Mùa sống - Truyện của Đinh Quỳnh Như và Đinh Anh Thư
....
Một ngày mưa, tình cờ đọc được câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma :” Con người sống như thể họ sẽ không bao giờ chết, và họ chết như thể họ chưa bao giờ sống.”
Em bỗng nghĩ, có phải chăng rồi khi chết đi, liệu có ai còn nhớ đến một em- từng tồn tại trên cõi đời này; và liệu có một ngày, em nhận ra yêu thương em dành cho mọi người, chưa bao giờ là đủ, chưa bao giờ thấm vào trái tim bộn bề những lo âu cuộc sống, khi đó liệu em còn tồn tại? .....
Mùa sống
Trời sinh ra bốn mùa để sống,
và để yêu thương…
Một ngày mưa, tình cờ đọc được câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma :” Con người sống như thể họ sẽ không bao giờ chết, và họ chết như thể họ chưa bao giờ sống.”
Em bỗng nghĩ, có phải chăng rồi khi chết đi, liệu có ai còn nhớ đến một em- từng tồn tại trên cõi đời này; và liệu có một ngày, em nhận ra yêu thương em dành cho mọi người, chưa bao giờ là đủ, chưa bao giờ thấm vào trái tim bộn bề những lo âu cuộc sống, khi đó liệu em còn tồn tại?
Người ta nói, Việt Nam chẳng đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, đất nước em chỉ có mùa mưa và mùa khô thôi mà. Em bỗng lại bật cười. Có riêng gì, có quan trọng gì tách ra những mùa trong năm như thế. Đã là yêu thương, thì quanh năm ngày nào chẳng hiện hữu; và như vậy thì có là mùa xuân hạ thu đông, hay mùa mưa khô có là gì?
Muốn yêu hay thương, trước tiên ta phải nhận ra rằng.
Mình đang sống.
1.
Xuân
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
[Vội vàng, Xuân Diệu]
Sáng sớm. Nắng không gắt như mọi ngày, trong veo nheo mắt tìm đường lẻn vào cửa sổ. Mưa hè đến nhanh mà đi cũng thiệt nhanh. Sau một đêm, tất cả những gì còn lại là vũng nước nhỏ đọng trước sân. Lá xanh hơn và bầu trời không còn ủ dột. Mùa hè năm nay của em chính thức bắt đầu từ ngày em hoàn thành kì thi chuyển cấp. Kết quả lúc này đã không còn quan trọng, bởi em đã cố gắng hết mình. Em tự khen em ngoan, và tự thưởng cho chính mình những ngày hè không-sách-vở.
Ở nhà vài ngày em sinh chán. Bạn bè đều ở xa. Quanh quẩn với ti-vi và máy tính, ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn. Rảnh rỗi đến đáng sợ. Những ngày dài rảnh rỗi nhiều khi khiến con người ta suy nghĩ vẩn vơ, rồi vô tư giấu vẩn vơ vừa ló vào trong túi áo, đem đi giặt. Từng vòng quay đều, bong tróc. Hay vô tình thả rơi vào máy xay, xay nhuyễn, nhẩn nha nhấm nháp từng thìa. Em giấu vẩn vơ ấy chỉ cho riêng em biết, để rồi khi vẩn vơ được chấm thêm một vết đen của nỗi buồn, cũng chỉ mỗi bản thân em hay.
Em và ba mẹ lại vừa có xích mích. Em chưa bao giờ là một đứa con ngoan đúng nghĩa. Tuổi dậy thì giấu em vào những bảo thủ của riêng mình. Em chỉ tin mỗi em, và không ai nữa cả. Cái sự chỉ-tin-chính-mình làm em hư, làm em cãi lời ba mẹ, làm em mệt mỏi, làm em chán ghét gia đình mình, làm em chán ghét chính mình.
Rồi em xách ba lô lên, du lịch bụi, một mình. Mảnh giấy gấp tư gọn gàng để lại bàn ăn. Em tin ba mẹ sẽ tin em. Em đã lớn, và em biết mình cần làm gì. Có khó khăn thế nào thì cũng là lúc em học cách để vượt qua. Em dỗ dành sự hối lỗi cứ chực giữ chân em bằng một lí lẽ rất riêng, bằng một lời biện minh rất lạ, rằng thì, vì mùa hè thứ mười sáu của em nào có trở lại bao giờ.
Chuyến xe đêm trở mình chẳng mấy êm dịu. Em đẩy rèm nhìn ra ngoài cửa sổ. Đen và chỉ một màu đen thôi. Xe phanh gấp, em gập người về phía trước. Cảm giác choáng váng, buồn nôn nhanh chóng được lấp đầy bởi sự háo hức của lần đầu tiên tiến về phía màn đêm ở những nơi chỉ toàn người lạ. Cứ như mình vừa lớn hơn mình của cách đây vài giây một chút. Em lôi điện thoại ra, thật muốn chia sẻ khoảnh khắc này cho một người nào đó, nhưng lướt lướt danh bạ một hồi, lại thôi.
Mười sáu tuổi, con người ta cần phải học cách cảm nhận một mình, và phải học cách hiểu rằng, có những thứ chỉ có thể cảm nhận một mình…
Mười sáu tuổi, em đẩy cả tuổi mười sáu của mình lên chuyến xe chông chênh giữa tối, yêu thương, hờn giận, tủi thân và hoang mang đến lạ, em nhét hết vào hành lí. Đến lúc xuống xe rồi, em còn viết lại biển số chiếc xe màu xanh biển ấy, và đặt tên cho nó là “Mười sáu chông chênh”
Em dừng chân ở Vũng Tàu, vì một lời quảng cáo rất yêu từ một người bạn thân trên mạng…
“Ở đây, cậu có thể nghe trong không khí có cả mùi của yêu thương.”
Xếp gọn hành lí trong một nhà nghỉ nhỏ, em và bạn thân lang thang trên đường phố Vũng Tàu. Bạn thân liến thoắng…
“Rồi tớ sẽ dẫn cậu đi ăn phở lạ”
“Phở lạ, là lạ ở chỗ nào?”
