Hương thơm vườn mẹ - Trần Hiệp

01.10.2014
Mỗi khi nghĩ đến những gì đất nước có được như ngày hôm nay tôi lại nghĩ đến Mẹ - những người Mẹ đã một lần tiễn con làm nghĩa vụ với nước non. Đó là những Bà Mẹ bộ đội, Thanh niên xung phong, Thương binh, Liệt sĩ. Cho đến hôm nay và mãi mãi sau này, không ngọn bút nào tả hết sự hy sinh của các mẹ cho non sông đất nước. Những người con của Mẹ đã hiến dâng một phần hay tất cả xương máu của mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc.

Hương thơm vườn mẹ - Trần Hiệp

 Xương máu các anh các chị đã ươm cho vườn Độc Lập của Tổ quốc vẹn toàn, vườn Hạnh Phúc của muôn nhà ngày thêm đơm hoa kết trái, mãi mãi ngát hương. Và, tôi luôn nghĩ, mỗi chúng ta còn mắc nợ với các Mẹ, các anh các chị đã ngã xuống cho sự toàn vẹn của non sông đất nước, dù hôm nay có làm gì cho các Mẹ và gia đình các anh các chị thương binh, liệt sĩ cũng không đắp đổi được so với sự hy sinh ấy.

Ai ai cũng ít nhất đã một lần trông thấy các mẹ các chị cho con bú mớm, thức thâu đêm chăm chút con những khi xổ mũi nhức đầu, đau đến quặn lòng khi con chẳng may té ngã trầy da, chảy máu, từng giờ từng phút theo dõi sự lớn khôn của con, càng thấm thía nỗi đau mất chồng, mất con của các Mẹ, đó là nỗi đau không có mất mát nào sánh được. Nhưng cái nghĩa cả đối với non sông đất nước còn lớn hơn nhiều, Các Mẹ lần lượt tiễn chồng con ra trận, có Mẹ tiễn đến người con cuối cùng, dù da diết nhớ thương, dù quặn thắt đau đớn vì xa cách đoạn trường, vì trong những lần nhận giấy báo tử của con, của chồng.

Một lần trở lại quê Thanh, vùng đất anh hùng có trên 1500 Bà Mẹ Việt Nam anh hựng, trên 43.000 liệt sĩ, gần hai vạn thương binh, tôi đến thăm mẹ Trương Thị Dự ở Quảng Yên (Quảng Xương). Mẹ có chồng là Tô Văn Duy, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông ngã xuống chiến trường Điện Biên; trong kháng chiến chống Mỹ, các con trai của Mẹ là Tô Văn Du, Tô Điểm Xuân, Tô Điểm Xuyên lần lượt ra trận. Ngày nhận được tin anh Du hy sinh, Mẹ đó ỉm đi không cho con dâu biết để chị yên tâm nuôi con và biết đâu tin ấy sẽ không phải là sự thật. Nhưng chị Hằng, con dâu mẹ cũng đó biết tin này, nhưng chị không thể cho Mẹ biết sợ Mẹ ngã bệnh. Sau ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Mẹ nhận tin dữ cả ba người con của Mẹ đó hy sinh. Chị Hằng ôm lấy Mẹ, hai người vợ liệt sĩ ôm lấy nhau chia sẻ nỗi đau mất chồng, mất con, mất em. Tại cuộc họp tôn vinh các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc, Mẹ Dự đã có câu nói nổi tiếng: “Mất chồng mất con nhưng không mất nước”. Đó là tiếng lòng của hàng vạn Bà Mẹ Việt anh hùng - những người Mẹ mà tôi có hân hạnh được tiếp xúc, dù đến hôm nay có Mẹ đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những gì Mẹ đã hy sinh vì nước như hương của muôn hoa trong vườn hoa trường tồn của dân tộc vẫn mãi mãi ngát thơm.

