Bụi của nhau Truyện ngắn Nguyễn Đăng Khoa
“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”
... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.
“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi, mùa thu trên mắt.
“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
“Anh nhà thơ của em, người ta hoặc sở hữu một giọng đọc thơ cực kỳ dở, hoặc là xạo. Thế mà anh có cả hai. Vậy thì yêu, yêu là gì?” Mùa thu tra hỏi tôi.
“Vậy thì yêu, yêu là gì? Là điều em gọi tên, khi một mình”. Tôi viết cho tôi và em một câu thơ. À, mà tôi không phải là nhà thơ như lời nàng đùa đâu, tôi chỉ là một gã chăn cừu xứ Provence trong truyện của Alphonse Daudet, cố tìm những ngôi sao trên núi, một hành động mang bản chất thơ ngây, trong giây phút chỉ muốn thấy nàng, tiểu thư Stéphanette.
“Cái anh này. Không những đọc thơ dở, rồi xạo, mà còn làm thơ khó hiểu nữa, nghỉ chơi”. Mùa thu chun mũi, hồng má, cấu vào vai tôi đau điếng.
Chúng tôi im lặng nhìn ngắm những buổi chiều đang dìu nhau qua cửa. Mùa thu hào phóng đổ bóng dài trên khắp các tán lá, sườn đồi, dốc nhỏ, quán gầy, phố thuôn, phủ rợp cả những ngón tay ngập ngừng, len lén tựa vào nhau...
“Đấy. Hôm nay đến đây thôi. Tuần nữa, có rảnh, cháu lại ra đây, chú lại kể cho cháu nghe một phần khác của câu chuyện”.
Tôi nhận ra mình hơi trẻ so với tuổi tám mươi khi nói câu này. Đó quả là một tự thú trung thực, nhưng gây buồn cho tuổi của tôi, cái tuổi mà đã lâu rồi giả vờ không biết đếm. Ghế đối diện, Nguyễn, cậu trai hai mươi tám tuổi, mà tôi vẫn gọi là bạn vong niên, ngồi lơ đãng, đốt đầy thuốc, cậu ta làm như chiều đã hết nhẵn khói vậy. Nếu bạn để ý kỹ, thì dường như trong mọi cuộc đối thoại thân tình, đều có ít nhất một cử chỉ lơ đãng của người đối diện, mang sẵn trong mình sự nhẫn tâm nhẹ nhàng, nó cố tình bày biện cho ta một cơn hoài niệm khôn cùng. Thịnh soạn và đơn chiếc.
Nguyễn tỉ mẩn chỉnh sửa lại những đoạn tốc ký trước khi hít vào thật sâu cái dễ chịu bất tử của chiều:
“Chú ạ. Như vậy là chú cháu mình đã đi được một quãng dài của hồi ký rồi. Chú kể, cháu ghi tay, không cần những cái máy ghi âm có bộ mặt lãnh cảm. Cháu thích cách làm xưa cũ này, khi ai đó làm một cuộc tìm về, hay nhớ lại”. Cậu trai nói dõng dạc, còn tôi vừa phì cười vừa lo ngại cho sự giảm giá thê thảm của công nghệ tân kỳ, ít nhất là trong một số lĩnh vực, như văn chương và ký ức.
“Cảm ơn bạn trẻ. Thật ra, ở tuổi chú, người ta đều muốn tự tay ghi lại đời mình - con chim đồi cao luôn khao khát tự hót bài tình lương thiện của chính nó, nhưng điều đó chỉ có thể xảy đến nếu đôi bàn tay chú còn đủ cường tráng để cầm được bút, và nếu mắt chú không mờ như mù sương mỗi sáng mùa đông. Chỉ tiếc là…” Tôi nói, chợt thương cho tay tôi, cho mắt tôi, chúng phải chịu khổ nạn khi gắn bó với tuổi già của tôi rồi. Ôi. Bất hạnh làm sao cái cảm giác xộc đến khi chúng ta phải chứng kiến một cành cây nào đó trong vườn lòng mình đang răng rắc gãy.
Nguyễn im lặng lắng nghe, đôi khi im lặng là phương cách người ta an ủi nhau tốt hơn hết thảy mớ lời lẽ vô tích sự. Cậu bạn vong niên của tôi là một nhà văn trẻ có những nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống. Đó không phải là một nhận định mang hàm ý ngợi khen bạn mình, nếu biết rằng sự sâu sắc trước tuổi có khả năng để lại cho ta những vết-thương-biết-lẩn-trốn. Cậu ta cố gắng chuyển chủ đề, để người bạn già có cớ tạm biệt cái buồn về tồn sinh, về hạn hữu đời người:
“À, cháu có một thắc mắc này. Trong những chương khúc khác của hồi ký, về tuổi thơ, về học vấn, về nghiệp... chúng ta có thể đi rất dài và rất nhanh đến tận cốt lõi vấn đề trong những quãng thời gian rất ngắn. Chú nhớ không, chỉ trong một tuần đầu làm việc, mỗi ngày chúng ta đều gặp nhau và đã có đến hàng chục trang hồi ký nghiêm cẩn. Thế nhưng, những buổi gần đây, trong phần ghi lại về tình yêu, chú chỉ cho cháu những cái hẹn tuần. Lạ lùng, mỗi tuần, chú thường kể rất ngắn, nhưng lại đầy say mê, kiểu say mê của một vũ công flamenco bị giam trong những tấu khúc tuyệt vời?”