Câu hỏi của em bị bản thân bỏ lửng…
Quán ăn nhỏ, bàn ghế giản đơn, hai chữ “Phở Lạ” treo trên biển. Cô chủ mới hai mươi tám xuân thì, nuôi mười mấy đứa nhỏ con con. Người ta hỏi trêu cô sao nhiều cháu thế, cô chỉ cười. Ai chẳng biết, hai mươi bốn mùa xuân của cô đã dừng lại ở quán phở lạ mười ba ngàn một tô này rồi.
Chúng em vào quán khi trời đã về chiều. Mấy đứa nhóc, đứa bê phở, đứa bê nước, đứa khập khiễng mang cái ghế ra kê, miệng liến thoắng “Mẹ ơi khách”, nghe não lòng. Còn cô chủ lúc nào cũng cười, chẳng nói năng gì đi múc phở.
Bạn thân là khách quen của quán. Cô chủ ngồi cạnh bạn thân, nét mặt sao dịu dàng quá đỗi. Và cả ảnh nhìn rất sâu kia nữa, em tự hỏi chẳng biết điểm dừng của nó đã rớt tận chốn nào? Cô nhìn em đấy, mà có nhìn em đâu. Cô nhìn xuyên qua em, rồi thả rơi ánh mắt mình ở đâu xa lắm. Vào giây phút chạm vào nét nhìn lơ đãng ấy, em đã biết quán phở lạ và cô chủ kì lạ này, sẽ còn giữ chân em lâu hơn thế.
“Cô chủ ơi, phở lạ, là lạ ở chỗ nào?”
“Lạ ở chỗ, phở không ngon mà người ta vẫn đến ăn.”
Người ta muốn ăn phở, chắc chẳng đến quán của cô.
Cô chủ vừa dứt lời, tiếng nói ngọng nghịu “Mẹ ơi khách” lại vang lên. Con nhỏ lại lon ton chạy đi rót nước, thằng bé đứng cạnh bên cô đợi bê tô phở. Mấy đứa khác thấy khách đứng dậy, lăng xăng chạy lại dọn bàn. Bạn thân thì thầm…
“Tụi nhỏ mồ côi cả, giống như cô.”
…
Hôm sau, em mang hành lí đến quán cô xin ở. Bạn thân ngần ngại nói với cô về quyết định đường đột của em. Cô chủ cười hiền, niềm nở, rằng chỉ sợ nhà chật, em sống không quen, chứ “cửa nhà cô chẳng đóng lại bao giờ”.
Em phụ cô và tụi nhỏ dọn hàng, bưng bê. Có cô bé nhỏ trong lúc quét nhà bảo em, chị ơi chị xinh quá, mặc đồ cũng đẹp nữa, nghe mà đắng cả lòng. Cô chủ chỉ có thể lo đủ cho chúng cái ăn cái mặc, chứ mặc đẹp thì cô lo sao nổi. Trong giây phút ấy, bỗng dưng em thấy như mình là người hạnh phúc nhất thế giới.
“Cô chủ, tuổi đời con trẻ mà nuôi mấy đứa nhóc, không sợ ế hay sao?”
Tiếng của một người khách trẻ vang lên. Tuổi trẻ, như vị khách đó, và như em, lo toan chỉ giản đơn là có tìm được một công việc với mức lương dư dả, và tìm kiếm một người bạn đời mà thôi… Im lặng một lúc lâu, cô mới trả lời, rằng cô chẳng sợ ế, chỉ sợ mấy đứa nhỏ không có chỗ nương tựa. Cô có sống thêm vài ba cái xuân nữa, thì yêu cũng chỉ đủ mỗi cái thương từ đời nảo đời nào. Ai biểu người ta ngại mười mấy đứa nhỏ, không nuôi…
Người ta như vậy, cô cũng thôi. Mấy đứa nhỏ không có cô, chúng sống sao đặng. Người ta không có cô, người ta vẫn đi lấy vợ lâu rồi.
Cô lại cười. Tụi nhỏ líu ríu, thấy mẹ cười cũng nhe răng cười theo mẹ. Khách nhìn mà quên cả phở đang ăn.
Đến lúc này, em mới nhận ra, phở lạ, là lạ ở cái cười. Bởi, phở dở mà khách cứ tấm tắc khen ngon. Ngon, là bởi có yêu thương mong nhớ tràn về. Ăn vảo lòng thấy ấm.
Phở cô chẳng lúc nào thôi khách, mà ngày ngày cũng chỉ đủ vài đồng bạc lẻ. Ai bảo, khách của cô nghèo, chẳng thể nào trả hết mười ba đồng bạc.
Cô cứ cười, người ta thì cứ ăn phở thiếu tiền. Bởi vậy nên xóm người mới rỉ tai nhau:
“Phở của cô ăn vào ấm lắm.”
“Có mười ba đồng mà no hết cả lòng”
…
Em ở nhà cô được mươi ngày như vậy, mà chẳng nói với cô được mấy câu, ngày ngày nhìn cô múc phở cho người. Người ta ăn, rồi người ta đi. Chỉ khi chậm lại một tí thôi, đứng ngoài cuộc đua cùng thời gian một tí, em mới thấy cuộc sống này sao mà vội vàng quá. Phở cô cứ múc, người ta cứ ăn, rồi người ta vẫn cứ đi. Bao nhiêu người trong số ấy còn nhớ đến cô? Còn nhớ đến phở của cô?
Ấy vậy mà, cô vẫn cười, bình thản. Cô bảo em, cãi với ai thì được, chứ đừng có dại dột mà cãi lại thời gian. Thời gian cũng giống như đại dương, một khối sâu thẳm đặc sánh hóng đói sẵn sàng nuốt trọn tất cả những gì rơi vào lòng nó. Những thứ ta muốn để lại, những thứ ta muốn mang theo, đến cuối cùng vẫn bị biển thời gian giành lấy. Chúng chìm xuống, mất tích trong khối sâu thảm ấy. Vẫn sống đâu đó trong sự bao la, nhưng không thể tìm ra nữa.
Cũng như những dịu dàng quá đỗi của hai mươi tám mùa xuân chảy vào trong cô, cả đời cô có còn thấy lại bao giờ…
Cứ múc phở nhìn người ta ăn như vậy hoài sao cô?
Đến ngày thứ mười một, cô hỏi em về lí do em bỏ nhà đi.
