Sáng mùng một uống trà với bạn - Phan Đình Minh
Sáng nay qua cửa, thấy anh nhẩy nhẩy, tập thể dục. Người ta tập thể dục ở công viên, đường cái, trong... nghĩa địa. Anh lại tập thể dục ở ngay gian nhà để xe máy.
Mùng một âm lịch, lại đúng chủ nhật, tôi dứt việc đến thăm. Vừa vào, trông thấy mặt tôi, anh liền ngượng nghịu.
- Tín trách gì mình đấy?
- Gì mà trách.
- May quá… đến ba tháng nay không qua nhà anh chơi
- Công việc bù đầu, cứ nhảng.
- May quá.
Anh lại nói “May quá” rồi với tay lấy hộp trà ngon chỉ dùng tiếp khách quý. Ờ, mình đâu phải khách. Sau khi hớp ngụm trà đặc sánh, ngọt săn đầu lưỡi tôi và anh nhoãi người trên hai cái ghế tựa làm bằng mây.
- Bài văn hoá Phở, viết khá đấy. Mình đọc đến dăm lần. Khiếp, lọ mọ. Hơn ba chục năm ăn phở, mới viết được bài như thế chứ.
- Bác quá khen. Độ này sức khoẻ sao?
- Thì vẫn thế.
- Có hay đi biểu diễn không bác?
- Vài cua, nhưng chán quá. Đi công tác mà bọc thuốc to hơn túi… đàn. Có lẽ nghỉ ở nhà cho thoải mái. Mình cứ định hỏi Tín, xem, nên vào Sài Gòn sống? Mấy cơ sở dạy nhạc mời, thù lao hai mươi triệu.
- Đi làm gì.
Anh trố mắt ngó tôi. Lương anh chưa đầy ba triệu. Giờ đi một tháng những hai mươi triệu mà tôi không hưởng ứng.
- Không đi. Nếu cách đây vài năm, ô kê luôn. Giờ, tiền nhiều để làm gì... con Ngần. Mà hôm nay mặc kẻng thế!
Tôi đưa mắt nhòm chiếc quần bò, áo phông anh đang vận, rất nghệ sỹ.
- Tiễn con Ngần đi công tác Đà Nẵng. Thằng Tổng giám đốc người Nhật lái xe đưa nó ra tận sân bay. Ăn mặc tử tế tí, không thằng Nhật đánh giá.
- Thì ra vậy. Cái thằng đeo đuổi con bé cả năm nay?
- Chính nó. Vợ chồng mình khuyên, thôi con thấy hợp hợp thì đồng ý đi. Yếu, bố mẹ vào nhà dưỡng lão. Giờ, con chưa đồng tình với bố, sau này, thấy bố nói rất chi là đúng.
- Thì đấy cũng lý do em không bằng lòng anh lặn lội vào Sài Gòn. Sáu mươi rồi. Ối dào, bộn tiền rồi bất thường, rắc rối.
Anh quay đi chỗ khác...
- Mấy hôm trước. Mình đi chơi xa. Thằng Thiện rủ.
- Thằng Thiện, tướng dữ dằn chứ gì?
- Ừ. Đâm dại. Nó dẫn đến trại giam.
- Đi chơi ở trại giam?!
- Thì… thì bên rìa trại, đi ăn nhậu. Nhiều món ngon mà ăn chẳng thấy ngon gì. Thức ăn tù nấu. Mấy cậu, chế độ tự do. Cứ ông ông, con con, có người còn già hơn mình... thật xấu hổ.
- Lại thế nữa. Bác đi, còn nói gì?!
- Về, mình phát bực, bảo với thằng Thiện. Lần sau tôi không theo cậu nữa. Nghĩ sao mà dẫn tôi đến đấy ăn ăn, uống uống.
Mặt anh buồn rũ, xong, anh thở đánh thượt.
- Trong bữa ăn, có một tay mọng hộp cứ nhận mình thông gia. Ông ấy còn khoe, thằng con bên tòa án hay kiểm sát gì ấy, làm án tốt lắm, bắn mấy thằng rồi.
