Tư duy lí luận văn học ở Việt Nam sau 1975: Sự chuyển đổi từ hệ hình tiền hiện đại sang hiện đại, hậu hiện đại
Tiến sĩ Phan Tuấn Anh
Năm 1992, tạp chí Văn học và ngôn ngữ học đăng tải bài viết “Những cuộc tranh luận về chủ nghĩa Hiện đại và chủ nghĩa Hậu hiện đại trên báo định kì viết bằng tiếng Tây Ban Nha”. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội (số 2/1995) cũng có bài nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại với tựa đề “Sự suy tàn của phong trào tiền phong: nghệ thuật hậu hiện đại”. Từ đầu thế kỉ XXI, hậu hiện đại trở thành một “mốt” thời thượng trong nghiên cứu văn học nước nhà.”
Theo quan điểm của các nhà lí luận phê bình thời danh của Việt Nam như Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Trần Ngọc Vương, Trần Ngọc Hiếu… chúng ta có thể tạm chia tiến trình phát triển của tư duy lí luận văn học thành ba hệ hình (paradigm) cơ bản, bao gồm: tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Trước khi đi vào tiến trình ấy, chúng ta lại cần quay trở về với Thomas Kuhn, với lý thuyết hệ hình (paradigm) nổi tiếng của ông. Trong công trình Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Kuhn đã đề xuất khái niệm hệ hình, xuất phát từ một thuật ngữ ngôn ngữ học biểu đạt mẫu chia động từ, nhằm chỉ “mô hình lý thuyết về tư duy, xác định phương hướng suy nghĩ và nghiên cứu khoa học vào một thời điểm nhất định… biểu hiện toàn bộ tập hợp những tín niệm, những giá trị được thừa nhận và những kỹ thuật mà mọi thành viên của một nhóm hay cộng đồng có chung; mặt khác nó biểu thị yếu tố riêng biệt của tập hợp ấy” [7, tr.12].
Trong công trình của mình, Kuhn cho rằng, hệ hình là một tín niệm khoa học chung, được chuẩn hóa thông qua cộng đồng trong từng thời đại lịch sử: “Nghiên cứu tỉ mỉ một bộ môn khoa học nhất định vào một thời điểm nhất định về mặt lịch sử sẽ thấy nổi lên một tập hợp những minh họa lặp đi lặp lại và gần như được chuẩn hóa của các lý thuyết khác nhau trong những ứng dụng trên mặt bằng quan niệm, mặt bằng quan sát và mặt bằng công cụ của chúng. Đó là những mẫu hình của một cộng đồng khoa học được thể hiện trong các giáo trình, các bài giảng, và các bài tập thí nghiệm của cộng đồng ấy” [7, tr.105]. Từ lý thuyết hệ hình của Kuhn, các nhà khoa học ngữ văn đã áp dụng để chia toàn bộ tư duy sáng tạo và lý luận văn học của nhân loại trong lịch sử thành ba hệ hình chính, tương ứng với ba chủ thể đóng vai trò trung tâm, bao gồm: tiền hiện đại – tác giả; hiện đại – văn bản; và hậu hiện đại – người đọc (Rất cần lưu ý ở đây, sự phân định tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại của tôi chỉ có ý nghĩa về mặt thời gian và bản chất, phương pháp tiếp cận giải mã văn học, không hề có ý ám chỉ sự phân định hơn – thua, mới – cũ. Không phải hậu hiện đại thì sẽ có giá trị hay ở trình độ cao hơn tiền hiện đại. Khoa học xã hội nhân văn luôn có những quy luật riêng hoàn toàn khác với khoa học tự nhiên. Nếu tri thức cũ, thuộc hệ hình trước của khoa học tự nhiên là lỗi thời, phản động, thì khoa học xã hội nhân văn luôn có tính kế thừa, đẳng lập).
