Người đạo diễn sân khấu tài hoa – Trương Đình Quang

08.11.2012

Ở Sài Gòn, trong hàng lão tướng chơi cầu lông, có ông, đã từng đoạt huy chương bạc ở cuộc thi thành phố dành cho vận động viên trên tuổi 70. Buổi sáng, khi trời còn mờ hơi sương, người ta thấy ông ở bãi tập, nghiêm trang hướng dẫn những người trên tuổi 60 tập thể dục. Đến trường phổ thông cơ sở cấp I Mê Linh thuộc quận ba, vào các buổi sinh hoạt văn nghệ, thầy trò hào hứng theo dõi ông chỉ bảo, đóng vai mẫu trong kịch nói hoặc hoạt cảnh với các em học sinh.

Người đạo diễn sân khấu tài hoa – Trương Đình Quang

Đó là đạo diễn sân khấu Nguyễn Văn Khánh, tuổi 80 *. Vì dáng người ông cao hơn bạn bè, nên họ gọi thân mật ông là Khánh Cao, như là bút danh. Khi hoạt động trong Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ, ông lấy bí danh Cao Anh

Gốc là người Kim Bồng, mảnh đất nổi tiếng về nghề mộc ở bên kia bờ sông phố cổ Hội An, gia đình ông vào định cư ở thị xã Quảng Ngãi. Yêu quý quê hương này, ông lấy các thắng cảnh ở đây đặt

tên cho các con mình: Ấn Sơn, Trà Giang (nghệ sĩ nhân dân ngành điện ảnh), La Hà, Thạch Bích, Bút Sơn.

Lúc còn trẻ, là hướng đạo sinh, huynh trưởng bầy sói con, ông hăng say với công việc xã hội, yêu nước, ham thích làm việc thiện, bắt đầu hoạt động sân khấu (đóng kịch, làm trò ảo thuật). Vào những năm 40 ông đã cùng Lệ Thi (nay là nghệ sĩ nhân dân ngành kịch hát bài chòi) các nhạc sĩ Vân Đông, Võ Bài, tổ chức những chuyến đi biểu diễn ở các tỉnh miền Trung để lấy tiền giúp đồng bào bị nạn bão lụt hay đói rét.

Kháng chiến 1 bùng nổ, ông và gia đình đang ở thị xã Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Vào chiến khu vùng cực Nam Trung bộ, ông là trưởng đoàn tuyên truyền vũ trang quân dân chính "Sao vàng" thuộc E 812, quyền trưởng ty thông tin, trưởng phân hội văn nghệ tỉnh Bình Thuận. Ông dàn dựng những vở kịch nói ngắn về đề tài kháng chiến, đóng kịch, hô bài chòi, ca cải lương và làm ảo thuật. Đầu năm 1950, ông được chuyển công tác về vùng Liên khu 5. Cả gia đình vượt biển bằng thuyền về Bình Định. Cùng với văn nghệ sĩ địa phương như các nhà thơ Yến Lan, Phạm Hồ, nhà nghiên cứu hát bội Mịch Quang (tức Nguyễn Thế Khoán), các nhạc sĩ Trần Đình Cang, Phạm Thế Mỹ, Vũ Mạnh Sồ, ông tiếp tục làm thông tin và văn nghệ, vẫn gắn bó với sân khấu. Ông luôn bày tỏ nguyện vọng có một tổ chức biểu diễn ca múa nhạc kịch cho thiếu nhi và của thiếu nhi. (Hiện nay, ở nước ta, tại Hà Nội, có Nhà Hát Tuổi Trẻ, thỉnh thoảng mới có vài buổi biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi).

Năm 1955, tập kết ra miền Bắc, ông là đạo diễn chính của Đoàn kịch hát bài chòi (bấy giờ có tên là Đoàn ca kịch Liên khu 5).

Đầu 1957, buổi ban đầu tạo dựng thể loại sân khấu này, dàn dựng vở diễn THOẠI KHANH – CHÂU TUẤN (tác giả: Nguyễn Tường Nhẫn, nhạc sĩ: Võ Bài – Văn Cận, Cung Nghinh, họa sĩ: Văn Na), tuy vốn liếng về nghề còn ít ỏi, nhưng với tài năng – đây là lần đầu ông dựng một vở kịch hát dài với nhiều vấn đề thực nghiệm – ông đã thành công khi đưa lên sàn diễn một lớp diễn viên trẻ có tài năng, say mê với sân khấu mà tay nghề hơi yếu. Vở diễn có tiếng vang sâu rộng trong công chúng, càng làm cho những người yêu thích sân khấu bắt đầu hiểu kịch hát bài chòi, càng tạo cho đoàn mới ra đời có một vai trò và chỗ đứng trong hàng ngũ kịch hát dân tộc. Cái mới của vở diễn đã đưa lại sự thành công của sân khấu bài chòi thể hiện câu chuyện cổ dân gian mang màu sắc tráng khúc trữ tình. Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp mùa xuân năm 1958), vở diễn được tặng thưởng giải nhất, vở diễn đã có hàng triệu lượt người xem, và cho đến nay (phát trên sóng truyền hình) vẫn giữ sức sống tươi khỏe, xứng đáng là một vở diễn mẫu mực của ngành.

Sau vở diễn này, ông dựng liên tiếp một loạt vở diễn về chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước như: CÔ GÁI SÔNG THU BỒN của Nguyễn Tường Nhẫn, BẾN NƯỚC QUÊ HƯƠNG của Hoài Giao, KHI GIÓ NAM LÊN của Huỳnh Chinh và Ngô Quang Thắng, LÒNG SON SẮT của Trần Nguyên.

