“Chuyện lính Tây Nam” - Hồi ức của nỗi đau và lòng kiêu hãnh
Những cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga hay chiến tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam, đều đã sinh ra những thế hệ nhà văn - mà bên cạnh cái tên cha sinh mẹ đẻ, còn có một cái tên chung khác, khi gọi lên cấp bậc để “thuộc về Một Thế Hệ“. Thế hệ của lứa các nhà văn tham gia chiến tranh sống sót trở về, từng gọi nhà văn Chuẩn úy hay Thiếu úy. Chính họ, những sĩ quan giàu kinh nghiệm trận mạc, yêu tận cùng đất nước, đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, làm nên một thương hiệu vừa cá nhân vừa dung nhan có tính thế hệ.
Gần đây, trong khoảng 10 năm, tiếp nối dòng văn học Chuẩn úy xưa, cũng sinh ra một thế hệ mới thuộc về hậu chiến. Họ là những binh sĩ cấp bậc khiêm tốn, Binh nhất hay Trung sĩ. Nhiều cuốn sách của lứa binh lính này đã ra đời, tựa như thứ “quân sử” quân đội cách mạng, được viết một cách trung thực nhất khi tham gia hai cuộc chiến biên giới.
Như những mảnh rời vỡ ra từ bình pha lê của cả lịch sử giành và giữ nước, nay được chắp lại. Nếu đặt chúng bên các nhà văn thành danh, họ đâu yếu kém gì, khi xét về giá trị "dựng lại cuộc chiến ở độ cận sự thật".
Có thể nhặt ra vài ví dụ, dăm tác phẩm mà tôi biết, bạn biết. Chiến tranh chống Mỹ có cuốn truyện kí “Trận chiến trên cánh sóng“ của Binh nhất Hoàng Tiến Thắng (nay là giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh). Cuốn hồi ức lính của Vũ Công Chiến tựa đề "Quảng Trị 1972“ (Giải nhà văn Hà Nội 2017).
Và gần đây, điển hình cho giọng nói lứa binh sĩ trực tiếp can dự vào cuộc chiến, một cuộc chiến hoàn toàn chúng ta không muốn, dai dẳng, nhiều hy sinh, để đập tan bè lũ diệt chủng Pol Pot, xây dựng nên một nhà nước Campuchia hôm nay - đó là cuốn thể hồi kí “Chuyện lính Tây Nam” của tác giả Trung Sỹ mà tôi muốn đi sâu nhìn vào riêng nó.
Có lẽ nên có một cái tên nữa sau lứa nhà văn Chuẩn úy của lớp đánh Pháp và rõ hơn ở chống Mỹ. Những bính sĩ sau chiến tranh hiện đang xây dựng đất nước, có cựu binh cũng hết nhiệm vụ hợp tác lao động, vẫn đang lang bạt xứ người, đang còn ở tận châu Âu xa xôi.
Bây giờ dù trong nước hay hải ngoại, trong yên hàn, giàu có hay còn đạm bạc, họ đã trở lại nói về cuộc chiến với bao trang viết nguyên mùi thuốc súng. Lứa nhà văn binh sĩ này tên gọi là Trung Sỹ.
Khi chưa phải là nhà văn chuyên nghiệp, các cuốn hồi ức hay truyện ký có mức độ trồi sụt khác nhau. Từ cựu binh sĩ bắt tay vào sự viết lạ lẫm nên thiếu kĩ năng chuyên nghiệp, thành thục, để chặt chẽ về cấu trúc, để nhấn nhá và đào sâu những chi tiết qua trải nghiệm mà tạo ra hiệu ứng mạnh, hiệu quả hơn, gây cảm xúc hơn cho bạn đọc.
Điều ấy dễ dàng nhận ra từ kinh nghiệm đong đếm các giá trị, việc chọn lựa kĩ càng chi tiết cho mỗi thể loại văn học đòi hỏi khác nhau, lại khi tính sử liệu quá được chú trọng, quá đề cao, mà chưa thật vững về nghề. Đa số các cuốn sách ấy giá trị văn học chưa cao, kể cả ở thể loại truyện kí, song thật sự là sự sống động bởi họ "như anh nông dân vui vẻ cày xong thửa ruộng, nhẩn nha thuốc lào kể về các xoáy trâu của mình". Văn học chiến tranh nhờ họ đầy đặn và cận sự thật hơn do nhiều chiều chiếu của những người thực sự can dự vào chiến tranh.
