Cổ tích sông Hồng-Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên
Người dẫn đường cho tôi cổ ngoạn sông Hồng lần đầu tiên có lẽ là...thơ! Ôi sông Hồng mẹ của ta ơi / Người chất chứa trong lòng bao điều bí mật / Bao kho vàng cổ tích / Bao tiếng rên nhọc nhằn / Bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người...(*). Vậy rồi từ đó, cái con sông cổ tích, cái con sông chất chứa bao điều bí mật ấy đã cám dỗ tôi bao cuộc lãng du, không chỉ loanh quanh trong cái quãng sông: Hoa gạo đỏ bờ sông những đền miếu phố phường, hoặc xa hơn một chút: Mái rạ bờ tre hoàng hôn khói bếp, mà là xa xôi hơn nữa, cao hơn nữa, có khi đến cả tận vùng non cao biên giới : Nơi đầu sông đầu suối Nơi đầu mây đầu gió !
Vậy đấy, ven theo đôi bờ, uốn lượn dọc theo triền đê, những làng cổ nằm rải rác ven sông, các di tích hàng ngàn năm tuổi, thế mà cái kinh thành cổ sử “ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh” chỉ cách Hà Nội một quãng đường đê độ vài chục cây số, cho đến mãi bây giờ tôi mới có cơ hội đứng bên bờ tường thành của hai ngàn năm trước, mà tưởng ra trong quang ba của nắng gió sông Hồng hiện lên cái bóng dáng hồng nhan kỳ vĩ trong lịch sử: “ Hồng quần nhẹ gót chinh yên” !
Đất nào đất chẳng nghìn năm, nhưng cái làng Hạ Lôi huyện Mê Linh – quê hương của Hai Bà Trưng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng là cái đất được lịch sử lựa chọn, đặt lên vai các bậc nữ anh hùng cái sứ mệnh cao cả: mở đầu trang sử dân tộc chống ngoại xâm.
“ Ngàn Tây nổi áng phong trần. Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên. Hồng quần nhẹ gót chinh yên. Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành”. Ôi chao, cái bài học thuộc lòng đâu tự ngày xửa ngày xưa trong “ Đại Nam Quốc sử diễn ca” tôi học ở trường làng cứ ngỡ như những giấc mơ, thế mà giờ đây, tay tôi chạm vào “ giấc mơ” ấy cái “ Đô kỳ Mê Linh” cụ thể đến từng viên sỏi trên đường. Trong phút giây hoan lạc đó, thằng bé ấu thơ trường làng là tôi cứ tự do thỏa thích mà véo von lên trời: “ Bà Trưng quê ở Châu Phong. Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên. Chị em nặng một lời nguyền. Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”. Vâng, bây giờ thì tôi đang lạc lối trên cái đất “ Đô kỳ” của ngàn xưa ấy. Lạc lối là vì nơi đây hiện thực và huyền thoại chừng như cứ đan xen vào nhau, lẫn vào nhau. Đi giữa một vùng đất ngoại ô trù phú và giàu có, hầu như ở Mê Linh bây giờ con đường nào cũng lầu đài, biệt thự thi nhau mọc lên, như minh họa một sức sống hiện đại mà khó có làng quê nào sánh kịp. Phù sa sông Hồng tưới tắm những cánh đồng hoa mông mênh Hạ Lôi, Thạch Đà, Tiến Thịnh, xóm Bàng…, cứ như những nơi ấy mùa xuân không bao giờ kết thúc.Thế nhưng đan xen trong khoảng trời vang động bước bàn chân đó, thi thoảng nhìn xa xa, ta lại bắt gặp những đền đài, đình chùa rêu phong cổ kính, như một thứ kho tàng của thời gian gìn giữ lửa thiêng cho đất, để con người có những giờ phút lắng mình lại, soi mình vào đó mà bước tiếp về phía tương lai.