- Ối giời - Tôi chợt thốt. Anh cho em chén rượu đi.
Tôi toãi người trên ghế, bất giác giơ tay vuốt mặt.
- Anh biết tại sao ông tổng giám đốc người Nhật mê con Ngần nhà mình?
- Thì con Ngần chuyên môn giỏi, lại xinh, chăm chỉ.
- Tất nhiên rồi. Xinh, chuyên cần... còn điều: vì anh là nghệ sĩ. Chắc thể nào thằng đó đã từng nghe anh kéo viôlon như gió hát.
- Cậu lại nóng. Cái nghề kéo đàn đâu liên quan đến tình yêu của thằng bé người Nhật.
- Thế đấy, tôi đảm bảo với anh, thằng đó si mê con Ngần, một phần phát hiện sự nhậy cảm con bé bởi nghe tiếng đàn của bố từ trong bụng mẹ.
Anh Phần là nhạc công nhà hát giao hưởng, nghề kéo đàn đeo đẳng anh gần bốn chục năm nay.
- Thằng bé đoàn trưởng muốn mình nghỉ, nhưng lại sợ mình buồn, đói.
- Nguyên cái chuyện anh gọi đoàn trưởng là thằng là đáng cho nghỉ.
- Thì ngày xưa lúc bố nó trưởng đoàn, mình đã là sô lít, mỗi lần nó theo bố đến nhà hát mình lại mua kẹo cho, rồi cho ngồi lên lòng.
Anh kể vô tư, và cười hiền. Đời, vậy.
- Giờ nhiều người giỏi, mình từ sô lô thụt lùi đi mấy bậc. Nhưng xét về chuyên môn, còn lâu mới phải rời sàn.
Đúng vậy, có ông tóc muối tiêu ngồi, dàn nhạc có vẻ hàn lâm hơn.
Nhà anh mặt phố, nhưng cái kiểu mặt phố như thế, cho, tôi cũng không thèm ở. Mặt phố kiểu chìa ra, ngoài đường bước một bước là vào phòng khách, còn trong nhà, bước một bước mà không nhìn… là ra bệnh viện. Suốt đêm, ngày, lúc nào cũng sợ ô tô, xe máy rông thuốt vào. Vậy thì vậy, cái khoảng bốn mét vuông chỗ tôi đang ngồi, ngày xưa anh cũng mở quán cà phê cho chị bán. Kê khít khao được ba cái bàn. Khách chỉ là mấy ông ở cơ quan bên kia đường. Mà rặt những lão hư thân mất nết, rỗi việc sang ngồi, mắt la mày lém chị Hòa vợ anh. Chị Hòa đẹp và trẻ hơn anh mười tám tuổi. Con Ngần xinh xắn vậy, chắc từ gen trội của chị, chứ giống anh lỏng khỏng, lòng khòng.
- Uống đi không nguội. Cái hồn trà này lạ lắm.
- Gớm, độ rày anh định viết văn?
- Chú lại. Tôi thì viết khỉ gì. Cả đời uống trà, có duyên mới thưởng thức một hai lần thứ trà uống vào thấy trời, thấy đất.
- Nói hay như cuốc vào lòng thế, nhà văn còn theo mệt.
- Chú này....
Tôi nhâm nhi ly trà ngon và ngắm ông bạn già. Người ta nghỉ hưu thì béo tốt, khỏe mạnh ra, ờ lạ, anh Phần, nghỉ, lại lụ khụ, luộm thuộm, nhụng nhịu đi. Cái nghề kéo violon của anh, chắc nghỉ là xa với nghề, thiếu khán giả, thiếu một phần vô cùng quan trọng của cuộc đời nên anh nôn nao nhớ, nhớ đến ăn ngủ không được. Vậy, mới sọm, khụ vậy.
- À mà, hôm trước sao ở… Y, anh không điện cho thằng X?