“Chuyện lính Tây Nam” của cựu Trung Sỹ là một tác phẩm cần đề cập tới cũng làm minh chứng cho luận điểm trên của tôi.
Không phải thiên vị mà tự thân tác phẩm đã lấp gần đầy những khe nhỏ hổng trên cái phông văn học của lứa binh sĩ đã nói trên. Nó - “Chuyện lính Tây Nam” - tạo nên sự hoàn chỉnh cần có của một tác phẩm kí, vừa có tính sử liệu vừa có tính sử thi, làm đầy hai tiêu chí, hình thức thể hiện và nội hàm tư tưởng thực sự văn chương cần có ở tất cả các thể loại.
Ở “Chuyện lính Tây Nam” là thể hồi kí. Những câu chuyện có tiêu đề, cực ngắn, kể lại rất chi tiết được gối kế nhau, làm bạn đọc rất tin cậy ở một sự thật đã xảy ra ở dĩ vãng gần; cận sự chính xác và chân thực, không hư cấu, bịa đặt, đạt yêu cầu quan trọng nhất trong thể thức hồi kí (tác giả đề Hồi ức).
Tôi quan niệm khi quan sát, đọc nhiều nhà văn nhận ra rằng, ngay ở các nhà văn chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay, khi chạm tới hiện thực, lịch sử (điều hôm nay qua một ngày, hôm sau cũng là lịch sử) đều là dị bản của lịch sử - hiện thực. Khi quan sát và tạo ra một văn bản giàu tính văn học, lại mang nhãn quan cá thể, thì mọi góc chiếu đơn lẻ mang dấu ấn của nhà văn, thông qua một văn bản cụ thể, sẽ đều là dị bản. Chỗ đứng của nhà văn là ở đâu, càng xa rời chỗ đứng “Quyền lợi của dân tộc“, thì dù có nhân danh nhân loại đến mấy, cũng khó đến nhân loại.
Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu từng bàn về vấn đề này, khi ông nói nôm na, hãy đi hết dân tộc là đến nhân loại (chứ không phải ngược lại).
Chỗ đứng của nhà văn
Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng. Anh sinh 1960 ở Hà Nội. Rời Hà Nội đi vào ngay trận mạc khi vừa 18 tuổi xuân. Năm năm là quãng thời gian để anh nếm trải dày đặc các trận chạm súng, phục kích, bắn lén, càn quét và đạn “nhọn“ đạn tày... Trung Sỹ hy hữu may mắn thoát chết, kể cả hút chết chậm khi sa xuống hố chông dày đặc lại được trát lem nhem phân người, cho nhiễm vi trùng tetanot. Kẻ thù hiểm ác đã dùng cái cách của thế giới man rợ nhất, muốn người lính Việt và binh sĩ Campuchia không chết tươi ngay với đạn bom hiện đại...
Rồi Trung Sỹ mãn hạn phục vụ, theo chế độ giải ngũ với cấp bậc Trung sĩ. Trung sĩ là cấp bậc trung bình, trên còn Thượng sĩ và dưới là lính Hạ sỹ, Binh nhất và Binh nhì.
Từ Campuchia với lệnh giải ngũ, cậu trai Xuân Tùng trở lại về phố Phùng Hưng, một trong phố cổ nhất Hà Nội, đi học Trung cấp xây dựng và làm việc tại công ty Vinaconex. Lấy vợ năm 1994, khi chàng đã 34 cái xuân. Nay chàng có hai cháu trai đều đã trưởng thành. Như vậy, anh đã đủ trải thời bình, gắng tạo ra một gia đình riêng hạnh phúc.
Chính khi này, sau hạnh phúc đơn giản của con người được sống những "ngày tháng năm bình thường" song rất quý giá của hòa bình, chiến tranh lại hiện ra như từng vẫn hiện ra, để anh bình tĩnh nhiều đêm viết nên thiên chuyện kí “Chuyện lính Tây Nam” nhiều kì, kiên nhẫn từng đêm đi trên một mạng do anh em cựu binh trở về lập ra, (người đọc và người viết đa phần là anh em binh sĩ từ chiến trường K và phía Bắc trở về).
Nghiên cứu tác phẩm này của Trung Sỹ - người lính được may mắn trở về, viết cả một cuốn sách hơn 300 trang, không hề có ý định trở thành nhà văn - anh nhớ về phần máu thịt của đồng đội mình, gói trong hai từ “thân yêu”: “Đã từ lâu tôi có ý định viết về trung đoàn 2, sư đoàn 9 thân yêu của tôi...” (dòng tựa khởi đầu trên trang mạng ngay ngày đầu tiên công bố hồi ức). Những câu chuyện chân những lan nhanh trong bạn đọc mạng, để Nhà xuất bản Thanh Niên phát hiện giúp Trung Sỹ in sách.