Thật ra, em không bỏ, chỉ là em muốn rời đi một chút. Cuộc sống của em chừng như chưa trải qua sóng gió gì to lớn. Gia đình hòa thuận, khá giả, không hẳn giàu nhưng cũng không đến nỗi nghèo túng. Học hành ổn định, chẳng phải đứng top nhưng cũng chen được một chân vào trường cấp hai chuyên của thành phố. Quan hệ bạn bè cũng ít người thù ghét. Em cứ đi, cứ sống hoài trong một khoảng không gian màu hồng như vậy. Con đường không được trải bằng hoa hồng, nhưng vì vậy nên chẳng có bóng dáng của gai. Và em chưa bao giờ thử nghĩ về cuộc sống của mình. Quá đủ đầy, quá bình yên nên em chẳng nghĩ suy gì cả. Cho đến những ngày em thôi không bước vội…
Em còn trẻ. Em còn nhỏ. Em vẫn được nghe về những điều chẳng ngọt ngào nơi thế giới ngoài kia rộng lớn. Nhưng em chưa đủ sẵn sàng để nếm trải. Em vẫn còn muốn mơ về một thế giới nơi mà bình yên mãi mãi là vĩnh cữu.
Em đi chỉ giản đơn là tìm một bình yên khác, một bình yên mới hơn, lạ hơn để tô màu mới lên đám mây hồng nhàm chán. Nhưng mà, đến lúc này thì em mới chợt nhận ra, định nghĩa bình yên là gì em còn chưa biết.
“Bình yên ấy, đơn giản lắm. Là khi em đi thật chậm ngoài đường mà vẫn nghe gió lùa qua kẽ tóc, bám vào người em, rít lên từng tiếng kêu lạnh lẽo. Và rồi, em nhìn vào ngôi nhà, em có biết mình sẽ thấy những gì? Những ngọn đèn ấm áp. Những con người và những tiếng cười chẳng bao giờ dứt. Nếu lúc đó, em nhận ra mỗi căn nhà là một gia đình, thì hãy để ý đến những nhịp đập của tim mình, và học thuộc nó. Vì đó chính là nhịp đập của bình yên đó.”
Cô chủ đưa tay vuốt nhẹ tóc em, chậm rãi. Em nhìn cô, nheo nheo mắt ra chiều không hiểu. Cô lại cười hiền. Là khi em biết “mỗi căn nhà là một gia đình”, là khi em nghĩ về căn nhà vẫn đang mở rộng, gia đình vẫn đang đợi chờ chính em phía trước, là khi đó, em sẽ biết bình yên là gì.
Rồi cô bất chợt trầm ngâm… Với cô, mười mấy đứa trẻ này là gia đình, là bình yên của cô, mãi mãi…
Đêm hôm đó, em và cô tâm sự với nhau nhiều điều. Về tuổi mười sáu của em vừa mới đến, về những dại khờ, những vô tâm mà em chẳng ý thức được bao giờ. Em đi đã mười hai ngày chẵn, điện thoại hết pin tắt ngúm vứt trong vali chưa mở. Mười sáu năm qua, ba mẹ cố gắng dạy em thứ gọi là trách nhiệm. Em nâng niu thứ đó trong bao năm, rồi vứt đi không thương tiếc chỉ trong một giây rất nhẹ. Em biết ba mẹ sẽ lo cho em nhiều lắm, nhưng vẫn cứ bảo thủ mà rời đi. Như thế, là em đã trở thành đứa trẻ hư đốn rồi phải không?
“Em biết không, khi em sáu mươi tuổi, em sẽ phải vất vả để cân bằng cuộc sống của mình. Nhưng khi em mười sáu tuổi, em sẽ phải vất vả không kém để đẩy cuộc sống ra khỏi mức cân bằng. Tuổi trẻ mà không thử thách, không khám phá thì sao còn gọi là tuổi trẻ, phải không em? Nên hãy cứ sống đi, nhưng mà phải nhớ, đi đến đâu rồi cũng phải trở về, thênh thang mấy rồi cũng đến dừng chân.”
Em lấy điện thoại ra, cắm sạc, bật nguồn lên. Tin nhắn báo cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của bố mẹ tới tấp. Em cầm điện thoại trên tay, cảm nhận được từng nhịp rung của nó, bần thần.
Cô thì vẫn cứ cười, “em thấy không, bình yên giản đơn là như thế đấy. Là có một nơi luôn đợi ta trở về.”
Sáng sớm hôm sau, cô tiễn em ra bến xe về nhà, không quên ấn vào tay em một chiếc bình thủy tinh be bé.
“Gửi em chút khí Vũng Tàu và chút yêu thương Phở Lạ.”
Cô mỉm cười. Có lẽ, em sẽ chẳng bao giờ biết được, rằng trong nụ cười ấy, cô đã gửi cho em cả tuổi xuân của mình, chỉ mong em có thể sống trọn vẹn cho từng khoảnh khắc, có thể bình yên trong từng hoàn cảnh. Sống trọn với tuổi mười sáu của chính mình. Nghĩ về tuổi thanh xuân của mình, cô chưa bao giờ hối hận, cũng không hề nuối tiếc. Cô có một niềm tin mãnh liệt vào quyết định của chính mình mỗi khi nhìn tụi nhỏ bên cô cười khóc. Chỉ là đôi lúc nghĩ lại, cô vẫn thấy man mác buồn. Tuổi thanh xuân của cô, thực sự đã qua mất rồi…
Chiếc xe lăn bánh nhanh dần. Trời tờ mờ sương, lãng đãng bám lấy cô dày đặc. Em quay đầu lại nhìn theo cho đến khi cô chỉ còn lại là một chấm nhỏ lửng lơ giữa mây trời. Bất giác, em chợt nhận ra, cô cũng chỉ như bao người phụ nữ khác, cũng cô đơn và nhỏ bé biết bao. Nhưng cô đơn của cô, cô đem giấu đi thật kĩ. Nhưng nhỏ bé của cô, cô lại đem làm điểm tựa cho mười mấy nhỏ bé và cô đơn khác.
Rồi em lại nhớ đến nụ cười, ánh nhìn lơ đãng, và cả giọng nói trầm trầm rất dịu của cô…
“Mấy đứa nhỏ không có cô, chúng sống sao đặng. Người ta không có cô, người ta vẫn đi lấy vợ lâu rồi.”
