Con nít cũng biết buồn chứ bộ! - Mai Quốc Đạt

02.01.2014
Ai nói con nít không biết buồn? Nhiều lắm, kể sao cho xiết. Có buồn cũng không ai thèm nghe. Rảnh đâu mà nghe con nít tào lao chuyện buồn!
Hồi nhỏ tôi có cả đống nỗi buồn. Buồn một chút lại quên ngay. Nhưng nỗi buồn dai dẳng nhất là việc đi học. Ta nói, buồn sao mà buồn…

Con nít cũng biết buồn chứ bộ! -  Mai Quốc Đạt

Chuyện là như vầy. Từ nhỏ đã quen chạy rong đầu trên xóm dưới, đi với mấy thằng cùng lứa ra đồng lùa vịt, thả diều. Chiều về thì nhảy ùm xuống kinh mò cá, quậy đùng đùng làm đục ngầu bến nước. Ai hỏi mày con cái nhà ai thì biết trả lời, hỏi tên gì mấy tuổi thì cũng nói ro ro. Chứ cắc cớ hỏi tên mầy viết làm sao, là Đạt với chữ tờ hay chữ cờ thì trơ mặt ra. Ngẫm nghĩ, quái lạ, sao tên mình lại có dựng cây cờ trong đó làm chi hả ta, nên mạnh dạn trả lời, dạ tên của con không có cờ nào hết!

Chắc mẹ thấy hổng kham. Cho đến trường một mình thì hay rủ rê cặp bè cặp bạn rồi chạy tuốt ra đồng dang nắng dầm mưa, mà ở nhà thì càng ngu muội. Vậy là bữa cơm chiều đó mẹ nói, thôi sáng mai bỏ cuốn tập vô bọc ny lông để theo mấy chị đi học. Tôi ngây ngô hỏi, vậy làm sao mà con ra đồng lượm hột vịt được? Chị ba gõ đầu cái bum, giả đò người lớn nói giọng rề rà, em muốn lượm hột vịt cả đời luôn hả? Vậy sao mà đi chơi được đây? Không được đi chơi, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Vậy là sáu tuổi tôi phải xách túi theo mấy chị đi học. Cha mẹ cho đi học để làm quen mặt chữ a, á, ớ, bờ, cờ, thay vì quen mặt mấy con vịt kiếc kiếc ngoài ruộng. Chị hai học lớp bốn, chị ba và chị tư học lớp ba, chị năm học lớp hai. Còn tôi học lớp một và luôn cả bốn lớp!

Nơi mà mấy chị và tôi gọi là trường thật ra là căn nhà lá rách nát tả tơi của cô giáo Nương. Cô đã ngoài bốn mươi, người hiền hậu kiên nhẫn với trẻ con. Cô nhận dạy kèm lẫn dạy thiệt cho trẻ con nhà nghèo. Nhà cô ở bên xóm chòi, nơi có những căn nhà lá xa lút biệt ngoài đồng của ấp Nhứt bên xã Tân Hùng. Con nít chỉ nghe người lớn kêu là xóm chòi rồi bày đặt kêu theo để tỏ vẻ ta đây biết chỗ này chỗ nọ, chứ trong đầu thì mù tịt đường đi nước bước.

Đi học xa thiệt, nhưng tôi có thể huênh hoang với mấy thằng bạn, rống cổ lên nói tao đi học xa mị mị ở bên xóm chòi á! Tụi nó lác mắt, trời, ở đâu lận? Thì qua hết đầu đất nhà tao, đi mỏi cẳng đến khi nào mày thấy có mấy cái chòi thì đó là xóm chòi. Tụi nó thán phục nhìn tôi, cứ ngỡ như Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh, còn tôi qua xóm chòi thỉnh chữ, oai ơi là oai!

Thấy vậy chứ có biết chữ gì đâu. Loay hoay với cuốn tập như gà mắc tóc. Giật ngược giật xuôi cuốn vở quăn góc đen thùi lấm mồ hôi tay dính đất. Cầm viết lọng cọng như cầm cây phảng phát cỏ, đau đỏ hết mấy ngón tay. Tức quá nên vặn nắp nó ra coi bên trong là cái gì mà cứng quá thể. Quờ quạng một hồi rồi bóp nhầm ruột viết, mực văng túa xua lên áo. Chưa kịp giật mình đã bị ăn đòn. Chị ba quay sang gõ lên đầu cái bum. Vừa nhăn mặt kêu đau thì chị năm chu mỏ xì một hơi vì tội hậu đậu. Bị rầy hoài, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Tôi chẳng học hành gì hết, có cuốn tập để dành vẽ hình Tề Thiên, Bát Giới mà thôi. Cô phải dạy bốn lớp cùng một lúc, khi thì chạy qua đứa này giảng cách giải bài toán đố, khi thì bước lại đứa kia cầm tay viết chữ. Đứa này chưa xong thì đứa kia đã rậm rịch muốn chạy ra ngoài bứt bông bụp bông trang. Vừa thò chân kiếm đôi dép để chạy hùa với nó thì cô đã kêu Đạt ơi Đạt ời, ngồi xuống học chữ nè con. Bên ngoài mùi bông bưởi thơm lựng, cứ tưởng như có trái non sắp rụng cái đụi, mau mau chạy ra lượm về làm trái banh đá chiều nay. Còn đầu óc đâu để nhận dạng mặt chữ nữa. Quàng xiên đọc bừa chữ â thành o. Cô giáo thở dài. Chán ơi là chán!