Chúng ta có thể thấy tư duy lí luận văn học Việt Nam trước 1986 đều đi theo hệ hình tiền hiện đại, tức là lấy tác giả làm trung tâm của quá trình giải nghĩa văn bản văn học. Ở phương Tây, tư duy lí luận văn tiền hiện đại đạt đến đỉnh cao vào nửa sau thế kỉ XIX và nhanh chóng rơi vào lỗi thời. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cụ thể, ở một số quốc gia có tính chất đặc thù, tư duy lí luận văn học tiền hiện đại vẫn tiếp tục kéo dài như một kí ức dai dẳng đến nửa sau thế kỉ XX. Theo Trương Đăng Dung, tư duy lí luận văn học tiền hiện đại có những tiền đề tư tưởng và triết học là: “chủ nghĩa thực chứng trong triết học của August Comte, Herbert Spencer; còn sinh vật học là lĩnh vực bị chi phối bởi các luận điểm của Darwin về sự tiến hóa” [3]. Có thể nói, sự phát triển đồng thời và có mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu văn học với ngôn ngữ học lịch sử, khoa học lịch sử, xã hội học và tâm lí học đã dẫn đến sự ra đời của hệ hình lí luận văn học tiền hiện đại.
Như chúng ta đều biết, tư duy lí luận văn học nhấn mạnh đến vai trò của tác giả trong quá trình tạo nghĩa của văn bản, nghiên cứu lí luận – phê bình văn học có tính chất như một cuộc khảo cổ học tri thức, nhằm truy tìm chủ ý của tác giả. Có thể nói, chủ ý của tác giả chính là tiêu chí quan trọng nhất nhằm thông hiểu, giải mã tác phẩm văn học. Quan điểm cốt lõi này của lí luận văn học tiền hiện đại ở phương Tây rõ ràng có mối quan hệ mật thiết với Tường giải học tiền hiện đại và Khoa học văn học thực chứng, đúng như nhận định của Trương Đăng Dung: “Tiền hiện đại là thời kì hình thành tư duy khoa học văn học. Bước sang thế kỷ XIX, người ta buộc phải nhận ra rằng, ý nghĩa, bản chất của văn học không tự nó nói lên, mà để thấy được chúng, phải cần đến những hoạt động có hệ thống và mục đích, với việc bám sát một cách trung thành mọi hoạt động của tác giả trong đời sống thường nhật liên quan đến các văn bản, sự kiện văn học. Qua quá trình này, nhà nghiên cứu có được cái nội dung (nghĩa) liên quan đến từng tác phẩm nhờ việc nắm bắt được các giá trị và ấn tượng của cái cộng đồng nơi tác phẩm sinh thành. Nghiên cứu văn học tiền hiện đại trực tiếp gắn nghĩa tác phẩm với người đã tạo thành nó. Đối với tư duy tiền hiện đại, nghĩa nội tại không phải xuất xứ từ bản chất của văn bản mà từ tính ý hướng, từ thông điệp của người tạo ra nó. Mọi sự hiểu hàng ngày đều diễn ra như vậy. Nếu có ai nói điều gì đó thì chúng ta nghĩ ngay rằng người này muốn gì? Chúng ta luôn qui giảm văn bản về trong văn cảnh” [3].
Tư duy lí luận văn học tiền hiện đại, dưới ảnh hưởng của triết học thực chứng và lịch sử tinh thần, luôn đồng nhất quá trình nghiên cứu văn học với việc phục dựng hoàn cảnh sáng tạo (của tác giả) và chủ ý, thông điệp của tác giả. Theo Trương Đăng Dung, các nhà lí luận văn học tiền hiện đại không hoàn toàn phủ nhận vai trò của văn bản, nhưng với họ, văn bản chỉ như cái bì thư nhằm chuyển tải nội dung đích thực bên trong, đó chính là chủ ý của tác giả. Tư duy lí luận văn học tiền hiện đại rõ ràng có cơ sở hợp lí để tồn tại, bởi nếu không có tác giả sẽ không có đời sống văn học. Không có tác giả làm sao lại có thể có văn bản/tác phẩm hay người đọc. Hơn nữa, sẽ là vô cùng ngây thơ nếu ai đó tin rằng có thể hiểu ý nghĩa của tác phẩm văn học một cách rốt ráo mà không cần có bất kì thông tin gì về tiểu sử tác giả hay hoàn cảnh sáng tạo của nó. Liệu chúng ta có hiểu hết ý nghĩa của Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, bài thơ thần Nam quốc sơn hà, Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) nếu loại bỏ hoàn toàn văn cảnh và thời điểm sáng tác? Liệu ta có thể hiểu trọn vẹn thơ haiku hay kiểu thơ bóng chữ của Lê Đạt, Trần Dần nếu không có bất kì thông tin gì về tiểu sử, quan niệm sáng tạo của tác giả? Rõ ràng, tư duy lí luận văn học tiền hiện đại đã được xây dựng dựa trên những nền tảng khoa học vững chắc, có có cơ sở tất yếu và trên thực tế nó cũng đã để lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận như những công trình của Wilhelm Dilthey, Mme de Staёl, Hyppolite Taine…
Đỉnh cao của tư duy lí luận văn học tiền hiện đại đó là nghiên cứu văn học Marxist, đây đồng thời cũng là trường phái lí luận phê bình có ảnh hưởng quyết định ở Việt Nam từ giữa thế kỉ XX cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, cũng có thể kể đến trường phái phê bình văn hóa – lịch sử ở Việt Nam. Đại diện tiêu biểu cho lí luận văn học Marxist, ngoài những nhà kinh điển đặt nền móng triết học như K.Marx, F.Engels, V.Lenin có thể kể đến Belinsky, Plekhanov, G.N.Pospelov, Lucien Goldmann… mà đặc biệt là G.Lukács. Lí luận văn học Marxist nhanh chóng ảnh hưởng vào Việt Nam và trở nên độc tôn trong một thời gian dài, với công lao của nhiều nhà lí luận như Hải Triều, Trường Chinh, Đặng Thai Mai, Hà Xuân Trường, Vũ Đức Phúc, Hà Minh Đức, Phong Lê, Phương Lựu, Phan Cự Đệ… Có thể nhìn nhận khách quan và khoa học rằng, trong quá trình xây dựng và hình thành khoa học văn học ở Việt Nam nửa sau thế kỉ XX – với tư cách là một khoa học đích thực, hiện đại, không thể không ghi nhận vai trò trung tâm của nghiên cứu lí luận – phê bình văn học Marxist. Mặc dù thuộc về hệ hình tiền hiện đại, nhưng lí luận văn học Marxist đã thực sự xây dựng nên một nền nghiên cứu văn học đích thực, mang tính khoa học, khách quan, vị nhân sinh, thay vì những bài điểm bình như thời trung đại vốn mang tính tri âm, chủ quan và nặng về trường quy, giáo huấn, ngợi ca vua chúa.
Ảnh hưởng của tư duy lí luận văn học Marxist (thuộc tiền hiện đại) đối với nghiên cứu văn học Việt Nam từ 1945 đến 1985 là rất rõ nét, thậm chí là tiếng nói quyền uy, đơn thanh. Mọi nghiên cứu văn học đều xuất phát từ việc nghiên cứu tiểu sử, hoàn cảnh sáng tạo của tác giả, những tác giả này đa phần đều là những lãnh đạo, chiến sĩ, nhà văn cách mạng. Trong quá trình nghiên cứu, nhà lí luận phê bình chú trọng đến mối quan hệ giữa văn học với hiện thực, văn học có phản ánh đúng đắn hiện thực hay không, có nêu bật được cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống ngoại xâm hay không? Điều này thể hiện rõ nhất trong việc giảng dạy văn học trong nhà trường. Các thầy cô dựa vào sách giáo khoa, khi phân tích, bình giảng một tác phẩm văn học thường cung cấp cho học sinh đầu tiên là tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tạo của tác phẩm. Chưa tính đến việc chương trình nghiêng hẳn dung lượng về văn học kháng chiến – cách mạng, mọi tác phẩm được đưa vào phân tích đều dựa trên trục soi chiếu hiện thực – văn học nhằm nêu bật các giá trị tư tưởng, nhân văn, đấu tranh giai cấp. Cách dạy này bản thân không sai, nhưng nếu tuyệt đối hóa và xem nhẹ việc nghiên cứu hình thức, thi pháp, nghệ thuật, văn bản sẽ dẫn đến cực đoan, đánh mất khả năng cảm thụ cái đẹp của học sinh. Việc giảng dạy văn học không khác nhiều giảng dạy đạo đức, lịch sử, giáo dục công dân.