Em đưa chiếc lọ thủy tinh cô tặng áp vào ngực, nghe yêu thương của cô lan vào từng lớp áo. Rồi em lấy điện thoại, soạn tin nhắn gởi cô…
“Cô ơi, bao năm qua cô đơn là thế, sao cô lại không khóc bao giờ?”
“Cô phải cười để tụi nhỏ cười theo. Cô khóc, tụi nhỏ cũng khóc, sau này lận đận như cô cũng khổ.”
Em thừ người nhìn tin nhắn của cô vừa đến, bất chợt thấy sống mũi cay cay.
***
Mùa xuân thứ hai mươi chín, trong quán của cô xuất hiện một vị khách quen trẻ tuổi. Anh đẹp trai, cao ráo, và rất thương trẻ con. Mấy đứa nhỏ trong quán mỗi lần thấy anh đều nhảy cẫng lên, chạy lại giành nhau đòi anh bế, đứa chậm chân lại bắt anh nắm tay dẫn đi, mấy đứa lớn hơn một chút lại bắt anh kể chuyện, những câu chuyện cổ tích rực rỡ sắc màu, nơi có bà tiên và ông bụt. Những lúc nhìn anh vui vầy bên tụi nhỏ, cô lại cười, nụ cười bừng lên thêm sức sống.
Thi thoảng rảnh, anh còn giúp cô và mấy đứa nhóc bưng bê. Một lần nhận tô phở từ cô, tay anh chạm vào tay cô rất nhẹ. Cô bối rối cụp mắt xuống múc tiếp tô phở khác. Anh lúng túng đưa phở đến bàn. Cô nghe như trong mình có điều gì như vừa chớm nở.
Ngày anh ngỏ lời, cô hỏi anh về lũ trẻ. Anh thương tụi nó, nuôi tụi nó không vấn đề gì. Chỉ là anh là con một, ba mẹ muốn cô về làm dâu, mà có ai về làm dâu lại mang theo cả một bầy con nít? Anh ngần ngại. Hay là mình gửi tụi nhỏ và trại trẻ mồ côi? Mỗi tháng mình tới thăm đều đặn? Cô nhìn anh, mỉm cười và thôi không nói nữa. Sự bình tĩnh trong cô khiến anh chao đảo. Ừ, cô đã quen rồi. Quen với những người yêu đủ, nhưng chẳng đủ thương. Thương cô và thương cả tình thương cô dành cho bọn trẻ.
“Tụi trẻ có mồ côi đâu mà phải đưa vào trại? Chẳng phải tụi nó có em là mẹ đó sao?”
Mùa xuân thứ ba mươi, quán vắng bóng của một người khách thân. Tụi nhỏ đôi lần ngơ ngác đợi chờ. Cô lặng im nhìn mùa xuân qua khung cửa sổ. Nắng đã bắt đầu dịu dàng, đằm thắm. Lộc non mới nhú từng mầm. Nếu nắng bỏ đi, thì lộc non sẽ sống bằng điều gì? Lộc non cần nắng, không phải chỉ để mang hơi ấm, mà còn là mang cả một niềm tin.
Cửa mở. Tụi nhỏ lại lăng xăng kê bàn rót nước. Cô lại múc phở và nở nụ cười.
Và cứ thế, một mùa xuân nữa của cô lại qua đi.
Quỳnh Như
2 .
Hạ
Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
(Mùa hạ- Xuân Quỳnh)
Đó là một ngày mùa hè đẹp trời.
Một ngày nắng ấm, để khi chân vừa bước khỏi nhà, đã nghe sự đinh ninh về một ngày tuyệt vời lan đầy trong không khí. Tháng bảy nắng chói bỗng rộn ràng một ngoại lệ như dịu mát đi cái nóng đỉnh điểm của thiên nhiên, và cả bản thân con người
Người ta vẫn thường mở đầu câu chuyện của mình như vậy, một cách đơn giản, tẻ nhạt đến vô vị. Nhưng ở đây, nó chỉ muốn nói rằng hôm nay là một ngày đẹp trời, và rồi nó đánh rơi cái ngày tuyệt đẹp đó, trong chiều mưa của nỗi buồn khắc khoải.
Tháng bảy. Mùa hè. Nghỉ hè và những niềm vui.
Nhưng tháng bảy của nó là thất bại.
Bạn hỏi thế nào thì đáng gọi là thất bại? Chia tay? Rớt Đại học sau mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường? Vậy thì nó- kẻ bị cả hai nỗi thất bại ấy đánh phải- chắc hẳn không đáng trách khi bỗng dưng mệt mỏi, muốn dừng lại, trốn tránh bằng cách bỏ lại sau lưng những nỗi ưu phiền.
Một sáng, mua gấp vé xe về Quảng Nam. Dọn quần áo, vật dụng bỏ vào balo mà mất thêm một tối, đôi lúc lại bần thần nhìn về phía trước, có đôi chút tự hỏi mình có phải đang cố tìm một nơi nào để xa rời nỗi đau, trốn tránh sự thật đầy phũ phàng hay chăng.
Cảm giác thất tình, nó đã bao lần tự nhủ, mình phải vượt qua, vượt qua, vượt qua, dù mọi chuyện có tồi tệ đến đâu, và bởi vì mình đã yêu một người không xứng, một người có thể mỉm cười âu yếm với một cô gái khác trong quán cà phê ta vẫn thường gặp nhau, một người mà suy cho cùng không thương yêu nó như nó đã mong mỏi, hay ít ra, như nó đã tin là như vậy.
Nó đã những tưởng, cần phải có thứ để bám víu, để có thể đứng lên sau một cuộc chạy đua vượt qua nỗi đau này, để rồi sụp đổ, trượt dài trên con dốc mà hóa ra là vực thẳm sâu hun hút. Ừ. Rớt Đại Học.
Những giọt nước mắt, rơi xuống đất, len lỏi trốn tránh khỏi một con người đầy rẫy sự cô đơn ngập tràn. Đến những giọt nước mắt còn bỏ đi, thì có ai sẽ lại gần nó nữa. Nó đã không dám nhìn ba mẹ khi biết điểm của mình, đó là lỗi của nó, và cuối cùng bố mẹ phải gánh lấy.