Khi thành sách, Trung Sỹ lại lần nữa trung thực viết: “Tôi là một người lính bộ binh, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chính phủ diệt chủng Kh´mer Đỏ... Như một người lính được lệnh bước lên dưới quân kỳ, tự giới thiệu mình trước hàng quân”. Lời lẽ khiêm cung đơn giản như thế thật là tin cậy. Dù thế nào, trước sau vẫn tỏ ra: Một tuyên ngôn rất rõ ràng ở Hà Nội, trong một một chiều hè 2017.
Tôi trích mấy dòng trên để làm rõ hơn, sáng tỏ hơn thái độ tác giả với tính chính nghĩa của cuộc chiến, mà từng người lính ra trận xác lập: giúp bạn tiêu diệt bè lũ diệt chủng lập nên nhà nước Campuchia dân chủ hôm nay. Không muốn một cuộc chiến dài lê thê, tốn biết bao xương máu người Việt để cho điều an bình lâu dài hơn, không để tái diễn cuộc tàn sát, hãm hiếp: 500 người trên đảo Thổ Chu, hàng ngàn dân thường ở các làng dọc biên giới...
Địa ngục có tên là “Chiến tranh” viết hay đến nghẹn ngào…
“Chuyện Lính Tây Nam“ của một binh sĩ sau ba mươi năm im lặng, được viết lại vẫn hừng hực mùi thuốc súng, mùi máu và cả vị mặn của nước mắt đàn ông dưới những tầng chữ. Trần trụi và khốc liệt đến tàn nhẫn hai từ “Chiến tranh”. 120 đoản khúc gói lại tất cả đời sống con người phải chịu đựng mà tồn tại. Bắt đầu từ lúc anh lính ra đi, xa Hà Nội - nơi sinh ra, đến tận khi anh ta trở về Đất mẹ Việt Nam: “Dường như hạnh phúc đang phủ xuống chúng tôi một giấc ngủ lành“. Chỉ một câu ngắn ấy sau bao nhiêu hiểm nguy trải nếm trong 119 thiên chuyện trước, làm tôi, một người đọc là nhà văn và từng người lính đã kinh qua 12 năm trực tiếp chiến đấu nhiều phen thoát chết trong li tấc đã giật mình òa khóc.
Tôi nhớ ngày tôi trở về, cha tôi đánh rơi cốc khi nom thấy tôi hiện ra ở bậc cửa, khi cánh cửa lim cũ kĩ bật mở. “Thọ kìa, kìa con ơi!” - Tôi lao vào ông, ôm chặt không nói nên lời, để nước mắt của cha tôi, của tôi cứ rơi lã chã sau gần 12 năm li biệt.
Sự chuyện ngồn ngộn không thiếu bất cứ "thứ gì" mà người lính phải trải qua trong bất kì một cuộc chiến tranh nào, mà vẫn làm rõ cái riêng cuộc chiến biên giới Tây Nam. 120 đoản chuyện gói ghém mọi hành vi của con người với bản năng và bản ngã để sợ hãi, để dũng cảm, để tưởng như hèn đớn mà vượt qua tất cả mọi chuyện muốn phát nôn... Nhưng cao hơn cả cái tinh thần của người lính Việt, trước là vì mạng mình, sau là vì đồng đội cùng cái căm hờn sự ác diệt chủng làm nên hai chữ "Thương yêu" tận cuối cùng của trang sách.
Tuần tự theo từng thời gian mà viên trung sĩ tham chiến. Tất cả các chi tiết đã được kể hiện rất sinh động và không hề che đậy giấu giếm.
Ở đây cần nhấn mạnh, đụng tới thi pháp văn xuôi, có thể ẩn tàng trong chàng trai Hà Thành phố cũ - lời kể chân thực, giữ nguyên ngôn ngữ lính, mà lại là hiệu ứng tin cậy cho độc giả, ở sự thật lôi cuốn, hấp dẫn.