- Chú buồn cười ghê. Xui dại tôi. Tôi điện cho Phó chủ tịch tỉnh, rủ họ đi uống rượu?!
- Bác này, cánh văn thơ bọn em, quan trọng là viết ra sao. Làm to cỡ nào cũng đều là… “một lứa” tuốt.
- Ối giời. Tôi xin.
- Nó là nhà thơ, làm giám đốc sở văn hóa, rồi làm Phó chủ tịch. Tụi em vẫn mày tao với nhau.
- Chú nghĩ chú thân phận gì. Trưởng ban biên tập một tạp chí chuyên ngành. Chú còn có mẽ nhà thơ, chứ tôi, nhạc công quèn vừa hưu.
Chuyện là vừa rồi anh theo đoàn hưu trí phường lên thăm quan một tỉnh miền núi. Gió hiu hiu đồi cao thống thếnh, quán xá leo pheo, bạn bè không có, buồn như trấu cắn. Anh điện cho tôi xem trên này có anh bạn nào giới thiệu, để trà lá qua hết đận thăm quan. Không ngờ tôi lại giới thiệu anh bạn Phó chủ tịch tỉnh: “Bác điện, bảo là bạn của Tín, thể nào nó cũng đến kéo đi uống rượu”. Anh hoảng hồn và tức tôi anh ách.
- Ông Phần ơ, mười giờ đi sinh hoạt tổ thơ nhé.
Anh Phần nhoài ra, tôi cũng nhó người ngoái ra cửa. Một bác tóc muối tiêu, quần xooc trắng, áo phông vàng, người to béo, phương phi.
- Dạ, nhưng tôi chửa làm được bài thơ nào
- Cái ông nhạc công này. Chưa được thì ra thưởng thức người khác ngâm.
- Vâng ạ. Mình là nghệ sỹ, ông ấy cứ gọi nhạc công.
Vừa nhăn nhó, anh Phần vừa đai một câu. Tôi thấy ông bạn hưu trí cùng phường với anh Phần này quen quen. Cái miệng cất lời như con hào đớp nước, rồi đôi mắt có hai bọng nằng nặng ở mí nhưng rất lem lém.
- Anh. Có phải bác vừa rồi tên Thảng?
- Ờ. Sao chú biết ông ta?
- Úi dào, ông này bữa lọ cùng nằm viện với em. Hình như cụ mây gió trăng hoa lắm, bị lũ con rể chơi xấu, nháy bác sỹ cho uống viên thuốc gì, tịt luôn cái khoản ghế đá, công viên.
- Thế à. Hẳn nào, hôm ra viện, ông Thảng chửi, đuổi tứ tát lũ con rể nhân tết mùng năm về thăm bố vợ.
Chuyện là, vợ ông Thảng mất đã lâu, ông lại có cháu nội, cháu ngoại đề huề. Ông không đi bước nữa mà cứ tầm chương trích cú các bà, các em ở thể thao buổi sáng, dưỡng sinh buổi chiều. Lúc nào tầm không ra, ông dở thói la cà tán tỉnh cả mấy cháu bán hoa trong công viên, hay các góc khuất những con đường cộc. Đám con gái ông sượng sùng bởi nghe đủ chuyện đàm tiếu xóm giềng, chuyện lộ, lũ con rể ông đều lục lâm thảo khấu, người làm nghề xây dựng, người nghề điện nước, có đứa vô công chăn dắt khách ở bến xe. Chúng chụm đầu bàn với nhau và sau một đợt chữa ổn lượng đường trong máu trong bệnh viện, ông Thảng về nhà, không còn… ham gì nữa!
Rình rình.
Quầng bụi như cái thúng ùa vào trong nhà. Anh Phần vội đứng dậy kéo nhanh tấm cửa lùa.
- Đường với xá. Mới làm được nửa năm đã ổ trâu, ổ voi.
- Bác nói thế nào, con đường cắt mặt này, làm được hơn năm rồi. Mà xấu thật, chắc lại sắp bảo hành, bảo dưỡng.
