Từ trinh thám đến phản trinh thám: Những thể nghiệm sáng tạo và tiếp nhận

01.03.2024
Đông Bích
Trong lịch sử nghiên cứu truyện trinh thám, nhiều nhà phê bình hình dung đó là một thể loại văn học tĩnh tại và nguyên khối, luôn vừa vặn trong những mô hình, công thức đã được định sẵn. Nhưng sự thể nghiệm sáng tạo truyện trinh thám lại cho thấy một thực tế khác: bộ phận văn học này đã tham gia vô cùng linh động vào quá trình đổi mới lối viết.

Từ trinh thám đến phản trinh thám: Những thể nghiệm sáng tạo và tiếp nhận

Từ khi chính thức trở thành một thể loại độc lập, văn học trinh thám đã đi qua chặng đường phát triển gần tròn hai thế kỉ với nhiều hình thái khác nhau: trinh thám cổ điển, trinh thám đen, trinh thám chính trị, trinh thám tâm lí, phản trinh thám. Và mỗi hình thái truyện trinh thám trong tiến trình ấy lại dự phần vào làm mới diện mạo thể loại.

Bắt đầu từ hình thái đầu tiên trong tiến trình phát triển thể loại trinh thám, truyện trinh thám cổ điển được mô tả là những tác phẩm xoay quanh vụ án và hành trình điều tra. Thể loại này chính thức xuất hiện từ tháng 4 năm 1841 bằng sự kiện Edgar Poe công bố truyện ngắn về thám tử người Pháp tài ba Ausguste Dupin: Vụ án đường Morgue. Từ câu chuyện tội ác đầu tiên tại phố Morgue song sinh với đề tài về sự bí ẩn diễn ra bên trong căn phòng khóa kín, truyện trinh thám cổ điển đã phát triển nở rộ ở Anh, Pháp và sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật, Trung Quốc… Khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến được định danh là “thời đại hoàng kim của truyện trinh thám”.

Ở Việt Nam, cuộc giao thoa tiếp biến văn hóa phương Tây diễn ra những năm đầu thế kỉ XX là bối cảnh thuận lợi để nhiều tác phẩm văn học trinh thám bằng tiếng Pháp của Edgar Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc, Georges Simenon… được dịch sang tiếng Việt. Một số nhà văn Việt Nam đã mô phỏng, vận dụng cách viết truyện trinh thám của các nhà văn phương Tây. Phạm Cao Củng với khoảng 20 tiểu thuyết và truyện ngắn về đề tài trinh thám được coi là người viết truyện trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam. Trong thế giới nhân vật thám tử của Phạm Cao Củng, nếu Kỳ Phát gần với Sherlock Holmes của Conan Doyle thì Tám Huỳnh Kỳ lại mang dáng dấp của Arsène Lupin - một kiểu nhân vật phản Sherlock Holmes của Maurice Leblanc. Cùng với Phạm Cao Củng, Thế Lữ cũng là cây bút có nhiều đóng góp cho văn học trinh thám Việt Nam thời kì này. Các tác phẩm của ông xoay quanh câu chuyện điều tra của hai phóng viên Lê Phong và Mai Hương. Sau năm 1945, truyện trinh thám Việt Nam gián đoạn một thời gian. Từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, hình thức cổ điển của thể loại văn học này xuất hiện trở lại dưới dạng tiểu thuyết điều tra với Hồ sơ chưa kết thúc của Phùng Thiên Tân, Kế hoạch J96 của Trần Tử Văn, Phía sau một cái chết của Võ Duy Linh, Cổ cồn trắng của Nguyễn Như Phong, Vũ điệu tử thần của Trần Thanh Hà, Trại hoa đỏ của Di Li…