Tôi gắn một nụ cười hào sảng lên gương mặt, trước khi nói bâng quơ với cậu bạn trẻ một vài điều có vẻ chẳng liên quan:
“Chú thích thơ lắm. Cháu có nghĩ rằng thơ và tình yêu hình như có một vài điểm chung? Đó là tính khoảnh khắc và sự duy nhất. Điều đó biến chúng thành những hiện hữu khó tìm thấy nhất trong cuộc đời”.
Chúng tôi tạm biệt.
***
Sáu ngày sau,
Tôi đang cổ hủ hóa mình khi chuyển chế độ Off với tất cả những đồ vật trong nhà có thể phục vụ mình tận nơi thông qua những mệnh lệnh bằng ý nghĩ. Đó là những thứ đổ đầy sự thông minh của năm 2065, và sự lười biếng của con người, cũng của năm 2065. Mai là ngày tôi hẹn gặp Nguyễn để kể tiếp câu chuyện tình của mình. Nghĩ cũng lạ, có những ý định phát khởi trong một khoảnh khắc và phản bội mọi nguyên tắc vững bền mà mỗi chúng ta cố kìm giữ suốt cả quãng đời trước đó. Ngày còn trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình muốn để lại mình trong những trang hồi ký, thậm chí có khi tôi còn cho rằng những tay phát minh ra trò chơi lục lọi ký ức này chắc hẳn mang sẵn dòng máu độc ác và phi nhân, vậy mà bây giờ, tôi đang nhờ Nguyễn viết hồi ký cho mình. Bởi trí nhớ đã bắt đầu phụ rẫy tôi, nên tôi cần tự chuẩn bị cho mình một chút hồi ức về nàng, ngay từ hôm nay. Tôi bắt đầu ngồi lặng bên những bức thư mà em viết cho tôi, chìm dưới một hòm cũ, sâu hoắm dấu thời gian.
... Này là tóc dài hương đêm thanh, này là tiếng nói rung chuyển lồng ngực lạnh, này là dáng bước của xuân sang, này là những kỷ niệm mở mắt sau giấc mê man. Ngày đó, tôi và em đã vô tình bước chung một nẻo mà tình yêu như một cơn mưa đổ ập, không cho chúng tôi một nơi nương náu khác. Tôi nghĩ khá nhiều và sắp xếp sẵn những chi tiết sẽ kể cho Nguyễn nghe vào ngày mai. Từ những bộ áo em thích mặc và tôi mê đắm, từ những thủ thỉ của em về tôi, mà tôi từ khoảnh khắc nghe giọng em, đã vội vàng gói ghém, chôn sâu trong tôi, sợ mất... Đó là những ngày vui nhất, những ngày đẹp chỉ gõ cửa một số người trên trần gian theo những lá thăm may mắn do Thượng Đế ân ban, thậm chí tôi còn lo rằng những điều tôi nói quá dài và miên man, tôi chuẩn bị luôn một giọng kể thật tiết chế. Chúng ta có nên nói về dở dang và tiếc nuối hay không, tôi rất phân vân về điều đó. Bởi dở dang và tiếc nuối là thứ có bản chất sẵn định, là đích đến đương nhiên cho mọi sự trên đời này, kể cả tôi, kể cả em, tất cả. Thôi chúng ta, quyết định điều đó vào tuần sau vậy. Ngày mai, tôi sẽ gặp nhà văn Nguyễn bằng mọi niềm vui mà tôi sở hữu. Đêm vẫy tay vô hình. Tôi chìm vào giấc ngủ với nụ cười của ai, không rõ nữa.
***
Tôi tỉnh dậy, có thể tự bước. Quái lạ. Tại sao tôi lại di chuyển được mà không cần cái xe lăn tự động tiên tiến đáng ghét kia nữa vậy? Tại sao tôi lại xuất hiện bên giường bệnh với đôi mắt chưa bao giờ mù sương, đôi tay lành lặn có thể nâng cả một cuộc đời. Mà ai đang nằm đó? Bên giường bệnh, tôi thấy Nguyễn. Nguyễn đang đọc gì cho người trên giường nghe vậy? Nhẹ chân bước đến, tôi giật mình nguyền rủa cả những bước chân khi thấy chính tôi đang nằm ngủ, đó là một giấc ngủ có độ dài thiên thu, Nguyễn thì đang đọc cho tôi nghe đoạn cuối của hồi ký chính tôi. Những con chữ cuối trang giấy chắc hẳn vẫn đang bất ngờ khi chính chúng sẽ cùng tôi, khép lại tôi.
“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”
... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.
“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi.
“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
N.Đ.K