Cái phi thời gian và thời gian như phi trong “Trúng số độc đắc” - Bùi Văn Tiếng

13.10.2019

Nhân 80 năm ngày mất Nhà văn Vũ Trọng Phụng (13/10/1939 - 13/10/2019), Trang tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc khảo luận Cái phi thời gian và thời gian như phi trong “Trúng số độc đắc” của tác giả Bùi Văn Tiếng viết về tác phẩm tuyệt mệnh của Vũ Trọng Phụng.  

Cái phi thời gian và thời gian như phi trong “Trúng số độc đắc” - Bùi Văn Tiếng

Về mặt thời gian, Trúng số độc đắc (TSĐĐ) có hai giai đoạn mang tính chất bước ngoặc: trước và sau khi Phúc gặp cái vận may hiếm có ấy. “Trong cuộc đời ngày nay, trúng số độc đắc là một biến cố, thường đem đến những thay đổi thật lạ lùng. Cái ngày trúng số như chia cuộc đời con người gặp may ra hai phần, mà bao nhiêu thứ đều trái ngược nhau đến mức bi đát”[1].

Tình trạng phân đôi này ứng với hai phần gần như tương đương trong kết cấu cuốn tiểu thuyết: phần đầu gồm 4 chương, 114 trang và phần sau 5 chương, 175 trang.

“Một vấn đề có liên quan mật thiết tới sự miêu tả thời gian là vấn đề miêu tả cái phi thời gian và cái “vĩnh cửu”. Thực ra, trong văn học, đây chỉ là một bộ phận của vấn đề miêu tả thời gian nói chung”[2].

Ngay từ chương I, Vũ Trọng Phụng đã dành hẳn 6 trang sách để miêu tả thời gian 8 tháng trời Phúc ngồi trên “cái ghế xi măng trước nhà Kèn, trong vườn hoa Paul Bert” (TSĐĐ.15), và đây không gì khác là kiểu thời gian phi thời gian, thời-gian-không-có-thời-gian, thời gian hầu như không vận động, ngưng đọng, bất biến, ngày nào cũng như ngày ấy, “sáng nào cũng vậy”, “lần nào cũng vậy”, “bao giờ Phúc cũng để người phu hút trước mình sau”, “bao giờ người phu cũng để cho Phúc cái hân hạnh mời mình cả diêm lẫn thuốc”, “bọn kia coi Phúc là một cái đồng hồ”, “ngày nào anh cũng ra ngồi ở vườn hoa Paul Bert rất đúng giờ và rất nhiều giờ”, “ngày ngày ra ngồi vườn hoa”, “ngày ngày ra đọc sáu giờ liền ở vườn hoa Paul Bert”, “ăn thì ngày hai bữa cơm rau, mặc thì cái áo dài trắng, đôi giày ta cũ, cái mũ trắng cũ” (TSĐĐ.15, 16, 17, 18, 20). Chính tính chất bất biến, trì trệ của thời gian như vừa nêu đã tạo nên một sức ỳ tâm lý trong bản thân Phúc. Ở các trang tiếp theo, một loạt sự biến mới đến với anh, đến đột ngột “khác hẳn mọi ngày” (TSĐĐ.21), thì do quán tính bắt nguồn từ sức ỳ tâm lý ấy, hai lần đứng chớp nhoáng:

- anh ta kinh hoảng đứng lên đón vợ (TSĐĐ.43)

- vội vàng đứng phắt ngay lên (TSĐĐ.51)

cũng chưa đủ để lôi Phúc ra khỏi chỗ ngồi. Thậm chí khi nghe Tấn giục: “Bây giờ thì đi đâu chứ, chả nhẽ lại ngồi đây à?”, Phúc vẫn chưa hết do dự: “Ừ, thì đi nhưng đi đâu?” (TSĐĐ.52).

