Con trâu cụt sừng - Truyện ngắn của Nguyễn Phúc Liêm
-Hút thuốc nhiều khói thế, anh không sợ bệnh sao?
- Sợ thì đã không hút mà đã hút thì không sợ.
Câu trả lời gàn gàn của anh khiến tôi suýt bật cười và càng chú ý đến điếu thuốc anh đang hút. Đó là kèn thuốc khá lớn, dễ chừng bằng ngón chân cái, khói cứ tuôn ra như "tàu lửa”.
-Sao anh không hút thuốc gói?
-Làm gì có tiền, vả lại đã hút rồi, nhạt phèo chẳng "đã” tí nào.
Anh vừa hút vừa vỗ nhẹ vào lưng trâu, người và vật có vẻ tâm đắc. Thỉnh thoảng con trâu lắc lắc cái đầu xua ruồi nhặng. Tôi chợt nhận ra con trâu có vẻ không bình thường với đôi sừng không đều, một chiếc bị mẻ cụt một phần. Tôi hỏi:
-Sao con trâu này có cái sừng cụt thế kia?
Anh lại cười với cái giọng gàn gàn như trước:
-Sừng cụt là nó bị cụt sừng chứ sao.
Thấy tôi có vẻ bất bình, anh giả lả:
-Con trâu cụt sừng này có một cuộc đời cũng bi tráng lắm đó.
Trâu mà cũng bi tráng sao? Anh kể cho tôi nghe được không?
Sau một lúc ngẫm nghĩ, anh kể, giọng ngùi ngùi.
...Con trâu này được gọi là trâu cụt. Nó là một con trâu hoang mới trở về với xóm làng chừng nửa năm nay. Trước đây nó tên là Xe. Con trâu hay nhất mà cũng bướng bỉnh nhất vùng. Khi nó chịu làm thì cái cày cứ rẻ đất lao vun vút dễ như bỡn nhưng lúc nó bất bình thì có đánh bao nhiêu roi nó cũng ì ra, sùi bọt mép, chủ phải chịu thua. Thế mà nó lại chịu ngọt, chỉ cần vuốt vuốt vào đầu nó, nói nhẹ mấy câu là nó đi liền. Tôi với nó như anh em, cứ mỗi lần cày tôi lại đi bên cạnh, giật sợi dây mũi nhè nhẹ là nó ngoan ngoãn như một đứa trẻ.
Rồi chiến tranh xảy ra, không nỡ bán trâu đi, cha tôi gởi nó lên núi nhập bầy, chờ ngày bình yên sẽ đem về. Ngày lên núi nó tròn ba tuổi, cày đã giỏi. Cha tôi kể lại ngày đem gởi dường như nó không muốn đi, phải ve vuốt năn nỉ, nó mới chịu đến nơi ở mới. Được một thời gian, không ngờ địch lại tiến công vào vùng núi này. Người giữ trâu là ông cụ già trong đội du kích, để ngăn bước địch, ông không dẫn trâu vào rừng mà tẩm dầu chai vào đuôi trâu rồi đốt. Thế là đàn trâu cứ nhắm hướng địch mà lao tới, bất kể súng đạn.
-Ông già giỏi mưu kế thật.
-Ông ta mắc bệnh "Tam Quốc” mà.
-Bệnh "Tam Quốc” là gì?
-Ông già mê truyện Tàu, thời Tam Quốc, Khổng Minh cũng đốt đuôi trâu chống quân Tào đó.
Anh cười giải thích. Con Xe cũng cùng chung số phận. Thế nhưng nó không chết mà chỉ bị gãy mất một phần cái sừng, cũng từ ngày đó nó biến mất luôn. Từ ngày xung trận trở về sau nó trở nên hung dữ khác thường. Hễ nghe tiếng súng là nó đâm đầu chạy, đôi mắt đỏ ngầu, con vật hay người nào gặp nó là bạc phước. Nó cứ nhào tới húc cho đến chết mới thôi, đúng như dân gian thường nói: "Nhất là trâu một sừng/Nhì mèo rừng một mắt”.
Sau ngày hoà bình lập lại, trên vùng núi Bà có đến mười con trâu hoang. Nhiều chủ trâu cũ đến dụ dỗ để đưa về nếu không được thì đành bắn chết. Con Xe của tôi là con cuối cùng vẫn sống được cuộc đời hoang dã. Một lần bị săn đuổi, nó đã nổi điên húc vào người săn, mặc dù ông ta là một lái trâu, săn trâu với nhiều năm kinh nghiệm. Con trâu ấy là trâu của tôi nhưng tôi không nhận ra vì lẽ nó đã thay đổi quá nhiều. Mãi gần mấy tháng đi tìm nó, tôi mới nhận ra khi nhìn thấy ở tai nó còn cái khoen đồng mà trước đây cha tôi đã đeo cho nó với cái lục lạc nhỏ. Giờ đây chiếc lục lạc không còn. Tôi còn nhớ rất rõ, khi đeo khoen cho nó, nó thường lắc lắc cái đầu để nghe tiếng rlen ken của lục lạc với vẻ thích thú......