Cứ tưởng vậy là xong, nhưng cô lại nói con phải ngồi thẳng lưng lên, nhìn cho kỹ nè con, chữ a có cái nón đội trên đầu là chữ â. Nhưng cái này không giống cái nón, cái nón của mẹ con tròn tròn mà cái nón vải của con thì lại có cái nóc ở phía trước! Giống cái mui ghe tam bản của dì Tư bán chuối bên kia sông quá cô! Bực dọc, cô quát lên, giống cái gì cũng được. Đọc lại theo cô nè…

Vậy là cặm cụi đọc lại từng mặt chữ, quên đầu quên đuôi. Khó nhớ dữ vậy trời! Sao tôi có thể nhớ hết màu sắc và tính tình của bầy vịt, vậy mà có mấy con chữ đã làm nhức đầu rồi? Đi chăn vịt có bị ai quát nạt bao giờ đâu. Mình muốn làm gì thì làm chứ có phải ngồi bó rọ một chỗ như vầy. Không có chút xíu tự do, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Thôi thì thơ thẩn dòm ngó xung quanh cho đỡ mỏi mắt. Những tia nắng xuyên qua nóc nhà bị lủng như hàng trăm cây gươm cắm xuống đất, tưởng như nắng cũng lội bộ từ trên trời xuống ngồi học với mình. Tôi thò tay ra chụp từng sợi nắng để làm quen kết bạn, nhưng vừa vung tay ra thì bị chị hai ngồi đối diện lừ mắt nhìn. Hết hồn, ngồi im re, đặt tay lên bàn như lời cô dạy. Cái bàn gỗ bằng cây còng đã ngả màu đen, có một lỗ thủng bự chảng bằng chén cơm. Lăn cây viết cho nó chạy xuống lỗ đó, rồi lại cầm nó lên lăn xuống lần nữa. Buồn ngủ quá trời!

Cái bàn cao quá. Buồn buồn để đầu lên bàn, liếc nhìn nền đất nhấp nhô đen thui như vảy rồng trong phim Tề Thiên. Không hiểu cô nói cái gì hết trơn nên lắc qua lắc lại cho đỡ buồn ngủ mỏi lưng. Cũng vui vì cái ghế bị mọt ăn ráo trọi, kêu cọt kẹt như tiếng dây võng cọ vô cột nhà. Tôi thích chí đung đưa, tưởng như đang chơi xích đu làm bằng tàu lá dừa tước ra làm hai rồi buộc lại, ngồi gọn lỏn trong đó rồi tòng teng qua lại lúc ban trưa gió hầy hậy.

Đang mơ màng thì nghe cái rốp. Ghế gãy. Đít rớt cái bịch xuống đất sao mà dễ ụi! Cả lớp xúm nhau cười bò lăn. Chị hai hết hồn chạy lại phủi quần. Cô Nương quýnh quáng kiếm chai dầu xoa đít. Tưởng có cớ ghế hư được nghỉ học, ai dè cô nói thôi con ngồi lên bàn luôn đi, mai cô bắc cái ghế khác cho con. Vừa bị đám bạn cười nhạo vì té ghế, vừa quạu quọ vì phải học tiếp. Mới có mơ mộng chút xíu mà cũng bị cười cợt nữa, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Đang buồn nửa chừng thì vui trở lại. Khi cô đang ê a đọc bài tập làm văn cho mấy chị thì nghe ngoài sân tiếng cạp cạp của những con vịt trắng lem luốc bám đầy bùn được hòa âm với giọng éc éc của bầy heo đòi ăn cám trộn với chuối cây. Vậy là cô phải cho lớp nghỉ giải lao để chạy ra lo bầy heo đàn vịt.

