Chuyển động đời sống lý luận phê bình văn học - nhìn từ hai công trình được tặng thưởng

05.01.2021
Nguyễn Thanh Tâm
Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2020 (cho các tác phẩm xuất bản năm 2019) vừa được trao. Trong 4 công trình được tặng thưởng mức A, có hai tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học: "Ma thuật của truyện kể" (Cao Kim Lan), "Giấu vàng trong gió thu" (Khuất Bình Nguyên).

Chuyển động đời sống lý luận phê bình văn học - nhìn từ hai công trình được tặng thưởng

Dĩ nhiên, để lựa chọn được một tác phẩm tặng thưởng, hội đồng thẩm định đánh giá đã phải làm việc và căn cứ trên nhiều phương diện, yếu tố. Trong đó, chất lượng học thuật, chuyên môn là điều được lưu ý đầu tiên. Nhìn vào các tác phẩm được tặng thưởng, ít nhiều chúng ta cũng nhận thấy những chuyển động của đời sống lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam.

Có hai hướng chuyển động lớn nếu nhìn vào tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho văn học ở hạng mức cao nhất. Hướng thứ nhất, tiêu biểu là công trình "Ma thuật của truyện kể" (Nxb Khoa học Xã hội, 2019). Đây là một chuyên luận sâu về lý thuyết tự sự học gắn với quá trình chuyển dịch từ kinh điển đến hậu kinh điển. Ma thuật không phải là một sức mạnh siêu nhiên kỳ bí nào, mà đó chính là năng lực của nhà văn trong việc tạo nên sức hấp dẫn của truyện kể. Lý giải hành trình đi từ tự sự học kinh điển đến tự sự học hậu kinh điển, các lý thuyết gia đại diện, các trường phái tự sự hay kinh nghiệm tổ chức thế giới truyện kể, kinh nghiệm đọc, các bình diện của nghệ thuật kể chuyện... Cao Kim Lan đem đến cho người đọc những tri thức thực sự quan trọng, chuyên sâu. Tuy vậy, do tính chất hàn lâm, cuốn sách dường như phù hợp với bộ phận nghiên cứu chuyên sâu hơn là công chúng phổ thông.

Cảm xúc của việc đọc những công trình như thế này sẽ chỉ đến với những độc giả được trang bị một vốn liếng tri thức tương thích, căn bản. Như thế là tốt hay không tốt? Chúng tôi cho rằng, khuynh hướng này rất tốt trong bối cảnh lý thuyết, lý luận phê bình ở nước ta còn bề bộn, xô bồ như hiện nay. Loạn lý thuyết không phải là điều đến giờ mới được nói đến. Cần có những người am hiểu, đọc được nguyên ngữ và chuyển dịch một cách tường tận, chính xác vào không gian nghiên cứu học thuật trong nước. Cao Kim Lan là một tiến sĩ chuyên ngành lý luận-lý thuyết văn học, từng tu nghiệp ở Singapore, Anh, Tây Ban Nha... nên có điều kiện tiếp cận với các lý thuyết văn học trong môi trường sinh thành của nó. Vì vậy, những giới thuyết, nghiên cứu của chị rất đáng tin cậy. 

Hướng thứ hai, gợi lên từ công trình phê bình thi thoại "Giấu vàng trong gió thu" của Khuất Bình Nguyên (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Cuốn sách được đánh giá cao bởi cách thức tiếp cận các hiện tượng văn học theo kiểu thi thoại. Hướng này không mới, nhưng lại giàu sức sống bởi nó gắn với sinh hoạt văn chương, gắn với tác giả, tác phẩm, thông qua các câu chuyện làng văn: Chuyện đời, chuyện người, chuyện văn. Cùng với chuyện là những phân tích, đánh giá, bình luận trên cơ sở cảm nhận chủ quan của người viết. Thực ra, xét từ khía cạnh bản chất, phê bình bao giờ cũng là tiếng nói chủ quan, sự can dự và nội tâm hóa quá trình đọc của nhà phê bình là yếu tố khiến cho đời sống của tác phẩm được chuyển hoạt trong không gian tương tác. Dù viết về các tác giả đương đại hay quá khứ, người còn sống hay đã mất, người Nam hay Bắc,... những trải nghiệm chuyện đời, chuyện người, chuyện văn mà Khuất Bình Nguyên tựa vào để dẫn dắt  cảm xúc, suy tư khiến cho phê bình thực sự là một quá trình đồng hành đầy thông hiểu.