Truyện trinh thám cổ điển, như cách định nghĩa của Van Dine, là một loại trò chơi trí tuệ. Nó đòi hỏi cao độ về tư duy duy lí, nhất là trong việc tổ chức các sự kiện. Tzvetan Todorov khẳng định, lĩnh vực văn học này có những chuẩn mực thẩm mĩ bất di bất dịch, làm “tốt hơn” hay “kém đi” những chuẩn mực đó đòi hỏi, truyện trinh thám sẽ không còn là nó nữa. Theo Todorov, nền tảng của trinh thám cổ điển là tính nhị nguyên: chuyện về tội ác và chuyện về cuộc điều tra. Nếu như chuyện về tội ác kể lại điều đã xảy ra thực sự thì chuyện về cuộc điều tra lí giải quá trình người đọc (hay người kể chuyện) nhận thức về điều đã xảy ra đó. William Spanos tổng kết nguyên tắc điều tra bao gồm: phải dựa vào sự quan sát nhạy bén với những suy luận chặt chẽ về mối quan hệ nhân quả giữa các manh mối; các manh mối phải được xuất hiện theo trình tự thời gian nhằm gợi mở hướng giải quyết cho vấn đề; vấn đề được giải quyết phải là những điều chắc chắn mà khoa học và tâm lí học có thể chứng minh được theo phương pháp quy nạp. Trạng thái chờ đợi hồi hộp, điều bí ẩn, tội ác, sự tác động qua lại không ngừng giữa đúng và sai, tốt và xấu là những nội dung phổ biến và làm nên sức hấp dẫn của truyện trinh thám cổ điển.

Những năm đầu thế kỉ XX, truyện trinh thám đen ra đời với các đại diện tiêu biểu như Dashiell Hammett, Raymond Chandler, James Hadley Chase là kết quả sự phản ứng trực tiếp với một số đặc trưng của truyện trinh thám cổ điển. Xuất phát từ quan điểm truyện trinh thám cổ điển quá xa thực tế, “quá Anh” cho nước Mĩ, các nhà tiểu thuyết đen tạo nên một phong cách mới cho văn học trinh thám - nơi thám tử tin vào sức mạnh tuyệt đối của điều bí ẩn. Trong bối cảnh tội ác trở thành đại dịch, trụ cột của xã hội trung lưu với những đô thị hiện đại, những công dân đáng kính, những định chế của pháp luật và trật tự bắt đầu sụp đổ, tay thám tử bị ném vào trò đuổi bắt thủ phạm, đuổi bắt giải pháp như ném vào một cuộc chơi may rủi. Stefano Tani nhận diện hình tượng thám tử trong tiểu thuyết trinh thám đen là “người anh hùng đơn độc, bám víu vào một mã cá nhân”. Anh ta thế chỗ cho Dupin hay Sherlock Holmes, sử dụng sức mạnh của nắm đấm, của súng đạn và trở thành một kiểu phản anh hùng mới. Ở tiểu thuyết trinh thám đen, nhân vật thám tử không chỉ chú trọng vào hành động thay vì lí trí mà còn phủ nhận vai trò của lí trí, phủ nhận khả năng của các giải pháp trong một thế giới lộn xộn khôn cùng.

Những thập niên cuối thế kỉ XX, các tiểu thuyết vụ án trong văn học Việt Nam như Người không mang họ của Xuân Đức, Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều, Bí mật những cuộc đời của Nguyễn Như Phong… gần với tiểu thuyết trinh thám đen phương Tây ở khía cạnh: diễn tiến của vụ hình sự thế chỗ cho diễn tiến của cuộc điều tra. Tuy nhiên, khác với trinh thám đen phương Tây thể hiện cái nhìn phủ nhận xã hội, tiểu thuyết vụ án Việt Nam ghi nhận cuộc đấu tranh của công an, của những lực lượng tiến bộ để chống lại cái phản tiến bộ trong đời sống.

