Bác Hai Niệm - Nguyễn Kiên
Gặp hôm trời nắng, tôi từng được giúp bác dỡ sách, đem ra sân phơi, hết nắng lại cất vào, treo lên. Bác hai Niệm giảng giải cho tôi nghe về đức Khổng Tử cực kỳ thâm thuý, tiếc là tôi chưa đủ trí khôn để hiểu, tôi chỉ nhớ được câu này: “Chiếu trải không ngay không ngồi, thịt thái không vuông không ăn, ngài là bậc thánh!”.
Thoạt đầu tôi là đứa trẻ lạ, dần dần bọn trẻ con trong xóm cũng quen tôi. Nhưng chúng không dám vào nhà bác hai Niệm, không dám gọi thành tiếng, chỉ đứng thập thò ngoài cổng, vẫy tay ra hiệu rủ tôi đi chơi. Đêm trăng sáng, bọn tôi tụ họp ở đầu ngõ xóm. Nhưng cái ngõ xóm quá hẹp, lại khúc khuỷu gồ ghề, chơi trò gì cũng vướng víu. Giá được vào chơi trên sân gạch rộng thênh thang nhà bác hai Niệm thì sướng mê tơi. Bọn chúng gạ tôi: "Mày được ông Niệm yêu, mày thử về nói với ông ấy một câu, nói thật khéo vào, xem sao…”. Tôi chần chừ, lần lữa và rút cục, tôi cũng như bọn chúng, không dám mở miệng.
Bác Hai Niệm có người em gái lấy chồng Phủ Quốc, bên kia sông Đáy, người làng gọi theo con là cô ba Tèo. Không biết gia đình lục đục thế nào, cô ba Tèo dắt theo cái Tèo, bỏ nhà chồng, về nhà bác hai. Cô ba vừa khóc sụt sùi vừa giãi bầy tình cảnh, van xin ông anh thương xót, cho cô được bỏ chồng giải thoát đời mẹ con cô. Bác hai Niệm ngồi im phắc. Rồi bác nói chắc nịch: “Phận đàn bà, không thể thế được. Cô là em gái tôi, hẳn cô phải hiểu thế nào là tứ đức tam tòng…”. Cô ba hiểu nhưng cô cứ lỳ ra ở nhà ông anh. Bác hai Niệm cũng có chút động lòng, bác cố nén và vẫn khăng khăng: “Không thể được. Cô làm thế là trái đạo thánh hiền, nhơ nhuốc cho cô, nhơ nhuốc cả cho tôi!”. Bác cho cô ba nấn ná thêm vài ba hôm rồi nhất quyết bắt cô ba phải dắt cái Tèo về nhà chồng. Tình cảnh của cô ba Tèo ở nhà chồng ngày càng bi thảm. Khoảng nửa năm sau, cô ba héo hon dần, lâm bệnh rồi chết. Giỗ đầu cô ba xong, chồng cô tính chuyện nhẹ nhàng để lấy vợ mới, liền dắt cái Tèo sang sông, trả nó cho bác hai Niệm. Người em rể bác, thoắt cái thành người dưng, rành rành là quân bất nghĩa, bất nhân nhưng nhận ra thế thì đã muộn. Chỉ còn biết thương cái Tèo bơ vơ, côi cút. Cái Tèo bé như hạt thóc kẹ lại hay sài đẹn, lúc nào cũng buồn thiu. Vợ con bác hai Niệm bận việc đồng, bác ở nhà với cái Tèo, chăm bẵm, dỗ dành nó nhưng nó cứ khóc ời ời. Bác cũng muốn khóc lắm nhưng không thể khóc. Bác ngơ ngác thất thần, cứ ngửa mặt lên nhìn trời, tay nắm ngực áo giật giật và kêu lảm nhảm: “Tại tôi cả. Tại tôi cả. Tôi là đồ bỏ!”.
Chuyện trên đây tôi chỉ nghe người lớn kể lại. Nhưng một lần đến chơi rồi ở lại qua đêm ở nhà bác hai Niệm, chính tôi được chứng kiến cảnh tượng mà thiên hạ vẫn loan truyền. Ấy là một đêm giữa tháng, trăng giãi vàng trên vuông sân gạch rộng thênh. Bác hai Niệm bế cái Tèo ngồi đầu hiên. Nhưng cái Tèo cứ chuồi ra khỏi lòng bác, khóc ời ời. Nó khóc hết hơi, chuyển sang rên ư ử trong cổ họng. Bác hai Niệm ngửa mặt lên nhìn trời, tay nắm ngực áo giật giật và cũng rên rỉ theo: “Giời ơi, giời hãy trừng phạt tôi đi! Tôi là đổ bỏ!”. Cái Tèo đang ư ử trong cổ họng bỗng nín bặt. Nó nghển cổ nhìn ra phía cổng. Phía ấy, bọn trẻ con trong xóm đang thập thò, vẫy tay ra hiệu rủ tôi ra nhập bọn. Bác hai Niệm như hồi tỉnh lại, khẽ bảo tôi:
- Cháu ra rủ bọn trẻ vào cả trong sân này, cho cái Tèo nó chơi cùng với.
Chúng tôi chơi trò Rồng rắn đi đâu? Đi lấy thuốc cho con ông cả… Cái Tèo được đứng cuối hàng, làm khúc đuôi con rồng con rắn. Rồng rắn lượn vòng vèo, ông thầy lang cố đuổi bắt lấy khúc đuôi nhưng không sao bắt được. Cái Tèo thích quá, cười khanh khách…
Bác hai Niệm của tôi, chính vào lúc bác tự giận mình là đồ bỏ thì bác hai làm được điều hay, ít nhất là cho bọn trẻ con trong xóm cái điều mà chúng hằng mơ màng.
N.K