Như thể chim sổ lồng, tôi chạy ào ra sân, nói cô ơi, để con cho vịt ăn. Mà cô ơi, sao đít con này dính cức, chắc bị cúm rồi. Cô coi chừng vịt bị chạy đồng nhe, phải nhốt riêng con này trong cái bội sau nhà bếp mới được. Ừa, mà sao con biết con này bị bệnh? Thế là tôi tha hồ thao thao bất tuyệt chuyện lùa vịt ngoài đồng. Dễ thường có ai biết rành vịt trở chứng như tôi. Thiếu điều ăn ngủ cùng với nó nên chỉ cần nghe tiếng kêu kham kháp khàn khàn hôm trước thì hôm sau biết trời phất chướng heo may. Vậy là lo lùa về phía sau lùm sậy chứ không ham dắt nó đi băng đồng. Rủi bị trúng gió thì chết cả đàn chứ chẳng chơi.

Phải chi đọc chữ cũng dễ như đi chăn vịt hả ta? Được băng qua cánh đồng sậy trổ cờ lau bàng bạc, hít căng ngực hương lúa trổ đòng đòng đượm mùi bùn đất, thấy mùa màng đang nhập vào từng hơi thở, và tưởng như bản thân là bá chủ khắp bốn phương trời. Nói chi lớp học chỉ quẩn quanh quyển sách tập đọc vẽ vu vơ mấy tấm hình con cá, trái cà. Không thấy được thế giới đầy màu sắc và ngát mùi hương, buồn hông? Buồn chứ sao hông buồn!

Học khó quá. Đi chơi cho sướng. Hơi sức đâu mà bỏ cả buổi sáng ngồi một chỗ để ghi chép như mấy chị cho cực. Thằng Tuấn con của cô Năm lớn chồng ngồng còn không đi học, vậy mà cô dượng có khi nào la rầy nó. Ngày nào nó cũng đi chơi lông nhông hết đầu này đến đầu nọ rồi còn đi bắn chim bắt chuột, sướng chết mồ. Tôi có được như nó đâu. Mấy chị cứ bắt tôi đi học, hồ hởi đi đằng trước. Tôi đi sau nhăn nhó mặt mày.

Đi tới nhà cô Hai Thành thì giả bộ đau bụng. Rồi lạng lẹ ra cây cầu tiêu cất trên ao cá sau nhà của cô Hai. Tưởng bở, vậy mà chị năm nói một câu nghe buồn thúi ruột, ừ, để chị chờ em xong rồi tụi mình đi luôn một thể. Mặt tôi chù ụ, chằm vằm một đống. Bực mình à! Đám cỏ mật trổ bông đu đưa trong gió như cười chọc quê tôi. Tôi giậm chân giậm cẳng bình bịch, người ta đi cầu mà cũng chờ nữa! May mà chị hai cũng thấy trễ, nên nói thôi để em nó đi xong rồi tự đến nhà cô mình ên đi, đây đó cũng gần mà.

Vậy là được trốn học. Ngồi trên cầu tiêu hát vọng cổ ư ử một hồi thì khát nước, tê giò. Thế là lảng lảng ra trước nhà, ngồi bẹp ngoài hàng ba mát rượi. Gió ngoài kinh Trà Miền thổi lồng lộng, làm ngả nghiêng hàng điên điển ốm nhom và lao xao cụm dừa nước hiền khô. Ngó xa xa chỉ thấy chân trời hửng nắng vàng hanh chen vào đám mây xanh hình con voi, con thỏ. Ngồi một mình không có chuyện gì làm, về nhà sớm thì sợ bị đòn, đi học thì lòng không ham. Nên cứ thần thừ như con chó ki già ngồi ngáp vặt táp ruồi ở nhà vậy. Về không được, ở không xong, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Lừ đừ ngồi một hồi thì càng mỏi mệt, đánh bạo ngó vào nhà rồi lắp bắp nói, dạ cho con xin gáo nước mưa. Cô Hai tằng hắng hỏi con nhà ai đó bây. Dạ, con ông ba Thái. Đi đâu đây con? Nghe kêu bằng con ngọt xớt, tôi quên bẵng việc phải che giấu thân phận trốn học của thằng Bùi Kiệm nên tình thiệt nói, cô ơi, con trốn học đó! Mèn ơi, sao ra nông nỗi vậy hả con? Không biết chữ như cô thì cả đời khổ lắm con ơi, cái tên cha mẹ đặt cho còn không biết viết nữa. Ráng đi học để lớn lên làm ông bác sĩ, kỹ sư. Vừa có tiền mà lại vừa biết cái này cái nọ, khôn ngoan hơn người.