Thủ pháp điện ảnh ở nhiều đoạn kể, tả đã làm nên sự hình dung sinh động cho bạn đọc. Dường như người ta có thể mường tượng ngay trước mắt mọi diễn tiến, hành động, cảnh trí như những thước phim tài liệu quay chậm. Cuốn sách như mạch chảy triền miên không nghỉ. Nhà văn cao tay có lẽ cũng như thế khi tạo ra những trường đoạn ở thể kí. Tô Hoài nhẩn nha hơn, lắt léo hơn trong “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” là một cách dẫn dụ người đọc vào ma lộ của một cây bút vạm vỡ ngồn ngộn kinh nghiệm. Trung Sỹ bất cần sự quành quéo của nghệ thuật dẫn chuyện, anh cứ lia từng loạt ngắn AK 47, mạch lạc hết sức dung dị như vệt đạn lửa bắn điểm xạ hai viên một của người lính đã dày dạn, đã ngấm mọi sự chuyện vào xương tủy và máu thịt.
Trong chiến cuộc từ thời chống Pháp, chúng ta có nhiều nhà văn từ Hà Nội ra đi như Nguyễn Huy Tưởng với những trang văn tài hoa về cuộc chiến đấu trên Hà Nội tuy ông là người Bắc Ninh. Còn trong thi ca chúng ta có “Tây tiến” của Quang Dũng, đầy chất hào sảng và lãng mạn của những thanh niên từng đầm mình ở Thăng Long, dầu ông là kẻ chợ Phượng Trì - Đan Phượng (xưa là Hà Tây cũ).
“Chuyện lính Tây Nam” khí văn, hơi văn cũng có âm hưởng ấy - cái lãng tử tài hoa của lứa sau "Chu Lai phố nhà Binh". Và có lẽ, chính sự gốc gác “Tâm hồn Hà Nội” ấy góp phần làm những câu chuyện trở nên giàu chất văn chương hơn, dù cho Trung Sỹ viết trần trụi hơn cả thế hệ trước. Những điều đã xảy ra trên địa ngục có tên là “chiến tranh”, vẫn tạo nên sự lấp lánh của từng trường đoạn ở “Chuyện lính Tây Nam”.
Chi tiết đời sống chiến tranh
120 câu chuyện trong “Chuyện lính Tây Nam” được gói vào đó rất nhiều chi tiết của đời sống chiến tranh. Từ câu chuyện mang tính hồi ức, tác giả sử dụng chọn lọc khá nhiều chi tiết rất chung ở chiến tranh có người Việt tham chiến mà lại riêng đặc thù Chiến trường K.
Một mặt nó tạo ra sự hấp dẫn, bởi những điều tác giả kể toàn là các câu chuyện lạ hóa so với đời sống bình thường. Không phải người trực tiếp tham chiến không sao hư cấu, bịa tạc, “dựng” được. Các câu chuyện được chọn lọc, đan cài rất tự nhiên, uyển chuyển ở giọng kể nên hiệu ứng hấp dẫn. Như tôi phân tích ở phần trên, tác giả Trung Sỹ vốn là người có gốc gác văn hóa, lớn lên trên mảnh đất hào hoa, sự quan sát để ghi nhận sự kiện, hoàn cảnh đều tinh tế và tạo nên hồn sống, cái chất lính ở ngôn ngữ ấy, ở tâm hồn tác giả người lính Hà Nội quyện lại đặc sánh tạo ra những cung bậc của tầng chữ.
120 câu chuyện của đời sống chiến tranh không chỉ giàu chất sử thi về cuộc chiến mà trong đó phản ánh rất rõ bộ mặt của quân diệt chủng Pol Pot, cả chiến thuật mà địch quân sử dụng đến chiến lược phát triển chiến tranh mà chúng tiến hành trong hơn chục năm. Vô hình chung, khi kể hết “đời sống” của tác giả và đồng đội, cuốn sách như một cuốn kỹ năng sống, chiến thắng của đội quân cách mạng Việt Nam khi tiến hành chiến tranh tự vệ và sau đó là chiến tranh bên cạnh quân đội nhà nước Campuchia tiêu diệt quỷ dữ.
Nhưng tất cả những điều ấy không quan trọng bằng cuốn “Chuyện lính Tây Nam” phơi bày được rất sinh động tâm lí binh sĩ tham chiến. Những nghĩ suy, tình cảm, tinh thần của người lính tình nguyện, thông qua chính tác giả và rõ ra từ những diễn biến trận mạc để người ta phải chiến thắng cái yếu hèn trong mỗi con người trước gian khổ, thiếu thốn và nhất là trước cái chết.