Con ngươi mở to, ngước lên trời, thầm mong tất cả chỉ là một giấc mơ, rồi khi tỉnh dậy, có lẽ, mọi thứ, sẽ khác đi. Câu trả lời là sự rát buốt bắn vào trong đôi mắt, nhắc nhở nó đối diện với thức tại, với lỗi lầm và sự đau khổ chẳng qua cũng là do chính bản thân mình gây nên
Nó muốn ở một mình. Muốn gào khóc, muốn hét lên, muốn điên cuồng với suy nghĩ của bản thân, rằng mình bất lực quá, mình phải đi đâu đây, ai sẽ chấp chứa mình, ai có thể chấp nhận một con người thất bại như mình…
Mọi sự ngu ngốc đều là do bản thân mình mà ra.
Hoang mang. Lạc lõng. Nó muốn đi đến một nơi thật xa. Muốn đi qua thế giới này. Bỏ lại tất cả. Nó muốn dừng lại. Ừ, chỉ thế thôi, muốn ra khỏi thế giới này. Đừng ai bảo nó kém cỏi, và nó, cũng sẽ không tự trách bản thân mình.
Thế nên, nó ngồi đây, trên chuyến xe khách chật chội, có mùi mồ hôi, mùi của những bãi nôn chắc hẳn chưa lau sạch sẽ xộc vào mũi mình. Nó đã đeo chiếc tai nghe, mắt hướng ngoài cửa kính, mà không gian nhỏ bé này vẫn làm nó phải phát hoảng, đầy tạp âm, đầy tiếng la hét, tiếng nói cười, tiếng khóc của trẻ nhỏ, mọi cảm xúc dâng đầy rồi vụn vỡ, chẳng lẽ, nó còn chưa đủ sao?
Sau tất cả những va đập, những cái giật nảy mình khi đi qua ổ gà, sự mệt nhoài trong đôi mắt chỉ tan được chút ít khi về được quê mình.
Thả bộ dọc theo những con đường, rẽ vào từng đường đi nhỏ bé giữa cánh đồng bạt ngàn đã lên màu tươi trong, cả biển lúa xao động sóng vỗ, thoang thoảng mùi lúa chín nhẹ nhàng trong sáng mùa hè gắt gao. Nó cảm thấy thư thả, nhận ra rồi thì cuối cùng mình cũng đã ở trong một thế giới khác, nơi này sẽ chẳng có người yêu cũ, có điểm số chèn ép con người, có chăng thì chỉ có nó là tự hành hạ mình, mà khoảnh khắc bây giờ, nó chỉ ước mình có thể quên đi.
Ngoại đang ở trong nhà nấu ấm nước bằng cái cà ràng, chụm củi lại mà giữ lửa cho nhanh sôi, chạy vội ra khi con mực sủa inh ỏi, móm mém đập vai nó, đập nhiều mà yếu ớt bao nhiêu:
- Tổ cha mày, tao đang nấu ấm chè tươi cho mày, vào nghỉ đi con!
- Dạ… con chào ngoại, cậu và mợ đâu rồi ạ?
- Ở ngoài đồng, thôi vô trỏng nằm đi con, đường xá bụi chi mà bụi!
Nó cười cười, xách ba lô đặt lên chiếc giường cũ, lót bằng tấm chiếu lơ xơ, đã đứt mất mấy sợi dây trân. Tiếng đàn lợn ụt ịt trong chuồng, mùi cám xộc vào đưa đẩy, Tiếng con bìm bịp sau nhà kêu lên ngắn ngủn, rồi tắc tị trong cổ họng như đứa trẻ lên mười ăn vạ.
Ánh sáng hanh hao yên ả chiếu sáng tổ mối góc tường nhà, ven dưới rãnh gạch lát là đàn kiến đen đi dọc đường thẳng sáng bừng lên dưới nắng. Mọi thứ đều rất lạ, rất đơn sơ, không có tiếng ồn ã nẹt bô xe máy, không có tiếng nhạc thình thịch từ quán cà phê cóc kế bên nhà, không Internet, chiếc Tivi không truyền hình cáp to cộ kê bởi chiếc ghế gỗ lòi ra đinh sắt bên chân.
Nó có cảm giác mọi thứ đều mang dáng dấp không- hoàn- hảo, luôn thiếu sót, chứ không yêu cầu cao, phải hoàn hảo, phải tuyệt vời như thành phố, không áp lực, bớt đi những suy nghĩ mệt nhoài.
Tối đó, ngoại đãi nó món cá chuồn chiên vàng ươm, mùi củ nén thơm nồng như xua tan đi những món nướng, món ăn nhanh dầu mỡ những ngày chuyển suất học. Cậu mợ có lẽ cũng biết nó vừa rớt đại học, nên chẳng nhắc gì, chỉ hỏi sức khỏe mọi người trên thành phố, và dặn nó tranh thủ đi chơi cho nhiều
Trên bàn, chiếc đèn cóc với ánh sáng nhỏ nhoi tỏa ra, nó nhìn xoáy vào và tự hỏi, nó có thể trốn ở đây cả đời không?
***
Thêm một vài ngày nữa, trôi qua dài đằng đẵng, chán nản, mệt mỏi.
Nó đã tự huyễn hoặc mình rằng, nó có thể quên mọi nỗi đau chua xót. Nó sẽ không tự lừa dối mình rằng chưa hề có kì thi nào diễn ra, khi mà một bà làng bên xách giỏ đi chợ ngang qua khoe con mình vừa đậu đại học. Nó sẽ không tự ảo tưởng, rằng chàng trai nào đó sẽ nhắn tin chúc ngủ ngon mỗi tối, sẽ có tiếng đàn ghita ngân vang trong những mưa chiều lạnh giá. Chỉ có nó, và chỉ có nó đang ở đây.
Ngoại nhìn nó buồn, ngoại hiểu hết, hàng bao nhiêu năm sống trên đời, ngoại chẳng lẽ còn không biết nó về đây vì lẽ gì. Ngoại cố công nấu cho nó tô phở, gà xé vắt chanh, sai mấy đứa cháu qua chơi với nó cho nguôi ngoai nỗi buồn phiền. Nó vẫn ăn, vẫn cười, vẫn ngồi xem tụi nhỏ chặt bó đũa chơi chuyền, trèo cây té chảy máu, nhặt hoa chơi đá gà, ngắm ngoại phơi khô cá thòi lòi ngoài nắng nồng nồng mặn mòi, mà đêm về vẫn lại dửng dưng nhìn trăng sáng sau lũy tre, nhìn vào khoảng không, lặng yên như thể chết rồi..
