Cao Quảng Văn an nhiên trong mạch thơ truyền thống

13.05.2019

Cao Quảng Văn an nhiên trong mạch thơ truyền thống

Nhà thơ Cao Quảng Văn là dân Văn Khoa Sài Gòn, xuất hiện trong làng văn khá sớm, lặng lẽ mà có đến hơn nửa thế kỷ cầm bút, từ tốn và an nhiên với phong cách nhẹ nhàng, ấm áp và bút pháp thơ truyền thống của mình.

Mảnh đất phóng khoáng của phương Nam, quê hương xứ Huế, cùng với những chân trời rộng khác đã in dấu trong tập thơ mới nhất của anh: "Chiều trên sông Hàm Luông", lưu lại những bài thơ từ năm 1966 đến 2018.

 

Tuổi đôi mươi hồn thơ bừng nở sinh sắc và bồi hồi cùng nhịp sống. Có những bài vang vang nhạc điệu một thời (Đêm nhiệm mầu tiếng hát đường xa, 1968). Có những lời âm âm nỗi buồn làm người (Cũng bâng khuâng gió lướt mặt đường, 1971).

Tuổi 40 chững lại những ghi nhận, một niềm vui từ hòa bình và gia đình (Vẫn xanh giấc mộng). Nhiều bài thơ nhạc điệu mạnh, nghe như những bài ca (Tìm nhau, Vào xuân, Sông ơi cứ chảy).

Và sau đó là trầm tư, là tra vấn, là khắc khoải. Do sức nặng của năm tháng trên vai hay bởi "những điều trông thấy"? Có thể là cả hai, nhưng dù thế nào, thơ Cao Quảng Văn vẫn chưa bao giờ bị chìm trong đắng cay, nghiệt ngã.

Có những nỗi đau nén chịu, tự dỗ dành. Có những nỗi buồn câm lặng, trong vô vọng, tự nhắc mình kiên nhẫn. Nhiều bài thơ trĩu nặng tự sự (Bước mùa tôi, Vẫn mỗi ngày như thế, Bên sông trôi, Những con đường không có lề,…). Chúng chất chứa nỗi niềm của người cầm bút: Khi lạc quan (Trăng chiều); lúc khắc khoải, với những câu hỏi lớn (Thơ hỏi nhà thơ); và mỏi mòn (Lãng du); rồi kháng cự (Có phút giây nào).

Trong kho tàng thơ Việt đã có những bài thơ viết về mùa, về chiều, đã trở thành kinh điển, không ai dám chạm vào, thế mà Cao Quảng Văn vẫn có khả năng chen vào ký ức chúng ta bằng một bài long lanh trọn vẹn (Ai chờ ai mùa thu). Đá và mây là cặp biểu tượng đối ngẫu trong thơ Cao Quảng Văn: một tĩnh, một động, làm nên ám ảnh nơi những ai biết lắng mình với tự nhiên.

Cao Quảng Văn làm thơ với bút pháp tự nhiên, thuần phác. Hình như ông không quan tâm nhiều đến việc cách tân kỹ thuật. Thế mạnh của thơ ông là nhạc điệu và nhạc tính. Một vài bài thơ tự do hiếm hoi nơi đây, mang phong vị phương Đông: "Tuyệt mù một thoáng vàng bay", "Nhớ Ức Trai"… thường rời rạc, dở dang, chưa tròn ý.

Tôi không biết Cao Quảng Văn đã có bài thơ nào được phổ nhạc chưa? Nếu được bay lên bằng đôi cánh của âm nhạc, chắc rằng thơ Cao Quảng Văn sẽ có dịp đến với nhiều người hơn.

Nguyễn Thị Thanh Xuân
(nld.com.vn)