Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

17.10.2016


Những ai yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm, hẳn không lạ lẫm gì với nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong nhóm nghệ sĩ xẩm Hà Thành. Chị chính là cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được bà Cầu khi còn ở dương thế âu yếm nói với những người làm phim tài liệu về xẩm rằng: "Con bé được đấy!".

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa với xẩm: Bồng bềnh một cõi mơ…

Đúng vậy, "con bé" mà bà Cầu nói đã đi theo con đường âm nhạc dân tộc từ thuở bé tị tì ti, lúc mới bắt đầu kéo cây đàn nhị. Để trở thành một nghệ sĩ thành danh như bây giờ, con đường chị đi không phải trải đầy hoa hồng mà có lắm lúc cũng đầy chông gai và gió bão. Nhưng, bao giờ chẳng vậy, qua cơn mưa trời lại nắng.



Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hát xẩm.

Nhiều lần ngắm nhìn Mai Tuyết Hoa trên sân khấu xẩm ở không gian âm nhạc Nhà hát Lớn, lúc đấy giữa hàng nghìn khán giả, xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thậm âm vang lên cùng với tiếng đàn nhị réo rắt, trầm bổng, tiếng hát ngân nga luyến láy, mọi người được thả hồn phiêu lãng vào không gian đặc trưng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ yên ả, nơi có ao chuôm, đồng ruộng, với cánh cò, giếng nước, cây đa... mới thấy sao yêu hồn dân tộc đến thế.

Hay mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ của những người thân đầy thương mến, người ta say xẩm cũng bởi lẽ xẩm ngoài âm điệu du dương, réo rắt mời gọi còn có một bầu trời mênh mông tình cảm của những ca từ đơn sơ nhưng hấp dẫn được truyền lửa từ người nghệ sĩ đầu chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân, tay kéo nhị. Nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, đã không ít lần làm được một công việc đầy ý nghĩa là kéo khán giả để nhớ, để thương, để yêu, và không nỡ xa rời bộ môn nghệ thuật hát xẩm.

Trước đây, năm 2005, khi thành lập mấy phố đi bộ ở Hà Nội vào những ngày cuối tuần, ở trước cửa chợ Đồng Xuân buổi tối người ta lại thấy nhóm xẩm Hà Thành 36 phố phường đã trở thành thân quen lắm. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng những nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, thầy NSND Thao Giang, NSƯT Văn Ti, nhạc sĩ Quang Long, Khương Cường cùng một số nghệ sĩ trẻ khác đã trải chiếu xẩm vào tối Thứ bảy hằng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân.

Màn đêm buông xuống, chiếu xẩm được trải ra, những nghệ sĩ biểu diễn mà chẳng nơi nào trả thù lao cho một cắc. Họ biểu diễn vì niềm yêu tha thiết với bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Và cũng chỉ mấy mươi mét sàn diễn sân khấu ở ngay con phố đi bộ tấp nập người qua kẻ lại, người ta nhìn thấy những nghệ nhân nổi tiếng với tiếng đàn cự phách như Văn Ti, Xuân Hoạch, tiếng hát nức tiếng Thanh Ngoan, và cả những nghệ sĩ trẻ mới chập chững vào nghề.

Trong đám đông nghệ sĩ biểu diễn đó có một cô gái mang tên Mai Tuyết Hoa. Hoa dáng người tròn lẳn, mặt bầu bĩnh, tay đàn, miệng hát, cả chục năm trời, tuần nào cũng đến hẹn lại lên cùng với các bậc tiền bối nghệ nhân danh tiếng ca hát những giai điệu xẩm vang lừng trên khu phố, phố phường lại được một phen nhộn nhịp tưng bừng.

Có những người khách tuần nào đến giờ nhóm xẩm biểu diễn cũng đến xem, nhưng yêu thế, thích thế, thi thoảng họ mới bỏ vào khay đựng tiền dăm ba đồng tiền bạc lẻ, có khi là những tờ mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, thậm chí là 2.000 đồng.

Chao ơi, nào toàn những nghệ sĩ nức tiếng như Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ti, hay như NSND Thanh Ngoan, và cả chục nghệ sĩ trẻ giàu lòng tự trọng khác đâu phải cần dăm ba đồng bạc lẻ. Chẳng qua là người nghệ sĩ say nghề muốn tái hiện lại đời sống và chất văn hóa hát xẩm biểu diễn khi xưa. Chỉ cần có khách, chỉ cần có người đến xem là người nghệ sĩ lại trải lòng, rút ruột say sưa ngân nga tiếng hát. Người nghệ sĩ hát không phải vì tiền, mà vì tình.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa bồi hồi nhớ lại cách đây chục năm, khi đi xin chính quyền địa điểm biểu diễn, nhiều người chưa hiểu tưởng hát xẩm đấy là đi ăn xin. Trải chiếu trước cửa chợ để hát rồi có khay người ta thả tiền lẻ vào, chẳng phải hát ăn xin thì là gì? Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa lại phải giải thích, rồi xem chừng khó quá, cô cầm cây đàn nhị của mình vừa kéo đàn vừa hát cho người ta nghe. Lại còn có nghệ sĩ tên tuổi khác trong dòng nhạc dân tộc ra biểu diễn, người ta đóng dấu đỏ đồng ý. Thế là chiếu xẩm được trải ra...