Tôi không biết sao người lớn ai cũng nói vậy. Đọc được chữ là thông minh ra, thành người này người nọ. Vậy chứ đám thằng Tuấn có biết chữ nào đâu sao nó vẫn đi chơi phè phỡn quá trời kìa. Rồi mẹ tôi và cả cô Hai cũng đâu biết chữ, sao vẫn có cuộc sống đề huề đó thôi? Sao người lớn không đi học, mà lại bắt con nít đi học? Bị ép uổng như vậy, hỏi có buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Thấy vẻ mặt xị ra của tôi nên cô Hai thấy tội nghiệp. Thôi vô đây ăn cơm với cô dượng nè, trưa rồi con. Đói bụng thiệt, vậy là không thèm làm khách chi cho mệt, tôi dạ một tiếng thiệt lớn rồi co giò ngồi xếp chân chữ ngũ đạo mạo trên bàn và bắt đầu… ăn chực. Lâu lâu tôi lại trốn học, đi cầu tiêu, và sau đó là ăn chực. Làm như vậy riết cả năm trời. Đã ơi là đã!

Nhưng cha mẹ biết. Thế là bị nhốt ở nhà, không cho đi học hay đi chơi nữa. Một năm sau tôi được gửi vào lớp một tại trường tiểu học ấp Te Te 2. Đã sợ đi học mà cuối cùng cũng phải đi học. Làm điều mình không thích có buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Đám con nít đứng thành hai hàng trước khi vào lớp. Nhưng ở phía sau có vẻ hơi nhốn nháo vì có thằng nọ ngọ ngoạy tay chân. Nó là thằng to nhất lớp, bảy tuổi, nên bị xếp đứng cuối hàng. Vào lớp nó cũng bị xếp ngồi bàn cuối, ngồi dãy bàn đầu thì mấy em nhỏ phía sau không thấy. Nó gọi bạn nó là em nhỏ bởi vì mấy em chỉ mới năm, sáu tuổi thôi hà. Nhưng già nhất không hẳn là khôn nhất. Nó luôn đội sổ vì cái tội không thuộc bài. Thằng đó là tôi, buồn hông? Buồn chứ sao hổng buồn!

Thầy Săn đánh học trò cũng dữ, mong cho nó ngoan hơn. Tôi bị khẻ tay, ăn roi mây mỗi ngày vì mãi không phân biệt được chữ a và â. Thầy dọa rằng đó chỉ mới là bài học đầu tiên. Khờ như tôi cũng hiểu được rằng như vậy có nghĩa là bàn tay và mông đít của tôi sẽ còn bị no đòn dài dài. Tủi thân, khóc hức hức, lủi đầu vào trong bụi tre ngay sau lưng nhà thầy và trốn mình giữa những đám gai xước tay đau gần chết. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem như con mèo tam thể không chùi mặt nằm vùi trong đống tro ở chái nhà bếp. Buồn ơi là buồn!

Nghe lời cô Năm dặn, hễ đi đêm gặp ma thì cứ lấy đầu ngón tay cái chập vào ngón áp út để bắt con ma nhét vào trong chai, đậy nút lại, sau đó ném cái chai ra sông. Vậy là con ma bị mình dìm xuống nước chết tiệt. Bắt chước như vậy, tôi lượm cái chai nước ngọt ai vứt trong bụi tre và nhốt nỗi buồn vào đó rồi hùng hục chạy ra ngoài bờ kinh liệng nó xuống nước. Tôi không thèm đậy nút lại, để nước mau tràn vào chai làm chết ngộp nỗi buồn của tôi cho rồi. Tao giết mày rồi buồn ơi! Mày không sao làm tao buồn được nữa!

… Hai mươi năm qua rồi. Tôi đã viết được tên của mình trọn vẹn và hiểu được ý nghĩa cuộc đời mà cha mẹ gửi gắm trong cái tên bình dị này. Tôi cũng biết lời hơn tiếng được với thế gian, cũng học đòi danh vọng. Cũng dạo chơi đó đây cho thỏa tấm lòng khao khát bay bổng tuổi thơ. Cũng rầy la đám cháu chuyện học hành chểnh mảng. Cũng tự gặm nhấm đắng cay mai mỉa hay trút lên những lần thất bại. Và cũng thấm thía buồn về những nỗi buồn không thể nào định danh.

… Hai mươi năm qua rồi, có những nỗi buồn mọc cội trong tôi. Tôi cũng học cách nhốt nỗi buồn trong chai và bỏ vào thùng rác công cộng ngoài công viên Gia Định. Nhưng nỗi buồn như thể có chân, lén trèo vào cửa sổ, và lạnh lùng chui vào mùng nằm ngủ cùng với những giọt nước mắt khóc thầm trong đêm.

Bây giờ có những nỗi buồn nói cũng chẳng ai nghe. Mình ta nói chuyện với buồn, hỏi lòng có buồn lắm hông? Buồn lắm, chứ sao hổng buồn cho được!

M.Q.Đ

Nguồn: http://vanvn.net