Tôi và cha tôi tìm cách đưa nó về nhưng mỗi lần gặp được nó là nó lại bỏ chạy vào rừng. Vì tuổi già sức yếu, cha tôi đành bỏ cuộc. Tuy vậy cha vẫn luôn nhắc nhở tôi: "Nó là con trâu hay, có tình ngjĩa, con phải tìm cách đem nó về”.
Thế là sau một thời gian chuẩn bị , tôi lại lên đươngf.Thật may mắn, chỉ sau hai ngày tìm kiếm đã gặp được nó, nhưng làm sao để đưa nó về mới là chuyện khó. Sau bao đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi tự nhủ phải bình tĩnh và can đảm thì mới mong thành công được. Nó từ ven rừng đi ra, tôi nhận ra nó ngay với cái khoen đồng bên tai. Tôi bình tĩnh rít nhanh điếu thuốc, nhìn nó qua làn khói lan toả. Nó ngước mắt nhìn quanh, hai cánh mũi ươn ứot hơi hếch lên, dường như nó nhận ra có người qua mùi khói thuốc song nó vẫn bước tới rồi dừng lại. Từ bên bờ suối tôi chậm rãi bước ra, lặng lẽ đến gândf nó. Nó vẫn nghênh nghênh cánh mũi phập phồng. Tôi bạo dạn đưa tay vuốt nhẹ vào đầu rồi từ từ vuốt nhẹ vào cái sừng gãy. Thật bất ngờ, nó húc mạnh vào bụng tôi khiến tôi ngã lăn, suýt rơi xuống suối. Tuy đau nhưng tôi vẫn tự nhủ bình tĩnh và can đảm. Tôi nhỏ nhẹ gọi: "Xe! Xe! Dớn! Dớn dọ!”. Nhận ra tiếng gọi quen thuộc, nó dừng lại. Tôi đã tính nếu nó nhào tới thì sẽ lăn xuống suối để nó không đuổi theo được. Giờ đây đôi mắt nó đã bớt đỏ và trân trân nhìn tôi. Tôi lại hô lớn: " Dớn, dớn! Xịt, xịt...”...
Bỗng nhiên anh bật cười, quay sang nhìn tôi : Ông anh biết không, không ngờ hai tiếng "Xịt, xịt” lại có hiệu quả như vậy. Số là hồi còn nhỏ, một lần bị té xuống bờ ruộng, nó cố ngoi lên nhưng không thể đứng lên được vì ruộng bùn quá sâu, nghe tiếng thở mệt nhọc của nó, tôi đã kêu: "Xịt, xịt”. Một lát sau, cố gắng lắm tôi mới nâng nó lên được. Hai tiếng "xịt, xịt” có nghĩa là "nằm đó”. Có lẽ nó chỉ nhớ mấy từ "dí, thá ( phải, trái), "dớn, dọ”( dừng, đứng lại) và "xịt”(nằm xuống).
Nó nằm xuống, đôi mắt không còn đỏ nửa. Tay cầm chiếc lục lạc, rung nhẹ, tôi đến bên nó vừa vuốt vào đầu vừa xoa vào lưng, đeo chiếc lục lạc vào tai nó. Nó phe phẩy đôi tai, cố lắng nghe cái âm thanh quen thuộc kỳ diệu đó. Nó trở nên ngoan hiền lạ thường.
Nó cuối đầu liếm mấy cọng ccỏ mọc ven suối. Tôi vẫn nhớ thức ăn mà nó ưa thích nhất là muối bột rắc lên rơm. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lấy một nhúm muối mang theo rắc lên cỏ, nó liếm sạch, tiếng rào rào như mưa. Tôi ôm đầu nó, nó đứng im phe phẩy chiếc đuôi đã trụi hết lông, đôi mắt ướt đẫm nước mắt...
-Anh thấy đó, giờ đây nó là con trâu hiền lành, ngoan ngoãn. Năm nay tính ra nó gần bằng tuổi tôi đó. Thế mới biết đâu hẳn loài vật nào cũng không có tình nghĩa và lòng yêu thương...
Nắng dịu dần rồi tắt hẳn. Tôi chia tay anh mà lòng còn nặng mãi với điều anh chia sẻ...
N.P.L.