Nghề đóng ghe thuyền truyền thống ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang
Từ những thế kỷ trước, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nghề đóng ghe thuyền truyền thống khá phát triển, không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa độc đáo của người dân.
Vào thế kỷ XVIII, J. Barrow (người Anh) trong một chuyến du hành đến Đà Nẵng, ông đã quan sát về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân nơi đây, để rồi trong tập du ký Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), ông đã ca tụng kỹ thuật đóng ghe thuyền của họ.
“Ngành kỹ nghệ đặc biệt mà ngày nay có thể nói là người xứ Nam Hà nổi trội hơn cả là kỹ thuật đóng tàu biển của họ: chẳng thiếu loại kích cỡ nào cũng như có đủ các loại chất lượng gỗ để đóng. Những du thuyền dùng mái chèo là những chiếc thuyền thật xinh đẹp.
Những chiếc thuyền này, chiều dài từ 50 đến 80 bộ (tức 15,2m - 24,4m), đôi khi được ghép bằng 5tấm ván gỗ nguyên bản, trải dài từ đầu đến cuối, các gờ lắp mộng, đóng khít bằng chốt gỗ, buộc chặt bằng các lạt tre xoắn, mà không cần đến những thanh tre chống hoặc những loại xà ngang nào, mũi thuyền và đuôi thuyền được nâng lên khá cao, chạm trổ cầu kỳ những hình thù rồng rắn kỳ dị, trang trí sơn thiếp”.
Nhiều thế kỷ trôi qua, đến nay, nghề đóng ghe thuyền truyền thống ở Đà Nẵng cũng bị mai một, thay vào đó là những công ty đóng tàu lớn với trang thiết bị hiện đại.
Ông Phạm Tám (sinh năm 1958, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) kể, trước đây ông là một trong những người thợ sống bằng nghề đóng ghe truyền thống, nhưng nay đã chuyển sang làm công nhân đóng tàu cho Công ty CP Kỹ thuật biển STECH.
Ông Tám cho biết, trước đây tổ tiên ông vốn ở làng Kim Bồng (thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), đây là một ngôi làng có nghề đóng ghe thuyền lâu đời. Ông được cha truyền dạy cho nghề đóng ghe, sau này lập gia đình rồi di cư ra quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) làm nghề.
Ông hành nghề đóng ghe thuyền truyền thống được hai chục năm thì chuyển qua làm cho công ty đóng tàu vì bây giờ máy móc hiện đại, ngư dân muốn đánh bắt xa bờ cần tàu lớn để an toàn và đánh bắt được nhiều hơn.
Ông cho biết, trước đây muốn đóng một chiếc ghe, thuyền truyền thống thì vật liệu phải là loại gỗ nhẹ, không thấm nước và bền như kiền kiền hoặc gụ, sến. Xưa kia nguồn gỗ này thường được khai thác ở những vùng núi như Hòa Vang (Đà Nẵng), Trà My, Hiên, Giằng (Quảng Nam) hoặc mua từ Quảng Trị.
Nhưng ngày nay, muốn có gỗ để đóng thuyền phải mua tận bên Lào. Trong Việt sử xứ Đàng Trong, giáo sư Phan Khoang cũng cho biết, người Đàng Trong ở thế kỷ XVI - XVII dùng gỗ huện (*), rất dài và to, bề rộng, bề dài đều gấp đôi gỗ khác, sắc đỏ, chất nhẹ, hoặc dùng gỗ gụ, gỗ sến... để đóng thuyền.
Kỹ thuật để đóng một chiếc thuyền truyền thống gồm 5 công đoạn như: lắp long cốt và lắp lô lái, lô mũi hình vuông (dày và rộng đều 15cm), ráp 8 lớp ván ngoài (be) vào khung thuyền. Khi lắp xong lớp ván thứ 3 thì phải đặt sườn ngang lên nhằm tăng độ kiên cố, sau đó mới lắp nốt các lớp ván ngoài và sườn ngang còn lại.
Tiếp đó là công đoạn lắp dầm ngang, sàn thuyền và xảm rồi sơn thuyền. Cuối cùng dùng đinh tre hoặc gỗ để cố định các điểm nối giữa các bộ phận. Kích thước của thuyền tùy vào khả năng tài chính và ngư trường đánh bắt mà ngư dân chọn đóng nhỏ hay lớn. Tuy nhiên, phần lớn thường có kích cỡ dài 7,8m, rộng 2,2m, cao 1,2m.
Sau khi thuyền đã đóng xong, ở hai bên mũi người ta thường vẽ hai con mắt dài, với ý nghĩa là con mắt đó soi rõ và dẫn thuyền đi đúng hướng, có khi ngư dân coi ghe như con người và gọi là Bà thuyền nên phải có mắt để nhìn đường.
Ngày xưa, mỗi khi người ta mời thợ đến vẽ mắt thuyền thì phải coi ngày và chuẩn bị lễ vật để cúng điểm nhãn cho thuyền. Mắt thuyền rộng khoảng 10cm và dài khoảng 50cm. Khi thuyền hoàn thiện thì tổ chức cúng lớn gọi là cúng hạ thủy. Ngày nay, tại vị trí vẽ mắt thuyền truyền thống thì tàu hiện đại sẽ ghi số hiệu.
Đóng một thuyền cỡ trung bình thì 3 thợ mộc làm trong 3 tuần với chi phí từ 20 - 25 triệu đồng. Nếu đóng một chiếc thuyền cỡ lớn thì phải 5 - 6 thợ làm cả tháng mới xong và chi phí cũng cao hơn. Thuyền khi hoàn thành có thể sử dụng trong khoảng 30 năm.
Cứ 6 tháng một lần, người ta cọ rửa, cạo sạch những vết bẩn, hàu, rong rêu dính phía dưới thuyền và tiến hành bảo dưỡng thuyền. Họ dùng mụn tre và dầu rái nhét vào những khe hở để chống thấm nước. Khoảng 2 năm một lần, thuyền được bảo dưỡng tổng thể bằng cách thay thế những tấm gỗ ván thuyền đã bị ăn mòn hoặc hư hỏng.
Không gian trong thuyền phân bố như sau: nhà bếp ở đầu thuyền, phòng thuyền viên chính và phòng kho ở giữa bao gồm khoang chứa nước, dầu, chứa đá lạnh và máy móc, thiết bị, không gian còn lại phần đuôi thuyền chia thành không gian của các thuyền viên.
Phương pháp nối các bộ phận của thân thuyền cũng là đinh gỗ. Khi xảm chống thấm nước thì dùng phân trâu bò và dầu rái... trộn thành hồ rồi trát lên, công đoạn xảm cũng giống như thuyền thúng. Kích cỡ của thuyền có chiều dài từ 7 - 12m, chiều rộng từ 2 - 3,5m, chiều cao từ 1 - 2m.
Có thể nói, Đà Nẵng là nơi có truyền thống đóng ghe, thuyền phục vụ cho nghề đi biển truyền thống. Từ xa xưa, ông cha đã tiếp thu truyền thống đóng ghe thuyền của Chămpa và tiến hành cải tiến để cho ra đời những loại ghe thuyền đáp ứng được khí hậu của vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Nghề đóng ghe thuyền của ngư dân Đà Nẵng đã một thời nổi tiếng trong khắp cả nước và trên thế giới.
Đ.T.T