Ba mẹ đôi khi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe nó, nó biết là thật lòng, nhưng có gì cay cay, có vị đắng nghét của một đứa con bất hiếu, nó trả lời từng câu hỏi, rồi im lặng. Ba mẹ hiểu, và thế chỉ còn lại tiếng lạo xạo trong điện thoại như từ một âm thanh nào đó đã rất xa vọng về.
Mọi thứ thì vẫn thế, lặp lại theo một trình tự, tức là, thật ra cuộc sống nó vẫn tiếp diễn, nhưng nó thì đang ở một không gian khác, chưa thể thích nghi, nhưng vẫn đủ điều kiện gọi là tồn tại
Ngày thứ năm. Trời chợt đổ con mưa.
Cơn mưa rào mạnh mẽ, cuốn phăng, ào ạt, giận dữ. Tiếng rầm rầm trên mái tôn căn nhà đã cũ. Nó co chân ngồi trên chiếc giường, trong khi ngoại nhai trầu mở tivi nghe ca cải lương. Tiếng cải lương xen lẫn tiếng mưa, mùi trầu xen lẫn mùi ẩm ướt từ đất xộc lên cánh mũi. Bà vừa phe phẩy cái quạt tàu cau, vừa vỗ đùi khen lấy khen để, kép này hay quá, cảm động quá, mày coi đi con, rồi sau này hát cho ngoại nghe.
Nó phì cười, rồi bước ra ngoài cửa, lắng nghe tiếng ếch, tiếng nhái, xem con mực xù lông rũ nước bên hiên nhà. Cậu nó ở căn bên, uống bia nhắm mực khô với đám thợ đang lợp nhà cho nhà dì Thắm bên kia sông, tiếng nói cười bỗ bã vang lên trong sắc trời xâm xẩm tối, những người đàn ông cục súc, mộc mạc, sống rày đây mai đó, sống ngày qua ngày, tưởng nhiều muộn phiền lo toan, mà đến khi bia rượu vào, bỗng hóa thành những cậu thanh niên trẻ trung chưa biết nỗi đau cuộc đời, bỗng dưng quay lưng lại, đến sáng mai thức dậy lại làm việc hết sức vì cuộc sống của cả gia đình nghèo khó.
Bỗng dưng nó thấy vụn vỡ. Nó không biết mình phải làm gì, kiểu như một người cứ đi lang thang, cứ sống, cứ ăn rồi lại ngủ, vô nghĩa lững lờ trôi. Bỗng dưng nó thấy, chán nản, mệt mỏi, muốn dừng lại, muốn mọi thứ hãy biến đi, hãy để nó ở lại một mình, chỉ một mình thôi, đâm đầu vào những khói bụi, những thị phi để làm gì, mai sau này có ai còn nhớ có một nó, từng tồn tại hay không?
Mái tôn, mưa vẫn rầm rầm.
Nó bỗng bước thẳng ra màn mưa dày, như thể chỉ cần bước vào đó, thì mọi thứ sẽ chấm dứt. Trước khi ra khỏi sân, nhìn lại sau lưng, lem nhem nước là nước, nó vẫn kịp thấy ngoại mỉm cười.
Mưa đập vào đau rát, như con sóng vỗ, ngập ngụa những dấu chân ai, lấm lem bùn sình. Có đôi lần nó cảm thấy mình sắp ngã, nhưng rồi lại giữ thăng bằng mà bước đi. Con ngươi như thể sẽ vỡ tan, mà nước mắt lại từ đâu chảy xuống, hòa lẫn với mưa, len lỏi vào áo, ướt đẫm.
Niềm đau đã thế này, thì mưa có là gì, mà bản thân nó còn chưa biết, đi dưới mưa thế này, nếu không là điên, thì sẽ là gì? Mưa kìm nén mọi cảm xúc, tưởng như vỡ òa ra nhưng cuối cùng lại chỉ chìm lắng sâu trong nỗi cô đơn bạt ngàn, mưa chẳng vẫy gọi nó đến nơi nào, chỉ khiến nó thêm nhớ những ngày nắng còn ngồi trên bàn học với lũ bạn thân.
Nó bước ra đường cái xi măng, nhưng lại lắm ổ gà, chợt làm nó liên tưởng rằng ổ gà đang chờ ai đó đến lắp đầy, nhưng chờ hoài chả thấy, mưa phải làm thay cho, nhưng mưa rồi cũng sẽ bỏ đi, nắng hanh hao lại đến, mà nắng thì chỉ thích nhảy nhót, đâu nhớ ra có những bất hạnh dưới kia.
Chợt có những đứa trẻ chạy ra ngoài tắm mưa, đúng nghĩa tắm- với- những- cơn- mưa, chứ không phải là tìm đến mưa để tạm quên đi nỗi buồn như nó. Có cu cậu trần truồng, tồng ngồng múa may, cười sặc sụa hứng lấy mưa rồi hất lên mặt bạn mình. Những đứa trẻ bỗng đẹp thêm ra, bỗng sạch thêm ra, bỗng hạnh phúc thêm ra, trong đôi mắt nó.
Nó nhớ tuổi thơ, nhớ những ước mơ thơ ngây, những tưởng tin mà dù có quay đầu lại nó cũng muốn được trở về, nó sẽ vui vẻ, sẽ đón nhận lấy mọi thứ, sẽ tin tưởng hơn, sẽ trưởng thành hơn, sẽ không ngu ngốc nữa..
Tiếng rầm rầm của mưa bỗng nhạt đi, ngớt hẳn nhanh chóng, bỗng dưng để lại những con người ngập ngụa nước, để lại nó trơ ra giữa đường, ướt đẫm.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng nhiên một cô bé nhỏ chạy lại gần bên nó. Con bé mặt cái áo màu tím, và quần bà ba rộng màu nâu. Trên tay nó là hai con thuyền nhỏ bằng giấy báo cũ được tô xanh màu trời. Con nhóc sún răng, nhưng có hai lúm đồng tiền cười trông rất duyên. Nó hỏi:
- Chị ơi, chị có muốn chơi chung với tụi em không?
Nói đoạn, con nhỏ chìa một chiếc thuyền ra cho nó.
- Tụi em nhiều thuyền lắm, cả bọn gom giấy báo ba đọc xong về để gấp đấy.