Song như đã nói, từ khi trúng số độc đắc, đúng hơn là từ ngay sau lúc mua một cái vé số, con người trì chậm, thong dong ấy trở nên cực kỳ mau lẹ, về nhiều phương diện. Cái phi thời gian trên kia, giờ đây đã chuyển thành cái thời gian như phi. Hãy xem Vũ Trọng Phụng miêu tả cảnh Phúc mua vé số để thấy rõ anh ta mau lẹ đến nhường nào:

Anh quyết định: “Sẵn tiền đây, ta phải mua vé số ngay mới xong! Không mua ngay thì hỏng, vì ta hay quên lắm...”. “Tức thì anh từ giã người phu. Và chỉ mới đến trước tòa Đốc lý anh đã gặp ngay một người đàn bà bán vé số với một cái bàn nhỏ. Anh đặt ngay tiền lên mặt bàn rất mạnh. Và anh bỗng có một cảm giác rất lạ lùng, là rồi anh sẽ trúng số... Tức thì anh nghĩ đến sự về ngay nhà để lấy bút mực đề rõ tên mình vào lưng cái vé, đề phòng sự đánh mất, hoặc mọi sự hiểm nghèo có thể xảy ra. Anh chợt nhớ rằng bác phu lục lộ đoán tướng mạo anh, cam đoan là anh sau này phải có bạc vạn (TSĐĐ.116, 117).

Đoạn văn ngồn ngộn những từ chỉ tốc độ: tức thì, ngay, chợt, bỗng...

Và ngay trong những giây phút đầu tiên biết mình trúng số, Phúc đã ba lần tỏ ra rất vội: “Hốt nhiên” thấy hoa mắt, ù tai, đứng lên “tức th씓vội vàng” làm ra vẻ thản nhiên (cần nhớ rằng cách đấy chỉ một tích tắc thôi, anh vẫn “vừa lẩm bẩm khẽ đọc những con số mà anh đã thuộc lòng tức là số vé của anh chứ không phải đọc làu làu vanh vách, vừa điềm nhiên - chứ không vội vã - bóc tờ Đông Phương nhật báo” (TSĐĐ.129).

Từ đây, Vũ Trọng Phụng nêu lên hàng loạt cái vội vàng vốn xa lạ với tính cách cố hữu của Phúc:

- Vội vàng làm cho nét mặt thản nhiên như không (TSĐĐ.129).

- Bỗng một ý nghĩ đáng kinh hoàng đến với cái trí não rối loạn của anh (TSĐĐ.131).

- Anh tức khắc muốn chém chết ngay con vợ lăng loàn (TSĐĐ.132).

- Bỗng một ác ý nảy ra trong óc anh... bỗng lại thấy cái hứng thú muốn làm cho bố mẹ sợ hãi anh hơn nữa (TSĐĐ.143).

Đương nhiên, cũng có lúc Phúc trở về với con người cố hữu của anh, song những lúc ấy cũng chỉ là mấy khoảnh khắc lửa rơm, vụt qua, chóng tắt:

- Nhưng chợt có một mẩu hồi ức bỗng nổi loạn trong lương tâm anh (TSĐĐ.190)

- Anh vội giao hẹn ngay với chính anh rằng từ nay trở đi thì chính anh không nên tin ngay cả anh nữa (TSĐĐ.191).

Thế đấy, với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, nhanh tới mức Tấn, bạn anh, phải “tự hỏi Phúc có thể thay đổi nhanh chóng đến thế này hay sao” và ông anh ruột Phúc cũng từng thảng thốt kêu lên “chú nhanh thật... chú nhanh chứ sao”, Phúc nói vội, làm vội, nghĩ vội và đã trả giá cho tất cả cái vội vàng ấy:

Phúc cho xe phóng nước đại. Qua phố hàng Buồm ra đến bờ sông anh mở đến tám chục chứ không phải sáu chục mà thôi! Chiếc xe khổng lồ văng đi như gió, đi tới đâu gieo rắc sự khủng bố cho người đi đường và bà con hàng phố tới đấy. Qua nhà nước đá, chợt sầm một cái! Anh chỉ còn kịp hãm phanh (TSĐĐ.269).

Hẳn dễ dàng nhận ra cái anh Phúc ngồi trên ghế ô tô trong đoạn văn trên sao khác cái anh Phúc ngồi tĩnh lặng trên ghế đá công viên trước kia - tức thuở hàn vi - đến thế. Mà nào đã xa xăm gì, khoảng cách giữa hai hình ảnh ấy chỉ là thời gian trên dưới hai tháng!

Nhận xét về phương pháp tả người trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu Hoàng Thiếu Sơn đã cho rằng càng ngày Vũ Trọng Phụng càng phát triển mạnh theo một cái hướng rất khó là cho nhân vật suy nghĩ nhiều hơn nói năng nhiều, rồi nói năng nhiều hơn hành động nhiều. Hoàng Thiếu Sơn xếp Phúc vào loại nhân vật nghĩ nhiều, nói ít, làm càng ít hơn[3].