Truyện trinh thám chính trị bắt nguồn từ nước Anh những năm đầu thế kỉ XX. Song hành với các sự kiện chính trị lớn của thế giới, hình thái văn học này chủ yếu khai thác nguồn chất liệu thực tế. Nhà văn đa số là những người có kinh nghiệm trong hoạt động tình báo; nhân vật, sự kiện xuất phát từ người thật, việc thật. Kim của Rudyard Kipling, Điệp viên bí mật của Joseph Conrad là những cuốn tiểu thuyết trinh thám chính trị đầu tiên trên thế giới. Bước vào thời kì chiến tranh lạnh, cùng với sự lớn mạnh của những tổ chức tình báo như CIA của Mĩ, KGB của Nga, MI5-MI6 của Anh, Mossad của Israel…, tiểu thuyết trinh thám chính trị đã phát triển ở nhiều quốc gia khác nhau. Những tác phẩm của Ian Fleming, John Le Carré, Graham Greene (Anh), Yulian Semenov, Vladimir Bogomolov (Nga), Charles McCarry, Tom Clancy (Mĩ)… hấp dẫn đông đảo độc giả phương Tây. Đến cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, một số cây bút trinh thám như Frederick Forsyth, Tom Clancy đã chuyển hướng khai thác hoạt động gián điệp trong cuộc chiến chống khủng bố đầy khốc liệt.

Ở Việt Nam, tiểu thuyết tình báo - phản gián là thuật ngữ được sử dụng quen thuộc, tương đương với thuật ngữ tiểu thuyết trinh thám chính trị ở phương Tây. Hình thái văn học này bắt đầu xuất hiện từ những năm 60 của thế kỉ XX. Nó hé lộ cuộc chiến thầm lặng của những chiến sĩ tình báo, trinh sát bên cạnh cuộc chiến của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, nhu cầu nhận thức lại chiến tranh cùng một loạt tiểu thuyết gián điệp của Liên Xô, Anh được dịch sang tiếng Việt đã thúc đẩy sự phát triển của tiểu thuyết tình báo - phản gián ở Việt Nam. X30 phá lưới của Đặng Thanh, Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý xuất hiện thường kì trên các trang báo. Hữu Mai với hai tác phẩm Ông cố vấn và Đêm yên tĩnh đã trở thành tác gia trinh thám tiêu biểu của Việt Nam tham gia Hiệp hội các nhà văn trinh thám thế giới.

Sự xuất hiện của những tác phẩm trinh thám chính trị đã nới rộng phạm vi thể loại truyện trinh thám. Cũng như thế, sự xuất hiện của truyện trinh thám tâm lí như là một cách đối thoại với quan niệm từng phổ biến, rằng thể loại văn học này “không có chỗ cho miêu tả cũng như phân tích tâm lí” (Van Dine). Trong quá trình phát triển, văn học trinh thám đã trở thành địa hạt khai thác đời sống tâm lí tội phạm với những bất ổn nhân cách, đặc biệt là sự bất ổn ở lớp người có trình độ, hiểu biết trong một xã hội phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ. Truyện trinh thám hiện đại không từ chối những giải pháp tâm lí mà trái lại, coi yếu tố thuộc về tâm lí là cơ sở để truy tìm căn nguyên hành vi con người. Có thể kể tới những nhà tiểu thuyết trinh thám đã kiến tạo tác phẩm đạt tới độ một công trình khai thác tâm lí nhân vật như Georges Simenon (Pháp), Patricia Cornwell (Mĩ), Rut Rendell (Anh), Ingrid Noll (Đức), Alecxandra Marinina (Nga), Lôi Mễ (Trung Quốc)…

Tiểu thuyết điều tra của Việt Nam là hình thức gần nhất với trinh thám cổ điển nhưng vẫn nổi bật yếu tố phân tích tâm lí. Bên cạnh đó, ở tiểu thuyết vụ án, các nhà văn thay vì bám sát hành trình khám phá tội ác lại tập trung vào kẻ phạm tội với những chi tiết phân tích hành vi, động cơ gây án. Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Hồ sơ một tử tù của Nguyễn Đình Tú… là những tiểu thuyết trinh thám đậm đặc yếu tố tâm lí.