Ngày tôi gặp mẹ Lê thị Dệt ở Tế Tân (Nông Cống) thì mẹ đã qua cái tuổi 80, tuy sức đã yếu nhưng vẫn còn tinh anh. Mẹ chớp chớp mắt đắm đuối nhìn chúng tôi như thoáng gặp những nét thân quen ruột thịt. Mãi sau mẹ mới kể, ngày xưa nhà mẹ nghèo lắm, không có ruộng đất, bản thân mẹ lớn lên phải đi làm thuê cuốc mướn kiếm ăn qua ngày. Cách mạng Tháng Tám thành công những chàng trai cô gái nghèo của cái vùng chiêm trũng này như cá gặp nước, hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc và rồi trong các cuộc hoạt động ấy mẹ đã gặp người con trai họ Lê cũng nghèo như mình và không lâu sau họ nên vợ nên chồng. Nhưng cuộc đời cũng lắm oái oăm, khi vợ chồng mẹ sinh được bốn con trai và một con gái thì chồng mẹ lâm trọng bênh, qua đời. Khi ấy trẻ chưa qua già chưa tới, đôi vai mảnh mai của Mẹ phải nai lưng gánh vác gia đình nuôi 5 người con thơ dại và cho họ ăn học nên người. “Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” là tiếng gọi của hồn thiêng sông núi đối với mọi người dân, trước hết là nam nữ thanh niên. Năm 1964, dù mới 17 tuổi, người con trai trưởng của mẹ là Lê Sĩ Rộng xin mẹ lên đường nhập ngũ. Sang năm sau, mẹ nhận giấy báo tử của đơn vị anh Rộng. Dù quặn đau thương tiếc, nhưng sang năm 1966, mẹ lại tiễn người con thứ hai là Lê Sĩ Khoảng lên đường ra trận. Cũng chỉ một năm sau, anh Khoảng đã hy sinh, nỗi đau lòng mẹ nhân đôi, mối thù giặc Mỹ trong mẹ và các con mẹ không chỉ nhân đôi mà nhân lên gấp bội, mẹ lại tiễn người con thứ ba là Lê Sĩ Văn, sang năm sau lại tiễn nốt người con thứ tư là Lê Sĩ Ba - người con trai cuối cùng và người con rể độc nhất vào Nam diệt giặc, cứu nước trả thù cho hai anh. Tiễn các con lên đường mẹ tỏ ra cứng rắn, nhưng về nhà mẹ òa khóc. Nhà mẹ dù còn nghèo nhưng đông vui, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười tiếng nói của các con, nay trở nên vắng lặng đến phát sợ, rồi những đêm vắng vẻ một thân một mình trong căn nhà trống vắng mẹ nghĩ đến điều chẳng lành xẩy ra với các con của mẹ mà bàng hoàng như tỉnh như mơ. Cái điều người xưa đã nói “ra trận là một đi không trở lại.” Chỉ thoáng nghĩ như thế mẹ đã thấy run hết cả người. Chao ơi, hóa ra đấy lại là sự thật! Trong 5 năm mẹ liên tục tiễn bốn con trai, một con dể ra trận thì cũng từng ấy năm tháng mẹ nhận giấy báo tử của 4 con trai và một con rể. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bút mực nào tả được tận cùng nỗi đau ấy của Mẹ? Nghe các cháu thanh thiếu niên trong làng hát: “Ba lần tiễn con đi ba lần khóc thầm lặng lẽ”, nhiều bà con ở Tế Tân bảo: đâu chỉ ba lần mà phải năm lần, mới đúng. Mẹ Dệt nghe câu hát ấy như vận vào mình. Chỉ biết rằng, sau đó mẹ không ngã lòng, không một lời ta thán mà lao vào các hoạt động xã hội, nêu tấm gương mẫu mực cho các chị các mẹ có chồng có con ra trận ở trong thôn xóm và trong cả hàng xã, hàng huyện.