- Chú không biết chứ tụi thầu đường quăng ra chỉ ba mấy phần trăm.
- Chỉ còn ba mấy phần trăm, thành đường?!
- Đúng là nhà thơ, hôm trước uống bia ở Dưỡng râu, cạnh bàn với cái gã cai thầu (Tôi chợt tưởng tượng, gã thầu tre trẻ ấy có phải là một trong nhưng gã mượn uống tách cà phê để ngắm bàn tay đẹp nuột là của chị Hòa, vợ anh Phần không!). Lúc chạm cốc, tôi hỏi: “Chú cho ra đường đến năm mươi phần trăm hay không mà giờ đoạn trước nhà anh cứ tở từng mảng nhựa. Chú biết thằng đó nói sao không? - Tôi nhìn chiếu vào anh Phần chờ câu trả lời - “Dạ, bác hơi bị hào phóng, em nói nhỏ, mình bác biết thôi nhé. Nếu đưa ra đường được bốn mươi phần trăm chúng em đã trở thành anh hùng”.
Tôi trố mắt, không thể tin vào tai mình. Từ miệng một ông nhạc công, miệng một gã cai thầu lúc trà dư tửu hậu thì không thể “láo” được.
Giời ơi là giời.
Ba mấy phần trăm kinh phí là thứ làm thật thì đường xá không hỏng, không lún nứt ngay sau nghiệm thu mới là chuyện lạ. Và tương tự như làm đường, việc xây nhà cao tầng, xây cầu chắc cũng vậy thôi… Khuôn mặt anh Phần bỗng sạm đi. Cầm ly trà đã nguội, tôi tợp một tợp, ực, không biết mình vừa uống gì.
- Này, chức Phó ban biên tập, ì ạch thế. Nhà thơ mà kém?
- Chỗ em, thơ văn là cái quái gì. Mà cũng tại em, mảnh thủy tinh.
- Thì vậy. Chắc lại thằng chó đá. Mình nói cậu rồi, cười với nó một cái, mềm lời với nó một tí.
- Vâng, nghe bác, đã mềm, xuống giọng, nhưng chẳng ăn thua. Ghế trống, người thì có mà nó có đề nghị cho em đâu. Cũng bởi năm ngoái em dọa đấm gẫy răng nó.
- Ối giời ơi. Đòi đấm gẫy răng cấp trên.
…Khi tôi viết những dòng này kể về câu chuyện nước chác hết ngày với ông bạn quý thì Gợn (Tôi thường gọi hắn là chó đá) đã là Chuyên viên 1, phụ trách trực tiếp Tờ tin chuyên ngành của tôi. Đời thường, Gợn văn dốt, võ dát. Chỉ lắm tiền. Mà người ta đồn, tiền Gợn nhiều như lá. Lá nhiều cỡ nào không biết, nhưng tôi biết Gợn dùng tiền chạy đủ thứ chức vụ từ trước tời giờ. Gợn giỏi giang, tài ba, nhiều thành tích trong kinh doanh thì chuyện đã đành, nhưng đằng này Gợn ăn không nên đọi, nói chẳng lên nhời. Tôi nhớ mãi, trong một cuộc họp do Gợn điều hành, chỉ chuyện ra quy định nghỉ đẻ của các kiểm định viên nữ thì viết giấy, gọi điện, hay nhắn tin mà Gợn chẳng quyết được, cứ như gà mắc tóc. Tôi căn đồng hồ đến hai mươi phút nhân viên, lãnh đạo đấu khẩu tay đôi mà chưa có giải pháp. Rồi hồi giữa năm, điều hành đơn vị tổng kết sáu tháng đầu năm. Mục giới thiệu đại biểu, có ba đồng chí lãnh đạo dự. Gợn tăng chức ông Bần từ Giám đốc công ty thành Phó tổng giám đốc, còn ông Tăng phó Tổng giám đốc, Gợn lại hạ xuống làm giám đốc. Hội trường yên phắc, rồi lao xao bao người bụm