Trên thực tế, việc môn văn trong nhà trường thời gian gần đây bị học sinh đối phó, không dành sự chú tâm học tập có căn nguyên cơ bản từ phương pháp của hệ thống giáo dục. Thay vì phát huy tính sáng tạo, hướng dẫn cảm nhận với cái đẹp hình thức của tác phẩm, người dạy lại hoàn toàn chú tâm vào những sự kiện xã hội học và lịch sử văn học, hay các nội dung tư tưởng, chính trị có tính duy lý, áp đặt lấn át sự cảm nhận tinh tế, chủ quan của người đọc về tính thẩm mỹ của tác phẩm. Tình hình nghiên cứu văn học chuyên nghiệp cũng tương tự, nhà nghiên cứu chủ yếu khảo cứu lịch sử tinh thần tác giả, những bối cảnh lịch sử của tác phẩm hơn là đi sâu vào nghiên cứu mặt hình thức hay cảm nhận của người đọc. Các công trình nghiên cứu của Trương Tửu, Hà Xuân Trường, Vũ Đức Phúc, Trường Chinh… là các ví dụ tiêu biểu cho lối nghiên cứu tiền hiện đại theo trường phái Marxist và văn hóa lịch sử. Chúng ta có thể đơn cử một số công trình tiêu biểu của phê bình văn hóa lịch sử bao gồm Nhà văn hiện đại (1942 – Vũ Ngọc Phan), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942 – Trương Tửu), Phê bình Marxist là Văn học khái luận (1944 – Đặng Thai Mai), Kinh thi Việt Nam (1940 – Trương Tửu), Mấy vấn đề nguyên lý văn học (Nguyễn Lương Ngọc), Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1954 (1971 – Vũ Đức Phúc), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970 – Lê Đình Kỵ)…
Nghiên cứu văn học Việt Nam theo tư duy tiền hiện đại (tiêu biểu là trường phái lí luận Marxist) đã trở nên xơ cứng, giáo điều và thiếu sức sống từ khoảng thập niên 80 thế kỉ XX, sau ngày đất nước giải phóng. Nhu cầu đổi mới lí luận văn học, từ tiền hiện đại sang hiện đại và hậu hiện đại xuất hiện và ngày càng trở nên rõ ràng, bức thiết. Từng bước một, các nhà lí luận phê bình ở nước ta đã chuyển dịch hệ hình lí luận văn học sang hiện đại và hậu hiện đại. Tuy nhiên, như nhận định của một số nhà nghiên cứu, do những hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam, chúng ta phải “đi tắt đón đầu” thế giới bằng cách vừa hiện đại hóa, lại vừa phải hậu hiện đại hóa. Do đó, ở Việt Nam không có một ranh giới cụ thể, chính xác giữa văn học hiện đại với hậu hiện đại. Hai thành tố này luôn đai cài, nguyên hợp trong nhau.
Có thể nói, công cuộc chuyển đổi tư duy lí luận văn học ở Việt Nam, từ tiền hiện đại sang hiện đại là một quá trình với dấu ấn của nhiều nhà nghiên cứu như Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Phan Cự Đệ, Phong Lê, Phan Trọng Thưởng, La Khắc Hòa, Phạm Vĩnh Cư, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Dân… Rất khó để có thể đánh giá công trạng của ai quan trọng hơn ai, bởi mỗi người hoạt động trên một lĩnh vực riêng, có sự cộng hưởng vào nhau trong quá trình hiện đại hóa. Tuy nhiên, xét từ góc độ hệ hình văn học, tức là người có vai trò dịch chuyển tư duy lí luận học từ chỗ lấy tác giả làm trung tâm sang lấy văn bản làm trung tâm của sự diễn giải văn học, cần ghi nhận vai trò của GS.TS Trần Đình Sử. Chúng tôi đánh giá vai trò chuyển đổi hệ hình tư duy lí luận văn học của Trần Đình Sử – người đã giới thiệu và ứng dụng thi pháp học một cách thành công vào Việt Nam.