Đến nhà mẹ Nguyễn Thị Quý ở Trúc Lâm (Tĩnh Gia), vùng đất bán sơn địa, gần như đồng chua nước mặn, làm ăn luôn trong tình cảnh thất bát, có bữa sáng mất bữa tối, bố mẹ lo cho con được cái áo thiếu cái quần. Năm 1944, mới 18 tuổi đã về nhà chồng, sang năm sau, Cách mạng tháng Tám thành công, ông Hanh chồng mẹ đi thoát ly, công tác tận trên miền núi xa xôi, mỗi lần ông về phép lại có thêm một đứa con, thân gái mảnh mai bươn chải nuôi bốn con trai ăn học. Hoàng Bá Hạnh, con trai trưởng lớn lên theo chân bố đi công nhân làm ở khu Gang thép Thái Nguyên, năm 1967 trong khi đang làm việc dưới hầm mỏ thì bị bom Mỹ sát hại. Vì mối thù nhà và bởi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các em của Hạnh là Hoàng Bá Tự, Hoàng Bá Do, Hoàng Bá Phúc lần lượt giã từ quê hương và người mẹ tần tảo lên đường ra trận. Người đàn ông cuối cùng trong nhà là chú Thập, em ruột ông Hanh, bố mẹ mất sớm anh chị chăm nuôi khôn lớn,  cưới vợ, dựng nhà và đã có một con trai, thấy các cháu đi hết mà không có tin tức gì, chú Thập cũng xin chị cho được nhập ngũ vào Nam chiến đấu may ra được gặp các cháu. Thế là chồng, các con đi hết lại đến em cũng ra đi, ở cái tuổi gần 50, Mẹ Quý thui thủi một mình, không cô đơn mà hóa lẻ loi trong căn nhà trống vắng. Nhưng dù sao vẫn còn mong có ngày gặp lại các con và em. Nhưng ngày cũng như đêm mòn mỏi trông đợi những lá thư của con của em từ tiền tuyến gửi về, thấy anh bộ đội nào ngoài đường cũng chạy ra nhìn, nhưng cái điều mong đợi đã không đến, cái không đợi mong lại ập vào nhà Mẹ. Vợ chồng mẹ nhận một lúc ba tin báo tử của hai con là Hoàng Bá Tự, Hoàng Bá Do và em Hoàng Bá Thập. Mẹ Nguyễn Thị Quý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng gặp ai mẹ cũng nói: có đi dự các cuộc họp trên huyện trên tỉnh mới biết nhiều gia đình còn hy sinh cho đất nước nhiều hơn mình, lớn hơn mình rất nhiều, bảy tám người trong một gia đình đã hy sinh vì nước, có gia đình cả bố và các con cùng ra trận cùng không trở về. Mẹ chỉ còn một phân vân, giá như tìm được hài cốt của các con và em đưa về nghĩa trang quê nhà cùng nằm ở mảnh đất quê hương với người con trưởng của mẹ là liệt sĩ Hoàng Bá Hạnh thì không còn gì phải mong mỏi.

Công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc hừng hực như những đợt sóng trào. Từ đầu những năm sáu mươi, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

                                Có thể nào khuây? cỏ cây vẫn nhắc

                                Từng ngọn cỏ, cành cây miền Bắc

                                Vẫn rung rinh theo gió tự miền Nam.

Mỗi Bà Mẹ Việt Nam anh hùng là một cuộc đời đặc biệt, đặc biệt trong cuộc sống và đặc biệt về sự hy sinh cho Tổ quốc. Các Bà Mẹ có ba bốn con hy sinh vì nước lại có nét đặc biệt khác. Mẹ Hoàng Thị Lý ở Quảng Ngọc (Quảng Xương), mẹ Nguyễn Thị Thiệp ở Trường Trung (Nông Cống), Mẹ Trịnh Thị Tiết ở Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa)... nếu ghi chép đầy đủ về tất cả những gì các Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc và tất cả những gì các Mẹ phải vượt qua trong cuộc đời nuôi con rồi mất con phải gồng mình lên để băng qua các thử thách của phần cuộc đời còn lại thì mỗi Mẹ là một thiên anh hùng ca mà người cầm bút dự dầy công sáng tạo cũng không thể bằng cuộc đời thực của các Mẹ.