mồm cười. Công việc kinh doanh Gợn chỉ chú trọng những mảng thu lợi cho cá nhân chứ nhân viên dặt dẹo như ông Thức ngoài giờ phải đi bán nước trà thêm, cô Thủy, cô Tân buổi tối bê khay kẹo cao su, hạt hướng dương chạy, dí vào khách ở cung Văn hóa hay ở mấy rạp chiếu phim… Gợn chẳng động lòng. Không hiểu Gợn học, thi lúc nào mà có ngay tấm bằng Thạc sỹ... loại ưu, ở một trường có tiếng. Thật, chẳng còn hiểu ra làm sao nữa. Với tôi, Gợn biết, nếu phong Phó ban biên tập, tôi sẽ là người cản trở Gợn đầu tiên thực thi chuyện bỏ túi phần trăm thù lao cái đề tài thành lập trạm kiểm định Dốc Thượt, trong đó, có chuyện lãnh gọn chuyến thăm quan nước ngoài mươi hôm. Mà đi I-ta-li mới đau. Gợn không muốn tôi đi cùng, vì sợ kém vui. Nhớ một lần trong phòng chờ họp, chỉ có tôi và Gợn. Tôi cũng chẳng nhớ rõ nguyên nhân gì, câu chuyện ra sao, Gợn lên giọng rất là kẻ cả, dậy khôn, chạm đến tự ái nhà thơ. Tôi đã giơ nắm đấm “Lần này thôi nhé, lần sau, dù là… cũng đấm vỡ mồm”. Gợn cười méo xệch, mặt tái đi. Tôi biết, còn ở chung, ở dưới cái thằng “Lý mua” này con đường quan lộ của tôi còn lậm lụi, và giờ, khi năm tháng đang dần đến cái mốc cuối thì mờ mịt bời bời khi Gợn đang lù lù như thế. Câu chuyện tôi đem kể với anh Phần, anh buồn rầu buông câu “Phải xuống nước, cười với nó thì mới mong có tí lên lương, tí nhà tập thể công ty bán rẻ, không thì vợ con, quê hương chú sẽ kết luận chú một đời thất bại, dẫu chú có là nhà thơ”. “Cái anh này”. Tôi buồn rầu, đập tay vào anh một cái.
Chiếc xe Lexus sang trọng mầu cà phê nâu đỗ ngay trước cửa. Tôi và anh Phần không ngó ra cũng biết thằng bé Tổng giám đốc người Nhật đến đón con Ngần. Nhìn thấy tôi, thằng bé cao to, đẹp như tượng cứ cúi gập người xuống chào tới bốn lần. Con Ngần kéo Matowbit trong buồng, đi ra nhìn thấy tôi, nhoẻn miệng. Chết rồi, từ nẫy, con bé nghe hết những chuyện loăng quăng giữa mình và bố nó. Thằng bé người Nhật cầm chiếc va ly của con Ngần để lên cốp xe. Nó lại cúi người chào tôi và anh Phần, rồi mở cửa mời con Ngần vào xe.
Con Ngần đài các bước lên, khi yên vị còn cố nghển bố nó. Nó giơ một ngón tay để lên môi, rồi úp úp lòng bàn tay vào tai trái, rồi lại giang hai tay, bắt chéo vào nhau.
- Con bé nói gì đấy anh?
- Nó bảo là vào đến nơi sẽ điện thoại cho tôi. Còn, nếu uống bia, chỉ được một cốc. Và bước ra khỏi cửa phải cẩn thận.
- Con bé này, uống bia một cốc thì gọi gì là uống. Mà độ này, bọn trẻ ít nói, hay ra ám hiệu. Hay dặn dò người lớn thế không biết!
Tôi chợt nhớ thằng con rể, ở miền Nam, tháng trước ra chơi với tôi, lúc ở sân bay, trong nhà chờ, chào tôi, nó cũng làm động tác y như con Ngần nhà anh Phần!
(Nguồn: Văn nghệ số 1 – 2/2014)