Nó mỉm cười cầm lấy một chiếc rồi thả cho nó trôi theo dòng nước. Con thuyền không chịu chạy, cứ xoay ngang rồi lại xoay dọc, như thể đang chần chừ, như thể đang sợ hãi. Con bé bên cạnh đưa tay đẩy đẩy dòng nước, con thuyền chầm chậm trôi đi.
- Chị phải đẩy nước như thế mới tạo đà cho con thuyền đi được!
Ừ, phải rồi. Một cú đẩy. nó đã cần lắm một cú đẩy như thế trong đời. Cuộc sống của nó đã trôi qua bao ngày đơn điệu. Gia đình không giàu có nhưng đầy đủ. Học tập ở mức bình thường. Nó đã chẳng có điều gì làm động lực, cứ sống và sống hoài trong vỏ bọc an toàn như thế.
Con bé thấy nó im lặng một hồi lâu không nói, kéo kéo áo:
- Chị ơi, con thuyền này sẽ trôi về đâu vậy?
Nó bất chợt giật mình. Con thuyền này và cả con thuyền của đời nó, rồi sẽ đi về đâu?
- Đi đến tương lai em ạ…
Lời nói thoát qua môi nhanh hơn suy nghĩ. Nó ngỡ ngàng vì câu nói của mình, rồi lại mỉm cười xoa đầu em bé nhỏ. Phải rồi, có thế nào thì con thuyền cũng phải đi tới tương lai thôi, tương lai có ra sao thì là do bản thân mình quyết định, đâu thể mãi trông chờ vào một dòng nước lặng. Dòng nước lặng thì thuyền sao có thể trôi đi.
Nhưng con thuyền kia sao mà mỏng manh quá đỗi. Bởi nó làm từ giấy, cứ trôi theo dòng thì sớm muộn gì cũng rã ra, tan biến. Nhưng bé con đang ở bên cạnh nó và tụi trẻ đằng kia không hề hay biết về điều đó, nên tụi nó vẫn thả, tụi nó vẫn hi vọng, tụi nó vẫn sống cho tương lai. Còn nó, hẳn trái tim nó đã già nua để không thể hiểu về điều đó.
“Hay là thôi, cứ nhắm mắt làm ngơ sự thật mà tin tưởng về một ngày thuyền cập bến, ước mơ sẽ được đong đầy?”
Bỗng nhiên nó muốn mình bé lại. Nó đâu thể chết lúc này. Nó phải sống. Mà không sống vì tương lai thì nó còn sống cho điều gì?
- Em dễ thương lắm đấy, cô bé.
Con bé cười tít mắt, khoe cái răng sún xinh xinh
- Mẹ em cũng hay khen em như vậy lắm. Cả ba nữa, rồi bà ngoại nữa, mấy bác hàng xóm cũng khen em như vậy.
Nó xoa đầu con nhóc, rồi kéo con bé vào lòng. Mùi tóc khét khét vì cháy nắng, không thơm như hương bồ kết vương trên tóc của bà ngày xưa trong kí ức, nhưng vẫn bình yên một hương quê kì lạ. Rồi con bé như nhớ ra điều gì đó, quay sang hỏi tiếp:
- Chị ơi, chị đã yêu bao giờ chưa?
Nó sững người, ấp úng bảo chưa. Con bé chu môi
- Em yêu rồi, nhiều lắm!
- …
- Em yêu bố này, yêu mẹ này, yêu ông bà này, yêu mấy đứa bạn này, bác hàng xóm này, nhiều quá em không đếm hết luôn!
Nó sững người, chợt nhận ra không phải “yêu” có nghĩa là tình yêu trai gái, mà còn có thể là rất nhiều tình yêu khác. Bao lâu rồi nó chưa nói lời yêu với những người thân trong gia đình, những người đã nuôi nấng nó chẳng kể công. Vậy mà đã có lúc nó muốn tự tử chỉ bởi một người chưa cho nó được bát cơm.
Con nhỏ vẫn cứ đưa tay đếm đếm, rồi nó bảo:
- Em yêu cả chị nữa!
- Chị cũng yêu em, nhóc con ạ.
Nó nói như một phản xạ. Ừ, tình yêu mà, nó có thể sinh ra một cách nhẹ nhàng và đáng yêu như thế đấy.
- Con thuyền trôi xa khuất tầm mắt của chị em mình rồi, em về chơi với tụi bạn nhé, chị người lớn! Em muốn lớn nhanh thật nhanh như chị.
Cô nhóc lại chạy về phía lũ bạn, tiếng cười vang lên giòn tan trong nắng. Cũng đã đến lúc phải lớn lên rồi, tôi ơi! Nó mỉm cười tự nhủ với lòng rồi đứng dậy lững thững bước chân về.
Nó trèo lên bậc tam cấp, đôi mắt long lanh một nỗi vui thầm, mà có lẽ ngoại đã nhận ra, nên móm mém bảo nó lấy khăn sau nhà mà lau khô đi, kẻo cảm lạnh, nếu mệt thì để bà cạo gió.
Nó bỗng thấy mình ngu ngốc, vì sao mà lại có thể đau khổ chỉ vì một thằng con trai ất ơ thậm chí còn không nuôi lấy mình một ngày nào, trong khi ba mẹ thì lo toan cho mình mười tám năm thì chẳng nhìn thấy. Hạnh phúc thì yêu, đau khổ thì chia tay, sao phải tự chuốc lấy những khổ đau cho mình, mà tình yêu, thì đâu thể chỉ dành riêng cho một thằng con trai còn chẳng trân trọng nó, còn biết bao là người yêu thương nó vô điều kiện, mà khi nó trở về, sẽ cho nó một mái ấm, cho nó tình thương..
Rớt Đại học, có thi đậu thì phải có rớt, bản thân nó có khi phải nếm mùi thất bại; xem như là nếm sớm hơn những đứa đồng trang lứa một tí, để mai này ra đời biết cách mà đứng dậy sau những thương đau. Nó sẽ vừa làm thêm, vừa ôn lại, rồi năm sau thi, nó biết đâu là giới hạn của bản thân, mà mọi thứ, thì không thể dừng lại ở đây.