Mẹ Cao Thị Mỳ, ở làng Én, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) có con trai duy nhất là liệt sĩ. Dân ta vốn coi trọng con trai là người nối dõi tông đường, với người dân tộc Mường thì việc ấy lại càng vô cùng hệ trọng, nhưng trước thảm họa giặc xâm lăng, người dân tộc nào trong đất nước Việt Nam yêu quý cũng coi trọng nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Mẹ tiễn Cao Ngọc Liên nhập ngũ mà cái bụng cồn cào vì thương vì nhớ vì nỗi phân vân bát hương bàn thờ tổ tiên sau này ai người hương khói, nhưng mẹ nén lại nói với nhà báo: “Còn nước thì còn nhà, còn tổ tiên, mất nước là mất tất cả, ai cũng không muốn cho con đi đánh giặc thì làm sao giữ được nước. Mẹ đẻ nó ra, nuôi nó lớn khôn trong nghèo khó, bây giờ nó đi xa cái bụng mẹ cũng thương cũng nhớ lắm chứ, nhưng phải bấm cái bụng mà chịu thôi, nó đi rồi nó sẽ về mà.” Đất nước đã sạch bóng quân thù, nhưng hai đầu đất nước lại có chiến tranh, bọn Khơ me đỏ vừa lấn đất nước ta vừa tiến hành diệt chủng trên đất nước Chùa Tháp, quân đội Việt Nam phải làm nghĩa vụ quốc tế, Cao Ngọc Liên có mặt trong đoàn quân ấy. Ngày 11/3/1983 anh đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Compônxpư (Campuchia). Con là liệt sĩ, em chồng là liệt sĩ, em ruột cũng là liệt sĩ, Mẹ Mỳ đau lắm, thương lắm, nhiều đêm Mẹ không ngủ được, nhắm con mắt lại mà cái ngủ không chịu đến cho vì cái bụng không yên. Nhưng rồi Mẹ vẫn tham gia công tác hội phụ nữ, động viên thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, Mẹ làm thịt gà, đồ xôi gói tặng tân binh lên đường, rồi ngày ngày lên nương lên rẫy, cuộc sống và thời gian là liều thần dược để Mẹ đứng vững trong cuộc sống.

Trên 1.500 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Thanh cũng như hàng chục vạn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, mỗi Mẹ có một hoàn cảnh khác nhau và cũng có sự hy sinh vì nước khác nhau, nhưng chung lại là tinh thần yêu nước cao cả. Mỗi người con của Mẹ là máu xương của Mẹ, là cả cuộc đời vất vả chăm bẵm, nuôi nấng của Mẹ, nhưng khi có giặc ngoại xâm, Tổ quốc kêu gọi thì các Mẹ sẵn sàng tiễn con lên đường ra trận - nơi mà một đi không hẹn ngày trở lại, để đất nước được vẹn toàn, non sông liền một giải. Nhà thơ Lê Đình Cánh, người con của xứ Thanh đã rất chí ýý, ông viết:

                                     Đưa con đánh Mỹ lên đường

                                     Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà

                                          ...

                                     Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa

Mẹ là thế đấy, nắm cơm của mẹ gói tình thương quê nhà là gói tất cả những vấn vương nhung nhớ, gói tất cả tấm lòng của Mẹ gửi cho giang sơn Tổ quốc. Bom đạn qua đi, mất mát qua đi, Mẹ lại lam lũ với ruộng đồng với cuộc sống thường nhật và lại ngọt ngào nắng trưa, cái nắng xối đỉnh đầu mà vẫn “ngọt”, đó là niềm lạc quan bất diệt của các Bà Mẹ Việt Nam, tần tảo và vị tha. Nhưng với các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thì cái “ngọt” ấy dù có pha trộn đắng cay thì cái chất Anh hùng trong Mẹ càng trở nên vĩ đại.

Ngày nay, mỗi khi nghĩ đến công cuộc giữ yên biên giới, hải đảo, chúng ta không thể không nghĩ đến các Mẹ, người sinh ra những chiến sỹ của những binh đoàn Quyết chiến, Quyết thắng, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Mẹ là sức mạnh trong chiến tranh giải phóng đất nước. Mẹ cũng là sức mạnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Mẹ mãi mãi là sức mạnh trường tồn của đất nước hình chữ S, từng tấc đất biên giới, hải đảo không kẻ thù nào có thể xâm lấn.

 

T.H

Nguồn: vanvn.net