Trước khi thi pháp học (poétique) xuất hiện ở nước ta, nghiên cứu văn học nhìn chung vẫn theo lối của phương pháp ấn tượng (trong phê bình) và phương pháp Marxist (trong lí luận). Lối phê bình của Hoài Thanh với câu “tuyên ngôn” nổi tiếng: “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người” đã trở thành kinh điển trong phê bình văn học. Trong lí luận (và cả phê bình), việc soi chiếu hiện thực kiểu Marxist trở nên kim chỉ nam hành động duy nhất. Nhà văn được xem như “người thư kí” trung thành của thời đại, còn tác phẩm văn học là “tấm gương lớn” phản chiếu hiện thực. Cả hai phương pháp ấn tượng và Marxist dẫu có khác nhau một cách cơ bản, nhưng đều có một điểm chung, đó là sự bỏ quên hình thức (mang tính quan niệm) của tác phẩm văn học. Hình thức nghệ thuật chưa bao giờ là vấn đề đáng để quan tâm của nghiên cứu văn học Việt Nam, kể từ thời trung đại cho đến thập niên 80 thế kỉ trước. Thế rồi thi pháp học xuất hiện.
Ở miền Nam trước 1975 đã có những tìm tòi đầu tiên về thi pháp học hoặc những tiền đề triết học liên quan của nó. Với tên tuổi của một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Trần Thiện Đạo, Huỳnh Phan Anh, Đặng Tiến… Tuy nhiên, sự hiểu biết toàn diện về thi pháp học phải là thành quả của thập niên 80 thế kỉ XX, với công lao chủ yếu của Trần Đình Sử. Thi pháp học của Trần Đình Sử được “nhập khẩu” trực tiếp từ thi pháp học Nga, do ông từng du học tại Trung Quốc (đại học) và Liên Xô (nghiên cứu sinh) trong khoảng thập niên từ 60 đến 80. Có thể không phải là người sớm nhất, nhưng Trần Đình Sử là người dịch, giới thiệu, ứng dụng thi pháp học một cách thành công nhất và tập trung, chuyên chú nhất trong giới nghiên cứu văn học. Những bài viết đầu tiên của ông về thi pháp học xuất hiện từ những năm 1980 bao gồm “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều” (Tạp chí Văn học, số 5 – 1981) và “Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (Tạp chí Văn học, số 2 – 1982). Những nghiên cứu ứng dụng thi pháp của Trần Đình Sử đạt đến đỉnh cao với hai công trình Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại (1993), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1998), Thi pháp Truyện Kiều (2002)… Đặc biệt cần kể đến cuốn giáo trình mỏng Dẫn luận thi pháp học [Nxb Giáo dục, 1998 và được tái bản nhiều lần sau đó] – được xem như là “Thánh kinh mới” của giới nghiên cứu văn học, đặc biệt là giới sư phạm học đường.
Giáo trình của Trần Đình Sử được viết khá sơ lược, dễ hiểu nhưng ích lợi của nó là dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu văn học (trường quy). Thế là, cả một phong trào nghiên cứu thi pháp học bùng nổ ở Việt Nam, đọc công trình nào cũng thấy không gian, thời gian, ngôn từ nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người. Công thức này phổ biến đến mức nhàm chán, người viết gần như chép nguyên xi phần lí thuyết của nhau, và đều có một nguồn gốc chung là giáo trình của GS.TS Trần Đình Sử. Tuy có nhiều ý kiến phê phán thi pháp học của Trần Đình Sử còn quá hạn hẹp so với thực tiễn thi pháp học thế giới, hay sự vận dụng máy móc của đa số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh sẽ làm sai lạc quan niệm về thi pháp, nhưng có thể nhận định công bằng rằng, nhờ có thi pháp học mà ở Việt Nam, giới nghiên cứu văn học mới quan tâm và biết đến mặt hình thức văn học. Từ thi pháp học, sự dịch chuyển hệ hình tư duy lí luận văn học mới diễn ra, bởi từ đây, vấn đề (hình thức) văn bản mới được chú trọng đúng mức. Nếu hiểu tư duy lí luận văn học hiện đại vốn lấy văn bản làm trung tâm, thì ở Việt Nam, thi pháp học là hệ lí thuyết bản lề có ý nghĩa thay đổi hệ hình từ tác giả (tiền hiện đại) sang văn bản.
