bình lớn ròng phiêu bạt sóng phù sa.
Thời gian điềm tĩnh. Thời gian khăng khăng. Vui buồn tự tâm. Thảo đã treo đá trên bước chân nồng nhiệt, rồi bải hoải, rồi tơ vò... May mà thiên nhiên bốn mùa ám tượng, nên lòng đêm hé ngọn khởi sắc xuân.
Thơ tình của Thảo có khi xói thẳng vào góc khuất, góc của sự khó đưa lời:
Đúng không em
đâu phải cơn khát nào cũng uống
bao người đã nói với nhau về điều đó
và đợi ngày thôi khát nhau...
(Khát)
Tình xa thêm một bước, câu thơ giản dị mà nhói:
Ngày cứ mới
nên tình rồi cũng cũ
trong mắt người
đã dựng một non cao…
Đường đã mới
sao nẻo về chẳng lạ
cỏ luân hồi xanh rợn suốt thiên thu
đành thôi vậy
cho nát lòng rơm rạ
kiếp cơn này rải xuống
mộng phù hư
(Xanh suốt thiên thu)
Từ âm nhạc và từ trong lơ mơ màu tả chân, nhạc tính trong thơ Thảo phát lộ. Hãy nghe man buồn một điệu ướt trầm luân:
Về trong cơn mưa mới hay lòng người trắng xóa
về trong mưa say say
thèm lên non ngủ giấc quên đời
Về trong cơn mưa mới hay nụ cười lịm tắt
áo ướt rồi khô buồn không vuốt mặt
chiều đi qua trong mưa
đời đi qua câu thơ
ai từ cõi nhớ lơ mơ gọi người
(Về trong cơn mưa)
Thơ Bùi Phan Thảo có khá nhiều tứ lạ:
Những ngón tay trở về
chạm vào đâu cũng nghe tiếng rạn
(Ngày mùa đông bật máu)
Thảo luôn tìm cách diễn đạt mới qua những từ như “chẻ đau mà hát”, “rồi yêu, mây cứng đá mềm”. Trong bài Ghi nhanh ở quán Bến Đò, Thảo nghịch phá con chữ với từng cặp từ nói lái:
Bến đò/ bò đến; đúng ngọ/ ngó đụng; đã trưa/ đưa trả, một bài/ mài bột; đàn dơi/ đời gian; đò ơi/đời o.
Đời người và những ước mơ, có khi chỉ là giấc mê, khốc liệt và huyền diệu, đến để rồi tan về cõi huyễn. Thảo đã nhận hết về mình, thả niềm bao dung lên thế sự, được bao nhiêu thì phía trước vẫn mênh mông, nhưng có thể đã dấy một tấm lòng. Có thể Thảo sẽ quên giấc mơ vỗ về những ngọt ngào nữa, mà hoài mong giản dị với mộng thường:
Nhưng anh sẽ không chờ những giấc mơ
anh chỉ chờ người đến bên chiếc ghế phía tay phải
dán dấu niêm phong một thánh đường
và chôn chiếc chìa khóa nhỏ dưới đất sâu
(Có thể, một ngày)
Khép lại những ý thô này, tôi xin phép gợi lại hai câu thơ trong bài Nhặt của Bùi Phan Thảo, mong sớm mai này, một bông hồng đỏ thắm trước thềm anh.
Hôm qua tôi mất ngủ
Em có nhặt được không?
Châu Đăng Khoa
(nhavantphcm.com.vn)