Trong bước ngoặt văn chương hậu hiện đại, đường biên quy định giới hạn, phạm vi của văn học trinh thám càng trở nên linh hoạt khi các nhà văn phỏng nhại những nguyên tắc của truyện trinh thám để kiến tạo một hình thái tồn tại khác: truyện phản trinh thám. Có thể nói, các thế hệ nhà văn đã không ngừng tham dự vào quá trình làm mới và đưa văn học trinh thám ra khỏi sự hình dung về một bộ phận văn học đóng khung bởi vụ án và hành trình phá án.

Sáng tác phản trinh thám manh nha từ những năm đầu thế kỉ XX trong Vụ án của Franz Kafka và tiếp tục phát triển đến giữa thế kỉ với Chân dung một người xa lạ của Nathalie Sarraute, Bộ ba của Samuel Beckett, Những cục tẩy của Robbe-Grillet, Nạn nhân của trách nhiệm của Eugène Ionesco… Năm 1942, tròn một thế kỉ sau khi người anh hùng của Edgar Poe xử lí tình huống trinh thám đầu tiên, Jorge Luis Borges ra mắt tác phẩm Cái chết và chiếc la bàn trên tạp chí Sur của Argentina. Câu chuyện một mặt thể hiện mối liên hệ với văn học trinh thám cổ điển, mặt khác phá vỡ những hạn định cơ bản của thể loại này. Tác phẩm trở thành nơi nhà văn gửi gắm những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh. Jorge Luis Borges đã dựa trên hệ thống biểu tượng kì bí về con số 3 và con số 4 để biểu đạt hai thế giới quan có xu hướng loại trừ nhau: chủ nghĩa duy lí và chủ nghĩa thần bí. Con số 3 đại diện cho chủ nghĩa duy lí bởi nó nhấn mạnh một câu chuyện với những dữ kiện có cơ sở thực tế. Con số 4 gắn với nhận thức mang màu sắc thần bí, ma thuật. Tuy nhiên, bản thân những con số này cũng có tính chất nhị nguyên. Con số 3 gắn với ý nghĩa huyền bí trong văn hóa dân gian: motif ba chiếc hòm, ba điều ước. Con số 4 gắn liền với nhận thức về sự tăng gấp đôi - một nguyên tắc quan trọng của văn học trinh thám. Và phía sau lớp vỏ trinh thám, câu chuyện của Jorge Luis Borges đề xuất cái nhìn thế giới như là mê cung.

Có thể nói, truyện phản trinh thám đã đảo ngược, lật đổ toàn bộ những điều kiện tưởng chừng bất di bất dịch của truyền thống trinh thám. Khác với yêu cầu về tính nhị nguyên mà Tzvetan Todorov từng tổng kết, truyện phản trinh thám không chia thành hai tầng rành mạch. Câu chuyện đầu tiên (chuyện về tội ác) không nhất thiết phải kết thúc trước khi câu chuyện thứ hai (chuyện về cuộc điều tra) bắt đầu. Có khi chúng là hai tuyến đồng hành thúc đẩy sự phát triển cốt truyện. Điểm này khiến cho cốt truyện phản trinh thám gần hơn với cốt truyện trinh thám đen. Câu chuyện đầu tiên không phải là tất cả hiện thực, câu chuyện thứ hai vốn được mô tả như một kĩ thuật phơi bày tiến trình của câu chuyện đầu tiên cũng trở thành vô nghĩa lí. Ranh giới giữa sự thật và giả tạo, hiện thực và tưởng tượng, hiện tại và quá khứ dần bị xóa nhòa.