Dĩ nhiên việc đưa thi pháp học vào Việt Nam không thể là công việc của một người, hay chỉ bằng một vài quyển sách, nó còn là sự cộng hưởng của nhiều nhà nghiên cứu. Theo Trần Đình Sử, ngay từ thập niên 1960 các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Ngọc đã có những tìm tòi về thi pháp học. Đến thập niên 80 xuất hiện những nghiên cứu, bản dịch về thi pháp của Nguyễn Phan Cảnh, Phạm Vĩnh Cư. Thập niên 90 cần nhấn mạnh đến vai trò của Hoàng Trinh với công trình Từ kí hiệu học đến thi pháp học (1997). Nhìn chung từ cuối thế kỉ XX, thi pháp học đã trở thành hướng tiếp cận, giải mã văn học phổ biến của nghiên cứu văn học Việt Nam, bên cạnh hướng tiếp cận xã hội học Marxist. Trần Đình Sử và các đồng nghiệp, học trò do đó đã có công lao chuyển đổi hệ hình thành công lí luận văn học Việt Nam từ tiền hiện đại sang hiện đại. Sau thi pháp học, Trần Đình Sử cùng những đồng nghiệp và học trò của ông tiếp tục giới thiệu các trường phái lí thuyết khác liên quan đến hình thức văn bản và đều để lại những dấu ấn nhất định đối với sự hình thành tư duy lí luận văn học hiện đại ở Việt Nam. Tiêu biểu chúng ta có thể kể đến Tự sự học, Chủ nghĩa cấu trúc, Chủ nghĩa hình thức Nga, Kí hiệu học…
Cuối những năm thập niên 90 của thế kỉ XX, lí luận phê bình văn học Việt Nam bắt đầu cuộc chuyển đổi hệ hình lần thứ 2, từ hiện đại sang hậu hiện đại. Bắt đầu với những bản dịch đầu tiên về văn học hậu hiện đại đăng năm 1991 với tựa đề “Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại” (A.Blach), đăng tải trên tạp chí Văn học (số 5/1991). Năm 1992, tạp chí Văn học và ngôn ngữ học đăng tải bài viết “Những cuộc tranh luận về chủ nghĩa Hiện đại và chủ nghĩa Hậu hiện đại trên báo định kì viết bằng tiếng Tây Ban Nha”. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội (số 2/1995) cũng có bài nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại với tựa đề “Sự suy tàn của phong trào tiền phong: nghệ thuật hậu hiện đại”. Từ đầu thế kỉ XXI, hậu hiện đại trở thành một “mốt” thời thượng trong nghiên cứu văn học nước nhà. Những người có công lao hàng đầu trong việc tiếp nhận lí thuyết này, dẫn đến bước chuyển hệ hình trong nghiên cứu văn học Việt Nam có thể kể tên như Lê Huy Bắc, Phương Lựu, Lê Nguyên Cẩn, Inrasara, Thụy Khuê, Nguyễn Minh Quân, Ngân Xuyên, Lã Nguyên, Đào Tuấn Ảnh…, trong đó đáng ghi nhận nhất là vai trò của Trương Đăng Dung.
Dẫu không có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu trực diện văn học hậu hiện đại, nhưng Trương Đăng Dung với tiểu luận “Tác phẩm văn học như là quá trình” (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12/1996) thực sự đã mở đầu cho cuộc chuyển đổi hệ hình lí luận văn học Việt Nam lần hai, từ hiện đại sang hậu hiện đại. Năm 1998, ông cho xuất bản chuyên luận Từ văn bản đến tác phẩm văn học (Nxb Khoa học Xã hội) – một trong những công trình quan trọng giúp chuyển đổi hệ hình nghiên cứu văn học Việt Nam từ hiện đại (lấy văn bản làm trung tâm) bước sang hậu hiện đại (lấy người đọc làm trung tâm). Từ những nền tảng lý thuyết ấy, năm 2004, Trương Đăng Dung đã giới thiệu công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình là Tác phẩm văn học như là quá trình. Một cách tổng quan, các công trình của Trương Đăng Dung đã góp phần đưa sự đọc của người tiếp nhận lên tầm triết học. Thông qua sự phát hiện ra vai trò trung tâm của người đọc trong đời sống văn học và quá trình cấp nghĩa cho tác phẩm, Trương Đăng Dung đóng vai trò quyết định trong việc chuyển dịch hệ hình lí luận văn học Việt Nam từ hiện đại sang hậu hiện đại, dẫu cả hai quá trình này gần như song hành, gối tiếp hơn là nối tiếp. Trương Đăng Dung thường được xem là người giới thiệu Tiếp nhận văn học (Mỹ học tiếp nhận) vào Việt Nam, nhưng dường như đó chỉ mới là phần ngọn của vấn đề. Cội nguồn các khám phá khoa học văn học của ông thực chất là triết học ngôn ngữ, với các hệ lí thuyết khác nhau như Phê bình mới, Giải cấu trúc, Tường giải học, Kí hiệu học… Tất cả những tiền đề này đều góp phần gián tiếp hoặc trực tiếp cho sự ra đời của người đọc, với tư cách là trung tâm của đời sống và lịch sử văn học.
