Nhạc sĩ Trương Ðình Quang - người nặng lòng với âm nhạc truyền thống
Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Thi Sách (quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng), ở tuổi 83, nhạc sĩ Trương Ðình Quang (trong ảnh) vẫn miệt mài sáng tác ca khúc, viết tiểu luận nghiên cứu về văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống xứ Quảng. Ông chọn cho mình niềm đam mê sâu nặng với âm nhạc truyền thống như bài chòi, hát bộ xứ Quảng, đến độ giới nghiên cứu thường gọi đùa Trương Ðình Quang là kho tư liệu sống về đất Quảng.
Tận mắt ngắm tủ sách đồ sộ được sắp đặt ngăn nắp với hàng nghìn cuốn sách, mới hiểu rằng, người nhạc sĩ ấy đã đổ bao tâm sức cho niềm đam mê của mình.Giờ đây, ông như một sứ giả kết nối giữa dòng chảy văn học - nghệ thuật đất Quảng với bạn bè trong và ngoài nước. Ông đang tận dụng hết thời gian còn lại của cuộc đời để thực hiện tâm nguyện đó của mình.
Trong câu chuyện, nhạc sĩ Trương Ðình Quang nhắc nhiều đến những người bạn từng cùng ông gắn bó với văn nghệ từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp trên đất khu V. Những năm tháng đó, ông và bè bạn là thế hệ trưởng thành sau nhóm nhạc sĩ tài danh ở Hội An (Quảng Nam) như: La Hối, Vương Gia Khương, Vương Quốc Mỹ, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Tú Mỹ... Từ năm 1955 - 1959, Trương Ðình Quang ra bắc theo học Trường Âm nhạc Việt Nam, được học các bậc thầy âm nhạc như: Tạ Phước, Tô Vũ, Lê Yên... Rồi ông rẽ sang lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ truyền, sân khấu kịch hát bài chòi, hát bội, văn học dân gian. Giữa năm 1963, sau một thời gian làm việc ở Nhà xuất bản Âm nhạc, ông về Ban nghiên cứu - sáng tác của Ðoàn ca kịch bài chòi liên khu V. Cùng với những nhạc sĩ tài năng của sân khấu kịch hát bài chòi như Văn Cận, Hoàng Lê, Cung Nghinh, Trần Hồng, Hà Sâm... Trương Ðình Quang đã có những đóng góp lớn cho âm nhạc sân khấu bài chòi. Ông là đồng tác giả của vở "Tiếng sấm Tây Nguyên"; vở "Vượt Chư Lây"... Là bạn học cùng thời với thế hệ các nhạc sĩ như Huy Thục, Hồng Ðăng, Hoàng Hiệp, Vĩnh Cát, Thụy Loan..., ông nói rằng, lớp của ông hồi học ở miền bắc, giờ còn lại có tám người, thì hai người đã bị đau rất nặng. Nhưng đời người nghệ sĩ, con mắt còn tinh, đôi tai còn thính, bước chân còn vững, thì vẫn phải luôn động não để suy nghĩ. Ông cứ bị cuốn vào công việc, và chỉ có công việc mới giúp cho bản thân nhận ra những giá trị thực của cuộc sống, của lao động sáng tạo thật sự.
Những đóng góp của nhạc sĩ Trương Ðình Quang đối với kho tàng âm nhạc dân tộc, văn nghệ dân gian xứ Quảng với những tập sách biên khảo, tư liệu, sưu tầm như Lịch sử kịch hát bài chòi; Men rượu hồng đào (Dân ca Quảng Nam); Tuồng hát bộ Quảng Nam; Với bài hát và ca kịch quê hương. Từ năm 1994 đến nay, ông liên tục được nhận giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam. Và tin vui nhất ông mới nhận là ông vừa được Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật lần thứ ba. Chia sẻ với tôi về niềm vui này, ông nói rằng, một đời làm nghệ thuật, có bao giờ mình nghĩ sẽ giành được giải thưởng đâu. Khi có công, ắt có thưởng. Ðối với người làm nghệ thuật, phần thưởng lớn nhất vẫn là những giá trị mà anh để lại cho đời, được sàng lọc qua thời gian và được công chúng đón nhận.
83 tuổi, ông vẫn làm việc, với phong thái rất ung dung, tự tại. Ông đọc tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Hán. "Vốn tri thức tự học bao giờ cũng phong phú hơn cái được học", ông tâm niệm thế. Phòng làm việc của ông có cái bàn nhỏ giản đơn, và tài sản ông quý nhất là tủ sách lớn với hàng nghìn cuốn sách quý. Ông vẫn cẩn thận ghi vào từng tờ giấy nhỏ gắn trên bàn làm việc, trên tường, trên tủ sách những việc cần làm, việc đang làm dở dang và những việc sẽ làm. Ông nói đùa là nhờ có công việc mà cuộc sống này bớt cô đơn, nhất là sự cô đơn trong chính con người mình. Ông nói rằng, giới trẻ bây giờ có một đời sống tốt, nhưng hình như cái nền văn hóa, cái gốc văn hóa đang dần bị cơ chế thị trường lấn át quá chăng? Nhưng ông tin rằng, cuộc sống này đáng quý biết bao khi hằng ngày vẫn thấy nhiều người sống vì cái chung, vì cộng đồng.
NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO
Nguồn: nhandan.org.vn