Tôi đã có những giờ phút vào những nơi chốn ấy chiêm bái, thắp nén hương trầm tưởng nhớ người xưa. Từ những đền Phố, đình Hạ Lôi cho đến chùa Đoài…,đền thờ Hai Bà Trưng là nơi tôi dừng lại lâu hơn cả. Theo sách “ Mê Linh một vùng đất cổ” mô tả thì đền thờ Hai Bà Trưng được xây dựng ngay trên đất thành Mê Linh xưa. Ban đầu ngôi đền được dựng lên sơ sài bằng tre lá. Đến triều vua Đinh (968-980) mới được xây dựng lại bằng gạch, từ đó các triều đại về sau trùng tu, mở rộng ngày mỗi lớn hơn. Và có lẽ ngày nay, cùng với việc xếp loại di tích cấp quốc gia, đền thờ Hai Bà được qui hoạch mở rộng xây dựng với qui mô lớn nhất, có đến hơn hàng chục hec ta, bao gồm các công trình: Cổng Tam môn ngoại, nhà tiền tế, cổng Tam môn nội, nhà trung tế, và sau cùng là Tam tòa chính điện. Phía hai bên tả hữu cổng Tam môn nội là lầu chuông và lầu trống, chính giữa là sân đá rộng có 18 cỗ voi đá xếp hàng hai bên. Trong sân đền còn cả một đồi đất trồng các loài cây cổ thụ tỏa bóng râm mát. Phỏng theo truyền thuyết Hai Bà, còn có các hồ mắt voi, hồ tắm voi, lạch vòi voi, và hồ bán nguyệt trước dãy nhà của Ban quản lý khu di tích. Hằng năm, vào ngày mùng sáu tháng giêng đền thờ Hai Bà Trưng mở lễ hội, đây là ngày mà gần hai ngàn năm trước,vào mùa xuân năm 40 (sau Công nguyên) Hai Bà Trưng làm lễ tế cờ khởi nghĩa .
Truyền thuyêt của làng Chu Phan huyện Mê Linh kể lại rằng: Sau khi làm lễ tế cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát (một phụ lưu của sông Hồng), Hai Bà Trưng kéo quân về Mê Linh. Trên đường tiến quân, khi đến làng Chu Phan thì trời tối, Hai Bà cho quân dừng lại nghỉ qua đêm tại đây. Đêm ấy Trưng Trắc nằm mộng thấy có ba vị thần hiện ra tự xưng tên hiệu là: Hải Thần, Nhật Trực và Chàng Út, cả ba vị thần đều nhận sẽ theo giúp Hai Bà đánh giặc Đông Hán. Sau khi thắng trận, Trưng Trắc lên ngôi vương, nhớ tói công ơn ba vị thần đã phò trợ, Trưng Vương đã phong danh hiệu cho từng vị và sức dân cho lập đền thờ ba vị thần tại làng Chu Phan.
Dường như ở đất Mê Linh, làng quê nào cũng huyền ảo truyền thuyết về Hai Bà. Ngay cả Hai Bà cũng được quần chúng nhân dân truyền tụng sinh ra từ…truyền thuyết. Chuyện rằng: Ông Hùng Định là lạc tướng của đất Mê Linh, thuộc dòng dõi họ Hùng Vương, đã cầu hôn cùng bà Trần thị Đoan, một trang tuyệt sắc, giỏi dệt vải tằm tang ở làng Hạ Lôi. Hai người ăn ở với nhau đã lâu nhưng chưa sinh được người con nào. Một đêm bà Đoan nằm mộng thấy vì tiên hiện ra ban cho một cành mẫu đơn trắng muốt, hương thơm ngào ngạt. Sau đó bà mang thai, đến kỳ sinh hạ được hai người con gái. Nghĩ đến nghề tằm tang, lứa đầu gọi là kén trắc, lứa sau gọi là kén nhị, ông bà đặt tên cho hai cô con gái của mình là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Thế đấy, từ hiện thực của những tâm hồn biết ngưỡng vọng cái đẹp, cái cao cả, truyền thuyết được quần chúng sáng tạo ra và nuôi dưỡng như biểu thị sức sống vĩnh hằng của cái đẹp trân quí đó giữa lòng dân tộc. Ngót gần hai nghìn năm đã qua, với lượng thời gian dằng dặc thăm thẳm đó, biển dâu bao lần lấp bể dời non, ấy vậy mà những nơi Hai Bà Trưng và tướng lĩnh cùng nghĩa quân đi qua, những chiến trận và thành lũy mà đoàn quân Hai Bà đã chiến đấu và lập nên, vẫn còn mãi đó bao dấu tích, có nơi trở thành những đền miếu thiêng liêng nhân dân thờ phượng.
Đi trên triền đê sông Hồng, trí tưởng cứ dẫn dắt tôi qua từng địa danh: Đồng Hàn, Đồng Tranh, Hồ voi tắm…, từ những đoạn tường thành xa xưa còn lưu dấu lại, tôi nhìn ra từng nơi ấy lung linh phóng ảnh của Hai Bà – Hai vị nữ anh hùng cưỡi voi xung trận đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi đất nước. Lễ hội mùa xuân Hai Bà chưa đến ngày khai hội, mà sao âm vang đâu đây cờ dong trống rước hòa trong nắng gió lao xao thổi dọc bờ bãi sông Hồng. Khoảnh khắc đó, những câu thơ như từ ngọn nguồn huyết quản thăm thẳm vô thức của tôi cứ tràn ra hòa điệu cùng sông : Ôi sông Hông…Người chất chứa trong lòng bao điều bí mật/ bao kho vàng cổ tích../Bao xoáy nước réo sôi trong ngực rộng của người !
NNT
______________________
(*) Thơ Lưu Quang Vũ