Nếu như các nhà nghiên cứu khác thường chú trọng vào phê bình tác phẩm văn học hậu hiện đại và những thủ pháp nghệ thuật cụ thể, Trương Đăng Dung hướng mối quan tâm của mình vào tư duy lí luận văn học hậu hiện đại, từ cội nguồn triết học cho đến bản thể triết học, đó là quá trình đi tìm bản chất của ngôn ngữ với vai trò quyết định của người đọc. Một loạt những bài viết sau này như “Khoa học văn học hiện đại, hậu hiện đại” (2011), “Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại” (2011)… đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học càng cụ thể hóa những dự phóng và dự cảm mà ông đã đặt ra trong hai chuyên luận trước. Kế thừa quan điểm của Th.Kuhn về hệ hình (paradigm), cách phân định hệ hình văn học của Trương Đăng Dung đã gây được những ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu. Chúng ta có thể thấy hai công trình phê bình thời danh của Đỗ Lai Thúy (Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy và đặc biệt là Thơ như là mỹ học của cái khác) cũng triển khai theo hướng hệ hình này. Theo chúng tôi, cho đến nay, Thơ như là mỹ học của cái khác (2013) vẫn là công trình phê bình lấy đối tượng là văn học Việt Nam có sự ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại một cách tài hoa, nhuần nhuyễn và giúp mở ra những chân trời mới của sự thông hiểu văn bản.
Lí luận phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, từ những nền tảng cơ sở triết học của Trương Đăng Dung đã thực sự nở rộ trong thế kỉ XXI với nhiều đóng góp của các nhà nghiên cứu quan trọng. Ta có thể đơn cử một số cột mốc không thể nào quên như: bộ sách hai tập Văn học hậu hiện đại thế giới (2003) của nhiều tác giả trong và ngoài nước; các công trình của GS.TS Lê Huy Bắc như Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và tiếp nhận (2012), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam (chủ biên – 2013); bộ sách hai tập Lí luận – Phê bình văn học thế giới thế kỉ XX do GS.TS Lộc Phương Thuỷ chủ biên) (2007); hai kỉ yếu hội thảo quốc gia được in sách Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và thực tiễn và Văn học hậu hiện đại – diễn giải và tiếp nhận (2013) của nhiều tác giả… Đặc biệt là chuyên luận Lí thuyết văn học hậu hiện đại (2011) của Phương Lựu đã chính thức làm chuyển hướng lí luận văn học Việt Nam, từ hiện đại sang hậu hiện đại, hay cùng một lúc, vừa hiện đại hóa lại vừa hậu hiện đại hóa.
(vanvn.vn)
________________________
Tài liệu tham khảo
1. Phan Tuấn Anh (2019), Văn học Việt Nam Đổi mới từ những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Văn Dân (2015), Các lý thuyết nghiên cứu văn học – ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Trương Đăng Dung (2011), “Khoa học văn học tiền hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6.
4. Trương Đăng Dung (2011), “Khoa học văn học hiện đại, hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8.
5. Trương Đăng Dung (2012), “Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1.
6. Đoàn Ánh Dương (2020), Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi – Văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
7. Thomas Kuhn (2008), Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học (Chu Lan Đình dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.
8. Phương Lựu (2011), Lí thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
9. Đỗ Lai Thúy (2011), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.