Quả thật, Phúc là một nhân vật có khả năng tự ý thức rất mạnh mẽ. Trong dòng ý thức của Phúc, người ta không chỉ nhận ra suy nghĩ, tình cảm anh ta đang biểu lộ mà cả ý muốn sơ phát còn tiềm tàng, ký ức bị quên đi bỗng hiện về, cảm giác từ lâu bỗng sống dậy... Trong dòng ý thức của Phúc, người ta còn nhận ra sức ám ảnh ghê gớm của thời gian.

Cũng giống Liêm và Quỳnh “lấy nhau vì tình”, hình như lúc nào, làm gì Phúc đều bị ám ảnh rằng không biết đấy là lần thứ mấy, và sau khi ngược dòng thời gian, lục vấn ký ức, anh ta thường xác định đấy là lần đầu (hay không phải lần đầu). Sau lúc người phu lục lộ buông một câu hỏi bâng quơ: “cậu thư nhàn, sung sướng lắm nhỉ?”, Phúc nghĩ ngay “đó là lần đầu… có kẻ ngợi khen mình” (TSĐĐ.22). Ý thức về thời điểm “lần đầu” ở đây, phần nào đó, Phúc đã tự ý thức về giá trị bản thân. Ngược lại, “anh buồn nhất là, sau khi nhớ lại, thấy rằng cả đoạn đời hai mươi lăm tuổi của anh, chỉ có ba lần anh được mừng rỡ thế thôi. Đấy là lần đầu đỗ bằng sơ học, lần thứ nhì nhận được giấy gọi đi làm việc và lần này, vay được bạn một số tiền. Thật quả chỉ có ba lần anh hiểu gì là cái vui, cái sướng” (TSĐĐ.16). Rồi mới khẽ gắt một câu: “Vô lý thật! thì có cái đếch gì mà cười!”, Phúc đã nhận “ra rằng kể từ lúc biết nghĩ, đó là lần đầu trong đời, thật thế, chính là lần đầu trong đời (anh văng tục)!” (TSĐĐ.80). Có khi nằm cạnh mỹ nhân, vẩn vơ nghĩ, nghĩ xa xôi, Phúc thấy “chẳng phải lần này là lần thứ nhất anh được dịp mon men đến chốn ca trường. Lần đầu, anh đi hát, cũng ngủ lại cả đêm, nhưng người ta đã để anh một mình nằm suông... Đến lần này... (TSĐĐ.87). Rồi sau mấy tháng thấm thía với nhân tình thế thái, Phúc đi lang thang khắp phố xá để suy ngẫm về lẽ đời và đối với Phúc, đấy là lần đầu trong đời, anh hiểu rõ cái gì là cái khổ" (TSĐĐ.283). Mà không chỉ cảm thấy, không chỉ bị ám ảnh trong tâm tưởng, anh còn bộc bạch nỗi ám ảnh ấy thành lời: “Và con xin dặn một lần đầu nhưng mà cả lần cuối cùng rằng từ hôm nay trở đi... (TSĐĐ.150).

Phúc còn giống Liêm, Quỳnh ở các ấn tượng thời điểm. Trước hết là ấn tượng “ba ngày”. Nghe người phu kêu van: “nếu ba ngày nữa mà không đưa nốt thì...”, Phúc gật gù “một đồng, ba ngày, thôi được, cứ khất đi...”, sau đó, “anh ta lại nhìn xuống trang sách, nhưng than ôi! Những chữ đen đã bắt đầu biết nhảy múa trước mắt anh... Một đồng bạc, trong ba ngày! (TSĐĐ.25, 26).