Tham gia chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi ở mặt trận Tây Nguyên. Đó là nơi xa nhất miền Bắc hậu phương, không như chiến trường Nam bộ trong lòng dân giữa vựa lúa gạo, binh sĩ chúng tôi rất thiếu đói và trang bị có mùa mưa rất đáng ngại. Ăn đói và mặc rách. Những người lính đánh nhau ở Campuchia trong giai đoạn đất nước ta khó khăn nhất, thiếu sự ủng hộ của phe Xã hội Chủ nghĩa, Mỹ còn cấm vận. Chúng ta vừa trải qua một cuộc chiến chống Mỹ hơn 20 năm, khi mà nền kinh tế chưa đổi mới để phát triển như ngày nay nên anh em binh sĩ ở chiến trường K coi quân trang quân dụng bộ đội thời đánh Mỹ là mơ ước.
Tâm sự với binh sĩ từ K trở về như Trung Sỹ, họ nói, chúng em mặc thứ quần áo mà chưa vò đã nhàu, đã rách. Họ ước ao được một bộ quân phục Tô Châu của chúng tôi vốn rất bền. Nhưng khó khăn tương tự như thế đòi hỏi binh sĩ ở K một nỗ lực rất lớn, vượt qua đói nghèo rách rưới, bệnh tật, bom đạn mà hoàn thành nhiệm vụ, trở về. Ở đây, trong cuốn sách “Chuyện lính Tây Nam” này đã được phơi bày rất rõ, đó là điều chính nhất mang tính tư tưởng của cuốn sách, điển hình và phổ quát rõ “Tinh thần người lính” trong “Đời sống chiến tranh“.
Đó là sự thành công đáng nói nhất trong tập sách này về giá trị nội dung. Cuốn sách đã được sinh ra trong một cuộc chiến mà tác giả không mong muốn, nhân dân và Nhà nước ta không muốn khi nghiên cứu lịch sử cuộc chiến Biên giới Tây Nam và chiến tranh tiêu diệt bè lũ diệt chủng để có Campuchia hòa bình ngày hôm nay.
Đánh giá một cuốn sách cũng cần một góc nhìn hay Vĩ thanh
Tôi đã nghe đi nghe lại 6 lần (băng ghi trên mạng) toàn bộ cuốn Hồi ức “Chuyện lính Tây Nam” cùng dăm cuốn sách khác viết về cuộc chiến Campuchia để so sánh và tham chiếu. Lại đọc thêm một lần trên mạng do anh em binh sĩ lập ra khi tác giả Trung Sỹ từng đêm viết và đọc thật kĩ khi nó thành sách.
Với tư cách một nhà văn viết kha khá ở thể truyện ngắn, bút kí, tản văn về chiến tranh cũng như với tư cách một cựu binh trực tiếp chiến đấu hơn 11 năm, tôi hoàn toàn chia sẻ “Chuyện lính Tây Nam” đó là một hồi ức buồn của một người Việt đến miền địa ngục có tên là chiến tranh. Và chiến tranh thì làm gì có vui, kể cả khi sau một trận chiến thắng?
Hãy để những người lính Việt nói về cảm giác nhìn những xác chết của kẻ thù, những kẻ bị đẩy vào cuộc chiến, dù trước đó kẻ thù hung ác, nham hiểm và man rợ. Nhưng xuyên suốt cuốn sách là buồn nhưng không nản, đau thương mất mát, căng thẳng quá đỗi nhưng họ vẫn cố sao hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước, quân đội giao cho họ trong một nhiệm kì phục vụ.
Tôi không giấu giếm bạn đọc và các nhà phê bình văn học rằng, tôi đã chùi nước mắt nhiều lần khi đọc lại “đời sống chiến tranh” - một đời sống mà tôi không muốn trải qua lần nữa, cũng có rũ bỏ để quên đi sau những trang viết về nó của chính tôi. Nhưng chính Trung sỹ lại cho tôi hồi tưởng lại chúng tôi. Đau khổ và kiêu hãnh những con người Hà Nội nói riêng và nói chung là binh sĩ cách mạng Việt Nam.
Điều cực quan trọng hơn thế là, dẫu chiến tranh đã từng như thế vẫn không làm tôi thiếu tin cậy ở dân tộc, ở bản anh hùng ca viết bằng máu, xương, cả nỗi đau khổ... giấu trong nhiều thế hệ, nối nhau mà sẵn sàng bảo vệ đất nước.../.
Đạn nhọn: Đây là danh từ thế hệ chiến trường K hay dùng, nói về loại đầu đạn không nổ như súng CKC, AK 47 hay AR 15, Các bin... để so sánh với các loại súng đạn tày, hình quả trứng, điển hình như phóng lựu cá nhân như M79 và các loại đạn súng cối...