- Con ơi, ăn cơmmmmmmm
Tiếng ngoại vang lên dưới nhà, nó vội vàng thay bộ đồ ướt, rồi chạy xuống so đũa, bưng cơm, tự dưng thấy hôm nay đồ ăn trông ngon lạ thường…
***
Nó xách ba lô trên vai, hai tay là hai xách đầy những trái vả, nén khô, cà pháo ngâm, dưa, cá khô, mắm Nam Ô,… nặng trịch
Con đường hôm nay bỗng dưng lại ngắn hẳn, có những nụ cười, những cái vẫy tay chào nó ngang qua, Ngoại đi ngay bên cạnh, chốc chốc lại thở dài, lại đập vai nó bộp bộp, làm đến lần thứ hai chúc, ngoại định đập nữa, thì tay khựng lại giữa không trung, rồi hạ xuống, như thể ước lượng có khi nào mình đánh nữa, nó sụm luôn không ta.
Ra đến đường lớn, chỗ đợi xe khách, nó đặt hết đống tay nải xuống chân, nắm lấy đôi bàn tay toàn da và xương của ngoại
- Hè năm sau, thi xong mày vô lại với ngoại, nghen con!
- Cần gì hả ngoại, tết này con sẽ lại về
Có nụ cười long lanh nơi khóe mắt lấm tấm đồi mồi, nheo lại phản chiếu trong đôi mắt nó, ngập tràn tình thương yêu
Nó trèo lên xe, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ.
Đến khi xe đã đi rồi, ngoái lại nhìn, vẫn còn thấy ngoại đứng đó bần thần nhìn nó không nỡ xa. Mọi âm thanh, mọi thứ mùi nồng nặc bỗng dưng xua đâu hết, tự dưng nó chỉ còn thấy mùi hanh hao, mùi dầu Miên của ngoại. Bỗng thấy nhớ mùi cá chuồn chiên, món tủ của ngoại. Bỗng muốn bảo bác tài dừng lại, cho con về với ngoại con.
Tự dưng lại muốn khóc.
Xa xa, hoàng hôn nhuộm ráng chiều trong biển lửa, có ai đó vu vơ khẽ hát trên xe. Rồi nó, sẽ còn phải chiến đấu cho bình minh, một ngày mai rồi sẽ đến.
Mà trước khi sống vì ngày mai, nó vẫn còn hôm nay để thương yêu cơ mà.
Anh Thư
3.
Thu
“chữ trừng phạt, trời đang viết đấy
cụm mây đen vần vũ - khói đốt người!”
(Chữ của trời- Nguyễn Duy)
Một sáng. Chuyển trời.
Sang thấy ông đang vật lộn với mớ dây nhợ, những thứ máy móc giăng mắc trên người ông như con nhện nhả tơ rồi lại tự trói chính mình. Sang khó nhọc thở, hớp lấy không khí để tồn tại, ông đang phải làm mọi cách để có những thứ mà trước giờ ông chưa nghĩ mình sẽ đánh mất, tuổi tác, không khí, một cơ thể khỏe mạnh. Ông đã có tất cả, tiền bạc, danh vọng, nhà cao cửa rộng, sao ông vẫn cảm giác mình đang thiếu thứ gì..
Chú chim bồ câu gục gặt đầu ngoài khung cửa, như thể đồng ý
Rằng ông đang thiếu đấy, cuộc sống của ông hãy còn vụn vặt lắm, hãy còn trơ lắm, hãy còn cần nhiều nữa
Ta còn thiếu thứ gì?
Thiếu thứ gì, thì tự ông rồi sẽ thấy.
Đôi mắt chú chim xoáy vào chiếc giường trắng lạnh ngắt, xoáy vào thân thể mập mạp nhưng lại đầy vết thương của Sang. Ông thấy ngột ngạt, ngột ngạt vì một con bồ câu trắng vô hại.
Cánh chim khẽ vụt bay, để lại khung cửa sổ trơ trọi, bóng trắng của cái chết như thể vừa sượt qua tầm tay. Chỉ còn lại ông đầy hụt hẫng, với những lạnh lẽo, và những đơn côi. Ông thấy, mình đang sợ.
- Ông sao vậy? Mệt phải không?
Tiếng vợ Sang vang lên từ hướng cửa ra vào, nhỏ nhẹ, nhưng đủ để lôi ông ra khỏi cảm giác mộng mị vừa rồi. Khẽ ngúc ngắc đầu, với mong ước làm tan đi những suy nghĩ phức tạp, ông khò khè:
- Thằng Thành đâu?
- Nó đi từ sáng sớm..
Sang lắc đầu thêm một chốc nữa, rồi lại thôi, ông lại nhìn ra cửa sổ. Sáng sớm nay, tiếng xe mô tô của thằng con ông đã làm ổng tỉnh giấc, rồi kịp nhìn thấy nó với bộ đồ hầm hố phóng xe như điên ra khỏi nhà, mà hẳn, không cần nhìn thấy, ông vẫn đoán được rằng trên miệng là điếu thuốc phì phèo với làn khói trắng quen thuộc.
Cô bé giúp việc mặt non nớt luống cuống bê khay cháo nóng vào phòng ông, miệng nở nụ cười tươi đầy sức sống. Vợ ông nhận lấy cái khay, với tay lấy chiếc ghế đặt xuống sát cạnh giường, trong lúc cô giúp việc nâng người ông lên, chỉnh lại chiếc gối dựa.
Sang cựa quậy một cách khó chịu, cố tìm cho mình tư thế nằm thật thoải mái. Chẳng hiểu sao, tối qua ông chỉ ăn được vài muỗng cháo, đến khuya lại nôn khan ra nước là nước; đến bây giờ hẳn đã phải tiêu hóa hết rồi, cái bụng trống rỗng của Sang sẽ kêu réo dữ lắm, thế mà ông chẳng muốn ăn tí nào, nó cứ nhạt nhạt, lạt nhách, như nước ốc, như thể thứ ông đưa vào mồm chỉ là cái gì mềm mềm, mà chẳng có vị gì. Nhưng ông vẫn im lặng, hớp một cách khó khăn từng muỗng cháo đã được vợ ông thổi cho bớt nóng; miếng cháo lem nhem trên miệng, rơi xuống ga trải giường. Người vợ vẫn kiên nhẫn lấy giấy lau miệng cho Sang, trong lúc đấy, cô giúp việc đang quét phòng chút nữa thôi sẽ thay ga trải giường một cách