Thấm thoát, thời gian trôi,  đến một ngày chị nhận ra mình đã đi dòng thời gian khá dài, người nghệ nhân còn sót lại duy nhất báu vật của âm nhạc dân tộc - Hà Thị Cầu - từ lâu đã thành người thiên cổ. Nếu như các bộ môn nghệ thuật âm nhạc dân tộc khác có nhiều đệ tử chân truyền thì bộ môn nghệ thuật hát xẩm lại vô cùng vắng vẻ nếu không muốn nói là lèo tèo như những bông hoa hiếm hoi trên sa mạc mênh mông rộng lớn. Tại sao chị lại chọn con đường này?

Tôi vẫn tin rằng, những ai gắn bó với sự nghiệp nghệ thuật lâu dài, người đấy chắc chắn có nhân duyên với nghề. Chỉ là một chữ "duyên" mà biết bao thân thương, gắn bó, thăng trầm. Chữ "duyên" đem đến cho người ta một bước ngoặt, một khúc quanh, hay thậm chí nó thay đổi hẳn định mệnh con người.

Cầm tinh con rồng, ngay sau khi đất nước thống nhất tròn một năm thì người mẹ hạ sinh ra cô gái nhỏ, đó là vào một ngày đẹp trời năm 1976. Cô bé sống cùng cha mẹ trong một khu tập thể, cuộc sống gia đình cũng chẳng mấy khấm khá dư giả gì. Thời bao cấp thiếu đói khiến con người ta lo chạy ăn từng bữa, và một bữa cơm thịnh soạn thì thật là xa xỉ mà chả mấy gia đình nào có thể mơ tới.

Năm lên 8 tuổi, cha mẹ cô bảo phải cho con bé này học nghệ thuật để nhà bớt một khẩu phần ăn. Lúc đó, nhiều gia đình chọn giải pháp cho con mình học nghệ thuật vì được chế độ ưu đãi hậu hĩnh tem phiếu đường sữa, cá thịt. Một ngày, cha cô dẫn theo con gái nhỏ đến Trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội để đăng kí học lớp đàn nhị.

Thầy giáo khả kính bảo cô xòe bàn tay ra để kiểm tra. Sau khi cầm đôi bàn tay nhỏ nhắn của đứa trẻ, thầy giáo gật đầu đồng ý, và thế là ngay sau đấy người thầy đó trở thành người thầy đầu tiên của cô bé. Lớp học chỉ có một thầy một trò. Thầy một đàn, trò một đàn. Những ngày đầu tập đàn chưa thể quen ngay và cũng chư thể yêu ngay, việc học cũng không thể thích thú bằng việc chơi. Nhưng, âm nhạc là thứ phải say mê và kiên trì, cô gái nhỏ những ngày đầu ở bên cây đàn như thể một sự ép uổng, và trả bài cho xong.

Nhưng rồi, không lâu sau đó, cứ qua đi những cơn mưa mùa hạ, trời lại sang những cơn gió của mùa thu với nắng vàng dịu nhẹ, đến mùa đông lạnh giá ảm đạm, sang tiết xuân ấm áp, cô bé nhỏ cứ đều đặn miệt mài tập luyện với cây đàn nhị. Tập riết rồi thì cũng quen, cô bé bắt đầu cảm nhận được giai điệu do mình tự kéo và thấy thích. Nhưng chỉ có cô mới vui buồn, yêu thích, say mê cùng tiếng đàn của mình, tiếng đàn nhị nghe não nề buồn bã, những hôm trời mưa gió ảm đạm, lòng người càng cảm thấy thê lương, não nề.

Và, đương nhiên ở khu tập thể chả ai thích cái tiếng đàn buồn ấy cả. Người ta thích âm nhạc nhộn nhịp vui tươi hay chí ít cũng là thứ âm nhạc không đến mức não nề, đằng này đứa trẻ cứ kéo cây nhị nghe sao sầu bi buồn thảm đến vậy. Trong khi những đứa trẻ hàng xóm được cha mẹ cho chơi những trò chơi con trẻ thì cô bé con này cứ ngồi hàng giờ lại réo rắt cây đàn nhị. Trong suy nghĩ của nhiều người, tiếng đàn nhị phù hợp với đám hiếu, sao nhà ông bà này lại để đứa bé 8 tuổi đi học đàn ấy. Đúng là gở. Cái thứ nhạc ấy cứ kẽo kẹt suốt ngày chẳng phải là điềm xui chăng? Hoặc giả không phải là điềm xui thì cũng là điều không bình thường và chả ai muốn nghe.

Cô lùi dần lên căn phòng quen thuộc của mình, lủi thủi nhìn qua ô cửa sổ rồi lại ôm cây đàn miệt mài ra tập. Tiếng đàn của cô bé ngân lên, tâm hồn trẻ thơ bồng bềnh theo tiếng nhạc vi vu mơ màng tưởng tượng.