Nghe Tấn bảo: “Ừ, mà anh cũng giàu mới được đúng mười ngày”, Phúc vội nói ngay cái cảm giác “một ngày dài hơn thế kỷ” của mình: “Thế mà đã phải chịu cái khổ nghĩ ngợi như trong mười năm” (TSĐĐ.208). Mười ngày đầu trúng số, đây là mười năm đằng đẵng đối với một người cả nghĩ như Phúc. Anh tâm sự: “Thật thế, tôi xin cam đoan với anh rằng mười đêm nay, tôi không được ngủ ngon như hồi lúc còn kiết xác” (TSĐĐ.207). Rồi anh tính toán: “Tôi tính nhẩm vẫn biết rằng đã tiêu mất ngót bốn vạn trong mười hôm nay thôi...” (TSĐĐ.211). Cái ấn tượng “mười ngày” ấy ở Phúc còn lây lan đến Tấn bạn anh: “Tấn lại chăm chú ngắm nghía bạn để ngạc nhiên rằng mới trong có mười ngày Phúc đã xử sự như kẻ giàu từ trong trứng giàu ra” (TSĐĐ.208), cũng như đến ông Phán anh ruột anh: “mới có mười ngày mà chú tổ chức nơi ăn chốn nằm rõ ra vẻ đế vương” (TSĐĐ.226).

Bị thời gian ám ảnh nên đôi lúc Phúc mơ hồ nghĩ đến tương lai:

- trờn trợn lo không khéo cuộc gặp gỡ kỳ ngộ đêm nay sẽ là khởi điểm cho một chặng đường (TSĐĐ.72).

- Anh quyết định nay mai phải mua một vé số. Tấn trúng số, vì lẽ gì anh lại không có thể nào trúng số được? Vì lẽ gì anh lại không dám có cả cái hy vọng - cho dẫu là cuồng vọng - rằng anh cũng có thể trúng số được (TSĐĐ.86).

Đặc biệt, Phúc luôn hồi tưởng về thời đã qua. Chẳng hạn đây là hồi ức về ngày xưa còn bé:

Anh không bao giờ quên những thời gian sung sướng mà anh đã sống với ông bác nghèo rất đáng yêu ấy, thuở bé, vào mấy vụ nghỉ hè (TSĐĐ.118)

hoặc về thời gian khi anh còn làm thư ký cho hãng Bảo hiểm:

- Anh lại nhớ rõ cả những việc vụn vặt ngày trước, mình làm nhầm mà bạn chữa hộ, mình bận rộn được bạn giúp đỡ, mình bị đồng sự khác dèm pha thì bạn hăng hái bênh vực (TSĐĐ.42, 43)

- “Phúc cái đinh” cái tên mà các bạn đồng sự đã đặt cho anh xưa kia lại đem về cho hồi ức của anh một chuyện vặt nó vốn là nguyên nhân của sự đặt điều thêu dệt ấy… Sự ấy khiến anh phải hổ thẹn cho mãi đến bây giờ (TSĐĐ.78)

- Anh nhớ đến chuyện “thằng ngọng bắt được cái đinh” ngày xưa (TSĐĐ.131)

- Đột nhiên anh nhớ lại tất cả mọi sự ngộ nghĩnh, lẩm cẩm, vụng dại trong cái chặng đường làm nghề cạo giấy của anh (TSĐĐ.79)

Anh còn hồi tưỏng về quá trình chung sống với vợ: “Phúc ta còn nhớ rõ ràng một sự rất con con, hầu như vô nghĩa lý mà đã ảnh hưởng to tát vô cùng đến cả cuộc đời của anh” (TSĐĐ.71). Đó chính là cuộc ngẫu nhĩ trùng phùng đầu tiên giữa anh với vợ anh bây giờ. Hoặc Phúc “chợt nhớ rằng ngày xưa, khi còn đi làm, lần nào lĩnh lương, anh cũng đưa nộp cả cho bà mẹ, còn vợ anh thật vậy, xưa nay chưa từng tơ hào được đồng xu nhỏ của anh bao giờ” (TSĐĐ.99).

Nghiên cứu thời gian nghệ thuật trong Trúng số độc đắc, chúng ta càng có thêm cơ sở để đồng tình với nhận định sau đây của Hoàng Thiếu Sơn: “Tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm tuyệt mệnh ấy, quả thật là một tuyệt tác về thật nhiều phương diện”[4].

 

B.V.T


[1] Hoàng Thiếu Sơn, Lời giới thiệu Trúng số độc đắc, NXB.Văn học, Hà Nội, trang 6. 

[2] Đ.X.Likhachốp, Thời gian nghệ thuật của tác phẩm văn học (La Khắc Hòa dịch), Tạp chí Văn học số  3-1989, trang 65.

[3] Hoàng Thiếu Sơn, Tlđd, trang 8, 9.

[4] Hoàng Thiếu Sơn, Tlđd, trang 14.