Đi tìm bản ngã, một hành trình vô tận

19.10.2018

Đi tìm bản ngã, một hành trình vô tận

Đôi khi, người ta không hiểu bản thân thực sự muốn gì và cần gì. Cái tôi, là một điều vô thường, bởi có những góc khuất trong tâm hồn luôn cần được che giấu.


Người ta thường nói rằng: “Trên một cái cây, không có hai chiếc lá hoàn toàn giống nhau”. Con người cũng vậy, mỗi người một vẻ: trầm lắng, nhiều tâm sự hay giản dị, không ưu phiền. Chính sự khác biệt ấy làm cuộc sống thêm thi vị. Văn chương cũng giống như đời người. Mỗi sáng tác lại mang đến cho người đọc một cảm nhận khác nhau.

Có tác phẩm mang tới không khí dồn dập, gấp gáp của những chi tiết ngồn ngộn, liên tục đan cài vào nhau. Đôi khi, gấp một cuốn sách lại, người ta có cảm giác đọc một lần là chưa đủ, bởi cái ý tứ của câu chuyện không nằm hết trên trang giấy, mỗi lần đọc là một lần chiêm nghiệm. Bởi có những áng văn không thể vội vàng! Và Chuyến tàu nhật thực của Đinh Phương là một tác phẩm như vậy.

“Cái tôi” hay tấm gương để ta soi lại chính mình

Từ Nhụy khúc đến Chuyến tàu nhật thực Đinh Phương đều đưa người đọc vào một hành trình chông chênh giữa thực và mơ, giữa sáng và tối, giữa tốt và xấu. Những con người đi tìm chính mình trên một cuộc hành trình tưởng tượng.

Hành khách của “chuyến tàu nhật thực” là những ai? Một anh công chức ở tỉnh lẻ, luôn cảm thấy nhàm chán với cuộc đời quá tẻ nhạt của chính mình. Một người phụ nữ trẻ đã lập gia đình, lặp đi lặp lại chuỗi ngày vô vị: đến cơ quan, rồi về nhà lo toan cho gia đình. Họ bình thường, dung dị như bao người chúng ta vẫn gặp hàng ngày.

Một người đàn bà với vẻ ngoài hiền lành, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều tâm sự. Nàng sợ những kí ức về thị trấn và gia đình đã tan vỡ trước kia lại hiện về trong tâm tưởng. Mẹ của nàng là một người đàn bà lẳng lơ, nàng lo sợ mình sẽ trở thành bản sao của mẹ. Thị trấn với nàng là một nơi vừa đẹp đẽ, vừa mang nhiều u hoài và khắc khoải.Nhưng bên trong họ là những bản ngã rất khác. Khi nói đến cái tôi, người ta nghĩ ngay đến tính cá nhân riêng biệt, một thứ luôn là duy nhất. Liệu một con người có thể tồn tại nhiều “cái tôi” được không? Ở mỗi giai đoạn, khi người ta nhắm tới những mục tiêu khác nhau, lại có những bản ngã riêng được biểu lộ. “Cái tôi” dường như không phải là một định nghĩa bất biến. Thế nên con người ta mới hoang mang không biết mình cần gì và muốn gì.

Thị trấn là nơi chàng viên chức tẻ nhạt bỏ lại sau lưng với tất cả những kí ức về một thời thơ ấu khốn khó. Chàng trai ấy lên tàu với một tâm trạng lưỡng lự, nửa muốn quay về, nửa muốn quên đi. Ngoài họ trên tàu còn có những hành khách khác. Qua mỗi ga, người cứ thưa dần, phải chăng họ đã tìm được bến đỗ cho riêng mình. Họ biết họ là ai và họ thực sự muốn gì?

Trong Chuyến tàu nhật thực, Đinh Phương quan sát cuộc sống từ hai điểm nhìn khác nhau. Ở đó, các nhân vật của anh vừa đóng vai trò là người tìm kiếm, lại vừa là kẻ chạy trốn. Đời sống luôn ở trong một thế giằng co. Người ta vừa muốn khám phá xem mình cần gì, lại vừa sợ hãi trước những điều xấu xa, đen tối lâu nay vẫn tồn tại trong tâm khảm.

Một lý lịch không trong sạch, một kí ức đầy đau thương, một việc làm tội lỗi… đó là những thứ nên quên. Nhưng ngược lại, phải dũng cảm đối diện với nó chúng ta mới tìm được bản ngã thực sự của chính mình. Không thể sống mà chỉ phô ra những điều tốt đẹp và mải miết giấu đi những thứ xấu xa. Đó là một màn kịch khiến người ta mệt mỏi.

Trong Chuyến tàu nhật thực, những chi tiết về giấc mơ được lặp đi lặp lại trong tác phẩm. Các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này cùng lúc tồn tại trong hai vùng không gian riêng biệt: hiện tại và giấc mơ. Giấc mơ, chính là ẩn dụ về đời sống khác, khi con người ta được là chính mình. Bởi vậy, khi quay về với thực tại chúng ta mới cảm thấy ngột ngạt và nhàm chán.

Trong tác phẩm, nhân vật của Đinh Phương nhiều lần nhắc tới bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ- Carl Gustav Jung. Đồng thời các nghiên cứu của ông cũng ẩn hiện một cách khéo léo trong cuốn tiểu thuyết này. Hình ảnh, “chuyến tàu nhật thực” chính là hiện thân của vô thức cá nhân và vô thức tập thể trong các nghiên cứu của cha đẻ trường phái tâm lý học phân tích.

Trong miên man của tưởng tượng và những giấc mơ, đôi lúc độc giả sẽ phải giật mình vì những hình ảnh chân thực mà sắc lạnh được tác giả gieo vào trong tác phẩm. Đây đó, vẫn có những dư vị đầy mơ mộng và chất thơ. Viết lách vốn là một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi bước đi, người ta phải tìm cách tự đổi mới chính mình.

Thụy Oanh
(news.zing.vn)