"Giấu vàng trong gió thu" phải được gọi chính xác là một cuốn chân dung-thi thoại, khi ở đó, người đọc được tiếp xúc với những câu chuyện xung quanh các nhà văn, nhà thơ danh tiếng của Việt Nam: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Trần Huyền Trân, Trần Mai Ninh, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Kiều Minh, Lãng Thanh... Không đặt ra mô hình lý thuyết để viết theo hướng vận dụng, Khuất Bình Nguyên chọn cách thuật lại hành trình tham dự vào đời sống tác phẩm, thám hiểm thế giới tinh thần nhà văn thông qua giai thoại, thông qua chính câu chuyện mà mình được nghe, được đọc, được trực tiếp trải nghiệm. Một số bài trong cuốn sách giống như là một ghi chép, một du ký văn học từ trang sách đến trang đời của Khuất Bình Nguyên (viết về Bích Khê, Hoàng Cầm...). Phải nói rằng, cuốn sách của Khuất Bình Nguyên thể hiện một hướng đi khác với "Ma thuật của truyện kể". Trong thực tế, nhà văn, nhà thơ viết phê bình cũng không phải là hiếm. Họ có thế mạnh ở chính những trải nghiệm “bếp núc” sáng tác, cộng với tâm hồn nghệ sĩ, làm cho trang văn trở nên linh hoạt, giàu chất văn, giàu xúc cảm. Cái tôi của người viết được thể hiện rõ hơn qua góc nhìn, văn phong, giọng điệu, cách thức tổ chức, thủ pháp và ngôn ngữ biểu đạt (trái với những tác phẩm nghiên cứu hàn lâm hướng đến sự chặt chẽ, khách quan, duy lý...).

Giới nghiên cứu phê bình cũng đã chỉ ra những khuynh hướng phê bình khác nhau như phê bình hàn lâm, phê bình báo chí, phê bình nghệ sĩ... Trong thực tế, nếu hiểu khoa văn học bao gồm: Lý luận văn học, Lịch sử văn học, Phê bình văn học, thì "Ma thuật của truyện kể" nằm ở bộ phận lý luận văn học, "Giấu vàng trong gió thu" ở phần phê bình. Một tác phẩm phê bình xuất sắc là sự đan bện nhuần nhuyễn của chất khoa học duy lý và chất nghệ sĩ duy tình. Chắc chắn rằng, từ trong ý niệm, Cao Kim Lan và Khuất Bình Nguyên đều không hướng đến sự dung hội ấy. Con đường "Ma thuật của truyện kể" hướng đến chất hàn lâm, duy lý, khách quan với tinh thần Apollo, còn "Giấu vàng trong gió thu" lại đi theo bước chân thần Dionysos-say mê, hoan lạc.

Việc trao tặng thưởng mức A cho hai cuốn sách thuộc lĩnh vực văn học này của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, ngoài những yếu tố khách quan thuộc về số lượng công trình gửi đến đăng ký xét tặng thưởng, từ bên trong, hai cuốn sách ít nhiều cho thấy sự chú ý khá rõ của hội đồng đến các bộ phận của khoa văn học. Đó là một sự chú ý xác đáng, nhằm trình ra trước mắt người đọc những con đường, những khả năng của nghiên cứu lý luận-phê bình văn học. Nói là ngả đường, khuynh hướng, thực ra cũng mang tính tương đối, vì hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình, tự nó tìm thấy ánh sáng của nhau, để soi chiếu và hỗ trợ, nhằm có được những kiến giải, thẩm định văn chương một cách thấu đáo nhất.

(qdnd.vn)