Bỗng dưng một giọng nói sắc lạnh vang lên, đâm vào không trung chói tai: "Đừng có réo rắt nữa. Đời chưa đủ buồn hay sao mà còn lôi âm nhạc ra để khóc?". Từ hôm đó, mỗi lần tập đàn là cô lại phải cố gắng làm sao cho tiếng đàn nghe từ bên ngoài bé nhất, khỏi sang nhà hàng xóm. Cô sợ cái cảm giác mỗi khi kéo đàn là tiếng hàng xóm kêu gào róng riết. Như thể cô là một cô quỷ nhỏ của khu xóm vậy...

Những năm tháng học trò cũng qua, năm 1994, 17 tuổi, cô "tiểu quỷ" bước vào tuổi thiếu nữ, giã từ Trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội vào giảng đường Đại học Quốc gia âm nhạc Việt Nam. Trường học có nhiều lớp violin, piano,     guitar... thì cô vào lớp nhạc cụ dân tộc. Học âm nhạc dân tộc là nữ thì bố mẹ đều hướng cho con học đàn tranh, đàn tì bà, đàn bầu chứ mấy ai học đàn nhị? Cô thiếu nữ vào lớp đàn nhị, giữa cái nhìn tò mò của chúng bạn. Ở đây cô cũng không dễ dàng để kết thân cùng với ai.

Mai Tuyết Hoa thừa nhận, suốt cả chục năm học ở trường, cô chỉ có một người bạn thân, hai người thông cảm và thấu hiểu nhau. Đó chính là một người bạn học lớp âm nhạc phương Tây - nhạc sĩ Giáng Son. Hai cô bạn gái, một sinh viên âm nhạc phương Tây, một sinh viên âm nhạc dân tộc, họ tìm đến nhau, trò chuyện ríu rít và thân thiết như đôi sẻ non.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô vào làm ở Viện Nghiên cứu âm nhạc (Đại học Quốc gia âm nhạc Việt Nam). Công việc hằng ngày là tra cứu, nghe băng đĩa nhạc dân tộc. Một lần nghe được tiếng hát của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, lại chính mắt nhìn thấy băng ghi hình bà Cầu với cây đàn nhị quen thuộc.

Bà Cầu tay chơi đàn, miệng nhả câu nhả chữ. Cô gái ấy mơ mộng rồi học hát theo, muốn tiếp cận với báu vật sống của âm nhạc dân tộc. Mai Tuyết Hoa lần về quê bu Cầu, ở hàng tuần trời. Gần gũi người mình mến phục, cô được bu Cầu truyền dạy ngón nghề, coi như con cháu trong nhà.

Bà Cầu đã già cả, lưng còng, tóc bạc, mặt hằn lên dấu vết thời gian, sống buồn tủi, cô quạnh trong căn nhà giữa 4 bề là giấy khen, bằng khen mà vẫn thấy cô đơn, trống trải. Cô gái đến như một luồng gió mát lành thổi vào trong bà những rạo rực, và nghe con bé say sưa tay đàn miệng hát, bà như sống lại thời tuổi trẻ. Kể từ ngày đó, cứ rỗi là cô lại bắt xe khách về với bu Cầu. Những kỉ niệm về bu Cầu vẫn sống mãi trong kí ức của cô.

Đến tận bây giờ, làm công tác biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cũng chưa nguôi đam mê hát xẩm. Nghiệp xẩm chưa bao giờ mang lại nguồn kinh tế, cũng chẳng có “Mạnh Thường Quân” nào bạo tay tài trợ loại hình độc đáo có nguy cơ thất truyền này, vậy là cô tự bỏ tiền thành lập nhóm xẩm Hà Thành đi biểu diễn khắp nơi. Cứ lấy tiền từ nghề khác để nuôi xẩm. Tự bỏ tiền ra để biểu diễn, lôi kéo công chúng về âm nhạc dân dã này, nếu không có niềm say mơ mộng thì nào phải nghệ sĩ dân gian.

Rằm tháng 7 vừa qua, ngày Vu Lan báo hiếu, Mai Tuyết Hoa cùng nhạc sĩ Quang Long đứng ra tổ chức đêm diễn nhạc dân tộc trong không gian ấm cúng tưởng nhớ về đấng sinh thành. Trong không gian đó, những bài hát xẩm lại được nữ nghệ sĩ biểu diễn say sưa. Lẽ ra buổi biểu diễn đã kết thúc từ lâu, vậy mà khán giả cứ nấn ná ở lại, bịn rịn không muốn rời, còn người nghệ sĩ thì như được cổ vũ, khích lệ, sẵn sàng thăng hoa.

Ở đây, giữa khán giả và nghệ sĩ biểu diễn hòa làm một, họ thành tri âm, tri kỉ. Lòng say mê âm nhạc và cái tình đã kéo mọi người lại gần nhau. Tháng tám mùa thu, tiết trời trong xanh, nắng nhẹ, mây hồng, Mai Tuyết Hoa bịn rịn với cây đàn nhị xăm xắn đi biểu diễn khắp nơi, mang linh hồn âm của xẩm đến muôn nẻo đường.

Trần Mỹ Hiền
(antg.cand.com.vn)