Vào cuối những năm 50, vừa học vừa dàn dựng dưới sự hướng dẫn của các nhà làm sân khấu đầy tài năng như An Ba (chuyên gia hí khúc Trung Quốc), Vaxiliep (đạo diễn kịch nói, chỉ đạo nghệ thuật Nga), Baritde (đạo diễn nhạc kịch Nga, nghệ sĩ công huân), ông tiếp thu thêm hiểu biết về nghề.

Thực nghiệm những điều được học tập, với trách nhiệm đạo diễn chính, từ 1958 đến 1963, ông dựng những vở ngắn: TÔI VAN ÔNG của Liên Nguyễn, CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG của Nguyễn Tường Nhẫn, vở dài TRÊN NÚI PHÌN HỒ của Bùi Công Bính, KIỀU – TỪ HẢI của Nguyễn Tường Nhẫn.

Đầu 1966, trở về miền Nam, với bí danh Cao Anh, ông hoạt động trong Hội văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ. Cùng với các nhạc sĩ Hồng Hải (Hoàng Lê), Hồ Thủy (Cung Nghinh), Anh Giang (Võ Ngọc Anh), tác giả Phạm Liêu Châu (Hải Liên), đạo diễn Phan Trần (Trần Chức), Đoàn Tiên Phong (Đoàn Phận) và một số diễn viên kịch hát bài chòi xây dựng phong trào sân khấu và nhiều đội biểu diễn bài chòi trên toàn miền. Các vở diễn ĐỘI KỊCH CHIM CHÈO BẺO, NHỮNG NGƯỜI CON GÁI QUÊ TÔI, MỘT MẠNG NGƯỜI, CHA CON... được dựng trong thời gian từ 1966 đến đầu 1969 đều có sự đóng góp của ông. Với các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, các nghệ sĩ múa: Phương Thảo, Phương Anh, ông cũng góp tài năng vào việc đặt nền móng cho các hoạt động ca nhạc.

Giữa năm 1969, ông bị thương, phải ra miền Bắc để chữa bệnh và nghỉ ngơi.

Ở Hà Nội, ông là thành viên của Ban văn hóa – văn nghệ (miền Nam), ông lo tổ chức đoàn ca múa tổng hợp, đoàn hát bội, đoàn kịch hát bài chòi. Sau tháng 5-1975, đoàn ca múa và đoàn hát bội về tỉnh Quảng Nam, đoàn kịch hát bài chòi về tỉnh, Khánh Hòa. Trên miền Bắc, Trường nghệ thuật sân khấu và ca múa nhạc dành cho Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ với sự có mặt của những nghệ sĩ tài năng: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Lệ Thi, Trần Ngọc Tư (Tư Bửu), Hoàng Lê, Phan Lệ Vân, Võ Bài. Không mệt mỏi, ông giảng dạy,  nhiệt tình chăm lo việc bồi dưỡng nghề, đào tạo lớp diễn viên trẻ.

Năm 1972, ông đưa ba đoàn nghệ thuật về lại Liên khu 5, tiếp tục làm việc trong Hội văn nghệ giải phóng.

Từ 1977, ông được biệt phái công tác tại các tỉnh miền Trung Trung bộ cũ, là Ủy viên ban chấp hành Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đại biểu ngành kịch hát bài chòi. Ông luôn nghĩ đến việc củng cố và phát triển kịch hát bài chòi trên đất quê hương miền Trung. Ra Bình Định, Quảng Nam vào Khánh Hòa, Phan Thiết, dàn dựng vở diễn (CÂU CHUYỆN BÊN KIA NÚI ĐÁ BIA của Nguyễn Tường Nhẫn), BÔNG TRẮNG của Nguyễn Khắc Phục (Nguyễn Tường Nhẫn chuyển biên), cùng các ban lãnh đạo các đoàn chăm sóc cho ngành mình.

Nghỉ hưu, gia đình ông từ Nha Trang chuyển về Sài Gòn. Ở đây, ông lại đến với lứa tuổi thiếu nhi làm sân khấu. Năm 1990, ở hội thảo về nghệ thuật cho thiếu nhi, ông cho biết ông đang đỡ đầu đội kịch nói của học sinh Trường phổ thông cơ sở cấpI Mê Linh ở Quận 3. Ông viết kịch ngắn, hoạt cảnh và dạy cho các em diễn. Ông mong ước góp phần nhỏ bé về đức dục cho lứa tuổi này, và ông hứa hoạt động trên lĩnh vực này cho đến lúc sức tàn lực tận.

Vào cái tuổi 75, (ngày sinh 20-9-1918) mới có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Những năm ở chiến trường đã để lại cho cơ thể ông bệnh thấp khớp và bệnh gai cột sống (nhiều người khác đã phải nằm tại chỗ, ít dám hoạt động).

Nhưng ở ông, người huynh trưởng của bầy sói con ngày trước, và người nghệ sĩ – công dân ngày nay, vẫn tích cực tập thể dục dưỡng bệnh, chơi cầu lông, viết kịch ngắn, hoạt cảnh và dàn dựng cho các cháu thiếu nhi, các cháu học sinh.

Nguyễn Văn Khánh, người đạo diễn tài hoa, mãi mãi tươi trẻ.

 

T.Đ.Q

* Sinh ngày 20/9/1918 – Mất ngày: 9/6/2012 tại Sài Gòn