Kết thúc hành trình truy tìm sự thật trong truyện phản trinh thám là cái kết không trọn vẹn. Stefano Tani phân biệt ba cách khác nhau để một tiểu thuyết gia trinh thám hậu hiện đại xử lí các giải pháp, đúng hơn là ứng xử trước những tình huống không có giải pháp, ứng với ba kiểu truyện kể: tiểu thuyết phản trinh thám kiểu mới, tiểu thuyết phản trinh thám giải cấu trúc và tiểu thuyết phản trinh thám siêu hư cấu. Ở tiểu thuyết phản trinh thám kiểu mới, các giải pháp ban đầu được đưa ra làm thất vọng sự mong đợi của độc giả và kết cục, giải pháp cuối cùng lại là một sự đánh đố oái oăm. Loại tiểu thuyết này gặp gỡ với truyền thống tiểu thuyết đen ở sự trăn trở về những vấn đề xã hội. Sang tiểu thuyết phản trinh thám giải cấu trúc, các giải pháp bị bỏ lửng và câu chuyện kết thúc trước cả khi cuốn sách đi đến những trang cuối cùng. Nhân vật thám tử thực hiện nhiệm vụ truy tìm sự thật liên quan đến bản thể tồn tại. Ở tiểu thuyết phản trinh thám siêu hư cấu, độc giả trực tiếp trải nghiệm hành trình khám phá những văn bản hoặc ẩn đi, hoặc được viết ra trong truyện kể. Nó nhấn mạnh vào khả năng tự quy chiếu của văn chương. Các giải pháp không được đề xuất công khai trước bạn đọc. Họ phải tự mình kiến tạo nghĩa căn cứ vào các mối quan hệ giữa văn bản và liên văn bản, giữa sự thật và hư cấu, giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng, giữa tác giả và nhân vật.

Từ thực tiễn sáng tạo tiểu thuyết phản trinh thám như Tên của đóa hồng của Umberto Eco, Thành phố thủy tinh của Paul Auster, Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk…, phải khẳng định rằng, các giải pháp xuất hiện trong một truyện kể có khi ứng với những mô tả của Stefano Tani ở cả ba nhóm. Và dù thuộc bất cứ nhóm nào trong sự phân loại của Stefano Tani thì truyện phản trinh thám vẫn không đưa ra một cái kết gọn gàng. Ở Bộ ba New York của Paul Auster, nhân vật thám tử không bao giờ có cơ hội được truy nguyên những nghi vấn tới câu trả lời cuối cùng, thậm chí, trở nên vô hình giữa một thế giới hỗn loạn cùng chốn. Vì thế, thể loại văn học này, nói như Tani Stefano, “không phải là một câu chuyện, mà là một quá trình”. Thám tử trong truyện trinh thám và phản trinh thám kiếm tìm những câu trả lời khác nhau xuất phát từ những quan niệm nhận thức khác nhau của thời đại đã sản sinh ra họ: một đằng tập trung loại trừ trạng thái hỗn loạn nhất thời của thế giới trật tự, một đằng nhấn vào những cái tạm thời ngẫu hứng không phải với mục đích giải thích điều bí ẩn mà ngược lại, để thích ứng với nó.

Nhìn lại văn học nước nhà, dễ nhận thấy, Việt Nam không có nền tảng bền chắc về văn học trinh thám cũng như môi trường thuận lợi để thể loại này phát triển mạnh mẽ giống các quốc gia phương Tây - những nền tảng, môi trường liên quan đến truyền thống duy lí, đến trình độ phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp vũ khí... Tuy nhiên, không phải vì thế mà văn học Việt Nam không có những tác giả trinh thám nổi tiếng và những tác phẩm trinh thám hấp dẫn. Hiện nay, với xu thế phát triển của văn học phản trinh thám, nhiều cây bút có tên tuổi đã sử dụng nguyên tắc thuộc về truyện trinh thám như một phần không thể thiếu để chuyển tải khát khao được khám phá cách con người đối mặt với những vấn đề của tồn tại và cố gắng lí giải ý nghĩa của chúng. Nhà văn Việt Nam hoàn toàn bình đẳng với nhà văn thuộc các quốc gia có thế mạnh về văn học trinh thám trong việc vận dụng nguyên tắc của truyện trinh thám như một cái cớ để đặt ra những câu hỏi sâu sắc liên quan đến bản chất của hiện thực, giới hạn của tri thức, khả năng của sáng tạo văn chương.

(VNQĐ)