Bấm chân qua tuổi dại khờ

08.01.2020

Bấm chân qua tuổi dại khờ

Những ngày cuối năm 2019, nhà thơ Cao Xuân Sơn bất ngờ ra mắt tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bởi lẽ, không tính những tập thơ dành cho thiếu nhi, cũng phải đến 20 năm, từ Chuông lá (NXB Thanh Niên, 1999), anh mới lại có một tập thơ cho độc giả trưởng thành. 
 
 
Vậy nên, khi tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ vừa đến tay người đọc, ngoài sự bất ngờ còn mang đến những điều thú vị. Một khi đã “qua tuổi dại khờ”, hẳn nhiên là lúc đó, ít nhiều trong ta cũng phần nào thấu triệt mọi lẽ buồn - vui, sướng - khổ, vinh - nhục… ở đời. Có lẽ vì vậy mà trong tập thơ này, Cao Xuân Sơn như đang tự trào với chính mình. Phàm ở đời, người ta chỉ ưa trưng trổ những điều đẹp đẽ của mình, còn những điều (có vẻ) xấu xa thì giấu biệt. “Tốt khoe xấu che”, mấy ai có đủ can đảm để trưng ra cái xấu của mình. Ấy vậy mà vẫn có. Thì đây, Cao Xuân Sơn thú nhận: Mỗi sớm mai thức giấc/lại thấy mình dở hơi. 
Vì “dở hơi” nên lúc ha ha khóc, khi cười hu hu. Sự “dở hơi” ấy tiếp tục được Cao Xuân Sơn “vạch áo cho người xem lưng”: Việc đời cong mấy cũng ngay/việc mình lại thích loay hoay cãi mình/thoắt hiền minh thoắt vô minh/cái “hâm” làm tội làm tình cái thân.
Rồi nữa: Vậy mà con thơ thẩn/hồn bốn phương tám trời/mặt mày thường nhao nhác/tóc tai thường lôi thôi. Người đọc có thể nhặt nhạnh ra rất nhiều câu thơ mang màu sắc tự trào đầy duyên dáng, mà có lẽ ít người làm được. Và vì vậy, sự tự trào đó của Cao Xuân Sơn, vẫn là “của hiếm” trong văn chương. 
Nhưng nếu chỉ như vậy, liệu có xứng với 20 năm chờ đợi của những người yêu thơ Cao Xuân Sơn? Trong tập thơ này, tác giả có nhiều bài thơ cảm động về mẹ. Phải chăng vì khi làm cha, khi có những đứa con để săn sóc thì người ta cũng thấu hiểu hơn nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ. Có điều, sự thấu hiểu đó cũng chỉ là một phần vì công ơn to lớn ấy, biển trời nào sánh được! Vậy nên, khi nghe anh bộc bạch điều ước nhỏ nhoi của mình, như một nỗ lực để có thể hiểu vọn vẹn tâm tình của mẹ, người đọc tránh sao lòng không khỏi rưng rưng: Điều ước nhỏ nhoi con ước ao hoài/lẻn được một lần vào giấc mơ của mẹ. 

Cũng trong Bấm chân qua tuổi dại khờ, người đọc còn bắt gặp trong đó thái độ dành cho thơ của Cao Xuân Sơn. Ở đó, thơ với anh như một cái nghiệp khó dứt: Xin đem mấy chục tuổi đầu/đặt mua vé vớt chuyến tàu ăn năn/ví còn mộng mị gió giăng/thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ! 

Quỳnh Yên
(sggp.org.vn)